Chúng ta

Windows 8 chỉ là khởi đầu khó khăn của Microsoft

Thứ sáu, 24/5/2013 | 09:27 GMT+7

Phân tích sự thất bại của những đế chế hùng mạnh luôn là một công việc thú vị. Và càng thú vị hơn khi quan sát những nỗ lực để thoát khỏi sự sa sút ấy.
> 9 điều Microsoft làm đúng

Theo Economist, Microsoft cho biết họ đang xem xét lại những “khía cạnh quan trọng” của hệ điều hành mới, Windows 8. Nhưng ngay sau đó, Windows 8 đã bắt đầu rơi vào tình trạng hoang mang, bối rối. Một nhân viên kinh doanh cấp cao đã nhấn mạnh rằng “khách hàng hoàn toàn hài lòng với sản phẩm mới”, trong khi cũng thừa nhận rằng “khách hàng đang vò đầu bứt tai trong việc tìm hiểu và ứng dụng những tính năng mới”.

Công ty đang cố gắng đảo ngược tình hình. Đến nay, Windows 8 được xem là nỗ lực lớn nhất của Microsoft để lấy lại vị trí sản phẩm chủ lực trong một thế giới mới của các thiết bị màn hình cảm ứng. Sự ra đi của nút “Start”, kiểm soát quyền truy cập vào menu máy tính kể từ năm 1995 và thay vào đó là một màn hình Start mới đa sắc màu với các hộp ứng dụng sẽ đáp ứng yêu cầu khi chạm vào.

d

Windows 8 được xem là nỗ lực lớn nhất của Microsoft để lấy lại vị trí sản phẩm chủ lực trong một thế giới mới của các thiết bị màn hình cảm ứng. Ảnh: Internet.

Steve Ballmer, CEO của Microsoft, mô tả sự ra đời của sản phẩm như “một món cược lớn của công ty”. Tuy vậy, sự thật lại cho thấy sự đặt cược này không phải là một hành động khôn ngoan khi ứng dụng cho phép người dùng đưa nút Start quen thuộc quay trở lại, lại chính là sản phẩm bán chạy nhất của Windows 8.

Vậy ý nghĩa đằng sau sự quay ngược này của Microsoft là gì? Đây là một sự chuyển động nhạy bén hay là một sự sỉ nhục? Tờ Financial Times mô tả nó như “một trong những lời thú nhận xuất chúng về sự thất bại của một sản phẩm tiêu dùng đại chúng mới kể từ sau sự thất bại của New Coke của Coca Cola gần 30 năm về trước.”

Các nhà phân tích suy đoán rằng, đây là khởi đầu của sự kết thúc đối với ông Ballmer, người đã điều hành công ty kể từ khi Bill Gates rút lui vào năm 2000. Một nhóm khác thì lại cho rằng tất cả vấn đề trên chỉ là sự thổi phồng, những gì Microsoft đang làm chỉ là những công việc hằng ngày của ngành kinh doanh máy tính - khắc phục những sự cố kỹ thuật nhỏ trong một hệ điều hành vô cùng phức tạp và sau đó tung ra một sản phẩm tốt hơn. Thực tế luôn tồn tại nhiều sắc thái: Vấn đề của Microsoft trong thời gian ngắn không quá nghiêm trọng như các nhà phê bình tưởng tượng, nhưng về lâu về dài, nó quả thật là một vấn đề lớn.

Việc Microsoft thừa nhận vấn đề của mình rất đáng được khen ngợi. Rất ít doanh nghiệp lớn dám thừa nhận sai sót của mình. (Điều này giải thích vì sao chỉ còn duy nhất một doanh nghiệp trong danh sách đầu tiên của chỉ số công nghiệp Dow Jones được lập vào năm 1896: General Electric).

Các ví dụ có thể dễ dàng liệt kê: Henry Ford đã rất dị ứng với những bằng chứng cho thấy nước Mỹ đã hết tình yêu với Model T đến nỗi ông đã bác bỏ những số liệu thống kê được cho là giả tạo ấy và sa thải người nhân viên đã cảnh báo ông về sự thất bại. Sears bắt đầu xây dựng trụ sở chính khổng lồ của mình, tòa tháp Sears với 101 tầng, ngay trong năm 1970, khi sự thịnh vượng có sự dịch chyển về miền nam. IBM cho phép Microsoft tiếp nhận mảng kinh doanh phần mềm hệ điều hành vì họ nghĩ dòng tiền chỉ tập trung ở mảng phần cứng. Nokia chấp nhận một ông chủ không đạt chuẩn, Olli-Pekka Kallasvuo, điều hành doanh nghiệp suốt bốn năm, trước khi tìm cách thoát khỏi ông ấy.

Ngược lại, Microsoft đang làm việc hết mình với phiên bản mới “Windows Blue” trong nỗ lực khắc phục những khiếu nại của người tiêu dùng.

d

Steve Ballmer đang gặp khó khăn với Windows 8. Ảnh: Internet.

“Sự thất bại” với Microsoft mang một ý nghĩa hoàn toàn khác so với các công ty khác. Hơn 90% máy tính trên toàn thế giới đang chạy một phiên bản của Windows. Khoảng 76 triệu chiếc PC được xuất đi trong 3 tháng đầu năm nay. Microsoft đã bán được 100 triệu bản Windows 8, điều này có nghĩa sản lượng hàng bán ra tương đương với Windows 7 trong cùng một chu trình. Doanh thu của công ty đã tăng gần gấp ba dưới thời ông Ballmer, từ 25,3 tỷ USD trong năm 2001 lên 73,7 tỷ USD trong năm 2012. Điều này cho thấy rằng ông sẽ không rời khỏi vị trí của mình trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, thành công của Microsoft lại là nguyên nhân của các vấn đề trong dài hạn. Trong cuốn sách “The Innovator’s Dilemma” (tạm dịch: Tình thế lưỡng nan của nhà cải cách), Clayton Christensen từ Trường Kinh doanh Harvard cho biết, các công ty thường sụp đổ không phải từ sự thất bại mà chính từ những thành công. Họ có thể nhận thấy được thế giới đang thay đổi hằng ngày. Nhưng họ chỉ giỏi khi thực hiện những công việc họ vẫn thường xuyên thực hiện, sản xuất siêu máy tính trong trường hợp của IBM là một ví dụ về việc để vuột mất những cơ hội mới.

Microsoft biết rất rõ về tình trạng trì trệ của thị trường máy tính khi người dùng dần chuyển sang các thiết bị cầm tay. Doanh số bán hàng PC đã bị thu hẹp trong bốn quý vừa qua, và đã thấp hơn 13,9% trong quý một năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng bản quyền phần mềm Windows vẫn đem lại 50% tổng lợi nhuận của nhà khổng lồ. Vị trí chi phối của công ty trong hệ điều hành cũng đồng nghĩa với sự chậm chạp trong việc xâm nhập vào thị trường tìm kiếm trên Internet vào những năm 1990. Và sự chậm chạp này một lần nữa lại tái hiện trong việc xâm nhập thị trường các thiết bị cầm tay.

Windows nắm dưới 5% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, so với 70% của Android (Google), 20% của iOS (Apple). Tương tự, Microsoft nắm dưới 8% thị trường máy tính bảng. Chừng nào Microsoft vẫn còn ở vị trí dự bị, chừng đó công ty vẫn còn khó khăn trong việc thu hút các lập trình viên hạng nhất cũng như thiết lập lòng trung thành của khách hàng.

New Coke có thể sửa chữa một cách dễ dàng

Đây là lý do vì sao hiệu suất kém của Windows 8 lại là vấn đề gây tranh cãi. Đây là các nỗ lực để thoát khỏi những lối mòn trong sự sáng tạo bằng cách tạo ra một hệ điều hành và giao diện sử dụng được cho cả máy tính và điện thoại di động.

Ông Ballmer hy vọng rằng người người tiêu dùng luôn muốn sự dịch chuyển dễ dàng từ máy tính sang máy tính bảng và điện thoại thông minh; và Microsoft sẽ có thể xâm nhập vào thị trường điện thoại di động trong khi đồng thời nhóm lại nhu cầu đối với sản phẩm cốt lõi của mình. Nhưng cho đến nay, điều ngược lại đã xảy ra: Microsoft đã củng cố sự nghi ngờ rằng hãng không thông hiểu các thiết bị cầm tay trong khi đồng thời xa lánh đối tượng tiêu dùng chính của mình.

d

Sau thất bại của New Coke, Coca Cola vẫn thành công khi quay về với hương vị truyền thống. Ảnh: Internet.

Có thể Microsoft sẽ giải quyết được vấn đề của mình bằng những phiên bản cải tiến cho Windows 8 trong tương lai. Nhưng các chuyên gia cho rằng hai loại thiết bị cần hai loại hệ điều hành khác nhau. Minh chứng rõ ràng là đối thủ lớn nhất của Microsoft, Apple, đã duy trì hai thiết bị riêng biệt. Đó có thể là tín hiệu xấu cho chiến lược của ông Ballmer.

Sự so sánh vấn đề của Microsoft với New Coke có thể bị xem là một sự so sánh khập khiễng. Không có gì buộc Coca Cola phải giới thiệu sản phẩm mới New Coke khi lưỡi và cổ họng không thay đổi nhiều. Và tất cả những gì công ty phải làm để khắc phục sai lầm của mình là quay lại phiên bản cũ. Các công ty công nghệ thì ngược lại, họ buộc phải đổi mới để tồn tại. Khôi phục lại nút Start sẽ không giúp Microsoft khôi phục lại vinh quang trước đây của mình.

Ngành hàng thực phẩm có thể quay lại hương vị cũ nhưng các hãng công nghệ chỉ còn cách là tiến lên.

Nghệ Nguyễn

Ý kiến

()