Chúng ta

'FPT dẫn dắt phát triển kinh tế Việt Nam - Nhật Bản'

Thứ năm, 10/4/2014 | 09:50 GMT+7

Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada cho rằng, Công nghệ là lĩnh vực quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của Việt Nam. Ông hy vọng, trong mảng này, FPT tiếp tục duy trì vị thế của doanh nghiệp đi đầu.
> Dấu ấn nhạc Trịnh trên xứ sở Phù tang / Đại sứ Nhật Bản tại VN: 'FPT là doanh nghiệp luôn đi đầu'

Trong chuyến đến thăm FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào sáng ngày 8/4, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada đã dành thời gian làm việc với Ban lãnh đạo tập đoàn.

Theo ông, FPT là tập đoàn tiêu biểu của Việt Nam trong mảng Công nghệ và có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Nhật Bản. "Có thể nói, FPT là đơn vị đã dẫn dắt phát triển kinh tế giữa hai nước", Đại sứ Fukada nhận định.

Theo anh Bình, mối quan tâm lớn của FPT hiện nay là đào tạo kỹ sư biết tiếng Nhật. Ảnh: C.T.

Theo anh Bình, mối quan tâm lớn của FPT hiện nay là đào tạo kỹ sư biết tiếng Nhật. Ảnh: C.T.

Do đó, Nikkei đã vinh danh Chủ tịch FPT Trương Gia Bình vì những đóng góp lớn cho sự phát triển của CNTT Việt Nam, cũng như xây dựng Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Việt Nam và thiết lập trường đại học cung cấp chuyên gia CNTT. Anh Bình là doanh nhân đầu tiên của Việt Nam và là một trong bốn doanh nhân CNTT từng nhận giải thưởng này của Nikkei trong 18 năm qua.

Không chỉ hợp tác ở lĩnh vực kinh tế, thương mại, năm 2011, khi thảm họa kép xảy ra, FPT đã cùng sát cánh với nhân dân Nhật Bản chia sẻ khó khăn. Sự chân tình của người FPT nói riêng, người Việt Nam nói chung chính là sợi dây gắn kết và thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước.

Theo ngài Đại sứ, để mối quan hệ bền chặt trên mọi lĩnh vực, ngoài việc tăng cường hợp tác giữa hai chính phủ, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân hai nước. Đây chính là việc mà FPT đang làm rất tốt. "Tạo ra sự năng động của các doanh nghiệp tư nhân vô cùng quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế. Tôi tin tưởng, IT sẽ là lĩnh vực quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của Việt Nam. Tôi hy vọng, ở mảng này, FPT sẽ duy trì vai trò của doanh nghiệp kiểu mẫu, và là doanh nghiệp đi đầu trong các công ty tại Việt Nam", ông Fudaka nói.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, là thành viên tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ Việt - Nhật, mối quan tâm lớn nhất của FPT chính là xây dựng đội ngũ nhân viên nói được tiếng Nhật. Do đó, cùng với việc đào tạo các kỹ sư cầu nối (BrSE) trong nước, tập đoàn cũng có kế hoạch đào tạo tại Nhật Bản để cung cấp nhân lực cho đất nước hoa anh đào.

Ngài Đại sứ cam kết, trên cương vị của mình, ông sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên Việt Nam - Nhật Bản và hy vọng, FPT sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế giữa hai nước. Ảnh: C.T.

Đại sứ Hiroshi Fukada cam kết, trên cương vị của mình, ông sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên Việt Nam - Nhật Bản và hy vọng, FPT sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế giữa hai nước. Ảnh: C.T.

Anh Bình kỳ vọng, trong tương lai không xa, FPT cùng các tập đoàn Nhật Bản nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới, nhằm đưa ra các giải pháp thông minh cho thế giới.

Sau hơn 13 năm bước chân vào thị trường Nhật Bản, FPT hiện đã thiết lập văn phòng tại 3 thành phố lớn và có trên 130 khách hàng là các công ty hàng đầu như: Hitachi, Panasonic, Toshiba, Fujitsu, Nissen, NTT... "Từ một nhóm nhỏ, nay FPT Software đã có gần 3.000 người làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật, trong đó hơn 1.200 người nói được tiếng Nhật", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho hay.

Nhật Bản luôn được coi là thị trường quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Doanh thu từ thị trường này hiện chiếm trên 50% tổng doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT. Năm 2013, mặc dù mức chi cho CNTT tại thị trường Nhật Bản ước tính giảm 15%, nhưng doanh thu của FPT tại thị trường này tăng 32%.

Ước tính mỗi năm, Nhật Bản chi khoảng 30 tỷ USD cho nhu cầu ủy thác phần mềm, nhưng hiện các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ. Năm 2013, FPT mới đủ nguồn lực triển khai được các hợp đồng ủy thác cho khách hàng Nhật với trị giá khoảng 35 triệu USD.

“Cơ hội từ thị trường và khách hàng Nhật Bản là không giới hạn. Quan tâm lớn nhất của FPT Software hiện nay là xây dựng đội ngũ kỹ sư CNTT, kỹ sư cầu nối tiếng Nhật. Ngay tại FPT Software cũng có trung tâm đào tạo kỹ sư cầu nối tiếng Nhật. Đến nay, FPT Software đã tự đào tạo được hơn 300 kỹ sư cầu nối tiếng Nhật”, anh chia sẻ. 

Trong 3 năm tới, FPT Software sẽ đào tạo thêm 500 kỹ sư cầu nối. Anh Tiến mong mỏi, đây sẽ cánh cửa để mở rộng danh sách khách hàng của đơn vị.

Bày tỏ niềm xúc động khi tập đoàn đề cao vai trò của thị trường Nhật Bản, ngài Đại sứ nhấn mạnh, việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước là mối quan tâm hàng đầu và ông luôn sẵn sàng hợp tác với FPT trong thời gian tới.

Đại sứ Hiroshi Fukada nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ tháng 9/2013. Khi đó, ông đã rất muốn đến thăm FPT cơ sở tại Hòa Lạc, nhưng vì bận công việc nên chưa thực hiện được. Vì vậy, ông "rất vui mừng khi đến thăm FPT và được tập đoàn tiếp đón thịnh tình".

Thanh Nga

Ý kiến

()