Chúng ta

'Hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người'

Chủ nhật, 29/9/2013 | 08:00 GMT+7

"Màu áo xanh từ lâu đã gắn với hình ảnh những chiến sĩ thanh niên tình nguyện, dù trong hoàn cảnh nào cũng không ngại khó, ngại khổ, luôn gắn bó, đoàn kết và sẵn sàng cống hiến", anh Phạm Thành Trung, Trưởng nhóm Áo xanh tình nguyện, chia sẻ.
> 'Hoạt động thiện nguyện không cần hào nhoáng'/ ‘Hồ sơ Chim Én có chiều sâu và bền vững’

a

Chương trình Áo ấm đón xuân do nhóm tổ chức đã mang lại niềm vui cho nhiều em nhỏ vùng cao. Ảnh: NVCC.

Tuy lần đầu tham gia giải Chim Én nhưng với những cống hiến của mình cho cộng đồng trong suốt thời gian qua, nhóm Áo xanh tình nguyện đã giành được giải Tổ chức tình nguyện xuất sắc Chim Én 2013.

Chúng ta có cuộc trò chuyện với Trưởng nhóm Phạm Thành Trung để tìm hiểu về hoạt động của nhóm và các dự định thiện nguyện trong tương lai

- Lần đầu tham gia nhưng nhóm đã giành được giải thưởng cao nhất dành cho tổ chức. Khi ấy cảm giác của các thành viên như thế nào?

- Tất cả các thành viên hiện tại và các cựu thành viên của nhóm đều rất vui mừng, hạnh phúc và tự hào khi là nhóm tình nguyện xuất sắc Chim Én 2013. Vinh dự này cũng thôi thúc nhóm tiếp tục cố gắng để có được nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa.

- Khi nộp hồ sơ, nhóm có kỳ vọng nhận được giải thưởng này?

- Trước lễ trao giải chính thức, Ban điều hành nhóm đã mạnh dạn tự nhận định sẽcó khả năng được giải. Tuy nhiên, chưa nghĩ được cụ thể giải thưởng nào vì dù sao nhóm đã có thời gian dài phát triển và hoạt động, có nhiều chương trình thiết thực với những sự khác biệt nhất định, đáp ứng được những tiêu chí vì cộng đồng mà Ban tổ chức mong muốn. Thêm vào đó là hồ sơ tham dự của nhóm cũng được chuẩn bị hết sức cẩn thận, nghiêm túc với rất nhiều tâm huyết và còn thể hiện được cả sự sáng tạo trong cách trình bày.

a

Một thành viên trong nhóm đang hướng dẫn các em chơi trò chơi. Ảnh: NVCC.

- Anh có thể chia sẻ về cơ duyên ra đời của nhóm?

- Nhóm được chính thức thành lập từ 7/7/2007, tiền thân là một CLB hoạt động tình nguyện thuộc khuôn khổ quản lý của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường Đại học Thương mại. Các thành viên ban đầu đều là sinh viên trong trường, yêu thích và nhiệt tình với các hoạt động tình nguyện.

Sau một thời gian hoạt động, Ban chủ nhiệm mong muốn có thể mở rộng và đa dạng quy mô hoạt động thông qua việc thu hút thêm nguồn lực, các tình nguyện viên ở khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi, ngành nghề. Đồng thời hướng tới việc hoạt động tình nguyện đích thực, không vụ lợi, qua đó tạo cơ hội để các thành viên có thể phát huy tối đa sự sáng tạo, có nhiều trải nghiệm mới mẻ. Từ đó, nhóm Áo xanh tình nguyện đã được ra đời và tách biệt khỏi sự quản lý của Đoàn Thanh niên hay Hội Sinh viên trường Đại học Thương Mại.

- Vì sao nhóm lại chọn tên là Áo xanh tình nguyện?

- Nhóm quyết định lấy tên Áo xanh tình nguyện bởi đầu tiên, nhóm được thành lập trên cơ sở CLB tình nguyện Áo xanh. Chính từ cái nôi hoạt động ban đầu ấy mà các thành viên thuộc Ban điều hành nhóm hiện tại đã gặp nhau, được rèn luyện và trưởng thành.

Quyết định chọn tên Áo xanh tình nguyện thể hiện sự gắn bó, trân trọng quá khứ đồng thời nhắc nhở cho mọi người luôn luôn có ý thức trân trọng về sự tồn tại của tổ chức cũng như mục tiêu vì cộng đồng mà nhóm luôn mong muốn hướng tới. Hơn nữa đây cũng là một tên gọi hay và gợi lên nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Màu áo xanh vốn từ lâu đã gắn với hình ảnh những chiến sĩ thanh niên tình nguyện, dù trong hoàn cảnh nào cũng không ngại khó, ngại khổ, luôn gắn bó đoàn kết và sẵn sàng cống hiến, hi sinh không vì vụ lợi cho bản thân. Hình ảnh ấy và tiếng gọi tình nguyện ấy luôn tạo ra một sự thôi thúc và động viên mỗi người sống tốt hơn, sống đẹp hơn.

a

Nhóm được chính thức thành lập từ năm 2007, tiền thân là Câu lạc bộ hoạt động tình nguyện thuộc khuôn khổ quản lý của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường Đại học Thương Mại. Ảnh: NVCC.

- Hiện, nhóm đang tập trung nguồn lực triển khai 3 dự án thiện nguyện là Green-office, Green-on the go, Green-sharing. Anh có thể nói rõ hơn về các dự án này?

- Đó đều là những dự án vì cộng đồng, đã được các thành viên dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Tên gọi của các dự án đều bắt đầu bằng chữ Green vì nhóm có một tên gọi tiếng Anh khác là Green For Life. Cách gọi tên thống nhất bắt đầu bằng Green giúp tạo ra một sự xâu chuỗi, liên kết trong các dự án, hoạt động của nhóm, cùng thể hiện thống nhất ý nghĩa tốt đẹp hướng tới vì xã hội, con người.

Dự án Green-office bao gồm các hoạt động thu hồi giấy đã qua sử dụng từ các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để tái chế (ví dụ làm thiệp, giấy vẽ) và cho các hoạt động ý nghĩa khác (in sách chữ nổi cho người khiếm thị, bán giấy vụn); đồng thời tuyên truyền về việc sử dụng tiết kiệm các nguồn lực (giấy, điện, nước) tại doanh nghiệp và cộng đồng. Địa bàn triển khai của các hoạt động là Hà Nội.

Dự án Green-on the go hướng đến việc tổ chức các chuyến đi thăm hỏi và tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, cho nạn nhân chất độc da cam… hoặc đến tham quan các tổ chức, doanh nghiệp xã hội tiêu biểu để học hỏi thực tế. Cũng trong khuôn khổ dự án, các tình nguyện viên sẽ đến tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tham gia các hoạt động giao lưu, vui chơi và chia sẻ kinh nghiệm ở Hà Nội và các địa phương khác.

Dự án Green-sharing tập trung vào việc cung cấp các suất ăn miễn phí (cơm, cháo) và nấu chè tặng cho các bệnh nhân ung thư nghèo đang điều trị tại bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Hà Nội) và gia đình khó khăn có con nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội). Các hoạt động này được tổ chức đều đặn vào thứ Bảy hằng tuần.

- Trong năm qua, nhóm đã thực hiện những chương trình thiện nguyện nào nổi bật?

- "Ánh trăng ước mơ" dành cho thanh thiếu niên khuyết tật tại trung tâm Vì ngày mai, "Vui bước tới trường (Joy to SkooL)" dành cho trẻ mồ côi, nhiễm HIV tại chùa Bồ Đề; "Nối dài yêu thương" dành cho trẻ khuyết tật, tự kỉ tại trung tâm Vì ngày mai; "Chung tay vì Đá Bàn" dành cho đồng bào dân tộc Dao tại thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang; Áo ấm đón Xuân" dành cho các cụ già neo đơn tại trung tâm bảo trợ xã hội III... là những chương trình chính mà nhóm đã triển khai.

- Chia sẻ về một vài kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ của nhóm khi tham gia hoạt động thiện nguyện?

- Áo ấm đón Xuân 2013 là một chương trình đáng nhớ với nhóm. Lần đầu tiên các thành viên đặt chân tới một địa điểm xa như thế, sát tận nơi biên giới phía Bắc tổ quốc đó là xã Pà Vầy Sủ, Xín Mần, Hà Giang.

Trước đó, nơi này chưa từng có nhóm tình nguyện nào tìm đến nên thông tin về nơi này rất ít. Vì quãng đường xa lại là đường núi khó đi nên nhóm đã phải cố gắng đi cả ban đêm để rút ngắn thời gian, vừa đi vừa phải lấp đất, san đường rồi đẩy xe ô tô để có thể chinh phục từng km.

Những km cuối cùng cả đoàn đã phải đi bộ để đến tận bản vì đường núi quá hẹp, xe không thể qua. Đến nơi và được thấy cảnh sống thiếu thốn, khó khăn của đồng bào dân tộc là ấn tượng không thể nào quên. Xót xa khi thấy những người phụ nữ H’Mông vất vả thồ trên lưng những thùng gạo, muối, quần áo ấm mà chúng tôi tặng, lầm lũi băng qua những ngọn núi về nhà.

Thương nhất vẫn là những đứa trẻ mong manh khoác trên mình những tấm áo mỏng, thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc. Cả nhóm đã có những phút giao lưu ngắn ngủi mà ngập tràn lời hát, tiếng cười và những cái siết tay thật chặt bên chén rượu ngô nồng ấm trước lúc chia tay. Một chút hơi ấm để tạm xua đi cái rét, cái đói cùng với những hy vọng về sự đổi thay mà chúng tôi mang đến Pà Vầy Sủ, đối với họ có thể là rất nhiều nhưng vào lúc đó chúng tôi đều thầm ước giá như có thể mang cho họ nhiều hơn như thế.

a

Trong thời gian tới, nhóm sẽ triển khai thử nghiệm và đánh giá 2 dự án mới là Green-shool và Green-training. Ảnh: NVCC.

- Anh đánh giá như thế nào về giải thưởng Tình nguyện Chim Én?

- Thực tế, nhóm đã biết về giải thưởng này từ năm 2009 và cũng rất quan tâm. Tuy nhiên vì nhiều lý do cũng như muốn có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên các năm trước, nhóm chưa nộp hồ sơ tham dự mà chỉ theo dõi các thông tin cũng như các nhóm khác tham gia.

Đến Chim Én 2013, là cột mốc 5 năm rất đáng nhớ của giải thưởng này, cũng là khi nhóm cảm thấy đã sẵn sàng nên quyết định tham dự. Đây cũng một sự khẳng định nhóm đã trưởng thành và muốn hướng tới những mục tiêu cao hơn trong hoạt động.

Thực sự Chim Én là một giải thưởng rất ý nghĩa, tạo ra sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Giải thưởng có tác dụng khơi dậy và tuyên truyền cho mọi người ý thức sống tốt, sống đẹp, đoàn kết và tập hợp mọi đối tượng trong xã hội, sẵn sàng cống hiến, trong mọi hoàn cảnh không ngại khó khăn, gian khổ.

- Bạn nhận xét gì về các cá nhân, tổ chức nhận được giải năm nay?

- Theo quan điểm của nhóm thì các tổ chức tình nguyện được giải là những nhóm có những hoạt động thiện nguyện rất hiệu quả, được tổ chức và điều hành tốt. Với những đóng góp cho cộng đồng mà các tổ chức này đã làm được thì giải thưởng hoàn toàn xứng đáng.

Riêng về các giải thưởng cá nhân thì theo nhận định của nhóm, ngoài việc đánh giá dựa trên hồ sơ, thông tin mà cá nhân gửi cho Ban tổ chức thì nên có thêm sự đánh giá thực tế trong một khoảng thời gian nhất định bằng một số tình huống hay việc làm cụ thể. Điều này sẽ giúp cho việc đánh giá thuyết phục và chính xác hơn. Và cũng góp phần tạo điều kiện cho cá nhân có cơ hội thể hiện mình rõ nét hơn.

- Dự định của nhóm trong thời gian tới?

- Nhóm sẽ tiếp tục thực hiện và duy trì các kết quả đã đạt được với các dự án hiện tại là Green-office, Green-on the go và Green-sharing. Triển khai thử nghiệm và đánh giá hai dự án mới là Green-shool và Green-training. Xây dựng và phát triển lực lượng của nhóm để làm nền tảng cho các thành công của dự án nói trên. Tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tể để triển khai các hoạt động tình nguyện ý nghĩa tại Việt Nam.

Xem thêm bài viết về các cá nhân, tổ chức xuất sắc khác:

'Làm thiện nguyện cần cái đầu lạnh và trái tim ấm' 

  'Hoạt động thiện nguyện không cần hào nhoáng'

'Mong có ngày giải tán Hội vận động hiến máu'

'Coi trọng tính thiết thực khi làm tình nguyện'

Bình Nguyên thực hiện


Ý kiến

()