Chúng ta

Google và giấc mơ Internet trên những quả bóng bay

Thứ ba, 18/6/2013 | 08:58 GMT+7

Hãng tìm kiếm Mỹ sẽ ra mắt 30 khinh khí cầu công nghệ cao trong một thử nghiệm đưa Internet lên những địa điểm mà con người chưa bao giờ có thể kết nối.
> Khi Google lấn sân viễn thông

Theo GigaOM, ngày 15/6, Google chính thức công bố dự án Project Loon với ý tưởng gây kinh ngạc và được đánh giá là tham vọng điên rồ.

Những khinh khí cầu thử nghiệm sẽ xuất phát từ Christchurch và Canterbury, New Zealand, Goolge cho biết. Thủ tướng New Zealand John Key đã có mặt ở Christchurch ngày 15/6 để khai trương dự án, theo truyền thông New Zealand. Các cư dân địa phương cũng được mời tới một sự kiện đặc biệt tại một bảo tàng không quân vào ngày 16/6 để tìm hiểu thêm dự án của Google.

d

Ngày 15/6, những khinh khí cầu thử nghiệm xuất phát từ Christchurch và Canterbury, New Zealand, Goolge cho biết. Ảnh: Guardian.

Google luôn yêu thích ý tưởng Internet trên những quả bóng và khinh khí cầu để kết nối những vùng đất xa xôi hẻo lánh nhất. Năm năm sau lần đầu tiên đề cập đến ý tưởng này, Google cuối cùng cũng đã tung ra một dự án điên rồ với tên gọi Project Loon ở New Zealand. Liệu quả bóng Internet cuối cùng cũng thực sự cất cánh?

Internet băng thông rộng trên những quả bóng là một ý tưởng nghiêm túc. Google đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và thời gian cùng những nỗ lực đằng sau đó. Trên Blogpost, Google đã công bố về dự án Loon của mình như sau:

“Hôm nay chúng tôi phóng lên trời dự án mới nhất của mình: Quả cầu giúp hỗ trợ truy cập Internet. Chúng tôi tin rằng vòng đai những quả khinh khí cầu bay lượn trên khắp thế giới bằng sức gió ở tầng bình lưu, cung cấp kết nối Internet cho mặt đất sẽ có thể thành hiện thực. Hiện chúng tôi đang ở những ngày đầu, nhưng Google đã xây dựng được một hệ thống sử dụng bóng bay theo chiều gió ở độ cao gấp đôi độ cao những máy bay thương mại có thể đạt tới và phát sóng Inernet xuống mặt đất với tốc độ tương đương hoặc nhanh hơn mạng 3G hiện tại.

Chúng tôi hy vọng những quả cầu sẽ trở thành một lựa chọn để kết nối đến những vùng sâu và những vùng không được cung cấp đầy đủ công trình công cộng và giúp trao đổi thông tin sau thảm họa thiên tai. Ý tưởng này nghe có vẻ điên rồ, đó là lý do vì sao chúng tôi đặt tên cho dự án này là Loon (điên rồ), nhưng phía sau nó là một nền tảng khoa học vững chắc. Đây vẫn là một công nghệ đang trong quá trình thử nghiệm và chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đi”.

Google đã ra mắt công nghệ kết nối Internet dựa trên khinh khí cầu như là một thử nghiệm xuống khu vực Canterbury của New Zealand. Trong đó, mỗi quả khinh khí cầu sẽ chứa các quả bóng polyetylen và chứa luôn cả các thiết bị điện tử, máy tính nặng gần 10 kg.

Google ước tính hiện 2/3 dân số toàn cầu không được tiếp cận Internet với tốc độ đủ cao và chi phí vừa phải. Cho nên dự án này ban đầu nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng, nếu thành công có thể tạo ra sự khác biệt lớn với rất nhiều người trên thế giới.

Chương trình đã được khởi động bằng cách thả 30 quả bóng bay lên không trung và 50 chiếc máy sẽ thử kết nối với những quả bóng trên. Để ngăn tình trạng khinh khí cầu "bay lung tung", Google cho biết họ đã phải dùng tới nhiều thuật toán phức tạp, cũng như nhiều "sức mạnh xử lý" để kết hợp gió cùng năng lượng mặt trời nhằm đảm bảo các quả cầu chỉ bay ở các vị trí cần thiết cho nhiệm vụ của chúng. Họ cũng sẽ tung thêm nhiều quả bóng như vậy lên bầu trời các quốc gia có cùng vĩ độ với New Zealand.

Đây không phải là lần đầu tiên Goolge đề cập đến Internet băng thông rộng dựa trên bóng bay. Trong năm 2008, Goolge đã làm việc với Công ty Space Data Corp (SDC) và thả những quả bóng lên không trung để cung cấp kết nối Internet trong khu vực nông thôn. SDC là một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thả những quả cầu lên độ cao 32 km trong không trung để cung cấp kết nối đến tài xế xe tải và các công ty dầu khí. Công ty này cũng đang bắt đầu thử nghiệm với các ý tưởng băng thông rộng dựa trên khinh khí cầu ở châu Phi.

d

Trong năm 2008, Goolge đã làm việc với Công ty Space Data Corp (SDC) và thả những quả bóng lên không trung để cung cấp kết nối Internet trong khu vực nông thôn. Ảnh: Internet.

Goolge đang bị ám ảnh bởi ý tưởng kết nối thêm ngày càng nhiều người hơn nữa vào Internet, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và không có một công nghệ nào có thể thực hiện được điều này. Vì thế, gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ đã “nghịch ngợm” với nhiều cách thức khác nhau để cung cấp kết nối Internet trong những khu vực chưa được kết nối.

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta có thể thấy rằng Google đã vận dụng hai điểm mạnh cốt lõi của mình, đó là các thuật toán và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây để làm việc với một vấn đề khó giải quyết. Google thừa nhận ý tưởng này là điên rồ nhưng rất đáng để thử nghiệm, và nếu thành công sẽ đem lại rất nhiều giá trị.

Không có gì nghi ngờ rằng nhiệm vụ kết nối thế giới của Google được thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận, nhưng đây vẫn là một ý tưởng kết nối không dây thú vị.

Lan Chi

Ý kiến

()