Chúng ta

FPT Software - ngựa chiến 2014

Chủ nhật, 9/2/2014 | 08:09 GMT+7

“Trong năm nay, FPT Software sẽ tiếp tục khai thác mạnh hai thị trường truyền thống là Nhật Bản và Mỹ với mức tăng trưởng 25-35%. Bên cạnh đó, chú trọng mở rộng thị trường Singapore, Pháp và Myanmar song song với việc đầu tư vào các hướng công nghệ mới như Cloud, Mobility, Big Data và Smart TV”, Phó TGĐ FPT Software Nguyễn Khải Hoàn nhấn mạnh.
> 'FPT Software là tiên phong của tập đoàn quân tiên phong’

Năm 2013, phần mềm tiếp tục trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh doanh toàn cảnh của FPT Software với những thành công nổi bật: Vượt mốc doanh thu 100 triệu USD; Hoàn thành 4/4 thành tích kinh doanh đăng ký với tập đoàn; Tăng trưởng 300% ở mảng công nghệ mới là Mobility và Cloud; Nằm trong danh sách bình chọn của các công ty tư vấn quốc tế uy tín; Khởi công và khánh thành các khu làm việc mới.

“FPT Software duy trì mức tăng trưởng trên 30% năm 2013, trong đó thị trường Mỹ tăng 50%, thị trường Nhật Bản tăng 36% về khối lượng công việc”, anh Nguyễn Khải Hoàn, Phó TGĐ, chia sẻ.

Tiến những bước mạnh mẽ tại thị trường trong nước là điểm sáng của FPT Software bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu. Năm qua, đơn vị đã giành được hợp đồng với các “ông lớn” của Việt Nam như ứng dụng FFP Mobile Application cho Vietnam Airlines; DMS-Mobility cho Kinh Đô, Suntory-Pepsico; Dược Hậu Giang

d

Từ trái qua: Ông Kim Cheol Gi, Tổng Giám đốc Samsung Vina; anh Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software và ông Nguyễn Đình Chiến, Phó TGĐ MobiFone, trong lễ ký kết thành lập liên minh cung cấp giải pháp quản trị qua Mobility. Ảnh: V.N.

Ngoài việc mở rộng tại Việt Nam, FPT Software đang vươn mình ở những thị trường nước ngoài mà đơn vị đã vững chân. Năm 2013, FPT Japan đã khai trương văn phòng mới tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Đây là văn phòng thứ ba của FPT Japan tại đất nước Mặt trời mọc, sau hai văn phòng tại hai thành phố Tokyo và Osaka.

Chú trọng thị trường truyền thống, FPT Software nói riêng và Ban lãnh đạo FPT nói chung còn trăn trở với việc làm thế nào để đơn vị có được vị thế cao hơn nữa tại thị trường Nhật Bản trong bối cảnh các đối tác nước này đang đi tìm lời giải hiệu quả cho những vấn đề họ gặp phải như Trung Quốc + 1, thiếu nhân lực CNTT, cắt giảm chi phí. Số liệu từ xứ mặt trời mọc cho thấy, cả năm 2013, trong khi thị trường outsourcing (gia công) của Nhật có mức sụt giảm khoảng 10% thì FPT Software vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng là 36%.

Cuối tháng 12/2013, FPT Software và Công ty Recruit Technologies (chuyên về IT và Marketing của tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về Dịch vụ cung cấp hệ thống web xúc tiến thương mại) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Việc hợp tác không chỉ giúp FPT Software tăng quy mô nhân lực và doanh thu mà còn mở ra triển vọng mới trong việc cung ứng dịch vụ trọn gói. Theo Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, đơn vị đặt mục tiêu năm 2017, thị trường Nhật Bản sẽ đem về doanh thu 200 triệu USD.

Bước phát triển của FPT Software liên tục được giới phân tích thế giới đánh giá cao trong năm qua. Danh sách Top 100 nhà cung cấp dịch vụ CNTT và BPO toàn cầu (Top 100 Global Services) năm 2013 do Công ty Truyền thông Global Services (Ấn Độ) và Công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá và công bố tiếp tục có tên FPT Software.

Top 100 Global Services gồm các doanh nghiệp có năng lực xuất sắc trong việc cung cấp Dịch vụ Gia công Phần mềm (ITO - Information Technology Outsourcing) và Dịch vụ Gia công Quy trình Doanh nghiệp (BPO - Business Process Outsourcing) trên thế giới. Kết quả bình chọn được căn cứ vào 4 tiêu chí: Kết quả kinh doanh và năng lực lãnh đạo; Chất lượng và độ trưởng thành của khách hàng; Độ đa dạng của các dịch vụ; Khả năng cung ứng dịch vụ trên toàn cầu.

Trong năm 2013, FPT Software cũng là doanh nghiệp CNTT Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 500 công ty cung cấp dịch vụ và phần mềm lớn nhất thế giới do tạp chí Software Magazine (Mỹ) bình chọn. Theo kết quả xếp hạng, đơn vị đứng ở vị trí 296 với tổng doanh thu đạt 81,5 triệu USD và mức tăng trưởng là 30,4%.

d

Chia sẻ về chiến lược, anh Hoàng Nam Tiến (phải) cho biết, ngoài việc gia công xuất khẩu phần mềm, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào những công nghệ mới như: Dữ liệu lớn, điện toán đám mây và phần mềm di động. Ảnh: V.N.

Lý giải về những thành công tiếp nối, Chủ tịch FPT Software cho hay, đơn vị đã có những bước tiến xa hơn về công nghệ. Từ việc cung cấp dịch vụ gia công cho đối tác, nay công ty đã có thể đứng ở vị trí tư vấn, cung cấp cho đối tác những giải pháp, dịch vụ trọn gói theo các xu hướng công nghệ mới. “FPT Software đã và đang triển khai giải pháp và phát triển ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon với một công ty sản xuất TV hàng đầu Nhật Bản, hay hợp đồng về dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) và công nghệ di động (Mobility) với một hãng hàng không lớn vào bậc nhất của Mỹ”, anh Tiến khẳng định.

Song song với việc phát triển kinh doanh, FPT Software đầu tư xây dựng các khu campus riêng, tiếp nối xu hướng của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Infosys, Microsoft…. Đơn vị là công ty công nghệ Việt Nam tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại theo mô hình campus. Năm 2013, lần lượt các campus mới được khánh thành và khởi công: F-Ville tại Làng phần mềm FPT Software ở Hòa Lạc, Hà Nội; F-Town 2 (TP HCM), F-Ville 2 (Hà Nội),.

Anh Nguyễn Đức Quỳnh, GĐ FPT Software HCM, chia sẻ, với các công ty Âu Mỹ, campus có thể chỉ là giải pháp về chỗ làm việc khi có lượng nhân viên lớn nhưng “với công ty công nghệ ở các nước đang phát triển, campus còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Đây là cơ hội đạt đến đẳng cấp thế giới qua việc xây dựng môi trường làm việc hiện đại trong hoàn cảnh xã hội chung còn chưa phát triển”.

fpt-3-6292-1384344439-968336-1413018025.

Khu văn phòng hiện đại của F-Ville tại Làng phần mềm FPT Software ở Hòa Lạc. Ảnh: Châu An.

Vượt qua con số nhân sự 5.000 người trong năm qua là cũng một dấu mốc đáng nhớ của đơn vị khi đã hiện thực hóa giấc mơ từ năm 2000 của anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, về việc sở hữu một đội ngũ hùng hậu các cán bộ trẻ làm phần mềm. Chị Lương Thanh Bình, Phòng Truyền thông và Đối ngoại, cho biết, trong số 5.100 CBNV hiện tại thì riêng năm 2013, đơn vị đã tuyển mới 2.000 người. Nhu cầu về nhân sự tiếp tục là vấn đề “nóng” với FPT Software trong năm tới, để tuyển thêm 2.500 kỹ sư phần mềm đầu quân.

Chia sẻ về chiến lược, anh Hoàng Nam Tiến cho biết, ngoài việc gia công xuất khẩu phần mềm, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào những công nghệ mới như: Dữ liệu lớn, điện toán đám mây phần mềm di động.

“Thế giới đang dịch chuyển sang Big Data, Cloud, Mobility nên FPT Software sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ mới. Trong các ngành và lĩnh vực khác, công ty thuộc top đầu thường cách rất xa nhóm thứ hai, nhưng trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta luôn có cơ hội để đuổi kịp các “ông lớn”. FPT Software đang thực hiện những dự án tiên tiến nhất thế giới như nhận diện giọng nói”, anh Tiến tự hào và cho rằng, giai đoạn hiện nay là thời điểm thích hợp nhất để FPT Software có thể tạo ra sự thay đổi lớn về vị thế công nghệ.

Ngay đầu năm mới 2014, tin vui lại đến với FPT Sofware khi dịch vụ trên nền công nghệ đám mây ( Cloud Services) cho Liên minh các nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới do đơn vị phát triển được tham dự hội chợ công nghệ điện tử tiêu dùng toàn cầu (CES - Consumer Electronics Show) tại Mỹ, diễn ra từ ngày 7 đến 10/1.

Năm 2014, FPT Software kỷ niệm 15 năm thành lập công ty (1999 - 2014). Chúng ta cùng điểm lại những thành tựu trong 15 năm qua những con số biết nói:

- Số lượt onsite: hơn 8.000 lượt

- Số nước onsite: 22 nước trên tất cả châu lục, trên hơn 50 tỉnh/thành phố.

- Số đôi kết hôn quốc tế với khách hàng: 10 đôi.

- Số lượng văn phòng trên toàn thế giới: 16 văn phòng tại 8 nước.

- Số nhân viên nước ngoài tại thời điểm 2013: 31 người, từ 9 nước, nhiều nhất là Nhật Bản.

- Số lượng khách hàng: 219 khách hàng/đối tác, trên 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 30 khách hàng thuộc Fortune 500.

- Số lượng nhân viên tại thời điểm 2013: 5.100 người.

- Doanh số 2.100 tỷ đồng.

- Tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trung bình trong 10 năm qua là 49% và 43%, đứng top 3 so với 50 công ty hàng đầu Việt Nam do Forbes đánh giá.

Kế hoạch của FPT Software trong năm 2014:

- 6.500 người (trong đó có 500 BrSE), ngân sách đào tạo chiếm 3-5% doanh thu hằng năm.

- Doanh số 130 triệu USD.

- Đi bằng 2 “chân”: Khách hàng/dịch vụ/công nghệ truyền thống và Khách hàng/Dịch vụ/Công nghệ mới (Cloud, Mobility, Big Data).

Chiến lược đến 2016:

- 10.000 người, doanh số trên 200 triệu USD.

- Giấc mơ tiếp theo: 1 tỷ USD và 40.000 người

Lan Chi

Ý kiến

()