Chúng ta

Chủ tịch FPT trước giờ đi dự WEF: ‘Tự tin và an bình’

Thứ hai, 23/1/2012 | 10:11 GMT+7

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã hoàn tất việc chuẩn bị cho chuyến tham dự Đại hội thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ.

Anh chia sẻ với Chúng ta cảm xúc lần đầu tiên thực sự "ra biển lớn".

- Xin anh cho biết cảm xúc khi chuẩn bị lên đường tham dự Đại hội thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào đúng dịp Tết Nguyên đán?

- Rất tự tin và an bình, tuy nhiên, tôi cũng có đôi chút hồi hộp vì lần đầu tiên FPT tham dự WEF.

Tôi lên đường đúng vào ngày mùng Một và đến ngày mùng Tám mới trở về Việt Nam. Chuyến đi này rất quan trọng nên tiếc là năm nay không có cơ hội vui Tết Nhâm Thìn cùng gia đình và bạn bè.

Anh

Anh Bình sẽ lên đường đi dự WEF từ chiều mùng Một Tết Nhâm Thìn (23/1). Ảnh: Lương Trung.

Ban thư ký HĐQT, Ban Truyền thông (FCC) và Phòng Chiến lược (CSO) đã làm việc liên tục suốt 2 tháng nay để hoàn thành một lịch công tác rất chi tiết, tiếp xúc với hơn 30 đơn vị, cá nhân tại WEF. Hiện tại tất cả đều sẵn sàng.

 - Anh sẽ tham gia những chủ đề gì tại Đại hội này?

- Tôi sẽ có một số phát biểu chính trong một Work Group của những Thành viên mới và dự tính cũng sẽ có một số phỏng vấn riêng với các hãng truyền thông quốc tế.

FPT mong muốn giới thiệu với WEF về một đất nước Việt Nam trẻ trung, sôi động và vươn lên bằng con đường công nghệ. Bên cạnh đó, giáo dục cũng sẽ là chủ đề trọng tâm của tôi tại WEF lần này.

- FPT nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có những đóng góp như thế nào với những chủ đề anh tham gia?

Chính phủ Việt Nam mong muốn sẽ có 1 triệu kỹ sư CNTT, với ước muốn không chỉ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại, mà còn mang lại những đóng góp cho thế giới.

FPT cũng mong muốn mang các giải pháp công nghệ đang được sử dụng tại Việt Nam đến triển khai ở những nước đang phát triển trên thế giới.

FPT luôn cố gắng để xứng đáng với vị thế dẫn đầu của ngành CNTT quốc gia. Không chỉ với Diễn đàn này mà từ lâu nay, lãnh đạo FPT tham gia vào nhiều hoạt góp phần phát triển CNTT Việt Nam.

- Tại Davos, anh cũng gặp các thành viên của nhóm Guru. Lý do anh lại chọn gặp các vị đó?

 - Tôi được biết qua những thành viên Việt Nam trước đây từng tham dự Hội nghị thường niên Davos, có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới quan tâm đến Việt Nam. Đến với Hội nghị Davos lần này, tôi rất sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng những vấn đề bạn bè quốc tế quan tâm.

Tiêu chí của FPT là sẽ ưu tiên chọn các Guru của ngành CNTT, Công nghệ cao, Giáo dục, Tài chính và các lãnh đạo đến từ các quốc gia là đối tác tiềm năng của FPT như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nigeria và các quốc gia châu Phi.

 - Anh nhận định thế nào về cơ hội của FPT thông qua những cuộc gặp gỡ này?

- Davos là Hội nghị đỉnh cao, tại đó các cuộc gặp gỡ giữa những nhà lãnh đạo hàng đầu được sắp xếp và xử lý rất nhanh chóng, dựa trên cơ sở tin cậy và tuyệt đối tôn trọng. FPT mong muốn toàn cầu hóa bằng con đường công nghệ nên những cuộc gặp như thế này rất quan trọng đối với giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Đây là lần đầu tiên FPT thật sự ra biển lớn, chúng ta hiểu rằng sẽ còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. FPT đã lên kế hoạch làm việc trước và sau WEF, đây sẽ là một hoạt động có hệ thống và dài hơi chứ không phải chỉ tham gia Đại hội nhất thời. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, chi tiết trên một lộ trình chiến lược cụ thể, rõ ràng các mục tiêu, chắc chắn FPT sẽ gặt hái được rất nhiều thành quả từ WEF.

Tháng 11/2011, FPT đã trở thành một trong 1.000 thành viên sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới. Việc trở thành thành viên của WEF thể hiện tầm cao mới của thương hiệu FPT, góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Tham gia WEF, FPT được tiếp cận với các tổ chức, quốc gia điển hình trên thế giới; có cơ hội mở rộng thị trường, gặp gỡ các đối tác mới. Đây cũng là một bước tiến mới của FPT trong việc thực hiện chiến lược Toàn cầu hóa.

Từ ngày 23-29/1 (tức mùng 1-8 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình sẽ tham gia Đại hội thường niên Davos (Annual Meeting Davos 2012). Đây là sự kiện đầu tiên FPT xuất hiện tại WEF.

Đại hội này hằng năm có khoảng 2.500 đại biểu được mời tham dự từ 90 quốc gia, gồm các nguyên thủ quốc gia, nhà khoa học, học giả, các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức quốc tế.

Lâm Thao thực hiện

Ý kiến

()