Chúng ta

Đại học FPT được ‘gắn sao’

Thứ sáu, 23/11/2012 | 16:21 GMT+7

Đại học FPT trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên chính thức được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới.
> Đại học FPT được xếp hạng Ba sao

Nếu như năm 2010, Việt Nam vẫn vắng mặt trong danh sách 200 trường hàng đầu châu Á của QS và còn một khoảng cách xa để lọt vào bảng xếp hạng ĐH thế giới, thì ngày 16/11 vừa qua, Đại học FPT đã được công nhận xếp hạng 3 sao tại Hội nghị Giáo dục Quốc tế QS APPLE tổ chức ở Indonesia.

Thansg 5/2012, cơ sở ĐH FPT tại KCNC Hòa Lạc đã bắt đầu đi vào hoạt động với trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Nam Anh.

Tháng 5/2012, cơ sở ĐH FPT tại KCNC Hòa Lạc đã bắt đầu đi vào hoạt động với trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Nam Anh.

Theo định nghĩa của QS Stars, trường được xếp hạng 3 sao là trường đại học có danh tiếng trong nước cũng như có thương hiệu quốc tế nhất định, sinh viên tốt nghiệp trường này được các nhà tuyển dụng chào đón. Cùng với ĐH FPT, những trường cùng đạt 3 sao theo chuẩn QS còn có: Học viện Ngoại giao Liên bang Matxcơva - MGIMO University (Nga), ĐH Cesine (Tây Ban Nha), ĐH Murdoch (Australia), ĐH Mahasarakham (Thái Lan)...

"Lần đánh giá này đã giúp chúng tôi xác định mình đang nằm ở vị trí nào theo tiêu chuẩn quốc tế so với các trường đại học khác trên thế giới. Đồng thời biết được điểm mạnh, điểm yếu theo những đánh giá khách quan từ bên ngoài để tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc được gắn sao của QS có thể xem như bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển theo hướng hội nhập quốc tế của trường", TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, chia sẻ. 

Với những trường đại học quốc tế, xếp hạng QS như một điều kiện để khẳng định vị thế và danh tiếng, đồng thời góp phần không nhỏ nâng cao giá trị bằng cấp của sinh viên đã và đang theo học tại trường.

Theo anh Tùng, tham gia xếp hạng là để các kết quả đã đạt được của trường được đánh giá và phản ánh phù hợp theo các tiêu chí chung, có tính hội nhập cao. Đồng thời, còn thể hiện sự tự tin và vững vàng hội nhập, là trách nhiệm của đại học đối với cộng đồng, là hình thức công khai một cách khách quan các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Bảng xếp hạng các trường đại học nói chung tập trung vào 5 khía cạnh: Đào tạo (chiếm 40%); nghiên cứu (40%); quốc tế hóa (10%) và việc làm (10%). Bảng xếp hạng của QS có các tiêu chí xếp hạng được đánh giá là khá cân bằng, không thiên vị quá mức khía cạnh nghiên cứu của các trường đại học.

Đồng thời, những tiêu chí này phản ánh được xu thế quốc tế hóa trong giáo dục đại học và quan điểm tiếp cận về chất lượng giáo dục nhìn từ góc độ các nhà tuyển dụng. Kết quả xếp hạng Top 100 trường của QS có sự phù hợp khá cao so với bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải.

Bắt đầu khởi động nộp hồ sơ từ tháng 7 cho QS, sau hai tháng, Đại học FPT đã trải qua các vòng kiểm định nghiêm ngặt của tổ chức này trên nhiều tiêu chí như: Chất lượng đào tạo (Teaching), Tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp (Employability), Nghiên cứu (Research), Tính quốc tế hóa - Sinh viên quốc tế (Internationalization), Cơ sở vật chất (Facility), Đóng góp xã hội (Engagement), Chứng nhận chất lượng (Acreditation), Học bổng và các loại hình hỗ trợ sinh viên (Access).

Trong tổng số 8 tiêu chí trên, tiêu chí về Chất lượng đào tạo cùng Đóng góp xã hội của Đại học FPT được tổ chức QS đánh giá với số điểm tuyệt đối 5 sao - mức cao nhất trong đánh giá gắn sao của QS. Đồng thời, các tiêu chí như Cơ sở vật chất, Tình trạng việc làm sau tốt nghiệp, Học bổng và các loại hình hỗ trợ sinh viên nhận được 4 sao. ĐH FPT được tổng cộng 408 điểm, vượt ngưỡng so với yêu cầu các trường được 3 sao.

Theo nhận định của anh Tùng, các bảng xếp hạng trên thế giới đều đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng các hoạt động nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa. Điều đó phản ánh đúng các chức năng cơ bản của giáo dục đại học. Đồng thời cũng phản ánh chính xác sự phát triển hiện nay của ĐH FPT và chỉ ra được một số mặt còn hạn chế của trường như tỷ lệ sinh viên, giảng viên nước ngoài học tập trong trường còn ít.

Đặc biệt, nghiên cứu khoa học - “chìa khóa” trong xếp hạng đại học, cũng là nguyên nhân khiến nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng, trong đó bao gồm cả ĐH FPT.

Không chỉ QS mà trong các bảng xếp hạng đại học nói chung, thành tích nghiên cứu, đặc biệt là các công bố quốc tế trong hệ thống tạp chí ISI và Scopus có trọng số rất quan trọng.

Là một trường đại học non trẻ, dù đã đầu tư xây dựng Viện Nghiên cứu, cấp học bổng đào tạo tiến sỹ cho sinh viên…, đến nay số lượng các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học đỉnh cao chia theo đầu giảng viên của ĐH FPT chưa nhiều và tỷ lệ đạt các giải thưởng khoa học quốc tế cũng ít. Trong điều kiện kinh phí nghiên cứu khoa học còn thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực khu vực, các kết quả xếp hạng trên rất đáng khích lệ.

Trong chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020 của Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đã đặt ra mục tiêu cả nước có một trường đại học trong Top 200 trường và một số trường trong Top 500 thế giới. Muốn có các trường nằm trong bảng xếp hạng quốc tế cần một cuộc cải cách lâu dài.

TS. Lê Trường Tùng cho biết, ĐH FPT sẽ đầu tư phát triển hơn nữa để nâng cao thứ hạng của mình trên trường quốc tế. “Mục tiêu của FPT là đạt được 550 điểm, tăng tỷ trọng sinh viên nước ngoài học tại trường, tạo môi trường đào tạo chất lượng, đổi mới để vươn lên hạng 4 sao trong vòng một năm tới”, anh nhấn mạnh.

Toàn cầu hóa, quốc tế hóa là mục tiêu đầu tiên và trước mắt của ĐH FPT, được định hình ngay từ những ngày đầu với quy định học hoàn toàn bằng giáo trình tiếng Anh, sinh viên FPT năm đầu chỉ học bằng tiếng Anh. Hiện nay, trường có nền tảng là hơn 100 sinh viên Nigeria đang theo học tại VN, tiệm cận mức 1% (tiêu chuẩn đạt 4 sao của QS).

Bên cạnh đó, cũng từ đầu năm 2010, ĐH FPT đã tổ chức tuyển sinh tại Philippines. Vừa qua, trường ký hợp đồng với 5 đại lý giáo dục tại Myanmar, Malaysia, Brunei, Nga và một số nước Đông Phi... để phục vụ cho công tác tuyển sinh.

“ĐH FPT mong muốn trở thành một hệ thống giáo dục đẳng cấp quốc tế, khác biệt, đậm đà giá trị Á Đông. Và đặc biệt sẽ là một lựa chọn đáng giá cho các phụ huynh, thay thế cho lựa chọn đi du học hiện nay”, Hiệu trưởng ĐH FPT khẳng định.

Tổ chức QS (Quacquarelli Symonds) được thành lập từ năm 1990 với trụ sở chính đặt tại London, Anh, cùng nhiều trụ sở tại Singapore, Paris, New York... QS đồng thời là một mạng lưới rộng lớn kết nối các trường đại học trên thế giới. Mỗi năm, tổ chức này tổ chức trên 200 hội nghị, hội chợ giáo dục với sự tham gia của hơn 1.000 trường đại học trên khắp các châu lục. Xếp hạng đại học của QS cùng với các bảng xếp hạng đại học của ĐH Giao thông Thượng Hải và Time Higher Education là 3 bảng xếp hạng đại học thế giới chính thức hiện nay.

QS cung cấp hai loại hình đánh giá trường đại học chính, là loại hình Xếp thứ hạng (Universities Ranking System) và Gắn sao (Stars Rating). Theo định nghĩa của QS, các trường đại học tham gia vào loại hình xếp hạng Gắn sao được phân theo mức độ từ 1 tới 5 sao.

Nam Anh

Ý kiến

()