Chúng ta

Xây dựng tiền đề 'xuất khẩu' giáo dục Việt Nam ra thế giới

Thứ ba, 26/2/2013 | 15:02 GMT+7

Trong hai ngày 23-24/2, Đại học FPT tổ chức hội nghị tuyển sinh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, quy tụ nhiều đơn vị tuyển sinh uy tín trên thế giới.
> ĐH FPT tổ chức Hội nghị tuyển sinh quốc tế / FPT Polytechnic đăng cai thi Microsoft Office

Đây là lần đầu tiên một hội nghị tuyển sinh quốc tế với quy mô lớn quy tụ nhiều đơn vị tuyển sinh uy tín đến từ các quốc gia trên thế giới được tổ chức ở Việt Nam như: Nhật Bản, Anh, Thái Lan, Philippines, Nigeria, Ghana, Uzbekistan, Trung Quốc. Hội nghị là nỗ lực góp phần thúc đẩy toàn cầu hóa giáo dục Việt Nam.

Hội nghị tuyển sinh quốc tế quy tụ các đại lý tuyển sinh đến từ 8 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị tuyển sinh quốc tế quy tụ các đại lý tuyển sinh đến từ 8 quốc gia trên thế giới.

Dù mới có 7 năm tuổi, Đại học FPT đã được nhiều học sinh, sinh viên nước ngoài biết đến và lựa chọn. Đến nay, ĐH FPT có hơn 100 sinh viên, chủ yếu đến từ các nước nói tiếng Anh ở khu vực châu Phi, theo học.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã cùng tìm hiểu về môi trường, văn hóa và con người Việt Nam, ghi nhận tiềm năng phát triển của giáo dục Việt Nam và cam kết trở thành đơn vị tuyển sinh cho ĐH FPT ở nước ngoài.

Sau hội nghị, ĐH FPT và các đơn vị tuyển sinh quốc tế đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế vào học tại trường. Đây là bước khởi đầu cho tiến trình mở cửa mạnh mẽ đưa các đơn vị tuyển sinh lớn trên toàn cầu đến với Việt Nam.

Sự kiện tạo tiền đề cho những chương trình hợp tác giữa các đơn vị tuyển sinh toàn cầu với các trường đại học khác tại Việt Nam sau này, với kỳ vọng có thể “xuất khẩu giáo dục” Việt Nam ra thế giới, góp phần vào việc đẩy nhanh và mạnh tiến trình quốc tế hóa giáo dục đất nước.

Các đại lý tuyển sinh rất ấn tượng với sự năng động, trẻ trung của sinh viên FPT.

Các đại lý tuyển sinh rất ấn tượng với sự năng động, trẻ trung của sinh viên FPT.

Tại hội nghị, nhiều câu chuyện về quốc tế hóa giáo dục ở các nước phát triển mạnh về giáo dục như Anh, Australia, Nhật Bản, Thái Lan đã được chia sẻ cởi mở, thẳng thắn. Ông Masaru Yamada, đại diện đơn vị tuyển sinh đến từ Nhật Bản, chia sẻ câu chuyện thập niên 80 khi làn sóng du học tại Nhật Bản diễn ra mạnh mẽ, nhiều sinh viên từ các nước châu Âu, Australia... đã đến Nhật Bản học tập, tạo điều kiện cho quốc tế hóa giáo dục diễn ra, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh chất lượng và tên tuổi nền giáo dục Nhật Bản trên bản đồ xếp hạng giáo dục thế giới.

Ông Scott Wade, Chủ tịch Hội nghị Alphe - Hội nghị giáo dục toàn cầu uy tín thế giới, cũng cho biết: "Việt Nam nói chung và ĐH FPT nói riêng đang trong thời điểm rất tốt để tiến hành quốc tế hóa giáo dục. Với những tiềm năng của thị trường Việt Nam, tôi rất muốn giới thiệu nhiều sinh viên nước Anh đến với ĐH FPT, góp phần vào tiến trình quốc tế hóa giáo dục của Việt Nam".

Quốc tế hóa đã và đang là điểm yếu của giáo dục đại học ở Việt Nam, đòi hỏi sự nỗ lực hoàn thiện chung trên toàn hệ thống giáo dục đại học trong nước, cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị tuyển sinh quốc tế để tiến tới hội nhập giáo dục hoàn toàn. Xu hướng chung bắt buộc này của giáo dục thế giới hy vọng sẽ là đòn bẩy để giáo dục Việt Nam phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, cho biết: "Quốc tế hóa là mục tiêu được trường đặt ra ngay từ ngày thành lập, với lộ trình rõ ràng trong việc đưa ĐH FPT ra với thế giới bao gồm việc nâng cao tên tuổi trên trường quốc tế, cũng như mở các phân hiệu của trường ở nước ngoài. Hội nghị lần này là một trong những bước đầu tiên hiện thực hóa mục tiêu đó của nhà trường".

Tính quốc tế hóa của một trường đại học được đánh giá dựa theo nhiều tiêu chí như số lượng giảng viên giảng dạy tại trường, số sinh viên quốc tế, cũng như các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế... Đây cũng là những tiêu chí bắt buộc để một trường đại học được QS Stars - một trong ba tổ chức xếp hạng giáo dục uy tín của thế giới - xét xếp hạng. Mới đây, Đại học FPT là trường đại học Việt Nam đầu tiên được QS Stars xếp hạng 3 sao.

Nam Anh

Ý kiến

()