Chúng ta

'Tôi biết và hát chừng 200 bài nhạc Trịnh'

Thứ hai, 15/4/2013 | 19:01 GMT+7

Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa là ca sĩ hát nhạc Trịnh như một 'tài tử'.
> Hoàng Quyên Idol: 'Đến FPT để được say và cháy' / Về 'cõi tình' với Trịnh Công Sơn / Đắm mình trong 'Cõi tình' lãng mạn

Sau đêm diễn "Cõi tình" tưởng nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra vào ngày 12/4 vừa qua, anh Thái Hòa đã chia sẻ nhiều cảm xúc và những câu chuyện thú vị xung quanh người nhạc sĩ tài hoa này.

a

Anh Thái Hòa đã chia sẻ câu chuyện, kỷ niệm với cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ảnh: Nguyễn Hương.

- Cảm xúc của anh như thế nào khi đứng trên sân khấu Thứ 6 tầng 13 biểu diễn nhạc Trịnh?

- Lúc nào cũng vậy, tôi xúc động như được hát ở nhà của mình cho những người thân yêu cùng chiêm nghiệm, dù đây đã là đêm nhạc thứ 10 của tôi và FPT.
Trước khi tôi về làm việc với FPT, tôi đã hát ba đêm nhạc Trịnh cùng FPT trong tinh thần như thế. Gần 5 năm qua, tình cảm ấy vẫn chưa hề thay đổi.

- Tiêu chí anh lựa chọn các ca khúc để thể hiện trong đêm nhạc "Cõi tình" tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa qua?

- Tôi chọn theo "feeling" (cảm xúc), muốn có bài mới khác những bài đã hát. "Chuyện đoá quỳnh hương" sâu lắng được rất nhiều bạn trẻ FPT trên Box Fan NhạcTrịnh và trên Youtube rất yêu thích. Còn ca khúc "Người về bỗng nhớ" với hòa âm sôi nổi và đầy chất di-gan với giọng hát bè của Jennifer Thomas năm xưa là những kỷ niệm nên nhắc với người FPT. Ca khúc cuối cùng "Tuổi nào cho em" là tên album Vol.11 hát với Hoàng Nhung là giọng hát mộc của FPT mà tôi thích nhất.

- Anh đã phải tập luyện trước khi biểu diễn như thế nào?

- Vì công việc bận rộn nên hầu như tôi không có thời gian để tập. Buổi sáng trước đêm diễn, tôi phải đào tạo cán bộ nguồn FPT Telecom, còn chiều vẫn phải tham gia các cuộc họp. Đến sát giờ, tôi lại chạy về nhà lấy chai rượu Chivas… Vì hát tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở FPT không thể thiếu rượu Chivas và những hoài niệm.

a

Anh Thái Hòa thể hiện ca khúc nhạc Trịnh bằng những lời chia sẻ, tự sự và một không gian lắng đọng để truyền tải cảm xúc từ người hát đến người nghe. Ảnh: Nguyễn Hương.

- Anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm thú vị trong đêm diễn?

- Tôi hát tặng anh Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT FPT) bài "Cho một người nằm xuống" - chỉ trong nội bộ FPT.

- Khi hát nhạc Trịnh, anh lấy cảm hứng từ đâu để truyền tải cảm xúc đến người nghe?

- Từ ca từ và những bí ẩn của nguồn gốc, ngữ cảnh từng câu hát… đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến tôi khi trình bày các ca khúc nhạc Trịnh.

- Sau đêm nhạc biểu diễn thành công các ca khúc, anh thấy thế nào?

- Tôi cho rằng, mình hát chưa thật xuất sắc đêm vừa rồi vì một vài ca khúc chưa nhớ hết lời và không có sự chuẩn bị chu đáo. Cái được duy nhất của đêm diễn là tinh thần Trịnh thấm đậm chữ tình. Nếu đêm nhạc Trịnh của FPT chỉ đơn thuần thuê ca sĩ về, xếp hàng lên hát rồi… thì không khác gì các chương trình âm nhạc tạp kỹ thông thường.

Bởi hát nhạc Trịnh cần có sợi dây liên kết bằng những lời chia sẻ, tự sự và một không gian lắng đọng để truyền tải cảm xúc từ người hát đến người nghe. Đó là thế mạnh của người FPT.

- Anh có thể nhớ và hát được bao nhiêu ca khúc nhạc Trịnh?

- Tôi biết và hát được chừng 200 bài. Tuy nhiên lên sân khấu vẫn nên dùng “sớ” vì ca từ Trịnh Công Sơn rất hay dùng điệp ngữ và dễ nhầm các đoạn với nhau.

- Điều gì ở ca khúc nhạc Trịnh khiến anh thấy thú vị và tâm đắc nhất?

- Sự bí ẩn của ca từ - đó là giá trị nhân văn nhất, đôi khi chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc. Và đằng sau những ca từ của nhạc Trịnh luôn toát lên một chữ “Tâm” cho dù người nghe có khi không hiểu hết ý nghĩa và nguồn gốc ca từ đó. Nó không hề lên gân, gào thét mà ngược lại lan tỏa nhẹ nhàng như sóng trong không gian, như lời ru của mẹ để “chạm” vào tần số riêng tư trong trái tim mỗi người và những cõi tình mênh mông của kỷ niệm.

Nếu hiểu được cái gì là giá trị to lớn nhất của nhạc Trịnh thì có lẽ các ca sĩ không nên dùng cái tôi của mình (khoe chất giọng, kỹ thuật, phá cách…) để hòng che lấp cái đẹp triết lý của ca từ. Đó là lý do vì sao nhiều ca sĩ ngôi sao khi “chạm” vào nhạc Trịnh vẫn thất bại hoàn toàn và giọng hát chân phương của Khánh Ly vẫn mãi là tượng đài sừng sững.

- Kỷ niệm gì với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến anh không thể quên?

- “Còn tuổi nào cho em” là tên chủ đề album của tôi năm nay, cũng là bài hát đầu tiên tôi hát cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe cùng Jennifer Thomas vào năm 1996. Ca khúc này cũng được chính ông góp ý, chỉnh sửa hòa âm. Bài hát này là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi vào những năm 1997-2000. Tôi còn nhớ mùa Valentine năm 1998, tôi và Jennifer Thomas trình diễn bài hát này tại CLB Nghệ sĩ TP HCM, đích thân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lên sân khấu giới thiệu đầy ngẫu hứng mà ý nghĩa: "Hôm nay, xin mời quý vị lắng nghe hai giọng ca 'tài tử' hát bài hát của một người sáng tác 'tài tử'".

Đêm diễn ấy thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức. Sau đó, ông thường nhắc nhở chúng tôi không nên dùng từ “nghiệp dư” khi trình diễn mà hãy giới thiệu mình, từ chính xác hơn là những giọng ca “tài tử”.

Có lần, ông giảng giải thêm với tôi về triết lý này bên ly rượu: “Có hai thế giới của âm nhạc và nghệ thuật, thế giới của chuyên nghiệp và tài tử. Cái tài tử thường cho phép mình đi xa, vượt ra khỏi mọi khuôn phép, ràng buộc của cuộc sống và kỷ thuật để lạc lối vào những cõi tình bao la của kỷ niệm và thăng hoa cùng nghệ thuật…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác như một người “hát thơ” (chữ của Văn Cao gọi) và chúng tôi gọi âm nhạc tài tử của ông là “vô chiêu” đã thắng “hữu chiêu”.

- Trong thời gian tới, anh có dự định gì về âm nhạc, đặc biệt là liên quan đến nhạc Trịnh?

- Năm nay, nhân 40 năm quan hệ Việt Nhật, tôi đang thu âm cùng ca sĩ Hồng Hạnh (TP HCM) một ấn phẩm ca khúc Trịnh Công Sơn hát bằng hai thứ tiếng Việt - Nhật.

Cuối năm 2012, tôi cũng vừa phát hành album thứ 11 - “ Còn tuổi nào cho em” - và sẽ tìm một thời điểm thích hợp để cùng bạn bè ra mắt album này tại Hà Nội và TP HCM. Album này bắt đầu với lời thoại của anh Đỗ Trung Quân và nhạc phẩm “Thương một người” mà khi hát tôi thấy rất thương cho tình cảm của chính mình đối với nhạc Trịnh. Tôi đã dành những đêm vắt kiệt sức thu âm đến 2-3h sáng mệt mỏi phạc phờ để cảm nhận được cái cảm giác đứng bên bờ vực thẳm của cõi tình của Trịnh. Các ca khúc rất cũ trong album thật sự có quá nhiều kỷ niệm đối với tôi.

Nhạc sĩ Đức Thịnh và tôi quyết định quay về cách phối khí, hoà âm cũ của nhạc Trịnh thời thập niên 1960 với guitar thùng réo rắt, piano sang trọng, kết hợp với bè vocal điêu luyện và cảm xúc mới của một thế hệ ca sĩ trẻ.

Lưu Vân thực hiện

Ý kiến

()