Chúng ta

Giảng viên ngoại có tâm hồn Việt

Thứ năm, 9/8/2012 | 13:51 GMT+7

Khi nói chuyện với Hans Anderson, giảng viên Công nghệ thông tin ĐH FPT, người ta chỉ còn thấy một “Người Việt trầm lặng” dùng những triết lý nhân sinh của đạo Phật để nhìn nhận cuộc đời và dùng cái tâm trong sáng để giảng dạy, đối đãi với những sinh viên của mình.
> Người góp công 'xây' FPT Software / Cô giáo khắt khe / Chàng tân binh 'cháy' hết mình vì công việc

Cách đây ba năm, vừa chân ướt chân ráo vào trường với bao bỡ ngỡ và lo lắng, tôi đã được gọi lên Xuân Hòa đi rèn luyện quân sự với sinh viên. Lúc đó, tôi vẫn chưa quen thân với đồng nghiệp, còn sinh viên thì càng xa lạ với tôi.

Hình ảnh một chàng trai tóc vàng, da trắng cao kều ngồi đệm đàn cho sinh viên hát ở các trại quân khiến tôi thấy thật gần gũi. Sau mấy câu làm quen xã giao, khi biết tôi là giáo viên mới, chàng trai đó đã ân cần nói: “Anh cũng mới vào ĐH FPT được hai tháng, em vào đây nghe sinh viên hát, vui lắm”.

Tôi đã không ngần ngại hòa vào cùng thầy trò để chỉ nghe hát và vỗ tay đệm theo. Và Hans trở thành người bạn đầu tiên của tôi tại ĐH FPT như thế.

a

Dù là người Mỹ nhưng thầy Hans có thể nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Ảnh: NVCC.

Hans đến từ Minnesota của nước Mỹ xa xôi. Anh đã làm việc nhiều nơi ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc và như một cơ duyên,Việt Nam đang là nơi anh dừng lại lâu nhất trên hành trình của mình. Tại ĐH FPT, công việc của anh là dạy môn Công nghệ thông tin và mở rộng quan hệ với sinh viên quốc tế cho hệ cử nhân Top up.

Nói về Hans sẽ có rất nhiều điều để chia sẻ. Với tôi, khi trở thành một “đồng đội” của nhau, tôi đã quên mất anh là một người Mỹ. Hans mang trong mình một tâm hồn Việt khiến ai cũng phải ngạc nhiên.

Sinh viên ĐH FPT phải ngỡ ngàng về khả năng nói tiếng Việt của anh. Ở trường, các giáo viên nước ngoài phải dùng tiếng Anh với sinh viên thì Hans nói chuyện như một người Việt thực thụ.

Cách học tiếng Việt của Hans thật đơn giản. Anh học mọi nơi, trong lúc trò chuyện với các anh bảo vệ sau những giờ dạy, nói chuyện với chủ quán cơm, với chủ nhà và cả trò chuyện với đồng nghiệp ở trường, thậm chí là đọc truyện Đôrêmon.

Và thầy Hans có thể hiểu tất cả những gì sinh viên nói trong lớp để biết các em đang nghĩ gì, thậm chí là những câu tiếng lóng mà lũ sinh viên nghịch ngợm hay dùng.

Khi tiếp xúc với Hans, mọi người đều dành tặng anh những mỹ từ như thông minh, giản dị, tốt bụng và luôn trả lời các câu hỏi của mọi người, tận tình chỉ bảo cho từng sinh viên.

Để cho bài giảng của mình dễ hiểu, Hans cũng thường trao đổi với các giáo viên người Việt hay thậm chí là dùng những hình ảnh sinh động từ những bộ phim hoạt hình.

Ở Việt Nam, Hans học Yoga, thái cực quyền và mộ đạo Phật như một phật tử vậy. Thật khó có thể tin nổi khi nhìn thấy hình ảnh một chàng trai Tây lãng tử còn rất trẻ lại tụng kinh mỗi ngày, nghiên cứu đạo Phật và tham gia những bài giảng của các hòa thượng ở chùa.

Hans sống rất hòa đồng với mọi người. Bạn cùng nhà với Hans là những người Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến, anh lại về quê cùng với họ đón Tết, gói bánh chưng.

Ở ĐH FPT, Hans không chỉ gắn bó với sinh viên Việt Nam mà còn với những sinh viên quốc tế. Những học trò đến từ Nigeria đều được anh chỉ dẫn, quan tâm và giúp đỡ họ. Nhiều người thường bắt gặp người thầy Mỹ tóc vàng đang cố gắng kết nối những sinh viên của “lục địa đen” với sinh viên Việt Nam, để họ không còn khoảng cách về màu da, về văn hóa. Hình ảnh đó thật đẹp.

Đến ĐH FPT, hằng ngày, tôi vẫn bắt gặp nụ cười hiền lành của người đồng nghiệp đang ngồi chỉ bài cho sinh viên ngoài sảnh. Tôi vẫn mong người bạn ấy sẽ chọn ĐH FPT và Việt Nam là nơi dừng chân cho cuộc đời của mình.

Nguyễn Trang

Dù đã hết hạn gửi bài dự thi "Viết về đồng đội" từ 30/6 nhưng Ban tổ chức vẫn tiếp tục nhận các bài viết ở địa chỉ dongdoi@fpt.com.vn và sẽ có các giải thưởng khuyến khích CBNV tham gia cuộc thi này.

Ý kiến

()