Để có nhân sự lập trình dùng được, nhiều công ty bắt buộc phải săn người từ các trường đại học và đào tạo. |
Trong một lần phát biểu với báo giới, ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc chương trình Fast Track SE (Đại học FPT), cho biết, ngành công nghiệp phần mềm cần lực lượng lao động rất lớn, chỉ tính riêng năm 2018, các doanh nghiệp thiếu tới 70.000 lập trình viên.
Dù hàng năm các trường đại học cung cấp cho thị trường nhân lực một số lượng rất lớn lập trình viên nhưng trên thực tế không phải sinh viên nào khi ra trường cũng có thể làm lập trình được do quá trình đào tạo quá thiên về bác học mà chưa đi vào thực tiễn của cuộc sống.
“Để tuyển được một lập trình viên biết nghề, có thể làm được việc hiện nay là cực kỳ khó, các công ty phần mềm Việt Nam đang phải giành giật nguồn nhân lực của nhau. Công ty phần mềm FPT mỗi năm mất khoảng 2.000-3.000 lập trình viên vào tay công ty khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ”, ông Kiên chia sẻ.
FPT không chỉ mất người cho các công ty Việt mà còn cho đối tác của họ. Hàng năm, FPT có không ít dự án hợp tác gia công với các công ty Nhật, khi chạy dự án, họ thường cử một vài nhân viên của mình qua Nhật để phối hợp thực hiện với khách hàng và không ít lần họ mất người vào tay khách hàng.
Trong những trường hợp khách hàng ngỏ lời, ít khi FPT có thể giữ được nhân sự, vì dù họ không muốn ‘nhả’ người, nhân sự đó cũng xin nghỉ để hoàn thành giấc mơ của mình: kiếm được nhiều tiền và làm việc trong môi trường nhiều thách thức hơn.
Do việc tuyển lập trình viên và các vị trí trung, cao cấp (quản lý dự án, kiến trúc hệ thống) quá khó, nên gần đây một số doanh nghiệp tại TP HCM đã thuê công ty gia công của Ấn Độ thực hiện các dự án phần mềm.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Quân Bảo, quản lý trong công ty Younet – doanh nghiệp hàng đầu trong mảng SocialTech tại Việt Nam, cho biết: “Không chỉ các startup mà còn công ty lớn cũng gặp rất nhiều thách thức trong việc tuyển nhân sự chất lượng trong lĩnh vực lập trình. Tôi thấy nhiều lãnh đạo công ty lớn cũng thường xuyên rên rỉ vì không tuyển đủ người làm việc dù lực lượng này ở ngoài kia rất nhiều nhưng chẳng hiểu sao tuyển hoài vẫn thấy thiếu”.
Một trong những hệ lụy tiếp theo của việc khan hiếm nguồn nhân lực tốt chính là lương của lập trình Việt hiện cao hơn năng lực thực sự. Lý giải thực trạng này theo bà Nguyễn Phương Mai – CEO Navigos Search do quá cần người, các công ty sẵn sàng trả lương cao để thu hút ứng viên về doanh nghiệp mình, vô hình chung tạo ra “bong bóng IT” trên thị trường, dẫn đến việc trình độ của ứng viên chưa tương xứng với mức lương đề ra.
Nhiều công ty ở nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng và tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam - như ngày xưa họ đã làm ở Trung Quốc, Ấn Độ, đã góp phần đẩy giá thị trường lập trình lên cao, ví dụ văn phòng Grab ở Việt Nam có 200 kỹ sư lập trình.
Do đó, các công ty nhỏ hiện đang có xu hướng lấy nguồn ứng viên từ ngay trong trường đại học. Họ thu hút những ứng viên có tố chất và xây dựng chương trình đào tạo, phát triển và giữ chân những ứng viên này với doanh nghiệp.
Minh chứng rõ nét cho những nhận định của bà Nguyễn Phương Mai là trường hợp của startup Haravan. Ông Huỳnh Lâm Hồ - CEO của start-up Haravan từng chia sẻ trong một sự kiện cách đây chưa lâu: bây giờ, để tìm nhân sự giỏi về công nghệ đang vô cùng khó, các nhân sự chất lượng cao của Việt Nam đang bị hút về phía Singapore và Indonesia.
Theo đó, Haravan buộc phải thay đổi chiến lược về nguồn nhân lực: họ xây dựng bộ khung công nghệ gồm vài người chủ lực sau đó đào tạo từ từ, bắt đầu với sinh viên các trường đại học uy tín. Để cạnh tranh, bây giờ Haravan còn “săn người” từ những sinh viên năm 2 và 3. Trước đây, Haravan không có ý định nuôi dưỡng nhân tài ngay từ ghế nhà trường, nhưng sau vài lần bị mất người liên tục, họ đành chọn giải pháp trên.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khôi – CEO của Wefit, startup trong lĩnh vực công nghệ và rất am hiểu về giới lập trình Việt Nam cho rằng, những người giỏi và được đào tạo chuyên nghiệp ở Việt Nam thường có xu hướng thích làm việc ở nước ngoài như ở Mỹ, Singapore nhiều hơn.
Các lập trình viên giỏi thường hướng đến 2 mục tiêu cơ bản: lương và các bài toán khó. Cùng một vị trí và công việc, một công ty Singapore có thể trả cao hơn gấp 4 - 5 lần so với Việt Nam. Ở Việt Nam, không nhiều bài toán khó đến mức đó, chúng ta chưa có những công ty hoặc viện nghiên cứu những công nghệ chuyên sâu và công nghệ cao về Blockchain hay Big data. Ở Mỹ, các lập trình viên sẽ có nhiều đất để phô diễn tài năng của mình.
“Những người giỏi còn lại ở Việt Nam đã có chỗ tương đối ổn định tại các ông lớn’ Việt Nam và FDI, mời được những con người đó rất khó. Hiện tại, ở Việt Nam, những bạn lập trình được rất nhiều nhưng đạt chất lượng cao thì lại rất ít, muốn tuyển những lập trình chất lượng đó, tôi thường phải qua nhiều vòng giới thiệu, nhiều lần tìm gặp và tiếp xúc”, ông Khôi cho biết.
Tuy nhiên, với những công ty nhỏ, không phải là không có cách lôi kéo được người tài. Mời họ về với tư cách là một đồng sáng lập, chứ không phải lập trình viên bình thường và sau đó phải chia cổ phần cho họ, cũng là một một hướng giải quyết. Cách nữa để có nhân sự tốt sử dụng là lấy những bạn sinh viên mới ra trường sau đó dày công đào tạo lại họ, như Haravan và Wefit đang làm.
Trong một vài năm tới, ông Khôi tin rằng, lượng kỹ sư trẻ bổ sung sẽ có chất lượng đạt đến yêu cầu nhà tuyển dụng và với việc các công ty Việt Nam phát triển ra nước ngoài, sẽ tăng độ cạnh tranh và nâng cao chất lượng nhân sự trong ngành lập trình hơn. Lúc đó, chắc chắn những start-up công nghệ như Wefit sẽ không phải luôn đau đầu vì vấn đề nhân sự.
>> 'FPT Telecom không tuyển người giỏi nhất, chỉ tuyển người phù hợp'
TheLeader
Ý kiến
()