Chúng ta

Chi tiêu công nghệ Mỹ vẫn tăng mạnh

Thứ ba, 22/10/2013 | 09:07 GMT+7

Forrester dự đoán chi tiêu công nghệ toàn cầu trong năm 2013 sẽ tăng 2,3%, đạt 2,07 nghìn tỷ USD và tăng 5,4% năm 2014. Chi tiêu công nghệ tại Mỹ sẽ đạt mức 5-6% năm 2013 và 2014, một mức tăng trưởng khá cao so với thị trường chung.
> Top thay đổi về CNTT được dự đoán cho năm 2014 / FPT Software 'hái' tiền tỷ ở Mỹ nhờ 'lên mây'

Theo nhà phân tích Andrew Bartels của Forrester, các công ty nghiên cứu đã cắt giảm dự báo chi tiêu CNTT của mình hai lần, từ 4,3% đến 3,3% vào thời điểm hiện tại. Tăng trưởng chi tiêu theo khu vực trong năm 2013 theo dự đoán của Forrester cụ thể là: Chi tiêu của Mỹ sẽ tăng 5,9% trong năm 2013 và 6,9% trong năm 2014; Canada sẽ có mức chi tiêu không đổi cho CNTT trong năm 2013 và tăng trưởng 3,2% năm 2014; Mỹ Latin sẽ tăng trưởng chi tiêu 2,6% năm 2013 và 10,7% năm 2014.

Trong khi đó, Tây và Trung Âu sẽ có mức tăng trưởng 1,3% trong năm 2013 và 3,4% năm 2014. Đông Âu, Trung Đông và châu Phi có mức tăng trưởng năm 2013 là 6,9% và 6,3% trong năm 2014; châu Á - Thái Bình Dương sẽ có sự sụt giảm xuống 3,2% trong năm 2013 và tăng trưởng 3,7% vào 2014.

Theo ZDNet, chi tiêu cho phần mềm, điện toán đám mây và phân tích sẽ tăng nhưng chi phí tiêu dùng cho thiết bị máy tính sẽ giảm. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, khi hệ điều hành máy chủ và máy tính có mức độ tăng trưởng chi tiêu tiêu cực tương ứng giảm 9% và 2%.

d

FPT Software tại Mỹ (FUSA) có mức tăng trưởng ấn tượng - 54% trong năm 2012.

Phần mềm và các dịch vụ tích hợp hệ thống sẽ là lĩnh vực tăng trưởng chính cho ngành công nghiệp công nghệ cao trong năm 2013 và 2014. Phần mềm cho doanh nghiệp và chính phủ sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2013 và 6,2% năm 2014. Trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2013 có thể không có vẻ ấn tượng, đây sẽ lĩnh vực phát triển mạnh mẽ hơn bất kỳ loại hình công nghệ khác.

Phần mềm là nơi diễn ra hầu hết thay đổi lớn trong công nghệ, dù những thay đổi này có được là nhờ việc áp dụng điện toán đám mây trong các hình thức phần mềm như một dịch vụ (SaaS) và nền tảng như một dịch vụ (PaaS), máy tính thông minh dưới dạng dữ liệu lớn, các phân tích thời gian thực, và các ứng dụng quy trình thông minh, hoặc điện toán di động dưới hình thức các ứng dụng di động.

“Công nghệ đã trở thành lĩnh vực có thị phần lớn thứ hai tại thành phố New York, Mỹ”, tờ The Verge nhận định.

Nền kinh tế truyền thống của thành phố New York thống trị bởi tài chính, bất động sản và truyền thông. Với sự tăng trưởng việc làm nhanh chóng của ngành CNTT đã biến nơi đây trở thành ngành công nghiệp có đóng góp lớn thứ hai cho thành phố, xét theo tiền lương.

Công nghệ thường được coi là giải pháp cho sự suy yếu tăng trưởng việc làm ở Mỹ. Thành phố New York đã thoát khỏi suy thoái nhanh hơn so với phần còn lại của đất nước, một phần do sự tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ cao, nhà kinh tế Michael Mandel, người thực hiện nghiên cứu, cho biết.

Lĩnh vực công nghệ cao cũng đang bùng nổ tại các quận ngoài như Brooklyn và Queens. Việc làm công nghệ cao ở Brooklyn tăng 24% trong khi tiền lương tăng 54%. Ở Queens, việc làm tăng 6% và tiền lương tăng 20%. Số lượng nhân công Mỹ gốc Tây Ban Nha và Latin làm việc trong lĩnh vực máy tính hay toán học liên quan đến CNTT đã tăng 28% trong vòng hai năm qua, trong khi số lượng nhân công da đen tăng 23% và số lượng lao động châu Á tăng 18%. Trong khi đó, số lượng nhân công da trắng chỉ tăng 5,5%.

d

Anh Bùi Quang Ngọc, TGĐ FPT, trao huy hiệu FPT cho một nhân viên người Mỹ của FUSA.

Ngành công nghệ cao của thành phố New York chủ yếu tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và thường hội tụ với các ngành công nghiệp khác. Những lĩnh vực đang rất phát triển bao gồm thương mại điện tử, thiết kế web và phương tiện truyền thông như Etsy, Tumblr và BuzzFeed, cùng các công ty lớn hoạt động ở New York như Amazon, Google và Facebook. Các đơn vị phát triển ứng dụng, như FiftyThree và Tendigi, cũng chiếm một số lượng lớn công ăn việc làm, cùng các công ty cơ sở hạ tầng như Verizon và các công ty quảng cáo như AppNexus.

Hiệc những thành phố khác có nền kinh tế trì trệ như Detroit, Kansas City và New Orleans cũng đang học tập theo mô hình phát triển này của New York. “Hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng giúp phát triển nền kinh tế và tạo ra công ăn việc làm trên toàn quốc”, Ron Conway, một nhà đầu tư có ảnh hưởng ở Thung lũng Silicon, cho biết trong một e-mail.

Thời gian qua, mặc dù nền kinh tế chung khó khăn nhưng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Việt Nam vào Mỹ vẫn phát triển, đạt mức tăng trưởng cao với nhiều tín hiệu khả quan. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được những dự án có độ phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao hơn trước rất nhiều.

FPT Software đã thành công ấn tượng với doanh số xuất khẩu 81 triệu USD, tăng 30% trong năm 2012, trong đó thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với khoảng 54% so với cùng kỳ năm 2012. FPT Software cũng là công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) và NeoGroup (Mỹ) đánh giá dựa vào năng lực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO). Một công ty khác là TMA Solutions được hãng tư vấn Aberdeen Group, Inc. của Mỹ (chuyên phân tích thị trường CNTT thế giới) đưa vào danh sách 15 công ty cung ứng dịch vụ gia công phần mềm tốt nhất trong số 52 công ty được khảo sát.

Mới đây, với doanh thu 81,5 triệu USD và mức tăng trưởng 30,4%, FPT Software là doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 500, danh sách uy tín của giới CNTT toàn cầu do Software Magazine xếp hạng. Theo đó, FPT Software được vinh danh ở vị trí 296/500 doanh nghiệp phần mềm lớn nhất thế giới.

TMA Solutions đang đặt kỳ vọng lớn vào các xu hướng công nghệ mới dựa trên nền công nghệ điện toán đám mây và công nghệ di động sẽ là một trong những mảng quan trọng góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 20% doanh thu.

Công ty KMS Technology chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho thị trường Mỹ cho biết, trong năm 2013, họ đã liên tục nhận được đơn đặt hàng gia công phần mềm và hiện có đủ việc làm cho cả năm. Doanh số công ty đã tăng từ 4,51 triệu USD (năm 2011) lên 6,7 triệu USD (năm 2012) và có thể đạt gần 9 triệu USD (năm 2013). Sơ kết 6 tháng đầu năm, KMS đạt 5 triệu USD, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2012.

d

CBNV FPT tại Mỹ dự tiệc sinh nhật lần thứ 5 của đơn vị trong tháng 10.

Nhỏ hơn một chút về tiềm lực và khả năng phát triển thị trường, CMCSoft cũng đã triển khai hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm tại hai thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và nhiều thị trường tiềm năng khác tại châu Âu (Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…), châu Á (Hàn Quốc, Singapore…). Mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ tăng trưởng 60% về quy mô và doanh thu so với năm 2012.

Gần đây nhất, ngày 6/8, FPT Software đã giành được quyền triển khai dự án RQ1-Renovation. Khách hàng là một công ty lớn của Mỹ, có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản. Theo dự án này, FPT Software sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản của khách hàng theo mô hình cung cấp truyền thống sang phần mềm dịch vụ ( SaaS) trên nền công nghệ điện toán đám mây. Khi dự án hoàn tất, khách hàng có thể cắt giảm được 50% chi phí vận hành cung cấp sản phẩm so với trước đây.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã có thể đảm nhận được các công việc đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao hơn. Với xu hướng phát triển dịch vụ, giải pháp phần mềm trên nền công nghệ điện toán đám mây công nghệ di động mà FPT Software, TMA Solutions đang thực hiện sẽ giúp các doanh nghiệp này thay đổi vị thế trên thị trường thế giới.

Lan Chi

Ảnh: FUSA

Ý kiến

()