Chúng ta

'Giấc mơ của FPT là mỗi năm cộng thêm 5% GDP Việt Nam'

Thứ năm, 11/4/2013 | 17:47 GMT+7

Những câu chuyện thú vị xung quanh giấc mơ Việt Nam vươn tầm chất lượng quốc tế được anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT, chia sẻ tại hội thảo Global Learning 2013 diễn ra đầu tháng 4.
> 'Global Learning 2013' thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa

“Một lần, tôi vào siêu thị tại Lion (Pháp) để mua đồ và đứng lặng hồi lâu trước 3 đôi giày đá bóng. Đôi thứ nhất “Made in China” giá 30 Euro, đôi thứ hai do châu Âu sản xuất có mức 60-80 Euro. Tôi thèm muốn đôi thứ ba nhất vì nó rất đẹp, đường may vừa tinh tế vừa tỉ mỉ, được bày ở vị trí trang trọng nhất, giá là 110 Euro. Khi xem nhãn mác, tôi sửng sốt trước dòng chữ 'Made in Vietnam'”, anh Thái Hòa mở đầu chương trình bằng câu chuyện đầy thấm thía về giá trị của việc đi du học.

Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ về giá trị của việc đi du học đến từng sinh viên.

Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ về giá trị của việc đi du học đến từng sinh viên. Ảnh: Thúy Chinh.

Từ những trải nghiệm hữu ích của người từng có 20 năm sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, mỗi khán giả có mặt tại Global Learing 2013 đều được Giám đốc Chiến lược FPT truyền thêm ngọn lửa cho ước mơ trở thành “công dân toàn cầu”. Đặc biệt, điều đó càng trở nên ý nghĩa hơn khi FPT đang thắp lên bó đuốc quyết tâm trở thành Nhà cung cấp dịch vụ thông minh toàn cầu, nhằm sớm có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp CNTT hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes.

Chính vì thế, người Việt Nam, nhất là giới trẻ, cần đặt mình vào giữa tam giác luận Thế giới quan (suy nghĩ toàn cầu), Nhân sinh quan (phong cách sống, ứng xử…) và Giá trị quan (giá trị thật sự mà mình đem lại) để rèn luyện bản thân.

“Trong thời kỳ khủng hoảng “không biết đâu là đáy”, các giá trị vô hình chiếm đến 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Giấc mơ của FPT là mỗi năm sẽ cộng thêm 5% vào GDP Việt Nam và rút ngắn thời gian tích lũy tri thức bằng CNTT”, anh Hòa nhấn mạnh. "Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa một cách hiệu quả nếu mỗi sinh viên FPT có thể viết nên giấc mơ của chính mình - những giấc mơ dài rộng và đầy hoài bão như biển lớn năm châu", anh khẳng định.

Nhiều thông tin về các chương trình đi học ở nước ngoài, trao đổi sinh viên, học bổng… cũng đã được Đại học FPT truyền tải đến sinh viên trong chương trình.

“Global Learning 2013 giống như ‘thực đơn’ vừa tổng quan vừa sắc nét, giúp chúng em hiểu sâu hơn, được giải đáp cặn kẽ thắc mắc để đưa ra quyết định phù hợp với mình. Mong rằng, nhà trường sẽ luôn duy trì và nhân rộng hoạt động này bằng nhiều hình thức mới lạ, hấp dẫn” là chia sẻ của sinh viên FPT tại chương trình.

Hội thảo là một hoạt động nằm trong chiến lược Go Global (Quốc tế hoá) của Đại học FPT, với mục tiêu mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội du học. Năm 2013-2014, nhà trường nỗ lực và quyết tâm mở rộng cánh cửa này hiệu quả nhất có thể. Vì thế, các chương trình đưa sinh viên đi học tại nước ngoài kết hợp với những trường Đại học uy tín trên thế giới cũng rất phong phú, đa dạng.

Tùy thuộc mong muốn và thế mạnh cá nhân, sinh viên các khối ngành CNTT, Kinh tế, có thể lựa chọn điểm đến là Nhật Bản (Đại học Kyushu, Shinshu, Bunkyo), Đức (Đại học Furtwangen), Philippines (Đại học Perpetual Help System Laguna, East), Malaysia (Đại học Malaya), Đài Loan (Đại học Công nghệ Quốc gia Taipei), hoặc Pháp (Rouen Business School, ESG Management School), Bồ Đào Nha (Đại học Kinh tế Nova, Lisbon)… Các yêu cầu cụ thể về đối tượng, chỉ tiêu, thời gian đi học - đăng ký, chi phí… đều được thông báo chi tiết trong tài liệu được gửi đến mỗi người tham dự.

Đặc biệt, chương trình “ Học kỳ ở nước ngoài” hợp tác với hai trường đại học ở Ấn Độ (SSM International Academy, Lovely Professional University) và Thái Lan (Nakhon Pathom Rajabhat University) triển khai từ tháng 4 này đang nhận được khá nhiều sự quan tâm. Đây là cơ hội để sinh viên FPT học các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ tại nước ngoài, được chuyển đổi điểm số cũng như có thêm nhiều trải nghiệm cuộc sống và học tập trong môi trường quốc tế. Kỹ năng sống, cùng các tố chất cơ bản của một “công dân toàn cầu” được định hình thiết thực trong mỗi sinh viên FPT là những hứa hẹn rất lớn từ chương trình.

Ngô Đăng Tùng, Trần Tấn Nhật và Hồ Ngọc Sơn chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích khi sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Ngô Đăng Tùng, Trần Tấn Nhật và Hồ Ngọc Sơn (từ trái sang) chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích khi sinh sống và học tập ở nước ngoài. Ảnh: Thúy Chinh.

Một nội dung thú vị khác của hội thảo là phần giao lưu với Ngô Đăng Tùng, Trần Tấn Nhật và Hồ Ngọc Sơn - 3 sinh viên FPT vừa kết thúc chương trình học tập tại Nhật Bản, Đức và Hà Lan. Các chàng trai vừa hâm nóng bầu không khí trong khán phòng vừa góp vui vào “hành trình của những chuyến đi” mà người trẻ nào cũng ao ước những chiếc balô kinh nghiệm hữu ích.

Bài học đầu tiên Trần Tấn Nhật nhận được ở Đức là về giao tiếp, ngay cả những điều tưởng chừng nhỏ nhặt cũng trở thành quan trọng. Từ cách bắt tay, giới thiệu về bản thân để người nước ngoài nhớ được tên mình, cách hòa nhập để không bị lạc lõng giữa đám đông… được Tấn Nhật chia sẻ cởi mở với sinh viên.

Về phần mình, Đăng Tùng khuyên các bạn có dự định học tập ở xứ sở hoa anh đào cần chú trọng học từ vựng, ngữ pháp ở trường, sau đó đến Nhật thì trau dồi thêm khả năng nghe - nói.

Trong khi đó, Sơn cho hay, nếu không có học bổng thì vấn đề tài chính trở thành nỗi lo lớn nhất của sinh viên khi học ở châu Âu. Thế nhưng, số tiền bỏ ra hoàn toàn xứng đáng vì đây là nơi có đời sống văn minh, nhiều danh lam thắng cảnh, đem lại những tri thức, tư duy quý giá… "Bạn cũng nên dành nhiều thời gian ra ngoài chứ đừng ở lỳ trong phòng” cũng là lời khuyên mà Sơn gửi gắm đến sinh viên khóa sau.

Những kỷ niệm khó phai trong thời gian sinh sống và học tập tại nước ngoài, khó khăn, thuận lợi, cách thức chớp lấy cơ hội ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường… đã được cởi mở trao đổi tại Global Learing 2013. “Vì cuộc đời là những chuyến đi”, sinh viên FPT đã thấm nhuần hơn tư tưởng đó.

Thúy Chinh

Ý kiến

()