Chúng ta

Công ty thành viên FPT dốc sức toàn cầu hóa

Thứ hai, 28/10/2013 | 15:24 GMT+7

Thị trường bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các công ty thành viên FPT khi muốn đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.
> 'Tin tưởng vào con đường toàn cầu hóa'

15 năm trước, FPT đã phát động làn sóng toàn cầu hóa. Hiện nay, ngoại trừ FPT Online, các công ty thành viên của FPT đều đã có mặt tại thị trường nước ngoài.

Theo kế hoạch, năm 2014, FPT sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển ra thị trường nước ngoài ở tất cả các ngành kinh doanh. Dự kiến đến năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ra nước ngoài sẽ đóng góp khoảng 30% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Đích đến của FPT là đạt doanh thu 1 tỷ USD trong tương lai gần.

v

FPT FUSA đang vươn xa tại xứ sở cờ hoa. Ảnh: C.T.

FPT Software được coi là "người mở cõi" toàn cầu hóa ở FPT. Năm 1998, FPT hạ quyết tâm “Toàn cầu hoá FPT bằng xuất khẩu phần mềm, đưa FPT trở thành một công ty toàn cầu” tại Hội nghị Diên Hồng, Đồ Sơn. Anh Nguyễn Thành Nam, nguyên TGĐ FPT Software, hiện là Phó Chủ tịch ĐH FPT, đã tập hợp đội ngũ trẻ với tham vọng trở thành những người khai phá cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Tháng 1/1999, FSU1 (tiền thân của FPT Software) được thành lập với mục tiêu xuất khẩu phần mềm sang châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Trận đánh đầu tiên với mật danh Nà Ngần - Phay Khắt với Windsoft thành công khiến tinh thần toàn cầu hoá được dâng cao trong FPT.

10 năm tiếp theo (1998-2008), doanh số xuất khẩu phần mềm của FPT Software đã tăng 90 lần, đội ngũ lập trình viên tăng 120 lần. FPT Software từ 17 lập trình viên ban đầu đã có tới hơn 2.000 lập trình viên, trở thành công ty phần mềm có đội ngũ nhân lực đông nhất Đông Nam Á.

c

Nhật Bản là thị trường lớn của FPT. Ảnh: C.T.

Năm 2006, với việc tham gia trận đánh lớn lịch sử Petronas, FPT Software đã làm thay đổi vị thế của FPT ở sân chơi quốc tế khi lần đầu tiên làm thầu chính. 450 lập trình viên hoàn thiện việc chuyển đổi 1.532 ứng dụng trong gần hai năm, mang về cho FPT Software hơn 6,5 triệu USD - hợp đồng phần mềm lớn nhất ở thời điểm đó.

Con đường toàn cầu hóa của FPT Software ngày nay càng được định hình rõ nét, với ba chân kiềng chính là thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tại Nhật Bản, phần mềm Việt Nam đã vượt Ấn Độ, vươn lên đứng thứ hai, sau Trung Quốc, trở thành địa điểm được lựa chọn ủy thác phần mềm tin cậy. Ở xứ sở cờ hoa, FPT Software cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trên 50% mỗi năm.

Năm 2012, FPT Software lần đầu lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, cùng với những tên tuổi lớn như: Infosys, Unisys, ChinaSoft, CSC, Neusoft... Việc có tên trên bản đồ CNTT thế giới sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh và quy mô phát triển của FPT Software. Kết thúc năm 2012, FPT Software cán đích doanh số hơn 1.700 tỷ đồng với 4.800 nhân viên.

f

FPT IS đã hiện diện tại Singapore. Ảnh: C.T.

Trong năm nay, FPT Software đặt mục tiêu doanh thu là 100 triệu USD. Đến năm 2016, công ty đặt kế hoạch riêng thị trường Mỹ sẽ mang về 100 triệu USD; năm 2017, doanh thu từ thị trường Nhật Bản là 200 triệu USD. FPT Software dự kiến sẽ tăng số lượng nhân sự lên 10.000 người vào năm 2015.

Nếu FPT Software là thủ lĩnh trong làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất thì FPT IS là đơn vị được đặt nhiều kỳ vọng trong làn sóng toàn cầu hóa lần hai của tập đoàn. Mảng dự án, triển khai sản phẩm được FPT IS đẩy mạnh. Đơn vị đã tung lưới ở cả những ngư trường xa xôi như: Công-gô, Tazania, Nam Phi và liên tục đưa người đi bán SmartBank ở Lào, Campuchia, Thái Lan.

Đầu năm 2007, FPT IS, FSS và FES được sáp nhập như một phản ứng phù hợp cho sự phát triển bền vững của FPT, tạo ra sức mạnh mới để “đi làm toàn cầu”. Hợp nhất đã tạo nên một “bộ mặt mới” của đơn vị tích hợp hệ thống, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Lào

Tên tuổi của FPT IS được khẳng định tại thị trường Lào. Ảnh: C.T.

Hiện, tại thị trường Đông Dương, FPT IS đang chiếm vị trí độc tôn về các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, tài chính. Vừa qua, FPT IS trúng thầu hợp đồng phần mềm có giá trị kỷ lục 2,5 triệu USD, cung cấp hệ thống tính cước, quản lý khách hàng và bán hàng đa dịch vụ cho Lào Telecom.

Bên cạnh đó, các giải pháp của FPT IS là FPT.eHospital và FPT.eGov cũng được hội đồng giám khảo ASEAN đánh giá cao, trao giải Vàng và Bạc. Đây là những giải thưởng quan trọng để FPT IS "mang chuông đi đánh xứ người".

Hiện tại, trước những biến chuyển tích cực nhất là ở thị trường toàn cầu và yêu cầu tăng trưởng của tập đoàn, FPT IS đang tái cơ cấu một số đơn vị, với mục tiêu tối ưu nguồn lực, thu gọn đầu mối quản lý, đẩy mạnh kinh doanh và đặc biệt đặt cược mạnh vào toàn cầu hóa.

c

ĐH FPT đang nỗ lực toàn cầu hóa. Ảnh: C.T.

“FPT IS xác định toàn cầu hóa là hướng chủ lực, mục tiêu đến năm 2018, doanh số từ nước ngoài sẽ đạt 200 triệu USD, chiếm 44% tổng lãi gộp FPT IS - được gọi là chiến lược Global 200”.

Theo đó, chiến lược Global 200 sẽ chia bản đồ thị trường toàn cầu của FPT IS cấu trúc làm 5 nhánh, bao gồm: Singapore, Myanmar, các nước đang phát triển, các nước phát triển và công việc xung quanh xu hướng hội tụ công nghệ SMAC (Social, Mobility, Analytics, Cloud), trong đó trọng tâm là quản trị và xử lý dữ liệu lớn.

Xác định đây là lần đặt cược quan trọng của FPT IS nằm trong chiến lược lớn của tập đoàn, công ty sẽ có những hành động mạnh mẽ để nhắm tới mục tiêu trên.

c

ĐH FPT dự định sẽ mở Campus tại Lào. Ảnh: C.T.

Mặc dù thành lập sau, ĐH FPT đang có những bước toàn cầu hóa khá mạnh mẽ. Sau ba năm ra đời, năm 2009, ĐH FPT đã có sinh viên quốc tế từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Triều Tiên, Myanmar, Brunei… đến học tập theo các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hoá tại trường.

Việc được tổ chức QS Stars xếp hạng 3 sao vào năm 2012 đã giúp ĐH FPT khẳng định được uy tín trong lĩnh vực đào tạo. Tháng 9 vừa qua, có 41 sinh viên đến từ Hàn Quốc, Nigeria, Cameroon và Lào theo học chương trình đại học chính quy kéo dài 4 năm tại ĐH FPT. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng, là kết quả khả quan bước đầu trong quá trình nỗ lực đưa giáo dục đại học của Việt Nam nói chung và của ĐH FPT nói riêng vươn ra thế giới.

Bên cạnh việc tuyển sinh quốc tế, hiện ĐH FPT xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động như mở cơ sở tại nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín trên thế giới. Trước đó, tháng 12/2012, Phó thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Somsavat Lengsavad đã đồng ý cấp 30 ha đất để trường xây dựng campus tại đất nước Triệu voi.

c

FPT Telecom đã khẳng định được vị trí trong làng viễn thông Campuchia. Ảnh: C.T.

Nằm trong xu hướng toàn cầu hóa của tập đoàn, “Go Global” là chiến lược mạnh mẽ của ĐH FPT. Hiện tại, trường đã kết nối, liên hệ với khoảng 40 đại lý tuyển sinh du học tại trên 20 quốc gia để triển khai công tác tuyển sinh. Mục tiêu của trường trong thời gian tới là có tỷ lệ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên của trường.

Toàn cầu hóa mới được hơn hai năm, nhưng FPT Telecom đang chứng tỏ có đủ tiềm lực để vươn ra biển lớn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Opennet thuộc FPT Telecom đã vươn lên thành công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông lớn thứ hai tại Campuchia. Hiện tại, Opennet có mặt tại 5 tỉnh lớn nhất ở đất nước Chùa tháp.

Chậm và chắc, FPT Telecom đang thăm dò những thị trường khác ở ngoài biên giới Việt Nam, trước hết là thị trường Đông Nam Á, sau đó mở rộng ra châu Á.

Giống như FPT Telecom, hiện FPT Retail cũng mới chân ướt chân ráo đến Campuchia và đã có được doanh thu từ thị trường này.

Hiện FPT có mặt tại 14 quốc gia trên thế giới gồm: Lào, Campuchia, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Singapore, Australia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Anh, Myanmar, Đức và Việt Nam.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()