Chia sẻ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam 2019, Giám đốc điều hành Sen Đỏ - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Sendo.vn - nhận định cuộc chơi của các sàn được đánh giá bằng việc ai có nhiều người dùng trong dài hạn để tạo nên lợi thế cạnh tranh là không thể đảo ngược. Theo đó, các sàn luôn hướng đến có thể mở rộng tập khách hàng càng nhiều càng tốt. Và việc chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng ngốn rất nhiều tiền vì vậy các nhà đầu tư sẵn sàng rót số vốn "khủng" để đưa đơn vị được đầu tư đến vị trí dẫn đầu.
"Chi phí rất lớn của các sàn, kể cả các nền tảng (platform), là để chuyển đổi hành vi người dùng, khuyến khích họ gia nhập nền tảng. Với lượng khách hàng lớn, các sàn thương mại điện tử có nhiều cách để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và sinh lời dựa trên những dịch vụ này”, anh Linh cho hay.
CEO Trần Hải Linh của sàn Sendo.vn. Ảnh: Tuệ An. |
Người điều hành Sen Đỏ dẫn chứng Uber/Grab/Go-Jek chi rất nhiều tiền để hút người dùng vào nền tảng của họ cho nhu cầu đi lại – mảng chính. Song song đó, họ có rất nhiều dịch vụ khác để sinh lợi. “Tương tự là các sàn thương mại điện tử. Việc khách hàng mua sắm tương tự dịch vụ cốt lõi giống như đi xe, bên cạnh đó có các dịch vụ gia tăng có thể sinh lời được, với Sendo.vn là quảng cáo".
CEO Trần Hải Linh cho hay, thương mại điện tử Việt Nam chiếm 3-4% tổng giá trị bán lẻ, trong khi tỉ lệ này ở các nước khác như Indonesia là gần 10% và Trung Quốc là 20%. Thực tế, dư địa để phát triển là rất cao. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và các sàn thương mại đang cố xây dựng những tập khách hàng lớn nhất có thể, trên tập khách hàng đấy, sẽ tạo ra nhiều những dịch vụ giá trị cho khách hàng để kiếm lời. “Và đây là một quá trình dài hơi, đến lúc nào quy mô đủ lớn sẽ mang lại lợi nhuận", anh Linh nhận định.
Trung thành với chính sách không thu phí người bán, kể cả trong tương lai; doanh thu chủ yếu của Sendo.vn đến từ quảng cáo. Theo đó, khi thu phí, chủ sàn áp đặt một mức chi phí hay mong muốn chủ quan của sàn đối với người bán hàng nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Và khi không thu phí, Sendo.vn luôn được các nhà bán hàng yêu thích vì mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo, bởi chi cho quảng cáo là quyết định chủ động từ nhà bán hàng. Mô hình kinh doanh quảng cáo rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, anh lý giải.
7 năm từ ngày ‘lên sóng’, chiến lược của Sendo.vn ngược so với các sàn ở Việt Nam. Các ‘ông lớn’ trong mảng này cạnh tranh khốc liệt để bảo vệ và giành chỗ đứng tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Sài Gòn, thì Sen Đỏ lại tập trung vào người dùng ở khu vực chưa phát triển, chiến lược vốn được biết là "lấy nông thôn vây thành thị". "Cơ sở để Sendo.vn bám vào là thay vì chạy theo các chương trình trợ giá, khuyến mãi, chúng tôi cố gắng tạo ra những giá trị thật đối với người dùng. Trong chặng đường phát triển, động cơ lớn nhất của Sendo.vn không phải là nhóm khách hàng có thu nhập cao, mà luôn luôn là tập khách hàng đại diện cho đa số người Việt Nam”, CEO Sen Đỏ trải lòng.
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh vì thế đời sống, mức thu nhập của người dân ở các tỉnh cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, mảng phân phối hàng hóa của kênh bán lẻ hiện đại ở các địa phương đang rất khác so với những khu vực trung tâm. Do vậy, khả năng tiếp cận được các dịch vụ, hàng hóa của người dân ở đây là rất hạn chế.
Với việc hướng đến khách hàng ở các địa phương, Sendo.vn không đặt nặng vấn đề thời gian giao hàng nhanh hay chậm mà quan tâm đến việc giảm chi phí vận chuyển xuống thấp nhất có thể, trong khi vẫn đảm bảo khách có thể nhận đúng hàng hoá.
CEO Sendo.vn cho biết, hiện lượng khách ở địa phương của Sendo chiếm khoảng 2/3 tổng người dùng của sàn. Nếu như ở thời điểm 2012-2013, 94% tổng nhà bán hàng của Sendo.vn đến từ Hà Nội và Sài Gòn thì nay lượng chủ shop ở ngoài hai thành phố lớn trên sàn đã tăng lên mức 35%. “Đó là dấu hiệu của thương mại điện tử Việt Nam rất phát triển, và lượng người mua ở mỗi tỉnh/thành đủ lớn sẽ phát sinh lượng nhà bán hàng ở chính địa phương đó”, anh Linh hào hứng.
>> 'Sendo.vn tìm đường lấn sân mảng giáo dục trực tuyến'
Sendo.vn ra mắt người dùng vào tháng 9/2012, được sáng lập bởi FPT. Năm 2014, Sen Đỏ đã thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản lớn như SBI, Digital Garage, Beenos, Beenext. Sendo.vn đã đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD GMV (tổng số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng) vào năm 2020. Khi được hỏi liệu đội có đang đi đúng hướng để đạt được điều đó không, anh Nguyễn Hải Linh trả lời Tech in Asia: “Chúng tôi thực sự đã làm điều đó sớm hơn nhiều”. Hiện tại, sàn thương mại điện tử Sen Đỏ có hơn 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán. Trong đó, doanh thu trong lĩnh vực thời trang chiếm tỷ trọng cao nhất với mức giá đa dạng từ 100.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm. |
Tân Phong
Ý kiến
()