Chúng ta

Châu Phi - điểm đến mới của các đại gia công nghệ

Thứ bảy, 23/2/2013 | 10:10 GMT+7

Rất nhiều công ty công nghệ đã để mắt tới châu Phi, dẫn đầu là IBM, trong việc chinh phục thị trường đầy tiềm năng nhưng còn bị lãng quên này.
> Việt Nam sẽ là trung tâm gia công phần mềm thế giới

Mamadou Ndiaye lớn lên ở Senegal trong một gia đình trung lưu. Ông theo học chuyên ngành toán tại Đại học Cheikh Anta Diop ở Dakar và sau đó đã có nhiều năm giảng ở Côte d'Ivoire. Khi làm việc, Mamadou Ndiaye tiết kiệm tiền để theo đuổi giấc mơ học tập tại Mỹ.

d

Sau thành công ở Mỹ, hiện Ndiaye đã quay trở về quê hương, làm quản lý văn phòng của IBM tại Darkar. Ảnh: Internet.

Ông đã đến New York và làm việc tại công ty cung ứng thiết bị văn phòng Staples để trang trải chi phí cho khóa cao học chuyên ngành xác suất thống kê tại Đại học Columbia. Do quá ấn tượng với khả năng tư vấn bán hàng của ông, một khách hàng đã đề nghị Ndiaye ứng tuyển vào Công ty IBM, nơi mình đang làm việc. Câu chuyện này đã xảy ra 15 năm trước đây. Hiện Ndiaye đã quay trở về quê hương, làm quản lý văn phòng của IBM tại Darkar.

Văn phòng tại Senegal chỉ là một dấu hiệu cho thấy IBM tin rằng châu Phi sẽ là thị trường đem lại cho công ty hàng tỷ USD lợi nhuận. Đây không phải là lần đầu tiên IBM đặt chân đến châu lục này. Vào năm 2011, công ty đã cung cấp phụ tùng cho ngành đường sắt Nam Phi và hệ thống máy tính chủ cho Cục Thống kê Trung ương của Ghana vào năm 1964. Thời gian gần đây, công ty đặc biệt chú ý đến châu lục này.

Vào tháng 7/2011, công ty đã giành được hợp đồng cung ứng cho Bharti Airte, một công ty điện thoại di động tại Ấn Độ trong 10 năm, với trị giá hợp đồng lên đến 1,5 tỷ USD cùng với các dịch vụ công nghệ thông tin tại 16 quốc gia ở châu Phi. Kể từ giữa năm 2011, công ty hiện diện tại hơn 20 quốc gia trong tổng số 54 quốc gia tại châu lục này. Vào tháng 8 năm ngoái, IBM cũng đã mở một phòng thí nghiệm tại Nairobi, một trong 12 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

IBM có thể là người tiên phong, nhưng hãng công nghệ này không đơn độc. Vào tháng trước, Eric Schmidt, chủ tịch Google, đã dành một tuần tại các thành phố thuộc tiểu vùng Sahara và hết lòng ca ngợi Nairobi rằng “nơi đây sẽ trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu của châu Phi”.

Để cạnh tranh với Google, Orange - hãng viễn thông của Pháp - và nhà tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã liên kết với nhau bằng dòng sản phẩm smartphone bán tại châu Phi và Trung Đông. Trong năm nay, Orange cũng đã tài trợ cho giải bóng đá Cup các quốc gia châu Phi và một giải bóng đá tại Nam Phi.

Trong tháng 2, Microsoft, với hơn 14 văn phòng tại các quốc gia châu Phi, cũng đã công bố mẫu điện thoại thông minh được sản xuất bởi Huawei, Trung Quốc, sử dụng hệ điều hành mới của Microsoft sẽ có mặt tại châu Phi trong thời gian tới.

Tại Kenya, Microsoft dự định sẽ mang Internet băng thông rộng đến những nơi chưa có điện bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời và “các khoảng trắng” hoặc dựa trên phần dư thừa của tần số phát sóng truyền hình. Ông Fernando de Sousa, Tổng Giám đốc Microsoft tại châu Phi, cho biết, trong vòng một năm tới, 6.000 người tại thung lũng Rift sẽ có thể truy cập Internet băng thông rộng. Những dự án tương tự như vậy cũng đã được lên kế hoạch cho những nơi khác. Kể từ tháng 10/2012, Microsoft đã cho phép ứng dụng “app factory” hợp chuẩn cho các lập trình viên tại Ai Cập và Nam Phi.

d

Năm 2002, chỉ có 32% người châu Phi đạt trình độ giáo dục trung học hoặc đại học, nhưng đến năm 2020, con số này sẽ là 48%. Ảnh: Internet.

Nhà phân tích Mark Walker của công ty nghiên cứu IDC cho biết, trong 3-4 năm gần đây, các công ty đa quốc gia đã thông qua một “phương cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ”, với nhiều cách tiếp cận đầu tư như đầu tư vào người dân địa phương bằng cách chuyển giao kiến thức hay đầu tư vào các công ty bản địa. Các công ty đa quốc gia đang tính chuyện ở lại lâu dài, thay vì bỏ chạy sau một hoặc hai quý thua lỗ.

Châu Phi cũng như Trung Quốc trước kia, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào lực lượng lao động chất lượng cao sẽ ngày càng gia tăng. Tuy vẫn còn thiếu hụt nhiều kỹ năng, nhưng năng lực của người lao động đang ngày càng dồi dào hơn. Theo Viện nghiên cứu McKinsey Global, trong năm 2002, chỉ có 32% người châu Phi đạt trình độ giáo dục trung học hoặc đại học, nhưng đến năm 2020, con số này sẽ là 48%.

Nổi bật tại châu Phi có thể kể đến Kenya. Quốc gia này có nhiều lợi thể để trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu của lục địa đen. Sự ổn định chính trị cùng với việc sử dụng hệ thống pháp luật của Anh và khí hậu ôn hòa đã làm cho Kenya hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, các giải pháp ví điện tử đơn giản tiện lợi thông qua tin nhắn SMS, M-Pesa cũng được đánh giá rất cao.

Bitange Ndemo,nhân vật cấp cao của Bộ Thông tin và Truyền thông Kenya, cho biết, ông muốn CNTT sẽ tăng từ khoảng 5% GDP hiện tại lên đến 35% "trong thời gian rất ngắn ". Ông hy vọng cho một sự thay đổi vĩ đại từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp tại Kenya.

Để tạo ra một thị trường mới và gặt hái thành công từ đó, các công ty công nghệ phải đặt trụ sở nghiên cứu ngay tại chính thị trường đó. John Kelly, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của IBM, cho biết, sau khi thiết lập phòng nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 1995 và tại Ấn Độ vào năm 1998, họ đã có được những phát minh mà chỉ có thể nảy ra tại những địa phương đó. Ví dụ như phòng nghiên cứu tại Ấn Độ đã phát minh ra “spoken web” (web biết nói) của dòng điện thoại giá rẻ dành cho người mù chữ.

Một trong những thách thức đầu tiên của phòng nghiên cứu tại Nairobi chính là hệ thống giao thông. Thành phố có quá ít đèn giao thông và hệ thống camera quan sát, do đó thường xuyên xảy ra tắc đường nghiêm trọng. Tín hiệu từ điện thoại di động có thể giúp người tham gia giao thông theo dõi lưu lượng phương tiện di chuyển trên đường, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quy hoạch thành phố lại có quá ít dữ liệu. Do đó, phòng nghiên cứu của IBM buộc phải khai thác từ các nguồn dữ liệu khác, chẳng hạn như hệ thống camera kiểm soát an ninh và sau đó chọn lọc, nghiền ngẫm để giúp các nhà quy hoạch đưa ra các giải pháp kiểm soát giao thông và xây dựng hệ thống đường sá mới.

Cũng như giao thông, rất nhiều lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cung cấp nước sạch, chính phủ điện tử… chắc chắn sẽ là những khách hàng quan trọng của các công ty công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khách hàng tư nhân vẫn chiếm một vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và tài chính.

d

Công nghệ thông tin đang hiện diện nhiều hơn trong đời sống của người dân châu Phi. Ảnh: Internet.

Tại Kenya, M-Pesa, hệ thống chuyển tiền qua điện thoại di động đã trở thành một tiện ích đáng tin cậy trong các giao dịch hằng ngày. Equity Bank, một ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh chóng với đại đa số khách hàng chưa bao giờ có tài khoản cá nhân trước đây, giờ cũng đã trưởng thành với công nghệ trên điện thoại di động. Với các công ty công nghệ, đây là một mảnh đất màu mỡ bởi nhu cầu gia tăng đáng kể trong phần mềm, phân tích cơ sở dữ liệu về vay nợ, chi tiêu, kết nối tin cậy cũng như các trung tâm dữ liệu.

Các công ty công nghệ cũng rất quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Microsoft vừa công bố phần mềm SME4Afrika giúp 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hoạt động kinh doanh trực tuyến. Công nghệ sẽ giúp các ngành kinh doanh phi chính thức tham gia vào nền kinh tế chính thức. Khả năng ứng dụng sức mạnh phần mềm và lưu trữ trực tuyến "như một dịch vụ" có thể đặt chi phí dành cho công nghệ trong phạm vi ngân sách của nhiều doanh nghiệp nhỏ châu Phi.

Châu Phi vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề để giải quyết và chính sức mạnh công nghệ sẽ giúp giải quyết những vấn đề đó.

Nguyên Văn (theo Business Insider)

Ý kiến

()