Chúng ta

Sẽ có 200.000 thuê bao FPT Telecom dùng IPv6 cuối năm 2015

Thứ năm, 23/7/2015 | 09:02 GMT+7

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của FPT Telecom, cho biết, số lượng người dùng cá nhân, hộ gia đình đang dùng dịch vụ trên nền tảng công nghệ hỗ trợ IPv6 của mạng này hiện có khoảng 90.000 và dự kiến tăng lên 200.000 vào cuối năm.

Trên thực tế, FPT Telecom đã tham gia vào các hoạt động về IPv6 do Bộ TT&TT, Trung tâm VNNIC chủ trì ngay từ thời gian đầu (năm 2012). Ban chỉ đạo triển khai IPv6 của doanh nghiệp này cũng được thành lập ngay từ tháng 8 cùng năm. Sau giai đoạn chuẩn bị (nghiên cứu công nghệ, thử nghiệm), kịch bản triển khai được xây dựng trong nửa đầu năm 2014 và đến nửa cuối năm thì chính thức được kích hoạt trên hệ thống.

20150721170200-fpt-ipv6-4259-1437550272.

Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia làm việc với FPT Telecom sáng 21/7.

Theo kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng trong việc triển khai IPv6 dựa trên Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, FPT Telecom đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu đặt ra ở tất cả các nhóm mục tiêu: nhân lực, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ ISP, hệ thống quản lý/ giám sát, ứng dụng nội bộ....

Mạng này cũng đã thực hiện kết nối IPv6 với hàng loạt đối tác nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ IPv6 như Google, Yahoo, Microsoft... Riêng đối với báo điện tử VNExpress, việc chuyển đổi sang IPv6 "cần nhiều thời gian, không thể chuyển ngay trong năm nay", FPT Telecom cho biết. Hiện tại, FPT Telecom đang phối hợp chặt chẽ với FPT Online để chuyển đổi sang IPv6 và nếu không có gì thay đổi, VNExpress sẽ chuyển đổi sang dùng IPv6 từ năm 2016.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng đang gặp phải một số khó khăn như thiết bị cũ không hỗ trợ, các dịch vụ nội dung trong nước hỗ trợ IPv6 chưa nhiều... Mặc dù vậy, FPT Telecom vẫn đặt mục tiêu đạt nửa triệu thuê bao sử dụng IPv6 vào năm 2016. Bên cạnh đó, FPT Telecom cũng kiến nghị số lượng địa chỉ IPv4 dự phòng chỉ còn khoảng 15%, không đủ để sử dụng cho đến khi IPv6 thực sự phổ cập. "Ipv6 vẫn là tương lai xa nên rất mong Bộ TT&TT hỗ trợ thêm địa chỉ IPv6".

Đánh giá cao kế hoạch chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 của FPT Telecom, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận định đây là một trong những đơn vị đi đầu và kết quả đạt được rất cụ thể, đặc biệt là về mạng lưới, mạng lõi, thiết bị đầu cuối... Tất nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định như cần phải đồng bộ hóa về nội dung, cũng như phụ thuộc dịch vụ, thiết bị đầu cuối, song sự tích cực của doanh nghiệp là không thể phủ nhận.

Liên quan đến kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông, trước hết là trong khối cơ quan nhà nước để các ngành như thuế phải nắm được đại cương, tiếp đến là cộng đồng doanh nghiệp Viễn thông - CNTT vào cuộc và qua hệ thống báo chí.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng hệ thống quy chuẩn - tiêu chuẩn để các ISP thực hiện theo. Bộ sẽ sớm xây dựng, công bố và hướng dẫn doanh nghiệp đối với vấn đề này, nhất là liên quan đến việc mua sắm thiết bị đầu cuối. Ngoài ra, cũng cần sớm xây dựng lộ trình để các thiết bị sản xuất ra, nhập khẩu về phải hỗ trợ IPv6....Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi thì nhà mạng vẫn cần xác định, đảm bảo hạ tầng chất lượng là mối quan tâm hàng đầu của mình, chưa cần quan tâm nhiều đến nội dung, ứng dụng hỗ trợ IPv6, Thứ trưởng lưu ý.

Theo kế hoạch, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia sẽ tiếp tục làm việc cùng các đơn vị như CMC, báo VietNamNet, báo VnExpress và Tổng công ty MobiFone trong cuối tháng 7 này để đánh giá, rà soát hiện trạng chuyển đổi IPv6. Trước đó, Ban công tác đã tiến hành kiểm tra tại Viettel và VNPT.

>> Dịch vụ của FPT Telecom lan tỏa khắp cộng đồng

VietNamNet

Ý kiến

()