Chúng ta

'Lãnh đạo giỏi cần xây dựng lòng tin ở nhân viên'

Thứ ba, 14/8/2012 | 07:30 GMT+7

Anh Phạm Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tư vấn Quốc tế FPT thuộc FPT IS, là người biết xây dựng lòng tin, truyền lửa và động viên kịp thời để nhân viên vượt khó.
> Nét chấm phá về Trưởng ban Nhân sự FPT / 'Đằng sau vẻ lạnh lùng là trái tim ấm áp' / 'Đừng nên đánh giá một người ở vẻ bề ngoài' / Cô nữ sinh có nghị lực phi thường

Vậy là tôi đã làm việc ở FPT được ba năm. Nhớ hồi đầu đi làm còn ngơ ngơ ngác ngác, lạ lẫm lắm, giờ thì thân quen quá rồi.

Người đầu tiên tôi tiếp xúc ở môi trường FPT chính là anh Phạm Văn Việt, hiện giờ là sếp của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên trong buổi phỏng vấn. Nói là phỏng vấn cho đúng thông lệ chứ thực ra tôi thấy nó giống một buổi trò chuyện hơn. Cái cảm giác thân thiện đó khiến tôi lúc đó tuy chưa hiểu nhiều về FPT nhưng khi được trò chuyện cùng anh, tôi cũng đã liến thoắng một hồi.

a

Phạm Văn Việt luôn biết cách truyền lửa và lòng tin để nhân viên vượt khó. Ảnh: NVCC.

Ngày nhận được thông báo trúng tuyển, tôi mừng và thích thú lắm vì mình được làm đúng chuyên ngành học. Thế nhưng, khi bắt đầu vào việc, tôi mới "choáng" và bỡ ngỡ vì công việc thực tế khác xa với những gì được học.

Tôi phải tìm hiểu những cụm từ rất lạ lẫm và khó như CCNA, CCNP hay SAP, ERP… Tuần đầu đi làm, tôi chỉ ngồi đọc tài liệu về những kiến thức khô khan đó. Tôi thấy ngán ngẩm vô cùng. Và, người lấy lại tinh thần cho tôi lại chính là anh.

Anh nói: "Thông thường những người mới tìm hiểu về CNTT thì phải mất ít nhất một năm để có thể hiểu được những nội dung căn bản. Vì thế, em cứ bình tĩnh, không phải vội đâu”. Nghe anh khuyên nhủ, động viên, tôi như được tiếp thêm nghị lực, lòng tin.

Anh Việt là dân công nghệ chính gốc nhưng không hề khô khan, khó gần. Ngược lại, anh khá trẻ trung trong cả phong cách và suy nghĩ. Anh hiểu tính cách của từng nhân viên để có ứng xử phù hợp. Tuy anh không hay dùng những từ ngữ trau chuốt để khen ngợi nhưng anh luôn tạo điều kiện để họ có thể phát huy hết khả năng của mình.

Tôi còn ấn tượng mãi lần phỏng vấn hôm đó, anh có nói với tôi: "Làm nghề đào tạo này phải có cái Tâm”. Giờ ngẫm lại mới thấm thía câu nói của anh. Không có tâm chắc hẳn chúng tôi sẽ không thể dốc hết sức lực, lòng nhiệt huyết để đào tạo ra các thế hệ học viên như ngày nay cũng như không thể gắn bó lâu dài với nghề.

"Người lãnh đạo giỏi là người phải biết xây dựng lòng tin ở nhân viên vì khi có lòng tin, họ có thể làm được tất cả". Tôi thấy câu đúc kết này rất đúng và anh Việt đã làm được như vậy.

Ngoài công việc của mình, anh còn dành khá nhiều thời gian để trực tiếp truyền đạt những kiến thức về CNTT cho đồng nghiệp và giải đáp các thắc mắc xoay quanh công việc. Mỗi khi thấy anh rao giảng, tôi cảm nhận rõ nét sự tâm huyết và yêu nghề của anh với công việc này.

Không chỉ nói chuyện về công việc, đôi khi chúng tôi cũng có những thắc mắc rất đời thường. Anh cũng thường vui vẻ giải đáp bằng những câu trả lời thật bình dị, dí dỏm. Những lúc như vậy, tôi thấy anh thật gần gũi, cởi mở.

Đối với tôi, sếp như một người thầy, người đồng nghiệp, người anh đáng kính, đáng học hỏi. Nhờ có anh mà giờ đây, từ một người chẳng biết gì nhiều về CNTT như tôi đã có thể hiểu và đọc tên CO, FI, Unix, ITIL… như chính ngôn ngữ hằng ngày vậy.

Ngọc Diệp

Dù đã hết hạn gửi bài dự thi "Viết về đồng đội" từ 30/6 nhưng Ban tổ chức vẫn tiếp tục nhận các bài viết ở địa chỉ dongdoi@fpt.com.vn và sẽ có các giải thưởng khuyến khích CBNV tham gia cuộc thi này.

Ý kiến

()