Bàn về CNTT và quản trị thông minh, chương trình năm nay tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT.
Theo anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, Việt Nam sẽ thiếu gần 500.000 nhân lực làm CNTT trong vòng 6 - 7 năm tới. Nếu không có hướng giải quyết cho hiện trạng thiếu hụt nhân lực thì rất nhiều cơ hội việc làm sẽ không đến với Việt Nam mà đến với các dân tộc khác trên thế giới. Ảnh: S.T. |
Chủ tịch Vinasa kiêm Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đánh giá: "Vấn đề đổi mới hệ thống quản trị có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của mỗi tổ chức, doanh nghiệp và mỗi quốc gia, dân tộc. Sự bùng nổ của CNTT với xu hướng công nghệ SMAC và IoT (Internet of Things) đem đến những cơ hội phát triển đột phá, đồng thời cho phép sáng tạo các giải pháp tối ưu để quản trị và giải quyết những thách thức của thời đại đang đặt ra với mọi quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức".
Trong phiên khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu. Sự kiện cũng đón tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của Nhật. Vietnam ICT Summit 2015 còn có sự tham gia của trên 500 đại biểu, với khoảng 2/3 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, tập đoàn, đơn vị ứng dụng CNTT và 1/3 là lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển giải pháp CNTT.
Được tổ chức thường niên từ năm 2011, Vietnam ICT Summit là diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác kinh doanh quan trọng của ngành CNTT Việt Nam. Tại Vietnam ICT Summit 2013, Thủ tướng khẳng định CNTT là nền tảng phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển, tiến cùng thời đại.
Tiểu Thanh
Ý kiến
()