Chúng ta

Chủ tịch FPT trao đổi với CEO Apple tại Davos

Thứ năm, 24/1/2019 | 11:02 GMT+7

Anh Trương Gia Bình có cuộc gặp với lãnh đạo ‘Táo khuyết’ Tim Cook nhân dịp dự Hội nghị WEF Davos ở Thụy Sĩ.

Chiều ngày 23/1, giờ địa phương (sáng 24/1, giờ Hà Nội), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các cuộc tiếp lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như Apple, Facebook, AB Inbev, Procter & Gamble, Adidas, , Sanofi, Carlsberg…

Tại buổi tiếp CEO Apple - Tim Cook, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tập đoàn về những thành công trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua và bày tỏ ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam. Thủ tướng mong muốn Apple tiếp tục đầu tư hiệu quả, minh bạch và lâu dài tại Việt Nam; là cầu nối cho doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Chia sẻ với CEO Tim Cook, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng FPT không chỉ là nhà phân phối (Synnex FPT) và bán lẻ (FPT Retail) xuất sắc các sản phẩm Apple tại Việt Nam mà các kỹ sư nhà F còn có thể phát triển các phần mềm, ứng dụng cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ‘Táo khuyết’ ở nhiều lĩnh vực.

fpt-apple-1-6602-1548300213.jpg

Chủ tịch FPT chia sẻ với CEO Apple. Ảnh: Thống Nhất.

Trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Facebook - Nick Clegg, Thủ tướng mong muốn Facebook tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin, phát triển kinh doanh qua các mạng xã hội. Trước một số vụ việc liên quan đến việc phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội, Thủ tướng đề nghị Facebook tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng quản trị và dịch vụ cho khách hàng của Facebook tại Việt Nam, nhất là cơ chế xác thực thông tin để tránh vấn đề giả mạo.

Cùng ngày, Chủ tịch FPT còn dự các cuộc gặp của Thủ tướng với tập đoàn bia lớn nhất thế giới AB Inbev; P&G; Adidas; Carlsberg; Sanofi…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự sự kiện thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ ngày 22-25/1 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” theo lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF Klaus Schwab.

Đoàn đại biểu Việt Nam có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, thành viên WEF, cùng đại diện các tập đoàn lớn gồm: Viettel, VinaCapital, VinGroup và Novaland tham gia đoàn.

Davos-7989-1548300213.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc điều hành WEF Olivier Schwab chủ trì buổi đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất.

Hội nghị thường niên lớn nhất của WEF năm nay quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ cùng đại diện các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo trẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 có mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.

Chương trình Hội nghị thường niên WEF 2019 sẽ gồm 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại. Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm và cải cách các thể chế.

Đặc biệt, buổi đối thoại về kinh tế Việt Nam được tổ chức ngày 23/1 tại khách sạn InterContinental, Davos. Chủ tịch FPT và các chiến tướng nhà F ở các thị trường trọng điểm (Nhật, Mỹ và châu Âu) sẽ tham gia cùng các đại biểu quốc tế.

Tháng 11/2011, FPT trở thành “thành viên sáng lập” WEF dành cho 1.000 doanh nghiệp xuất sắc trên toàn cầu, có vai trò kích thích sự phát triển nền kinh tế trong nước, đồng thời có khả năng phát triển mạnh ra quốc tế. Đều đặn suốt 7 năm qua, nhà F đều đặn lên vùng núi tuyết băng giá Davos tiếp tục hành trình “săn cá voi”.

Không chỉ trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào hệ giá trị kinh tế toàn cầu, Hội nghị WEF là cơ hội để người đứng đầu nhà F và các phó tướng có thể mở rộng mạng lưới, mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Bên lề WEF năm 2018, FPT đã có hàng loạt cuộc gặp song phương với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh, như HP, UPS, Allianz, SK Holdings.... Một trong các cuộc gặp có nhiều triển vọng là cuộc trao đổi về việc hợp tác trong mảng điện toán đám mây với Tổng Giám đốc HP Services, bà Ana Pinczuk - một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Silicon Valey, phụ trách 25.000 kỹ sư CNTT.

"WEF là diễn đàn có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp tham gia như FPT. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội hợp tác với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Sau WEF, FPT cũng đã có những hợp tác thực sự với những đại gia lớn trên thế giới", anh Bình khẳng định.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 được cho là sẽ thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

>> Trái ngọt từ Davos

Tân Phong

Ý kiến

()