Chúng ta

'Viết sử ký là một cách sáng tạo STCo độc đáo'

Thứ hai, 10/6/2013 | 15:57 GMT+7

"Người FPT cùng nhau viết sử ký là một sáng tạo STCo độc đáo, góp phần làm FPT hùng mạnh và trường tồn", Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Trương Gia Bình, quan niệm.
> 'Nghỉ thai sản không bắt buộc viết sử ký' / 'Nỗi khổ' viết sử ký của những người bận rộn / 9 đơn vị FPT Telecom nhận thưởng nóng viết sử ký

Theo anh Bình, sử ký là di chỉ văn hóa, con người và hoạt động kinh doanh, tạo nên một bản sắc riêng biệt của FPT. Đồng thời, sử ký còn là niềm vui, đồng thời ràng buộc trách nhiệm “lịch sử” đối với suy nghĩ, hành động của mỗi thành viên, đặc biệt của những người lãnh đạo.

Người đứng đầu FPT còn khẳng định, sử ký là niềm tự hào, đồng thời để lại kinh nghiệm quý báu cho người FPT, nhất là cho các thế hệ mai sau. Xác định được ý nghĩa của việc viết sử ký sẽ giúp CBNV có động lực hơn khi cầm bút.

a

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình quan niệm, mọi người FPT cùng nhau viết “Sử ký” là một sáng tạo STC độc đáo, góp phần làm FPT hùng mạnh và trường tồn. Ảnh: C.T.

Những bài khắc họa các nhân vật FPT độc đáo, mô tả các hoạt động văn hóa truyền thống, kể cả những bước thăng trầm của FPT... hay các sáng tạo STCo xuất sắc sẽ có giá trị đặc biệt quan trọng đối với sử ký FPT, với sự phát triển bền vững của công ty.

Với anh Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch FPT IS, viết về con người FPT mình yêu quý mà lại có tính cách đặc biệt, khác người hoặc những vấn đề mình tâm đắc dễ nhập tâm và có cảm xúc hơn cả.

a

Theo anh Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch FPT IS, viết về con người FPT mình yêu quý mà lại có tính cách đặc biệt, khác người hoặc những vấn đề mình tâm đắc dễ nhập tâm và có cảm xúc hơn cả. Ảnh: C.T.

Anh tham gia viết sử ký tất cả các năm như sử ký 10 năm, 15 năm, 20 năm thành lập FPT, sử ký 10 năm thành lập FPT IS. Trước khi viết, anh Bảo thường nhớ lại các sự kiện của FPT và FPT IS (thông thường liên quan đến một sự kiện và những con người cụ thể). Sau đó, anh hồi tưởng, lấy cảm xúc. Khi ý tưởng và cốt truyện hình thành trong đầu rõ thì anh bắt đầu chắp bút.

Hồi tưởng 4 lần viết sử ký, anh nhớ nhất là dịp kỷ niệm 10 năm thành lập FPT. Năm đó, khi cầm bút viết, những ký ức từ những ngày tiền thành lập FPT, thời kỳ gian khó, nghèo khổ của cả đất nước, cả xã hội cũng như của từng thành viên sáng lập FPT cứ tràn về nơi đầu ngòi bút.

"Viết từ trái tim là dễ nhất. Muốn vậy, bạn phải có cảm xúc thật. Mà muốn có cảm xúc thật thì phải sống, làm việc với tình yêu thật sự với FPT cũng như với cộng sự", anh Bảo tâm huyết.

Cũng giống anh Bảo, khi bắt đầu viết, chị Nguyễn Thị Dư, Giám đốc Trung tâm Quản lý cước FPT Telecom, thường lấy cảm xúc trong công việc, tình cảm đối với những con người xung quanh. Chị cho biết: "Mình đã làm việc ở FPT Telecom được 15 năm (từ năm 1998), năm nào FPT hay FPT Telecom phát động mình đều tham gia".

Chị Dư ấn tượng nhất với bài sử ký đầu tiên viết về chị Chu Thanh Hà (Phó TGĐ FPT) giống như “Một đốc công Hàn Quốc”. Dù "động chạm" tới lãnh đạo nhưng chị Dư thấy đúng quá nên kiên quyết không sửa.

Ngoài ra, chị còn thích bài viết "Chặng đường FTN - hơn hai năm, nhiều sếp khủng" hưởng ứng cuộc thi năm nay Vì dấu ấn với Công ty Viễn thông miền Bắc (FTN thuộc FPT Telecom) quá mạnh, chị dành nhiều thời gian và tâm huyết cho bài viết. Phải mất 10 ngày liền, chị mới hoàn thành bài sử ký dài 7.230 từ, lập kỷ lục bài sử ký dài nhất.

Theo chị Dư, để hoàn thành tác phẩm hoàn hảo, nên chọn chủ đề mình tâm đắc nhất để có cảm xúc. Với những dân không chuyên về viết lách, chị Dư khuyên: "Bạn chỉ cần ghi lại một câu chuyện xảy ra hằng ngày, câu cú thế nào không quan trọng mà viết bằng tấm lòng chân thật là được".

Trước kia, Phó CT HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc nghĩ rằng, viết lách là một điểm yếu của anh bởi môn Văn thường bị điểm thấp hơn rất nhiều so với các môn khác.

a

Theo anh Ngọc, để viết sử ký tốt thì cần có tình cảm thực sự với công ty. Ảnh: C.T.

Theo anh, để viết sử ký tốt thì cần có tình cảm thực sự với công ty. Anh Ngọc so sánh hài hước: "Chắc bạn cũng từng yêu một cô gái nào đó. Tôi tin những bức thư của bạn viết cho cô ấy đều hay, đều đáng đọc. Hãy vun đắp tình yêu với FPT đi, bạn sẽ dễ viết sử ký".

Với Phó Chủ tịch ĐH FPT Nguyễn Thành Nam, không phải tập đoàn phát động anh mới cầm bút viết. Vì vậy, ở các cuốn sử ký của FPT, cuốn nào cũng có "bút tích" của anh Nam. "Hầu như ngày nào tôi cũng viết. Cái gì đang xảy ra hôm nay, ngày mai sẽ thành lịch sử", anh chia sẻ.

a

Hầu như ngày nào anh Nam cũng viết. Ảnh: S.T.

Các bài viết của anh Nam hầu hết được đăng trên Chợ Dưa của FPT Software để chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và cả cảm xúc của anh trong thời điểm hiện tại. Đến nay, Chợ Dưa trở thành một diễn đàn để anh Nam bày tỏ cảm xúc.

Anh Lê Đình Lộc, Văn phòng HĐQT FPT, chia sẻ: "Dù viết lách nhiều nhưng tôi không có duyên với sử ký lắm".

a

Nói về quy định trừ thưởng anh Lộc tỏ ra bình thường như "chuyện cơm bữa". Ảnh: Lưu Vân.

Từ khi vào công ty, anh Lộc đã viết sử ký 4 lần trong các dịp kỷ niệm 10 năm, 13 năm, 15 năm, 20 năm. Anh vẫn còn nhớ bài đã được đăng trong Sử ký FPT 10 năm viết về anh Lê Thế Hùng (Hùng "Râu").

Theo anh Lộc, hồi đó, anh mới vào công ty được hai năm nên đến gần hạn nộp bài mà vẫn không biết viết gì. Thậm chí, anh còn suy nghĩ "ấu trĩ" rằng, viết sử ký tức là viết lịch sử mà anh mới chỉ vào được hai năm thì làm sao viết được sử. Đến ngày cuối cùng phải nộp bài, anh mới sực nhớ ra là 10 năm trước đó có tham gia làm việc cùng anh Hùng "Râu" trong dự án sấy thuốc lá ở Thanh Hóa nên "lôi" câu chuyện ra viết.

Nói về quy định trừ thưởn, anh Lộc tỏ ra bình thường như "chuyện cơm bữa". Anh bảo, với "lão làng" thì không còn lạ lẫm gì với quy định trừ thưởng 13/9 nếu không viết sử ký nữa. Thay vì phản kháng, cứ phải có bài nộp cho "chắc ăn". Anh cũng cho rằng, trừ thưởng sẽ khiến mọi người vượt ngại và có thể bật ra ý tưởng thú vị cho sử ký.

"Kinh nghiệm đơn giản là cứ nghĩ thế nào thì viết thế ấy, yêu ai, ghét ai cũng biến thành câu chuyện được", anh Nguyễn Duy Hưng (Hưng "Đỉnh"), Phó TGĐ Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9 thuộc FPT Trading), chia sẻ.

a

Anh Hưng (trái) cho biết, khi viết sử ký dễ nhất là cứ nghĩ thế nào, viết thế ấy. Ảnh: C.T.

Sau đó thì sửa chính tả, "mông má" lại cho câu cú đỡ lủng củng. Với những người không viết thường xuyên, như thế là đã có một bài viết.

Cùng chung ý kiến với nhiều lãnh đạo, anh Lê Mai Anh, Giám đốc FSU15 thuộc FPT Software, cũng cho rằng: "Dễ nhất là viết về con người FPT. Có quá nhiều cá nhân xuất sắc, những tấm gương sáng để chúng ta có thể học hỏi cả cuộc đời này".

Theo anh Mai Anh, sẽ rất khó để gò ép mình phải viết. Nhưng nếu bạn có tình yêu với công ty, tình yêu với những con người xung quanh thì sẽ rất dễ dàng chắp bút hơn. "Có thể bạn viết không hay nhưng đó là những tình cảm chân thật. Sử ký thì cần sự chân thật", anh nhấn mạnh.

Thạch Anh

Ý kiến

()