Chúng ta

Kinh tế phần mềm kiểm soát thế giới

Thứ sáu, 2/8/2013 | 19:09 GMT+7

Chúng ta đang bước vào “Nền kinh tế phần mềm”. Phần mềm có mặt ở khắp mọi nơi. Thị trường máy tính và cơ hội nghề nghiệp của ngành khoa học máy tính đang thực sự bùng nổ.
> Ứng dụng di động đa nền - thuận lợi và khó khăn

Theo LinkedIn, đây không phải là một điều bất ngờ. Gần như mọi thiết bị chúng ta sở hữu đều được kết nối với Internet (máy tính, điện thoại, xe hơi và không lâu nữa là các dụng cụ gia đình và cả chính chúng ta). Công nghệ đeo dự kiến sẽ đóng góp thêm 10 tỷ thiết bị kết nối Internet vào năm 2020 thay cho con số 1 tỷ thiết bị của năm 2010. Chúng ta cần người lập trình cho tất cả thiết bị phần cứng đó cũng như quản lý mọi dữ liệu thu thập được.

Dưới đây là điểm thú vị:

1. Tốc độ tăng trưởng khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm

Gần đây, BurningGlass, một trong những nhà cung cấp hàng đầu về Big Data về số lượng việc làm cũng như tình trạng việc làm, đã thực hiện một số phân tích và phát hiện ra rằng từ năm 2007 đến 2012, số lượng việc làm trong lĩnh vực phần mềm đã tăng 31%, nhanh gấp 3 lần số lượng việc làm tổng thể ở Mỹ. IDC ước tính rằng thị trường cho các sản phẩm phần mềm khác nhau đạt hơn 200 tỷ USD, không bao gồm phần mềm nhúng trong các sản phẩm khác.

2. Phần mềm là chìa khóa quyền lực

Hãy suy nghĩ về ngành công nghiệp ôtô. Ford, GM, Chrysler và các công ty khác đang cạnh tranh với thung lũng Silicon về kỹ sư phần mềm. Hãng Ford cho biết, hần hết các vị trí quan trọng hiện tại đều thuộc về kỹ sư phần mềm và hệ thống, tạo ra một cuộc cạnh tranh mới cho các tài năng kỹ thuật ở Detroit.

d

Kỹ sư giải pháp của FSU3, FPT Software hướng dẫn các nhà phân phối của Pepsi về giải pháp DMS của đơn vị. Ảnh: V.N.

Dữ liệu của BurningGlass cũng cho thấy, trong vòng 5 năm qua, công việc liên quan đến phần mềm trong lĩnh vực sản xuất đã tăng 31%, y tế tăng 71%, lĩnh vực dịch vụ tài chính tăng 40% và trong ngành công nghiệp bán lẻ tăng 98%. Các nhà bán lẻ cần kỹ sư phần mềm để phát triển hệ thống thương mại điện tử, phát triển ứng dụng và phân tích dữ liệu lớn.

3. Phần mềm được làm khắp nơi

Công việc phần mềm trước kia thường tập trung tại Boston, San Francisco, Atlanta, và một số khu vực địa lý quan trọng nơi các công ty phần mềm được sinh ra và đặt trụ sở. Nhưng ngày nay, kỹ năng phần mềm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu ở khắp mọi nơi và chúng ta có thể thuê và quản lý người lao động từ khắp nơi trên thế giới.

Nghiên cứu của BurningGlass cho thấy, Detroit, Baltimore, và Phoenix đều bùng nổ với vị trí trong lĩnh vực phần mềm. Và các thành phố như Vancouver, Toronto và khu vực Đông Âu hiện trở thành nơi phát triển mạnh mẽ cho đội ngũ kỹ sư phần mềm.

4. Kỹ năng phần mềm có thể dễ dàng đạt được hơn bao giờ hết

Trong khi phần mềm tiếp tục là một nghề đòi hỏi chuyên môn cao, ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy nó có thể trở thành một nghề phổ thông. Bạn có thể theo học các khóa học trực tuyến một cách dễ dàng (Các khóa học trực tuyến mở rộng về khoa học máy tính của Stanford, Harvard, MIT luôn có sẵn và hoàn toàn miễn phí) và nếu bạn đã sẵn sàng, bạn có thể bắt đầu viết code ngay tại nhà với khoản đầu tư không quá một chiếc Macbook.

5. Sự cạnh tranh mãnh liệt

Rất nhiều trong số những kỹ năng này đến từ các nền kinh tế mới nổi và sự cạnh tranh dự báo sẽ rất khốc liệt. Tại Trung Quốc, 41% sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Con số này tại Ấn Độ là 26%, trong khi đó ở Mỹ chỉ là 13%.

Các công ty hiện tìm kiếm khắp nơi những kỹ năng này, và đây là lý do vì sao đã có những “khu chợ” dành cho các kỹ năng kỹ thuật được mở ra. Như Kaggle, nơi cho phép bạn đưa các dự án khoa học dữ liệu của mình lên môi trường trực tuyến để đấu thầu cạnh tranh. Những công ty như oDesk, Elance, Freelancer, và hàng chục “khu chợ” khác đang được dựng nên để giúp các lập trình viên kết nối với người mua hàng.

6. Công nghệ phần mềm tiếp tục phát triển

Điều này làm cho thị trường trở nên năng động hơn bao giờ hết. Cũng như tất cả các “nền kinh tế” khác, thị trường ngày càng chia nhỏ và tiếp tục mở rộng. Hiện có hàng chục thể loại và khoa mục trong ngành phần mềm (trong đó Big Data đang ‘nóng’ nhất tại thời điểm này). Vì vậy, nếu bạn có dự định bước chân vào lĩnh vực này, bạn cần xác định rõ là mình cần phải liên tục học tập.

d

Công việc phần mềm trước kia thường tập trung tại Boston, San Francisco, Atlanta, và một số khu vực địa lý quan trọng nơi các công ty phần mềm được sinh ra và đặt trụ sở. Ngày nay, các lập trình viên FPT Software tại TP HCM đang làm phần mềm cung cấp cho các đối tác lớn tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Ảnh: V.N.

20 năm trước đây, các kỹ sư phần mềm đã được học về công nghệ client/server. 10 năm trước, chúng ta tập trung vào Java và Internet. Ngày nay, lĩnh vực ‘nóng’ nhất là Big Data, điện thoại di động, thiết kế trải nghiệm người dùng, tìm kiếm, và các ứng dụng di động ( Mobility). Trí tuệ nhân tạo, máy học (machine learning) và gamification (ứng dụng quy luật tâm lý quen thuộc trong game khiến người dùng hứng thú hơn để làm một điều mà có thể bản thân họ không muốn hay không có đủ động lực) sẽ là đích ngắm tiếp theo.

Đây là khoảng thời gian thú vị để trở thành chuyên viên tin học. Với những đơn vị đang cần tuyển dụng và quản lý những người làm phần mềm, yêu cầu phải luôn sáng tạo trong việc tuyển dụng và quản lý hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các kỹ sư chỉ sẵn sàng làm việc tại các công ty đem lại cho họ dự án lớn và một môi trường làm việc sáng tạo, thú vị, vui vẻ. Do đó, các công ty cần tái thiết kế nơi làm việc để thu hút đội ngũ kỹ thuật tuyệt vời.

Một điểm cuối cùng, thậm chí nếu bạn không phải là một kỹ sư phần mềm, cũng sẽ rất quan trọng để tìm hiểu về phần mềm và các thị trường phần mềm, vì nó có thể sẽ giúp ích nhiều cho công việc của bạn.

 Na Vy

Ý kiến

()