Chúng ta

Bill Gates đặt niềm tin vào máy tính bảng Surface

Thứ ba, 29/1/2013 | 10:41 GMT+7

Tỷ phú Bill Gates, Chủ tịch tập đoàn Microsoft, đã đưa ra những nhận định khả quan về hệ điều hành Windows 8 và máy tính bảng Surface.

Ý kiến được đưa ra trong cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi hãng CNBC và Fox Business News bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, diễn ra từ 23 đến 27/1.
 
Mặc dù tình hình kinh doanh máy tính cá nhân (PC) trên thế giới có phần ảm đạm, nhánh Windows của Microsoft vẫn ghi nhận doanh thu 5,88 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước nhờ có sự ra mắt của Windows 8 và máy tính bảng Surface.

Windows 8

Windows 8 và Surface đã đem lại 3,3 tỷ USD lợi nhuận cho Microsoft.

Lợi nhuận của bộ phận này đạt mức 3,3 tỷ USD, tăng 14% so với quý II năm 2012. Microsoft cho biết, công ty đã bán được hơn 60 triệu bản quyền Windows 8. Đây là tín hiệu khả quan đối với hãng khổng lồ công nghệ này.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng CNBC, khi được hỏi về phương hướng phát triển và những lĩnh vực Microsoft sẽ đầu tư mạnh trong thời gian tới, Bill Gates nhấn mạnh Windows và Office là hai tài sản quan trọng của Microsoft.

Bill Gates cho rằng toàn ngành Công nghệ thông tin (CNTT) đang có mức tăng trưởng nhanh và không có dấu hiệu chững lại trong tương lai tới. Do đó, Microsoft có rất nhiều cơ hội để phát triển và dẫn đầu trên những lĩnh vực quan trọng và xu thế CNTT mới trên thế giới.

Ở mảng Office, Bill Gates chia sẻ ông đã đóng góp khá nhiều về định hướng sắp tới. Microsoft sẽ giúp người dùng soạn thông tin và chia sẻ một cách tương tác hơn, giúp người dùng dịch sử dụng “dịch vụ” theo cách gọi của CEO Microsoft - Steve Ballmer chứ không phải một món hàng hóa đơn thuần.

Bill Gates cũng lấy ví dụ về Skype, thương vụ mua lại trị giá 8,5 tỷ USD của Microsoft năm 2011 và được tích hợp vào các thiết bị và hệ thống của Microsoft, bao gồm Xbox, Kinect, Xbox Live, Windows Phone, Lync và Outlook.

“Skype là dịch vụ truyền thông phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi có thể làm được nhiều hơn thế, giúp kết nối người dùng với nhau, thiết lập nhóm và cập nhật thông tin”, ông chia sẻ. Như vậy, Skype là yếu tố quan trọng trong chiến lược sắp tới của Microsoft.

Ở mảng Windows, Bill Gates cho biết: “Trong môi trường cạnh tranh cao, Windows và máy tính Surface vẫn phát triển thuận lợi và “Windows 8 sẽ là nền tảng cho tương lai”. Ông cũng chia sẻ rằng, vợ và các con ông không dùng sản phẩm của Apple mà rất yêu thích các sản phẩm Windows.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng Fox Business Network, khi được hỏi về ultrabooks, Bill Gates cho rằng máy tính bảng Surface là sản phẩm hoàn hảo cho người tiêu dùng khi lưỡng lự chọn giữa máy tính bảng và laptop.

Microsoft đã từng công bố sản phẩm máy tính bảng vào năm 2002 nhưng chưa thành công trong công tác marketing.

Microsoft từng công bố sản phẩm máy tính bảng vào năm 2002 nhưng chưa thành công trong công tác marketing.

Giám đốc Tài chính (CFO) của Microsoft, ông Peter Klein mới đây cũng đã hé lộ rằng, Microsoft sẽ đa dạng hóa dòng sản phẩm máy tính bảng Surface. Vị CFO của Microsoft chia sẻ về Surface tại buổi công bố báo cáo tài chính mới đây: "Chúng tôi sẽ mở rộng thị trường, dòng sản phẩm cũng như kênh phân phối và chất lượng của chúng”, ông tuyên bố.

Trước ông Peter Klein, một chuyên gia của Microsoft, cũng nhận định về “nhu cầu các thiết bị cảm ứng sẽ tăng cao trong thời gian tới”. Trong tháng 2, nhiều chuyên gia dự báo Microsoft cũng sẽ đưa ra máy tính bảng chạy Windows 8 và Windows RT với giá thành vừa phải để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cuối năm 2012, Bill Gates cũng đã đặt niềm tin vào tương lai của Windows và máy tính bảng Surface. Ông nhận định về Windows 8: “Đây là phiên bản hệ điều hành sẽ đưa Windows 8 vào thế giới của cảm ứng và những thiết bị tiết kiệm năng lượng, thực sự mang lại cho mọi người những trải nghiệm tốt nhất trên cả máy tính bảng lẫn PC”.

Ngoài việc giữ vai trò là Chủ tịch tại Microsoft (bán thời gian), Bill Gates cùng phu nhân là bà Melinda Gates cũng đang tập trung phát triển quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates.

Quỹ được thành lập với mục đích nâng cao chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu, và giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin tiên tiến.

Hình 2. Ông Bill Gates và phu nhân Melinda Gates

Bill Gates và phu nhân Melinda Gates đang tích cực hoạt động trong các dự án từ thiện.

Bill Gates cho rằng cuộc cách mạng Internet vẫn đang tiếp diễn và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực giáo dục, theo ông, vấn đề không phải chỉ là ở việc đưa ra những bài giảng trực tuyến mà còn là giáo dục giúp tương tác con người, kết nối với các sinh viên.

Ngoài ra, Internet giúp các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đưa ra những sản phẩm chất lượng hơn nhưng giá thành lại rẻ hơn. Bill Gates chia sẻ lí do Quỹ tài trợ nhiêu cho lĩnh vực giáo dục là bởi chính sách giá cao trong giáo dục không đem lại hiệu quả.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao một phần lớn là do trẻ không được đầu tư giáo dục đúng mức. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục sẽ đem lại hiệu quả cao và giúp các nước phát triển bền vững.

Gần đây, quỹ Bill & Melinda Gates chọn Việt Nam là nước thực hiện dự án lớn đầu tiên của chương trình thư viện toàn cầu tại châu Á và tiên phong làm mô hình cho 12 nước tiếp theo tại châu Á học tập kinh nghiệm.

Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã trúng thầu dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” trong năm 2012, do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ. Người dân trên 40 tỉnh thành tại Việt Nam sẽ được tiếp cận với máy tính và Internet qua dự án này.

FPT IS sẽ lắp đặt hơn 12.000 bộ máy tính và các thiết bị kèm theo, triển khai mạng LAN, cài đặt phần mềm cho PC... tại 1.900 điểm thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã trên địa bàn 40 tỉnh.

Nhận định khả quan về Windows 8 cũng như các sản phẩm khác của Microsoft của Bill Gates tại Davos sẽ góp phần củng cố sức mạnh trong quan hệ chiến lược giữa FPT và Microsoft và đưa hệ sinh thái Windows lên vị trí hàng đầu thế giới.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT, Trương Gia Bình cũng có mặt tại Davos tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2013.

Nam Lê

Ý kiến

()