Đó là kết quả của thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP Hệ thống Thông tin FPT (FIS) và Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) được ký ngày 27/5. Theo đó, FIS đầu tư về nguồn lực, thiết bị, hướng dẫn và chuyển giao dịch vụ cho FPT Telecom. Còn FPT Telecom đầu tư về đường truyền và đưa dịch vụ thử nghiệm tới các khách hàng được lựa chọn.
Anh Đường Tất Toàn, Quản trị dự án Điện toán đám mây FIS, cho biết, FIS có kinh nghiệm tích hợp hệ thống, am hiểu công nghệ từ hạ tầng, phần cứng, phần mềm thuận lợi xây dựng nền tảng điện toán đám mây, phát triển các phần mềm ứng dụng có đặc thù nghiệp vụ cho khách hàng Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau.
Trong khi đó, FPT Telecom có hạ tầng Internet, đường truyền và các trung tâm dữ liệu ở Hà Nội và TP HCM để cung cấp dịch vụ. FPT Telecom cũng có sẵn lực lượng kinh doanh trong thị trường đại chúng với lượng khách hàng đông đảo. Những dịch vụ mà đơn vị này đang kinh doanh, nhất là dịch vụ hosting, rất gần với điện toán đám mây.
"Việc hợp tác này sẽ tận dụng được lợi thế và kinh nghiệm của mỗi bên, giúp giảm chi phí chung trong quá trình thử nghiệm, đánh giá thị trường và đưa ra dịch vụ", anh Toàn nói.
Trước mắt, việc phối hợp thử nghiệm giữa hai đơn vị là nhằm đánh giá thị trường trên cơ sở mô hình điện toán mới với một số dịch vụ ban đầu.
Hai bên đang thảo luận để định nghĩa các gói dịch vụ thí điểm, dự kiến bao gồm dịch vụ hạ tầng (IaaS) cùng một số dịch vụ hỗ trợ cộng tác trong doanh nghiệp trên nền công nghệ của Microsoft như Exchange Online, SharePoint Online, Lync Online...
Quá trình thử nghiệm trên sẽ giúp FIS và FPT Telecom đánh giá cụ thể hơn về nhu cầu khách hàng, mô hình vận hành và kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây, cũng như mô hình hợp tác giữa hai bộ phận.
Chị Vũ Thị Huyền, Trưởng phòng Dịch vụ dữ liệu trực tuyến, FPT Telecom, nhận xét, việc thử nghiệm dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng doanh nghiệp thành công sẽ mang lại lợi ích cho cả ba bên, gồm FIS, FPT Telecom và khách hàng.
"Người dùng sẽ truy nhập vào các máy chủ ảo (đám mây) để sử dụng các phần mềm dịch vụ trên Internet, thay vì phải mất công mua, cài đặt trong máy tính gia đình hoặc văn phòng mỗi khi họ cần. Khách hàng của FPT Telecom sẽ được sử dụng và tiếp cận nhanh chóng đến công nghệ điện toán đám mây của Microsoft.
Ứng dụng công nghệ này, khách hàng có thể truy cập Internet làm việc, trao đổi công việc qua các thiết bị di động như smartphone hoặc laptop; hỗ trợ văn phòng làm việc di động với tốc độ truy cập nhanh chóng ở mức giá rẻ và nhiều tiện ích hơn", chị Huyền cho biết.
"Việc thử nghiệm này cũng giúp cả FIS và FPT Telecom nhìn rõ hơn hướng kinh doanh mới như một phần trong chiến lược OneFPT. Đó là điện toán đám mây đem lại giá trị tương hỗ cho chương trình băng thông rộng (broadband) chung của FPT", anh Toàn tin tưởng.
Dự kiến sau thử nghiệm, nếu kết quả khả quan, cuối năm nay FIS và FPT Telecom sẽ cung cấp chính thức dịch vụ trên thị trường.
Trước đó, FIS và FPT Telecom từng hợp tác trong việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị này tới khách hàng của đơn vị kia. FPT Telecom cũng đang "synergy" với TienPhongBank chương trình "Tiết kiệm thông minh - Lướt web thỏa thích".
Lâm Thao
Dịch vụ Điện toán đám mây FIS và FPT Telecom cung cấp:
Các doanh nghiệp đang dùng dịch vụ share hosting, e-mail hosting, server hosting của FPT Telecom sẽ được sử dụng các ứng dụng của Office-365:
- Exchange Online cung cấp dịch vụ e-mail trên cloud, calendar, các danh bạ... tất cả đều được truy cập thông qua Internet bằng thiết bị di động smartphone hoặc laptop.
- Office SharePoint Online cho phép người dùng cộng tác với các tính năng mạng xã hội thông qua Internet. Office Web Apps được tích hợp, cho phép người dùng soạn thảo online các tài liệu Microsoft Office (Word, Excel, PowerPoint...).
- Lync Online cung cấp tin nhắn tức thời, hội nghị trực tuyến, audio và video hội nghị và cũng thông qua Internet.
Ý kiến
()Hãy là người đầu tiên
bình luận