Chúng ta

TGĐ Bùi Quang Ngọc: 'FPT toàn cầu hóa bằng văn hóa Việt'

Thứ bảy, 19/4/2014 | 11:26 GMT+7

Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ có những chương trình văn hóa tầm cỡ đem ra toàn cầu hóa để góp phần làm tăng giá trị nhân văn của đất nước bên ngoài biên giới Việt Nam.
> Đêm nhạc 'Tình xa' thổi luồng gió mới cho nhạc Trịnh / Dấu ấn nhạc Trịnh trên xứ sở Phù tang / TGĐ FPT 'thưởng ngoạn' vẻ đẹp sakura

Trong hành trình phát triển của FPT, Nhật Bản được xem là thị trường trọng điểm. Sự ra đời của FPT Japan vào tháng 11/2005 chính là lời cam kết đầu tư dài hạn của tập đoàn đối với xứ sở hoa sakura.

Vào tháng 2 vừa qua, đêm nhạc Diễm xưa diễn ra ở Tokyo do anh Ngọc tài trợ, như một món quà tặng riêng cho kiều bào, khách hàng, đối tác và nhân viên FPT tại Nhật Bản, đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các khách hàng nước bạn.

Đêm nhạc Diễm xưa do TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc tài trợ đã thu hút 200 người tham dự, đặc biệt có cả Đại sứ Việt Nam tại Nhật Đoàn Xuân Hưng. Ảnh: C.T.

Đêm nhạc Diễm xưa do TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc tài trợ đã thu hút 200 người tham dự, đặc biệt có cả Đại sứ Việt Nam tại Nhật Đoàn Xuân Hưng. Ảnh: C.T.

- Trong điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, lý do gì khiến FPT quyết định thực hiện chuỗi các hoạt động văn hóa tại Nhật như chương trình Diễm Xưa vừa qua?

- FPT đã có mặt tại Nhật Bản hơn 10 năm nay và hiện ngày càng lớn mạnh. Năm 2013, chúng tôi đạt tăng trưởng 40% về ngành dịch vụ phần mềm cho các tập đoàn Nhật Bản. Trong chuyến công tác, gặp gỡ nhân viên và khách hàng tại Nhật vào tháng 1/2014, tôi đã mang quà tặng các đối tác là album nhạc Trịnh do người FPT hát và album song ngữ Nhật - Việt của hai ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa. Các bạn Nhật đã hoan nghênh nhiệt liệt và đặc biệt hiểu thêm về chiều sâu văn hóa FPT qua âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Ngay lúc đó, tôi đã bàn với Ban Giám đốc FPT tại Nhật Bản quyết định sẽ tổ chức một đêm nhạc Trịnh Công Sơn ngay sau Tết Giáp Ngọ, vừa để tri ân khách hàng, đối tác, vừa làm món quà văn hóa đầu xuân của TGĐ FPT từ quê nhà gửi sang. Rất mừng là các nghệ sĩ đã cố gắng hết mình chuẩn bị cho kịp chuyến lưu diễn nhiều ý nghĩa này. Đêm nhạc Diễm Xưa tại Nhật Bản đã thành công mỹ mãn và nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp của các bạn Nhật đối với văn hóa Việt Nam, con người FPT.

- Đây chỉ là một chương trình giao lưu văn hóa trong năm 2014 của FPT hay còn mang một ý nghĩa có tầm chiến lược nào khác?

- FPT là một tập đoàn công nghệ thông tin, tính đoàn kết và tinh thần đồng đội trong các dự án IT mang ý nghĩa quyết định sống còn. Từ năm 2012, tập đoàn FPT đã đưa vào ứng dụng công cụ quản trị Thẻ điểm cân bằng (BSC) để đảm bảo các chỉ số tinh thần, chất lượng nhân sự, văn hóa công ty luôn phát triển tích cực. Do vậy, việc giao lưu văn hóa trong các đơn vị làm nhiệm vụ toàn cầu hóa xa nhà là vô cùng cần thiết. Tôi hài lòng khi đã tài trợ cho đêm nhạc Trịnh lần này tại Nhật Bản và chắc chắn sẽ còn nhiều chương trình văn hóa như thế nữa sẽ được tập đoàn FPT đẩy mạnh triển khai như một cách tiếp cận mới với thị trường và khách hàng ở nước sở tại.

- FPT kỳ vọng gì vào cách tiếp cận toàn cầu hóa bằng văn hóa này?

- Toàn cầu hóa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho FPT và các doanh nghiệp Việt Nam. Khi ra nước ngoài, bên cạnh những khác biệt về thị trường, ngôn ngữ, thì bản sắc văn hóa sẽ là yếu tố quyết định "cá tính" của chúng ta trong mắt các đối tác và khách hàng sở tại… Có một thời gian dài các doanh nghiệp cố gắng chạy theo con số mà quên đi những rào cản và khoảng cách văn hóa đang ngày càng xa nhau, ít hiểu biết về nhau. Nếu chúng ta làm việc với đối tác và khách hàng chỉ bằng những con số, thì bài toán kinh doanh tại Nhật Bản chưa thật sự hoàn hảo.

Người Nhật khó tính và cầu toàn trong mọi sản phẩm, dịch vụ, mọi lúc mọi nơi. Người Nhật có một nền văn hóa sâu đậm của riêng mình. Do vậy, chỉ khi yêu quý và kính trọng nhau về văn hóa, nghệ thuật, các bạn sẽ hỗ trợ chúng ta về kỹ năng quản lý và công nghệ. Như thế, cách tiếp cận và chiếm lấy tình cảm của đối tác và khách hàng là những giải pháp rất thông minh. Tuy nhiên, quan trọng là phải tìm ra những mẫu số chung trong văn hóa của hai quốc gia.

- Vì sao trong lần ra quân này, FPT lại chọn ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa chứ không phải các ngôi sao showbiz đang “hot” trên thị trường?

- FPT rất có duyên với nhạc Trịnh và ca sĩ Thái Hòa hiện là Giám đốc Chiến lược của tập đoàn. Ngoài công việc chuyên môn, anh có đam mê nghiên cứu và chỉ hát duy nhất một dòng nhạc Trịnh, đi vào rất sâu trong ca từ và ý nghĩa triết học của từng bài hát. Nếu tôi không nhầm thì hiện nay Thái Hòa là ca sĩ trong nước hát nhạc Trịnh có nhiều ấn phẩm nhất, chỉ xếp sau nữ ca sĩ Khánh Ly, vốn đã là huyền thoại của dòng nhạc này.

Còn ca sĩ Hồng Hạnh là một giọng hát nổi tiếng từ rất lâu của Sài Gòn. Chị là một nhân duyên đã được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn và hướng dẫn từ đầu thập niên 1990. Hồng Hạnh và Thái Hòa phối hợp rất ăn ý với nhau trong album song ngữ Việt - Nhật Diễm Xưa Utsukushii Mukashi phát hành cuối năm 2013.

Ngoài ra, cũng phải kể đến ngón đàn piano, guitar và tài năng hoà âm, phối khí của nhạc sĩ Đức Thịnh. Bộ ba này chắc chắn sẽ còn hợp tác với FPT trong nhiều chương trình khác nữa.

Trong tương lai, ý tưởng cùng giao lưu văn hóa và mời các ca sĩ Nhật tham gia hát nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một ý tưởng rất hay. 

TGĐ Bùi Quang Ngọc cùng phu nhân trong chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 4 vừa qua. Ông cũng đã có buổi gặp gỡ với các lãnh đạo FPT Japan và Đại sứ Việt Nam tại Nhật.

TGĐ Bùi Quang Ngọc cùng phu nhân trong chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 4 vừa qua. Anh cũng đã có buổi gặp gỡ với các lãnh đạo FPT Japan và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Đoàn Xuân Hưng (thứ hai từ phải qua). Ảnh: C.T.

- Các nghệ sĩ tham gia chương trình đã kể những câu chuyện rất cảm động về chuyến đi. Riêng với anh, anh có nhận được những phản hồi từ khán giả Nhật Bản hay có kỷ niệm nào "vui đến không ngủ được"?

- Tôi bận nhiều công việc sau Tết nên rất tiếc không trực tiếp dự khán đêm nhạc. Tuy nhiên, ngay sau đêm diễn, rất nhiều e-mail, thông tin chuyển về dồn dập bày tỏ sự xúc động của khán giả Tokyo. Các khách hàng Nhật Bản quan trọng vốn rất khó tính đã hài lòng và gửi thư cám ơn, trân trọng cách làm của FPT. Đó là những kết quả tuyệt vời về tinh thần và góp phần tiếp thị hình ảnh FPT, hình ảnh Việt Nam đẹp hơn trên đất bạn. Tôi cho rằng giá trị này là vô giá.

Xúc động nhất có lẽ là việc chính Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng đã đến dự và vui hết mình với anh em FPT và các nghệ sĩ đến phút cuối. Ông còn nán lại chia sẻ thêm về cách thức tiếp cận các khách hàng quan trọng trong giới chính khách Nhật Bản và hứa sẽ cùng FPT tổ chức những đêm giao lưu văn hóa tương tự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản trong năm 2014.

- Ngoài Nhật, sẽ còn thị trường nào khác nữa mà FPT muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa này trong tương lai?

- Hiện nay, FPT có mặt tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó đông đảo nhất là tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Singapore. Ngoài âm nhạc Trịnh Công Sơn, chúng tôi còn có văn hóa STCo (sáng tác ca) rất vui nhộn hay như các nhóm nhạc Rock của Công ty Phần mềm FPT Software. Cá nhân Chủ tịch Trương Gia Bình và tôi cũng đều là những người yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật và trân trọng các giá trị tinh thần, các nhân tài về văn hóa.

FPT còn có các nghệ sĩ như ca sĩ Thái Hòa, nhạc sĩ Trương Quý Hải và rất nhiều nhân tài khác trong giới hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam. Tôi tin rằng với một tập đoàn có quân số tới hơn 17.000 nhân viên thì văn hóa doanh nghiệp sẽ là điểm khác biệt lớn nhất trong mắt bạn bè, đối tác của FPT.

Ngoài ra, sau lần lưu diễn này tại Nhật Bản, tôi nhận thấy thay vì dẫn khách đi karaoke, thì âm nhạc và các show diễn nghệ thuật ở đẳng cấp cao sẽ là công cụ xuất sắc để bán hàng và chiếm trọn cảm tình của đối tác.

Chắc chắn, FPT sẽ tiếp tục có những chương trình tầm cỡ hơn đem ra toàn cầu và góp phần làm tăng giá trị nhân văn của đất nước chúng ta ra ngoài biên giới Việt Nam. Và, tất nhiên chúng tôi muốn việc kinh doanh của FPT và nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam khác sẽ được hưởng lợi từ hoạt động văn hóa này.

Ngày 15/2, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đã mời Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa cùng với ca sĩ Hồng Hạnh, nhạc sĩ Đức Thịnh tham gia đêm nhạc “Diễm xưa” do anh tài trợ và tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Chương trình là món quà anh Ngọc dành tặng cho kiều bào, khách hàng, đối tác và nhân viên FPT tại Nhật Bản nhằm khẳng định nhạc Việt có thể ngẩng cao đầu bên ngoài biên giới Việt Nam. Qua đêm nhạc này, thông điệp mà FPT và các nghệ sĩ muốn gửi gắm, ngoài ý nghĩa của một show diễn mang tính giải trí còn nhằm thắt chặt mối giao hảo giữa hai nước, qua đó, mở thêm nhiều cơ hội kinh doanh, nâng tầm quan hệ Việt - Nhật.

Trước đó, cuối năm 2013, anh Ngọc cũng đã tài trợ ra mắt album song ngữ Việt - Nhật “Diễm xưa - Utsukushii Mukashi” để tưởng niệm 12 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, và kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật.

Ngoài Việt Nam, Nhật Bản là nơi Trịnh Công Sơn được người bản xứ biết đến nhiều nhất và bài "Diễm xưa" được dịch ra tiếng Nhật nhan đề "Utsukushii Mukashi" từ rất lâu.

(Theo Thế giới & Việt Nam)

Ý kiến

()