Chúng ta

‘Chỉ có tình yêu ở lại’

Thứ ba, 12/3/2013 | 17:21 GMT+7

Đã hai năm kể từ ngày cơn cuồng nộ của thiên nhiên đổ xuống miền Bắc đất nước Nhật Bản. Hai năm, đủ để cho mầm xanh vươn lá, cũng đủ để thấy sự kiên cường của người Nhật đứng lên sau đống đổ đát và thấy tấm lòng của người FPT hướng về đất nước hoa anh đào.
> ‘Nhật Bản là dân tộc mạnh mẽ’ / FPT dự triển lãm tranh về sóng thần Nhật Bản

Nguyên TGĐ FPT Sofware Bùi Thị Hồng Liên vẫn nhớ như in thời khắc thảm họa kép ập xuống nước Nhật. Lúc đó, trên đường từ Mỹ về sân bay Hong Kong, chị nhận được tin báo khẩn của Trần Xuân Khôi (nay là Giám đốc FPT Japan): Nhật Bản xảy ra động đất kèm sóng thần.

Trong trí nhớ của anh Khôi, cả tòa nhà rung lắc dữ dội trong 30 phút. Mặc dù ở Nhật thường xuyên xảy ra động đất nhưng cường độ và thời gian lâu như vậy thì chưa từng có.

“Mọi người đầu tiên là sợ hãi, nhưng sau đó thì bình tĩnh lại và chui xuống gầm bàn chờ cho động đất qua đi. Ngay sau đó trên các kênh TV, báo đài của Nhật bắt đầu thông tin về sóng thần tại vùng Đông bắc Nhật. Ngay tiếp theo là sự cố điện nguyên tử. Toàn bộ hệ thống tàu điện bị ngưng trệ, siêu thị hết sạch nước uống và thực phẩm. Hai ba ngày sau thì người nước ngoài bắt đầu lũ lượt rời khỏi Nhật Bản”, anh kể.

Trong khi nhiều doanh nghiệp chọn cách rời bỏ Nhật Bản khi thảm họa động đất kèm sóng thần xảy ra thì FPT ngược lại, sát cánh cùng các bạn Nhật trong lúc khó khăn. Ảnh: C.T.

Trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn cách rời bỏ Nhật Bản khi thảm họa động đất kèm sóng thần xảy ra thì FPT ngược lại, sát cánh cùng các bạn Nhật trong lúc khó khăn. Trong ảnh: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Trương Gia Bình cùng nguyên TGĐ FPT Software Bùi Thị Hồng Liên (giữa) lên đường sang Nhật ngay sau khi động đất diễn ra. Ảnh: C.T.

Về đến Việt Nam, theo dõi tin tức từ các phương tiện đại chúng, chị thấy diễn biến xấu ngày càng gia tăng tại Nhật. Thời điểm đó, Nhật Bản có hơn 100 nhân viên FPT đang làm việc tại Tokyo, gần với nơi xảy ra thảm họa.

Lãnh đạo tập đoàn lo lắng về an nguy của nhân viên tại Nhật. Các gia đình liên tục gọi điện đến công ty, tạo sức ép lớn. Trong khi đó, nhân viên tại Nhật vẫn bị phân tán, chưa thể liên lạc hết được với nhau.

Giám đốc FPT Japan khi đó, bác Ogawa Takeo, và anh Khôi vô cùng lo lắng, giữ liên lạc hàng giờ với Việt Nam để nhận hỗ trợ. “Bác Ogawa một mình sử dụng 3 máy tính để nghe thông tin từ nhiều kênh khác nhau của chính phủ Nhật và chỉ đạo tại Tokyo. Có lẽ lúc đó, nếu người đứng đầu FPT Japan không phải bác Ogawa thì khó có thể ổn định được. Bởi lúc này, nhiều tướng lĩnh nản lòng đòi về Việt Nam, nhiều việc hầu như không thể kiểm soát nổi, nhưng bác Ogawa vẫn vững vàng duy trì công ty hoạt động”, chị Liên nhớ lại.

Thời điểm đó, theo chị Liên, lãnh đạo FPT đã nghĩ ngay đến phương án thuê cả một chuyên cơ sang Nhật để đón nhân viên về nước. Vào lúc ra quyết định, lãnh đạo FPT Software đã tham vấn ý kiến của khách hàng thân thiết. Họ đã lập tức ngăn chúng tôi về phương án đưa chuyên cơ sang Nhật.

“Chỉ hành động bột phát nghĩ đến bản thân mình trước tiên sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Khách hàng còn thì chúng ta sẽ còn. Trong lúc khách hàng đang rất khó khăn nhưng vẫn nghĩ đến chúng ta, thì không có lý do gì chúng ta lại bỏ rơi và rời bỏ họ lúc này”, chị khẳng định.

Anh Bình cùng bác Ogawoa đi thăm và động viên các khách hàng Nhật. Ảnh: C.T.

Anh Bình cùng bác Ogawoa đi thăm và động viên các khách hàng Nhật. Ảnh: C.T.

Để tiếp sức và kịp thời động viên các thành viên của mình ban lãnh đạo FPT đã quyết định lãnh đạo cao nhất phải có mặt ở chiến trường để chi huy và chia sẻ khó khăn với các nhân viên của mình.

Ngày 14/3/2011, ngay sau buổi họp với bác Ogawoa về tình hình nghiêm trọng tại Nhật Bản, TGĐ FPT Trương Gia Bình quyết định: “Hôm sau sẽ lên đường sang Nhật”. “Chúng tôi ngỡ ngàng khi quyết định quá nhanh và quả quyết của anh Bình”, chị Liên nói. Đoàn chỉ có một ngày để chuẩn bị mọi thứ, dự định sẽ mang theo 100 kg hàng hóa bao gồm mỳ ăn liền, khẩu trang hoạt tính chống phóng xạ, chè xanh... mang cho nhân viên và cả cho các khách hàng.

FPT khẩn trương đặt vé máy bay, đặt lịch thăm khách hàng, mọi thứ tiến hành nhanh… như tên lửa. Trong lúc chuẩn bị chị Liên luôn nhận được các cuộc điện thoại của các lãnh đạo của FPT, phản đối việc anh Bình trực tiếp đi Nhật, bởi việc sang Nhật của anh Bình lúc này là một sự mạo hiểm cho toàn công ty.

Khoảng 22h đêm 15/3 là anh Bình và chị Liên phải ra sân bay. 20h, nhiều người vẫn phản đối việc người đứng đầu FPT đi Nhật. “Khi nhìn thấy anh Bình ở sân bay lúc 23h, tôi thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi nghĩ rằng máy bay sẽ không có người đi, ngoài đoàn FPT. Nhưng vẫn có nhiều khách hàng Nhật Bản đi công tác trở về quê hương, mọi người đều bình lặng thản nhiên không một chút lo sợ”.

Xuống sân bay, điều đầu tiên đập vào mắt các thành viên trong đoàn là quang cảnh cũng vẫn yên bình như vậy. Người Nhật vẫn làm việc bình thường, duy chỉ hàng dài người nước ngoài ùn ùn kéo nhau về, khiến sân sân bay Narita chật khác thường.

Khách hàng Nhật trân trọng những tình cảm của FPT trong lúc khó khăn ập đến. Ảnh: C.T.

Khách hàng Nhật trân trọng những tình cảm của FPT trong lúc khó khăn ập đến. Ảnh: C.T.

Mặc dù lãnh đạo tập đoàn sang tận nơi, nhiều người và gia đình vẫn lo lắng và muốn công ty có giải pháp cho họ trở về Việt Nam. Trong phòng khách sạn ở Gotanda, 3h sáng, anh Bình vẫn liên lạc bằng điện thoại hàng giờ đồng hồ để nói chuyện với nhóm làm cho khách hàng Hitachi Medical, nơi xảy ra thảm họa không đến 160 km. Lúc này, đèn khách sạn rung rinh, các cuộc động đất nhỏ vẫn liên tiếp xảy ra.

Sáng hôm sau, đoàn lại xuống tận nhà máy nơi nhân viên làm việc để tiếp tục thuyết phục và chia sẻ. Khách hàng thật sự cảm động và tất cả anh chị em đã đồng ý ở lại làm việc.

“Lúc đó, gia đình tôi ở Việt Nam rất lo vì không liên lạc được. Đến khi liên lạc được thì lập tức yêu cầu tôi và vợ con về Việt Nam. Nhưng khi ấy, công ty, đồng nghiệp và khách hàng đều cũng đang chịu hoàn cảnh tương tự, và tôi tin tưởng vào công ty, vào lãnh đạo nên đã quyết định ở lại”, Hồ Hữu Lộc, nhân viên FPT Japan, cho hay.

Chấp nhận bám trụ lại Nhật Bản, đó là sự dũng cảm của người FPT, trong đó còn là sự hy sinh. Anh Khôi nhớ lúc đó một nhân viên onsite có ông ngoại đang ốm rất nặng, nhưng trong lúc khó khăn vẫn kiên quyết bám trụ cùng các đồng nghiệp của mình. Và nhân viên đó đã không được gặp ông ngoại lần cuối.

“Khách hàng Nhật Bản sau này đã đánh giá rất cao về cách hành xử của Tập đoàn FPT và toàn thể nhân viên FPT lúc bấy giờ, chúng ta không bỏ khách hàng lúc khó khăn thì khách hàng cũng không bao giờ bỏ chúng ta, đó là bài học lớn trong thảm họa lần này”, chị Liên nhìn nhận.

Đồng quan điểm, anh Khôi cho rằng, khách hàng Nhật là những người trọng tình cảm, khi khó khăn FPT vẫn tiếp tục làm việc, vẫn ở bên cạnh, họ rất xúc động. Cho đến bây giờ, các khách hàng vẫn nhắc chuyện anh Bình, chị Liên đến chia sẻ. Họ cũng nhắc đến việc người Trung Quốc bỏ về nhưng người Việt Nam đã ở lại. Do đó, họ yêu quý và tôn trọng FPT hơn.

Sau 2 năm xảy ra thảm họa, tuy mọi thứ đã đi vào ổn định, nhưng vùng đất Fukushima, trường học vẫn vắng trẻ em, 40 nghìn người dân đã ra đi chưa quay trở lại, vùng đất vẫn còn cảnh đổ nát và hoang tàn. “Tôi hiểu rằng vùng đất này sẽ lại đâm chồi nảy lộc và phát triển mạnh hơn nhiều trong tương lai như sự kiện động đất năm 1995 ở Kobe đã chứng tỏ điều đó”, chị Liên tin tưởng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của HĐQT FPT, các CBNV tập đoàn đã ủng hộ tối thiểu một ngày lương để cùng nhân dân Nhật Bản xây dựng lại đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ hạt nhân xảy ra vào ngày 11/3/2011.

FPT đã gửi 3 chuyến hàng viện trợ gồm lương thực, thuốc men, khẩu trang, một số nhu yếu phẩm để viện trợ cho người FPT ở Nhật Bản cũng như các đối tác, khách hàng Nhật Bản. Toàn tập đoàn đã quyên góp được hơn 2 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này được dùng để ủng hộ cho các CBNV FPT Software đang làm việc tại Nhật Bản và giúp người dân nước này khắc phục khó khăn sau thảm họa.

Quỳnh Tâm - Lâm Thao

Ý kiến

()