Sáng 26/7, hội thảo chuyên đề về kinh tế số trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân đã diễn ra sôi nổi bởi nhiều ý kiến tranh luận giữa doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Đề cập đến việc doanh nghiệp viễn thông hiện phải đóng phí thương quyền và phí viễn thông công ích, TGĐ Bùi Quang Ngọc gọi tình trạng này là “một cổ hai tròng”. “Sau khi nộp các nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước, việc đóng góp công ích nên xuất phát từ tính tự nguyện của doanh nghiệp chứ đóng dựa theo % doanh thu là không hợp lý”, TGĐ FPT dẫn dắt và đề xuất bỏ phí viễn thông công ích. “Công ích thì Nhà nước nên chủ động làm, không nên quy định cho doanh nghiệp, không nên bắt doanh nghiệp tham gia”.
Đồng tình, Chủ tịch HĐQT CMC cũng cho hay, doanh nghiệp viễn thông đang phải đóng phí thương quyền (0,5%/doanh thu) và phí viễn thông công ích (1,5% doanh thu). Mức 2% sẽ là con số lớn đối với những doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập. “Hơn nữa, phí công ích có bản chất là chia sẻ lợi ích với cộng động, chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, không nên quy định thành một loại phí bắt buộc”, ông Chính nhấn mạnh.
Từ trái qua: Chủ tịch CMC - Cục phó Tin học hóa (Bộ TT&TT) và CEO FPT. |
Góp ý về đầu tư ứng dụng CNTT, theo TGĐ FPT, việc triển khai Nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách Nhà nước đến nay đã gặp nhiều bất cập, và hệ quả là khiến các chủ đầu tư buộc phải lách các quy định, hoặc xé nhỏ dự án ra để lách.
“Bất cập lớn nhất là Nghị định xuất phát từ đầu tư xây dựng cơ bản nên nhiều thuật ngữ trong Nghị định về bản vẽ hoàn công, chỉ huy thi công tại hiện trường, thiết kế thi công, giải phóng mặt bằng, công tác xây lắp… không phù hợp với lĩnh vực CNTT”, anh Ngọc nêu vấn đề. “Nếu không bỏ Nghị định 102, xây dựng một nghị định khác thay thế thì cực kỳ vướng cho doanh nghiệp”.
Đồng quan điểm, Chủ tịch CMC - ông Nguyễn Trung Chính, cũng cho rằng tinh thần là phải xây dựng một nghị định mới, chứ không thể “cơi nới, sửa chữa” bởi nghị định này có quá nhiều bất cập.
Làm rõ thêm quan điểm, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền. Đồng thời, còn có nhiều dự án hạn chế doanh nghiệp tư nhân tham gia. Các cơ quan cũng có việc trợ giá không lành mạnh cho các doanh nghiệp nhà nước. “Những hiện tượng này không có văn bản cụ thể mà chỉ dùng “chỉ thị miệng”", anh Ngọc thẳng thắn.
Trước những ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Cục phó Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, vấn đề hiện nay là chính sách có nhiều vướng mắc và thừa nhận Nghị định 102 còn có sạn. “Có thể là do nhiều yếu tố, do là lần đầu tiên có nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT”, ông Hạnh nói.
Viện dẫn Nghị quyết 36a của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử, ông Hạnh cho biết Văn phòng Chính phủ đã được giao phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 102 và tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến, đề xuất doanh nghiệp. “Nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào của doanh nghiệp”.
Dự kiến, cuối tháng 7, Diễn đàn Kinh tế tư nhân sẽ có buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các cơ quan bộ, ngành để bày tỏ kiến nghị và mong chờ giải pháo tháo gỡ khó khăn, trong đó, kinh tế số là một trong những nội dung quan trọng được các doanh nghiệp quan tâm.
>> FPT lãi 1.211 tỷ đồng trong 6 tháng
Nguyên Văn
Ý kiến
()