Chúng ta

‘M&A rút ngắn thời gian tạo vị thế FPT ở nước ngoài’

Thứ hai, 23/6/2014 | 19:04 GMT+7

Việc FPT mua RWE IT Slovakia là sự kiện "hot" của ngành CNTT Việt Nam bởi chứng tỏ rằng doanh nghiệp Việt có đủ khả năng thâu tóm công ty ngoại, mở ra mô hình cung cấp dịch vụ CNTT mới - kết hợp cùng lúc nguồn lực tại Việt Nam và nguồn lực tại chỗ để cung cấp dịch vụ tốt nhất.
> Lãnh đạo FPT gặp gỡ nhân viên RWE IT Slovakia / FPT khen thưởng Uwe Schlager / M&A - bước trưởng thành quan trọng của FPT Software

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình trao đổi với Chúng ta về thương vụ tạo ra bước ngoặt lớn làm thay đổi vị thế của tập đoàn tại thị trường châu Âu và trên sân chơi toàn cầu.

Anh Bình đánh giá cao thương vụ M&A giữa FPT và RWE IT Slovakia trong quá trình toàn cầu hóa của tập đoàn.

Anh Bình đánh giá cao thương vụ M&A giữa FPT và RWE IT Slovakia trong quá trình toàn cầu hóa của tập đoàn.

- FPT vừa hoàn tất thương vụ M&A (Mergers and Acquisitions) đầu tiên trong lịch sử công ty và ngành CNTT Việt Nam. Cảm xúc của anh như thế nào?

- Tôi rất hạnh phúc khi hoàn tất hợp đồng với RWE, mua lại Công ty RWE IT Slovakia. Thương vụ này đã mở ra giai đoạn mới trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn là tiến ra ngoài biên giới bằng M&A.

RWE IT Slovakia là thương vụ M&A đầu tiên của FPT nói riêng và ngành CNTT Việt Nam tại nước ngoài nói chung. Đây là niềm tự hào không chỉ của FPT mà còn nhiều công ty khác, chứng tỏ doanh nghiệp Việt có đủ sức phát triển ở sân chơi toàn cầu.

- Tại sao M&A lại là bước đi quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT?

- Chúng ta mua gì trong thương vụ này? Đầu tiên là năng lực công nghệ khi sở hữu hơn 400 chuyên gia. Thương vụ này cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD). Với thương vụ này, tập đoàn còn có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho một lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn tại các thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật. M&A còn có thể giúp FPT rút ngắn thời gian thâm nhập và tạo vị thế tại thị trường nước ngoài.

- Thương vụ này có ý nghĩa như thế nào đối với FPT, thưa anh?

- M&A được xem là một bước đi quan trọng để FPT đạt được mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Mua RWE IT Slovakia giúp FPT nâng cao một cách đáng kể năng lực tư vấn các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP cho các công ty hạ tầng (điện, nước, gas…). Đồng thời, đem lại loại hợp đồng mà FPT đang vươn tới - hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể dài hạn (tức là cung cấp dịch vụ từ khâu tư vấn, triển khai đến bảo trì, bảo dưỡng) với khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD trong vòng 5 năm.

Đây là sự khởi đầu cho bước tiến xa hơn. Nếu trước đây, FPT cung cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm theo dự án thì nay chúng ta cung cấp dịch vụ theo hợp đồng dài hạn. Trước đây, chuyên gia người Việt của FPT tham gia dự án là chính, nay là chuyên gia đa quốc tịch của FPT trên toàn cầu.

Ngày trước, FPT chỉ cung cấp dịch vụ cho công ty trong lĩnh vực hạ tầng ở những nước đang phát triển, giờ chúng ta cung cấp dịch vụ cho những công ty hạ tầng ở những nước phát triển.

Chủ tịch FPT trong buổi nói chuyện với nhân viên RWE IT Slovakia.

Chủ tịch FPT trong buổi nói chuyện với nhân viên RWE IT Slovakia hôm 19/6.

- Vì sao FPT lại M&A ở châu Âu trước trong khi so với các thị trường khác, doanh thu từ thị trường này đang khá nhỏ?

- Chiến lược M&A là một khát vọng mạnh mẽ nhưng việc có thể thực hiện thành công các thương vụ M&A ở thị trường nào hay với công ty nào còn phụ thuộc vào cái duyên. Và cái duyên ấy đến đầu tiên từ châu Âu.

Câu chuyện được bắt đầu khi Uwe Schlager, Giám đốc FPT Europe, nói với tôi: “FPT muốn phát triển thì phải chuyển hợp đồng theo dự án sang các hợp đồng dài hạn”. Do đó, trong thời gian qua, thị trường châu Âu chưa được đẩy mạnh như Nhật Bản và Mỹ là để thử nghiệm mô hình này. Áp lực rất lớn nhưng Uwe đã vượt qua được và mang lại thành công này.

Tôi kỳ vọng thị trường châu Âu sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.

- Mô hình hoạt động của FPT sẽ như thế nào sau thương vụ M&A này?

- Thương vụ này sẽ hình thành mô hình cung cấp dịch vụ mới cho FPT. Tập đoàn có thể cùng lúc sử dụng nguồn lực tại các trung tâm ở Việt Nam (off shore) và nguồn lực ngay tại châu Âu (near shore) để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Sự kết hợp giữa “off shore” và “near shore” sẽ tạo ra một mô hình cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng (best shore). Điều đó giúp FPT ứng xử linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong những tình huống cần thiết, chuyên gia FPT sẽ có mặt tại khách hàng chỉ trong vài giờ đồng hồ.

- Thương vụ này mang lại những giá trị lớn nhưng cũng đặt ra thách thức về quản trị cho FPT. Anh nghĩ sao?

- Đây là lần đầu tiên tập đoàn FPT có hàng trăm kỹ sư người Slovakia và nhiều lãnh đạo người Đức. Câu chuyện như vậy chưa từng xảy ra trong 26 năm phát triển của tập đoàn. Điều này đặt ra những thách thức lớn về quản trị đa văn hóa. Nếu FPT không quản trị được việc này thì sẽ khó có thể trở thành công ty toàn cầu .

Làm thế nào để vượt qua khó khăn này chính là nỗ lực của lãnh đạo FPT. Nếu quản trị được thì FPT sẽ có khả năng cạnh tranh vô cùng to lớn.

- Vậy hai PTGĐ phụ trách Toàn cầu hóa là Dương Dũng Triều và Nguyễn Khắc Thành có vai trò như thế nào?

- Vai trò của PTGĐ Dương Dũng Triều là đảm bảo công việc cho đội ngũ kỹ sư này. Đảm bảo công ăn việc làm cho hàng trăm kỹ sư công nghệ thông tin ở châu Âu là mối quan tâm hàng đầu trong bối cảnh khủng hoảng và cạnh tranh quyết liệt. Đồng thời, anh Triều sẽ cùng các chuyên gia châu Âu đến Mỹ, Nhật Bản để tìm khách hàng.

Còn trách nhiệm của anh Nguyễn Khắc Thành là đảm bảo nguồn nhân lực này có thể tham gia vào các dự án trên toàn cầu chứ không chỉ là các dự án tại châu Âu. Anh Thành phải làm sao để xây dựng một lực lượng không biên giới, nghĩa là đưa chuyên gia Slovakia về Việt Nam và các thị trường nói tiếng Anh và ngược lại, đưa chuyên gia FPT sang Slovakia và châu Âu.

- Những việc FPT cần phải làm sau thương vụ này là gì?

- Trong chuyến công tác tại châu Âu, tôi sẽ gặp các nhân viên ở đây và chào mừng họ gia nhập FPT. Tôi muốn nhấn mạnh rằng từ nay, các chuyên gia của RWE IT Slovakia sẽ không chỉ triển khai dự án cho một khách hàng mà họ có cơ hội được tham gia vào các dự án với nhiều khách hàng lớn không chỉ tại Đức mà còn ở châu Âu, Mỹ và Nhật.

Điều quan trọng nhất của mỗi người là có công ăn việc làm. Ngày hôm nay, nó trở nên không dễ dàng ở châu Âu. FPT và họ cùng trên con thuyền và cùng chiến đấu để đảm bảo công ăn việc làm cho tất cả.

Tôi cần các chuyên gia Slovakia sang Việt Nam và chuyên gia Việt Nam sang Slovakia để tạo ra những nhóm làm việc không biên giới nhằm thuyết phục mô hình " best shore" cho các công ty trên thế giới.

Tôi cũng thăm các trường đại học ở Slovakia, cung cấp dịch vụ nguồn nhân lực toàn cầu. Chúng tôi chờ đợi các trường đại học ở Slovakia sẽ phối hợp cùng FPT.

Ngày 18/6, FPT đã hoàn tất việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thành viên Tập đoàn RWE - doanh nghiệp hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực điện và gas. Từ nay, RWE IT Slovakia sẽ trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia, trực tiếp cung cấp các dịch vụ CNTT cho RWE tại thị trường Slovakia.

RWE IT Slovakia được thành lập năm 2004, hiện có trên 400 nhân viên, trong đó phần lớn là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực SAP. Là đơn vị thành viên của Tập đoàn RWE, RWE IT Slovakia tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là các giải pháp SAP và “Smart Home” cho công ty mẹ. Sau khi bán lại công ty này, Tập đoàn RWE sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của FPT tại châu Âu với hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD trong 5 năm. RWE là tập đoàn hàng đầu tại châu Âu trong lĩnh vực cung cấp năng lượng điện và gas, hoạt động tại 29 quốc gia trên thế giới gồm: Đức, Anh, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hà Lan, Hungary...

Năm 2013, doanh thu từ mảng toàn cầu hóa của FPT đạt 130 triệu USD. Tính đến hết tháng 5/2014, doanh thu từ toàn cầu hóa của FPT đạt 52 triệu USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Đến năm 2016, FPT đặt mục tiêu doanh thu từ toàn cầu hóa đạt 340 triệu USD.

 Lâm Thao thực hiện

Ảnh: FSO

Ý kiến

()