Chúng ta

ĐH FPT đi trước trong kiểm định chất lượng

Chủ nhật, 13/1/2013 | 09:15 GMT+7

Trong khi nhiều trường đại học loay hoay trước quy định mới về Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ĐH FPT đã chủ động mời QS Star - tổ chức kiểm định độc lập quốc tế, đánh giá.
> Đại học FPT được xếp hạng Ba sao

Đại học FPT đã đi tiên phong trong việc chủ động mời tổ chức kiểm định độc lập quốc tế là QS Star vào đánh giá. Tháng 11/2012, Đại học FPT đã trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên chính thức được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới.

Theo anh Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Đại học FPT, "lần đánh giá này đã giúp chúng tôi xác định mình đang nằm ở vị trí nào theo tiêu chuẩn quốc tế so với các trường đại học khác trên thế giới. Đồng thời biết được điểm mạnh, điểm yếu theo những đánh giá khách quan từ bên ngoài để tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc được gắn sao của QS có thể xem như bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển theo hướng hội nhập quốc tế của trường".

Ngày 15/2, Thông tư Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp sẽ có hiệu lực. Theo đó, việc kiểm định sẽ được thực hiện theo chu kỳ 5 năm một lần. Quy trình kiểm định gồm hai bước cơ bản là trường tự đánh giá, sau đó tổ chức kiểm định đánh giá ngoài sẽ tiến hành kiểm định lại.

Cũng theo quy định này, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

ĐH FPT vừa được Q

ĐH FPT vừa được xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới. Ảnh: C.T.

Cùng với việc ban hành quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra thông tư ban hành Quy định về kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục và Quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, các tổ chức, cá nhân ngoài Bộ có thể thành lập các tổ chức kiểm định. Danh sách các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp phép hoạt động sẽ được công bố công khai.

Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có tham vọng sẽ phân tầng được các trường đại học, cao đẳng trên cơ sở những thông số định lượng cụ thể thay vì cách phân nhóm chung chung và hoàn toàn định tính của người học như hiện nay.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một cơ quan kiểm định là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khi có gần 400 trường đại học, cao đẳng nên công việc kiểm định trở thành quá tải. Hơn nữa, việc một tổ chức công thực hiện kiểm định chính các đơn vị trực thuộc của mình không mang lại niềm tin trong công luận về tính minh bạch.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có tổ chức kiểm định chất lượng độc lập. Vì thế, việc ban hành các quy định về việc thành lập tổ chức kiểm định đánh giá ngoài cũng như quy trình kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể coi là một bước tiến mới, tạo cơ sở để các tổ chức kiểm định độc lập ra đời.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc kiểm định chất lượng giáo dục nhằm góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định. 

Đây cũng sẽ là căn cứ để giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục, làm cơ sở cho người học lựa chọn trường và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Việc kiểm định chất lượng giáo dục đã được đặt ra từ nhiều năm nay và ngày càng cấp thiết do chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục không được xã hội đánh giá cao, nhất là ở bậc đại học.

Tuy nhiên đến nay nhiều trường vẫn còn rất lúng túng. Sự lúng túng, thiếu hiệu quả trong kiểm định chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ đã từng được TS Nguyễn An Ninh, nguyên Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cảnh báo: "Có trường thành lập đơn vị bảo đảm chất lượng nhưng lại giải thể do không rõ chức năng và nhiệm vụ, không biết phải triển khai những công việc gì".

Điều TS Nguyễn An Ninh đề cập đã phần nào thể hiện sự mất phương hướng của các trường trong việc kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua. Thậm chí, có trường thừa nhận họ chưa có ý niệm rõ ràng về công tác bảo đảm chất lượng và sự khác nhau giữa các khái niệm như đánh giá chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Trước những khó khăn của các trường, Bộ GD-ĐT cam kết sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH, đồng thời sẽ xem xét hình thành tổ chức đánh giá chất lượng độc lập để đẩy nhanh tiến độ đánh giá ngoài và công nhận các trường ĐH, CĐ đạt chất lượng. Công tác kiểm định được kỳ vọng sẽ là cú hích của chất lượng đào tạo giáo dục tại Việt Nam.

Nam Anh

Ý kiến

()