Chúng ta

PC giảm mạnh, máy tính bảng tăng gấp đôi

Thứ tư, 12/3/2014 | 11:58 GMT+7

Mức tiêu thụ PC toàn cầu trong năm 2013 chỉ bằng doanh số bán ra của thị trường này trong năm 2009, trong khi máy tính bảng tăng gấp đôi ở Việt Nam.
> Chúng ta có thật sự không cần đến PC? / CNTT dịch chuyển sang di động

Hai hãng nghiên cứu thị trường IDC và Gartner vừa đưa ra thông báo về tình hình kinh doanh PC toàn cầu năm 2013. Kết quả cho thấy doanh số bán ra của máy để bàn sụt giảm mạnh.

Cụ thể, năm ngoái các nhà sản xuất trên thế giới chỉ bán được 315,9 triệu PC, giảm 10% so với năm 2012 và cũng là doanh số bán ra "thảm bại" nhất trong lịch sử tăng trưởng của PC. Trong năm 2013, hãng có doanh số bán PC cao nhất toàn cầu là Lenovo, tiếp theo là HP, Dell, Acer và Asus.

d

Xu hướng sụt giảm nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong năm nay khi IDC dự báo doanh số PC trên toàn cầu sẽ giảm 6,1% do nhu cầu không mấy cải thiện ở các nước đang phát triển. Ảnh: V.N.

Dù Lenovo và Dell vẫn cố gắng duy trì mức tăng trưởng trong quý 4/2013, song vẫn chưa đủ để bù lại số thua lỗ của HP, Acer, Asus và các thương hiệu khác. Lenovo đã nỗ lực nới rộng khoảng cách dẫn đầu với HP trong 2 quý vừa qua khi hiện hai công ty có mức thị phần cách nhau 1,7%. Báo cáo của Gartner cũng chỉ ra Lenovo đạt được sự tăng trưởng mạnh ở tất cả các khu vực, trừ châu Á-Thái Bình Dương.

Riêng tại Mỹ, doanh số PC đạt 15,8 triệu máy trong quý 4/2013, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả kinh doanh như trên, Gartner cho rằng lý do khiến thị trường PC u ám như vậy là vì máy tính bảng. Hãng nghiên cứu này cho biết, trong kỳ mua sắm cuối năm, các thiết bị tablet Android bán rất chạy, đặc biệt vì đã được khuyến mãi, giảm giá.

Xu hướng sụt giảm nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong năm nay khi IDC dự báo doanh số PC trên toàn cầu sẽ giảm 6,1% do nhu cầu không mấy cải thiện ở các nước đang phát triển.

“Trước đây, các thị trường đang phát triển là động lực chính cho lĩnh vực máy tính để bàn. Tuy nhiên, vào thời gian này, chúng tôi thấy các khu vực này bị tác động bởi một môi trường kinh tế yếu cũng như sự chuyển hướng trong những ưu tiên mua sắm sản phẩm công nghệ”, Loren Loverde, nhà phân tích ở IDC dự báo.

Trong khi đó, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK thực hiện tại Việt Nam, trong quý 4/2013, doanh số của hầu hết các sản phẩm trong nhóm công nghệ thông tin (bao gồm máy tính, linh kiện máy tính, máy tính bảng…) đều giảm ngoại trừ máy tính bảng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng 170% so với cùng kỳ.

d

Gartner cho rằng lý do khiến thị trường PC u ám như hiện nay là vì máy tính bảng có thể thực hiện được nhiều công việc khác nhau và thuận tiện khi di chuyển. Ảnh: VnExpress.

GfK cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm này hiện vẫn còn khá cao và đây là động lực chính dẫn dắt sự tăng trưởng của nhóm IT. Hãng nghiên cứu này chỉ ra, tốc độ tăng trưởng của máy tính bảng rất ấn tượng: tăng 165% trong quý 2 và đạt 200% trong quý 3.

Tuy nhiên, GfK không công bố con số cụ thể của máy tính bảng mà chỉ công bố số liệu của cả nhóm ngành sản phẩm công nghệ thông tin. Theo đó, tính chung cả năm 2013, doanh số của nhóm IT đạt hơn 26.600 tỷ đồng, tăng 8%, tương đương tăng hơn 2.000 tỷ so với năm 2012.

Số liệu của GfK cũng chỉ ra, tăng trưởng của ngành IT khá thấp khi so với ngành điện thoại. Doanh số điện thoại tăng trưởng 34% trong năm vừa qua, đạt hơn 40.400 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tuyệt đối là hơn 10.000 tỷ đồng.

 Na Vy

Ý kiến

()