Chúng ta

'Bài sử ký dài nhất tôi viết trên 12.000 từ'

Thứ tư, 12/6/2013 | 09:34 GMT+7

"Muốn quốc gia, dân tộc trở nên giàu có, văn minh, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, trường tồn thì hãy ghi lại, gìn giữ và trân trọng lịch sử", Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh.
> 'Viết sử ký là một cách sáng tạo STCo độc đáo' / 'Nghỉ thai sản không bắt buộc viết sử ký' / 'Nỗi khổ' viết sử ký của những người bận rộn / Sử ký 'nóng' trên Facebook của người FPT

Trong 4 cuốn sử ký FPT đã phát hành nhân dịp kỷ niệm 10, 13, 15 và 20 năm đều có bút tích của Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo. Hưởng ứng phong trào phát động viết sử ký FPT  25 năm, anh Bảo đã chắp bút và viết một bài sử ký dài 4.000 chữ. Không chỉ vậy, anh còn khích lệ tinh thần CBNV đơn vị bằng tâm thư, kêu gọi mọi người cùng chung tay viết lại lịch sử của "công ty tin học đáng ngưỡng mộ nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở cả khu vực Đông Nam Á".

a

Theo anh Bảo, viết về con người FPT mình yêu quý mà lại có tính cách đặc biệt khác người hoặc những vấn đề mình tâm đắc nhất từ trái tim mình là dễ nhất khi viết sử ký. Ảnh: C.T.

Chúng ta có cuộc trò chuyện với Chủ tịch FPT IS về quan niệm cũng như kinh nghiệm viết sử ký của anh.

- Là lãnh đạo cao cấp có thâm niên làm việc tại FPT, anh nghĩ sao về ý tưởng viết sử ký?

- Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra rằng, các quốc gia giàu có nhất, văn minh nhất là những quốc gia có truyền thống tôn trọng và gìn giữ lịch sử nhất. Ở họ có nhiều bảo tàng phong phú nhất, các công trình văn hóa, kiến trúc, hội hoạ được gìn giữ, bảo tồn tốt nhất, được xã hội, chính phủ, người dân trân trọng nhất.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp thành công một cách bền vững nhất cũng là những doanh nghiệp tôn trọng lịch sử nhất.

Khi thăm trụ sở chính của hãng HP ở California (Mỹ), tôi đã được dẫn đi thăm trụ sở đầu tiên, nơi khởi nghiệp của Bill Hewlett và Dave Packard. Đó là một chiếc gara nhỏ, trong một ngôi nhà nhỏ, trên một con phố nhỏ đã được HP gìn giữ hơn 70 năm một cách hết sức trân trọng.

Trong chuyến thăm Misubishi, tôi và Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình được dẫn đi thăm bảo tàng của Misubishi. Ở đó, tất cả hình ảnh, hiện vật liên quan đến người sáng lập, các sản phẩm đầu tiên, chiếc tàu thuỷ đầu tiên được gìn giữ nguyên vẹn một cách trân trọng.

Nếu bạn chịu khó tìm hiểu thì đều thấy một thực tế, hầu hết những công ty có lịch sử 100 năm đều có bảo tàng của hãng mình. Các bạn có thể kiểm chứng ở các hãng IBM, Ford, Mercedes, BMW… Có lẽ, đó là một trong các lý giải tại sao HP tồn tại 79 năm và hiện vẫn là công ty ICT đứng đầu thế giới và Misubishi tồn tại 179 năm và hiện là tập đoàn lớn nhất Nhật Bản với số nhân viên lên đến 300.000 người.

Cá nhân tôi tin tưởng sâu sắc rằng, lịch sử không thuần tuý lá quá khứ trong viện bảo tàng mà lịch sử là gốc rễ, là cội nguồn, là điểm tựa của niềm tin và sức mạnh của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cũng như mỗi doanh nghiệp.

Muốn quốc gia, dân tộc trở lên giàu có và văn minh, hãy gìn giữ, bảo tồn và tôn trọng lịch sử. Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, trường tồn hãy ghi lại, gìn giữ, bảo tồn và trân trọng lịch sử công ty.

- Anh đã biến suy nghĩ đó thành tác phẩm lưu lại ở sử ký FPT qua các năm như thế nào?

- Tôi tham gia viết sử ký ở tất cả các năm kỷ niệm 10, 13, 15 và 20 năm thành lập FPT và sử ký 10 năm thành lập FPT IS.

Các bài viết trong khoảng 1988-2004, được đưa vào “Đỗ Cao tuyển tập”, trong đó tập hợp tất cả các bài viết của cho sử ký, cho nội san Chúng ta trong giai đoạn này. 

Từ năm 2005 đến nay, các bài viết được đăng trên FPT IS Today và FPT IS Link với nhiều nhân vật đình đám ở FPT như: Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, Phó CT HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc, thành viên hội đồng sáng lập FPT Lê Quang Tiến.

- Thể loại nào được anh lựa chọn nhiều nhất khi viết sử ký?

- Tôi thích nhất hai loại: Bài viết tự sự, tản mạn về các vấn đề mà người FPT, đặc biệt là lãnh đạo FPT trăn trở; Bài viết về con người FPT (Ban sử ký hay gọi là “Nhân”).

- Cụ thể ở những thể loại này, anh tâm đắc với bài viết nào nhất?

- Tôi thích các bài “Phiếm luận về nỗi buồn”, “Tản mạn 30 tháng 4”, “Tất cả cho tương lai tươi sáng”.

“Phiếm luận về nỗi buồn” là bài viết được lan truyền rộng trên mạng những năm 1996-2006 và gây tranh cãi giữa hai phe: Phe cho là “hay” và phe cho là “hâm”. Thậm chí diễn đàn H-A-O của cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam còn có cuộc tranh luận nảy nửa suốt hai năm (2004-2006). Một số blog còn trích đăng lại (họ lược bỏ phần viết riêng về FPT, chỉ giữ lại phần chung cho xã hội).

“Tản mạn 30 tháng 4” viết về sự kiện FPT IS đi liên hoan, hát hò. Tôi viết để chia sẻ những giá trị sâu sắc, ẩn chứa sau những lời ca STCo mà nhiều người cho rằng lời bài hát bậy bạ.

“Tất cả cho tương lai tươi sáng” viết về niềm tin về một tương lai tươi sáng cho FPT và cho Việt Nam. Bài viết vào tháng 1/2001 khi sự nghiệp xuất khẩu phần mềm còn vô vàn khó khăn và tưởng như thất bại, bỏ cuộc nhưng tôi vẫn đặt một niềm tin sắt đá là xuất khẩu phần mềm nhất định sẽ thành công.

Sau hơn 15 năm nhìn lại, tôi thấy bài “Tất cả cho một tương lai tươi sáng” đến hôm nay vẫn còn giá trị, vẫn là vấn đề đặt ra cần suy ngẫm với FPT và tôi tin rằng, 10 năm nữa nó vẫn là vấn đề quan trọng với FPT.

- Với chuỗi bài về con người thì sao, thưa anh?

- Series bài về con người FPT bao gồm các bài: ”Quái Kiệt đất Quảng” (viết về Lê Thế Hùng, tức Hùng "Râu"), “Y” (Thái Thanh Sơn), “Hắn” (Lê Quang Tiến), “Anh” (Trương Gia Bình), “Anh Bùi Quang Ngọc”. Khi viết, tôi đều tâm huyết như nhau, nhưng sau khi viết xong và bây giờ nhìn lại thì thích nhất hai bài “Quái kiệt đất Quảng” viết về Hùng "Râu", thành viên sáng lập FPT, chồng của Phó TGĐ FPT Chu Thanh Hà.

Còn bài “Y” viết về quái kiệt FPT Thái Thanh Sơn. Hai nhân vật này đặc biệt và có cá tính nhất FPT. Có lẽ, chỉ có môi trường như FPT mới có thể dung nạp, tạo điều kiện để quái kiệt như vậy thăng hoa.

- Trong các bài viết sử ký của tác giả khác, anh ấn tượng với bài viết nào?

- Tôi ấn tượng với bài "Lịch sử phần mềm" của Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Nguyễn Thành Nam. Bài viết đã đúc kết lại toàn bộ quá trình phát triển phần mềm của FPT.

- Khi bắt đầu bài viết sử ký, anh thường lấy ý tưởng ở đâu?

- Tôi thường nhớ lại các sự kiện của FPT, của FPT IS (thông thường liên quan đến một sự kiện và những con người cụ thể), sau đó hồi tưởng, lấy cảm xúc. Khi có cảm xúc, ý tưởng, cốt truyện hình thành trong đầu rõ thì bắt đầu viết.

- Theo anh khi viết sử ký, điều gì là dễ nhất?

- Đó là viết về con người FPT mình yêu quý mà lại có tính cách đặc biệt khác người hoặc những vấn đề mình tâm đắc nhất từ trái tim mình.

- Kỷ niệm anh nhớ nhất liên quan đến sử ký?

- Tôi nhớ nhất lần viết sử ký đầu tiên, dịp FPT kỷ niệm 10 năm thành lập. Khi đó, lúc chắp bút, những ký ức từ những ngày tiền thành lập FPT, thời kỳ gian khó, nghèo khổ của cả đất nước, cả xã hội cũng như của từng thành viên sáng lập FPT cứ hiển hiện trước mắt tôi.

- Với những người không có khả năng viết lách , anh có lời khuyên gì để có sản phẩm?

- Viết từ cảm xúc thật là dễ nhất. Muốn vậy mình phải có cảm xúc thật. Muốn có cảm xúc thật thì phải sống, làm việc thật sự, có tình yêu thật sự với FPT cũng như với cộng sự.

- Từ ý tưởng nào anh lại viết bài sử ký "Xuất khẩu phần mềm - Giấc mơ chưa bao giờ cạn" với hơn 4.000 từ cho sử ký 25 năm của FPT? 

- Khi bắt đầu khởi động việc viết sử ký, việc đầu tiên là chọn chủ đề cho bài viết. Những năm gần đây, việc đưa trí tuệ Việt Nam trong đó có các giải pháp phần mềm của FPT đi chinh phục thế giới là vấn đề mà tôi trăn trở, tâm huyết và khát khao nhất.

Phần mềm Billing and Customer Care cho Telecom của FPT IS đã chinh phục Campuchia, Lào, Myanmar... đã đem lại cho FPT 10 triệu USD từ thị trường quốc tế. Nhưng đối với FPT IS, đó chỉ là những viên gạch đầu tiên. Khát vọng của công ty còn lớn hơn nhiều.

Những hồi ức về những năm tháng tiền thành lập FPT, tham gia làm sản phẩm phần mềm đóng gói xuất khẩu sang châu Âu cũng như thời kỳ phôi pha xuất khẩu phần mềm của FPT năm 1998 lần lượt hiện về. Vì vậy mà chủ đề "Xuất khẩu phần mềm - giấc mơ chưa bao giờ cạn" như một lẽ tự nhiên, không thể khác vì nó đúng là những trăn trở và khát vọng luôn luôn chiếm một phần quan trọng trong tâm trí tôi.

Đây chỉ là bài sử ký có độ dài trung bình mà tôi viết. Bài sử ký dài nhất trên 12.000 từ là bài "Những chặng đường đầu tiên" viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập FPT IS (tháng 12/2004). Bài sử ký có độ dài thứ hai là trên 10.000 từ. Đó là bài "FPT thuở ban đầu" viết nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập FPT (tháng 9/1997).

Trước khi ngồi gõ những dòng chữ đầu tiên, tôi dành khoảng thời gian nghỉ, tĩnh lặng nhất hồi tưởng lại các sự kiện từ những ngày đầu tiên tham gia xây dựng sản phẩm phần mềm đóng gói xuất khẩu sang châu Âu. Đó là những ngày mùa đông băng giá ở Đức, Pháp, những sự kiện xung quanh "Hội nghị Diên Hồng" năm 1988 ở Đồ Sơn, những ngày tháng đầu tiên, khó khăn nhất của FPT Software và những trăn trở hiện tại. Cứ thế, các ý chính hình thành trong đầu, câu chữ lần lượt hiện lên. Quá trình này kéo dài khoảng 3-4 ngày.

Khi trong đầu cảm xúc đã đủ, tôi bắt đầu ngồi viết. Thời gian viết lần đầu độ hai giờ, sau đó nghỉ lấy thêm cảm xúc và tối hôm sau dành thêm một giờ nữa để hoàn thiện, trau chuốt câu chữ, lỗi chính tả. Tôi nghỉ 2-3 ngày, sau đó đọc lại và hiệu chỉnh lần cuối.

Sau khi viết xong, chính tôi cũng thấy xúc động và tự thấy trọng trách của mình với FPT lớn hơn nhiều lần bởi cái đích, khát vọng thì quá lớn mà vị trí hiện tại của phần mềm FPT IS nói riêng và FPT nói chung còn quá khiêm tốn.

Tôi tự nhủ mình cùng các cộng sự phải thật táo bạo, sáng tạo, quyết tâm, hành động quyết liệt hơn, tất cả phải thật đặc biệt. Chỉ có như vậy giấc mơ mới thành hiện thực.

Lưu Vân thực hiện


Ý kiến

()