Chúng ta

Vượt Facebook, Google mua hãng máy bay không người lái

Thứ tư, 16/4/2014 | 16:33 GMT+7

Hãng tìm kiếm khổng lồ của Mỹ đã thâu tóm thành công nhà sản xuất máy bay không người lái Titan Aerospace, theo tờ Wall Street Journal.
> Cuộc chiến để kết nối Internet từ trên không / Khi Google lấn sân viễn thông

Titan là công ty có trụ sở tại New Mexico chuyên sản xuất máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời. Chưa có thông tin về số tiền mà Google phải trả, nhưng hồi đầu năm, Facebook đã đàm phán mua lại với mức giá 60 triệu USD để có được công ty này. Wall Street Journal dự đoán Google đã chi nhiều hơn thế để giành nó khỏi tay mạng xã hội lớn nhất thế giới.

d

Các máy bay Titan có khả năng tự bay, cất và hạ cánh, đồng thời giao tiếp với một trạm mặt đất từ quỹ đạo 65.000 feet (khoảng 20 km) trong khí quyển, vượt xa các máy bay phản lực bay cao nhất tính đến nay. Máy bay có thể ở lại trong bầu không khí đến 5 năm mà không phải tiếp nhiên liệu, thậm chí không cần tiếp đất. Ảnh: Titan.

Thông tin về việc Google mua lại Titan Aerospace được công ty này đăng tải trên trang web chính thức của hãng không lâu trước khi Google đưa ra thông cáo chính thức về thương vụ.

Trên trang web của mình, Titan tuyên bố máy bay của họ có thể giúp cung cấp tốc độ Internet lên đến 1 gigabit/giây với thiết bị thông tin liên lạc đặc biệt. Tốc độ này sẽ nhanh hơn đáng kể so với tốc độ băng thông rộng có sẵn tại các nước phát triển. Công ty cho biết, họ hy vọng sẽ có "hoạt động thương mại đầu tiên" vào năm 2015.

“Tại Titan Aerospace, chúng tôi đam mê khả năng áp dụng công nghệ vào việc cải thiện đời sống của con người. Đó là lý do chúng tôi không thể vui mừng hơn khi được học hỏi và làm việc với những đồng nghiệp mới, cũng như tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển công việc của mình trong đại gia đình của Google”, Titan Aerospace cho biết trên trang web chính thức của công ty.

Ngoài ra, máy bay không người lái do Titan Aerospace phát triển còn có thể giúp Google chụp những hình ảnh độ phân giải cao về trái đất theo thời gian thực, giúp cho bộ phận phát triển bản đồ của Google (Google Maps) có thêm nhiều tính năng và trải nghiệm mới.

“Titan Aerospace và Google cùng nhau chia sẻ sự lạc quan sâu sắc về khả năng công nghệ giúp cải thiện thế giới”, Google cho biết trong một thông báo mới nhất. “Là những phát triển ban đầu, nhưng các vệ tinh trong không gian sẽ giúp mang lại khả năng truy cập Internet cho hàng triệu người và giúp giải quyết các vấn đề khác, bao gồm cứu trợ thiên tai và thiệt hại môi trường… Chúng tôi rất hân hoan chào đón Titan Aerospace đến với gia đình của Google”.

Sau khi về chung nhà với gã tìm kiếm khổng lồ, Titan sẽ làm việc trên một loạt dự án của Google. Cụ thể, Titan có thể thu thập hình ảnh từ khắp thế giới từ trên cao nhằm bổ sung dữ liệu, hình ảnh cho mảng Google Earth và Google Maps.

Những máy bay không người lái cũng sẽ góp phần vào dự án Loon của Google với việc đem bóng bay vào bầu khí quyển và đưa Internet đến những nơi chưa được kết nối của thế giới. Titan Aerospace cũng có khả năng làm việc với Makani, một công ty Google đã mua, nhằm lấy năng lượng gió từ trên bầu trời và cung cấp năng lượng trở lại trái đất thông qua một sợi cáp dài.

Facebook cũng dự định sử dụng công nghệ và sản phẩm của Titan Aerospace để cung cấp dịch vụ Internet miễn phí trên toàn cầu. Tháng trước, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã đưa ra ý tưởng về dự án Connectivity Lab, một sáng kiến nhằm mang lại dịch vụ Internet trên toàn cầu bằng cách sử dụng máy bay không người lái và tia laser.

d

Titan có thể thu thập hình ảnh từ khắp thế giới từ trên cao nhằm bổ sung dữ liệu, hình ảnh cho mảng Google Earth và Google Maps. Ảnh: Titan.

“Kết nối toàn bộ thế giới cần phải phát minh ra những công nghệ mới”, Zuckerberg cho biết trong thông báo chính thức về dự án Connectivity Lab. Có thể công nghệ mới mà Zuckerberg ám chỉ chính là những chiếc máy bay không người lái của Titan Aerospace. Tuy nhiên Google đã nhanh tay hơn khi “nẫng” công ty này ngay trước mũi Facebook.

Trong thời điểm này, Google đang cuống cuồng đặt cược vào robot và máy bay không người lái. Ngoài Titan Aerospace, nhiều nguồn tin còn cho biết Google muốn mua lại Skybox Imaging, một công ty sản xuất những vệ tính cỡ nhỏ với chức năng chụp ảnh trái đât độ phân giải cao. Nếu thông tin này là sự thật thì có thể Google sẽ có một sự thay đổi lớn về dịch vụ bản đồ của hãng trong tương lai.

Tháng 12 năm ngoái, Google đã mua lại Boston Dynamics, một công ty công nghệ chuyên chế tạo robot cho quân đội.

Titan hiện phát triển hai dòng máy bay không người lái có hình dạng của một con chuồn chuồn. Cả hai đều sử dụng pin sạc bằng năng lượng mặt trời gắn trên cánh nên vẫn có thể ở trên cao vào ban đêm. Mô hình nhỏ hơn, với tên gọi Solara 50, có sải cánh 164 feet, lớn hơn một chút so với một chiếc máy bay Boeing 767.

Công việc kinh doanh cốt lõi của Google là tìm kiếm và quảng cáo. Vậy, gã khổng lồ này mua các công ty chuyên máy bay và robot làm gì? Điều này mới nghe giống như chi tiết trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Nhưng trên thực tế, cả hai đều là những chiến lược dài hạn.

Về cơ bản, Google đang bước vào giai đoạn thứ ba. Hãng đã làm chủ công cụ tìm kiếm và quảng cáo, những hoạt động cốt lõi của máy tính để bàn giữa những năm 2000. Tiếp đến là điện thoại di động với nền tảng Android.

Cả hai đã đem lại cho Google một lượng lớn người dùng. Trong tháng 2, Google đã ghi nhận 187 triệu lượt người truy cập chỉ tính riêng trên máy tính để bàn, làm cho nó trở thành thuộc tính web được truy cập nhiều nhất ở Mỹ, theo ComScore. Toàn bộ trang web đã nhận được 222 triệu lượt truy cập đơn lẻ trong tháng đó. Vì vậy, theo nghĩa đen, Google đã vượt ra khỏi Internet.

Bên cạnh đó, Android là nền tảng điện thoại thông minh chiếm 52% thị phần, theo ComScore.

Để tiếp tục phát triển, Google cần nhiều khách hàng hơn nữa. Không chỉ là một vài triệu mà phải hàng trăm triệu người dùng mới có thể đảm bảo tốc độ phát triển của Google một cách có ý nghĩa. Đây là một vấn đề thiết thực đối với công ty. Và chỉ có một nơi mà hàng trăm triệu người sử dụng chưa được khai thác: Môi trường offline.

Hai phần ba dân số thế giới vẫn chưa được truy cập Internet. Điều đó có nghĩa là Google vẫn chưa tiếp cận được khoảng 4,6 tỷ người. Để tiếp cận được những người này, Google cần toàn bộ thế giới có thể truy cập Internet. ( Facebook mới đây cũng đã đánh thức giai đoạn thứ ba này, với dự án Internet.org của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg với nhiều mục tiêu tương tự.)

Với robot, Google đang đặt cược vào tương lai theo một cách khác. Bằng nỗi ám ảnh của gã khổng lồ tìm kiếm về sự hiểu biết và tổ chức thông tin, chúng ta có thể thấy Google đang tăng cường lên các dịch vụ tìm kiếm của mình với trí tuệ nhân tạo từ Boston Dynamics, một nhà cung cấp hàng đầu về phần mềm mô phỏng con người. Robot của nó cần phải phản ứng một cách độc lập với môi trường và hoàn thiện các loại máy học được coi là chìa khóa để đến với giai đoạn tiếp theo của công nghệ cao.

Google cũng vừa mua DeepMind, một công ty trí tuệ nhân tạo giúp máy tính tìm hiểu và hoạt động giống như con người. Các máy bay sẽ tìm thấy người dùng mới và đưa họ vào môi trường trực tuyến. Các robot sẽ giúp người dùng mới hiểu được web dễ dàng hơn khi họ tiếp cận.

Nghệ Nguyễn (theo Business Insider)

Ý kiến

()