Chúng ta

‘Ông lớn’ công nghệ Ấn Độ và thách thức ở thị trường Nhật Bản

Thứ năm, 28/2/2013 | 09:07 GMT+7

Trước đây, thách thức ngôn ngữ và văn hóa là những rào cản thực sự của các doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ khi muốn xâm nhập thị trường Nhật Bản. Với những thay đổi về quan niệm của cả hai, cơ hội hợp tác đang dần rộng mở.
> Infosys dự đoán CNTT sẽ phát triển mạnh năm 2013

Khi công nghiệp IT của Ấn Độ vượt qua con số 100 tỷ USD và hướng tới 100 tỷ USD tiếp theo, nhất thiết ngành này không thể bỏ qua Nhật Bản, thị trường CNTT lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ đều đã có mặt tại thị trường Nhật Bản trong suốt 20 năm qua nhưng chưa thực sự gặt hái được thành công như kỳ vọng.

e

Ông N Chandrasekaran, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Ấn Độ, cho rằng, nếu các doanh nghiệp khắc phục được rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, tăng trưởng chắc chắc sẽ cải thiện. Ảnh: Internet.

Các nhà cung cấp dịch vụ của Ấn Độ chỉ mới đạt được 500 triệu USD của thị trường dịch vụ CNTT trị giá 125 tỷ USD của Nhật Bản. Dịch vụ nhúng đóng góp thêm 500 triệu USD. Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ, Nhật Bản chỉ đóng góp một khoản dưới 2%.

“Nếu chúng ta khắc phục được rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, tăng trưởng chắc chắc sẽ cải thiện”, ông N Chandrasekaran, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Ấn Độ (Nasscom) và cũng là Giám đốc điều hành của Tata Consultancy Services, tập đoàn xuất khẩu phần mầm lớn nhất Ấn Độ, nhấn mạnh.

Công ty xuất khẩu phần mềm lớn thứ 5 của Ấn Độ, HCL Technologies, hiện đặt mục tiêu đào tạo tất cả nhân viên làm việc tại Nhật Bản đều có khả năng nói và hiểu tiếng Nhật một cách thông thạo.

Tuy nhiên, văn hóa mới chính là rào cản lớn cần vượt qua. Không giống như đối tác phương Tây, các công ty tại Nhật Bản không ồ ạt sử dụng dịch vụ gia công phần mềm. Thay vào đó, họ chú trọng vào việc chứng minh khả năng làm được việc. Và nếu cảm thấy thoải mái với nhà cung cấp dịch vụ, mối quan hệ hợp tác sẽ tiến tới dài hạn.

Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại thị trường này, ông V Sriram, Phó Chủ tịch và là người đứng đầu mảng kinh doanh tại thị trường Nhật Bản của Infosys, cho biết, các tổ chức, công ty ở đây luôn coi trọng giá trị của các mối quan hệ.

Cũng như nhân viên các tập đoàn khác, các kỹ sư của Infosys cần thành thạo tiếng Nhật trước khi xâm nhập thị trường này. Ảnh: Internet.

Cũng như nhân viên các tập đoàn khác, các kỹ sư của Infosys cần thành thạo tiếng Nhật trước khi xâm nhập thị trường này. Ảnh: Internet.

Quan điểm kinh doanh của các công ty Nhật Bản cũng đang có sự thay đổi dưới sức ép của việc thay đổi đến chóng mặt của công nghệ. “Mặt trận kinh doanh đang hướng dần sang các sản phẩm phần mềm”, ông Nobuhiko Hidaka, Chủ tịch Gartner Nhật Bản, cho biết. Các công ty với nền văn minh lúa nước, chỉ sản xuất duy nhất một thứ từ năm này sang năm khác với xu hướng hướng nội, đã buộc phải thay đổi trong thời đại toàn cầu hóa.

Ông Hidaka cũng cho biết thêm, hầu hết ứng dụng trước kia đều được sản xuất theo đơn đặt hàng, nhưng kể từ khi các công ty Nhật Bản hướng tới toàn cầu hóa, các ứng dụng chuyên biệt này đã được thay thế bởi các gói phần mềm có tính chất ứng dụng rộng rãi hơn.

Nhờ quan điểm kinh doanh thay đổi cũng như vị thế có sẵn của các nhà cung cấp dịch vụ CNTT Ấn Độ trên trường quốc tế, cánh cửa của thị trường này đã lần đầu tiên được mở ra cho Ấn Độ. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo của các công ty Nhật Bản ngày càng trẻ và có xu hướng tây hóa.

Các công ty cung cấp dịch vụ IT của Mỹ, chiếm 14% chiếc bánh CNTT tại thị trường Nhật Bản, cũng đang dịch chuyển để khai thác cơ hội này. Các công ty như IBM, Accenture và HP-EDS có sự gia nhập tốt hơn so với các nhà cung cấp Ấn Độ bằng cách sử dụng lao động địa phương cho hoạt động kinh doanh của mình.

Nghệ Nguyễn (theo Economic Times)

Ý kiến

()