Chúng ta

Công nghệ tạo những thành phố thông minh hơn

Thứ năm, 8/8/2013 | 11:16 GMT+7

Hàn Quốc dùng công nghệ để cư dân thực sự sống ở thì tương lai; Tây Ban Nha làm giảm tiếng ồn, ô nhiễm và thậm chí là cải thiện tình trạng giao thông; trong khi Mỹ khiến New York mát mẻ hơn.
> Nokia HERE dự đoán mô hình giao thông

Với cảm biến và công nghệ mạng ngày càng trở nên rẻ hơn, nhiều thiết bị hơn nữa đang và sẽ kết nối Internet (ước tính có đến 15 tỷ đối tượng vật lý đã được kết nối với Internet) và các thiết bị được truyền tải thông tin thông qua điện toán đám mây giúp chúng ta sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên cũng như nâng cao tầm quan trọng của chúng.

Cùng Forbes khảo sát những ứng dụng cụ thể của Internet of Things (mọi thứ được kết nối Internet) vào các thành phố.

Khu đô thị mới Songdo: Kết nối ngay từ buổi sơ khai

Hàn Quốc từ lâu đã sớm áp dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực, và nước này vẫn luôn tự hào với mạng Internet nhanh nhất thế giới cho người tiêu dùng, cũng như luôn quan tâm, đáp ứng cho nền văn hóa sẵn sàng tiếp nhận tiến bộ công nghệ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên cố gắng khai thác sức mạnh của Internet để tạo ra các thành phố thông minh hơn. Trong năm 2001, họ đã quyết định lấp biển để tạo nên thành phố Songdo, một thành phố công nghệ cao, nơi con người thực sự sống ở thì tương lai.

d

Trong năm 2001, Hàn Quốc đã quyết định lấp biển để tạo nên thành phố Songdo, một thành phố công nghệ cao, nơi con người thực sự sống ở thì tương lai. Ảnh: MPFP.

Tại đây, toàn bộ hạ tầng điện đều được kết nối Internet, không chỉ giúp nhà quản lý thông tin về vị trí và thời điểm tất cả dòng điện được sử dụng mà còn cung cấp cho cư dân khả năng kiểm soát cao hơn về lượng điện năng tiêu thụ.

Tương tự như vậy, lòng đường được tích hợp cảm biến lưu lượng, cung cấp cho các nhà quản lý giao thông chi tiết tình hình giao thông, giúp họ lập trình đèn giao thông một cách phù hợp nhằm làm giảm tắc nghẽn và tai nạn giao thông, tối ưu hóa quá trình di chuyển. Những “con đường thông minh” được kết nối đến một văn phòng trung tâm, nơi cung cấp thông tin về điều kiện thời tiết và có thể được sử dụng như một cảnh báo sớm các trường hợp hoạt động địa chấn. (Hàn Quốc là quốc gia dễ bị động đất nên các cảm biến như vậy tạo nên một sự khác biệt lớn cho cư dân).

Giảm tiếng ồn, ô nhiễm và thậm chí là cải thiện tình trạng giao thông

Santander là một thị trấn cỡ trung ở Tây Ban Nha. Trong nỗ lực làm giảm bớt ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn, thành phố đã bắt đầu hướng tới công nghệ và trở thành một trong những địa điểm được thiết kế cũng như trang bị các thiết bị cảm biến quy mô lớn.

Santander đã triển khai khoảng 10.000 thiết bị giám sát điện tử. Mỗi thiết bị bao gồm 2 radio để giao tiếp với các thiết bị khác (tạo ra một mạng không dây giữa các thiết bị), GPS, và một loạt cảm biến để theo dõi khí thải carbon monoxide, tiếng ồn, nhiệt độ, ánh sáng môi trường xung quanh và theo dõi liệu một chiếc xe có được đỗ ở đúng nơi quy định.

Thiết bị giám sát điện tử được lắp đặt tại Santader, Tây Ban Nha.

Thiết bị giám sát điện tử được lắp đặt tại Santader, Tây Ban Nha. Ảnh: Libelium.

Mỗi thiết bị cập nhật dữ liệu trên mạng Internet trong thời gian thực, cho phép lái xe có thể sử dụng một ứng dụng điện thoại di động hoặc đọc các dấu hiệu thông minh để tìm chỗ đậu xe có sẵn ở địa điểm kế tiếp.

Sử dụng cùng một công nghệ, Libelium, một công ty Tây Ban Nha, đã mở rộng rộng phạm vi sử dụng như giám sát bức xạ ở Nhật Bản, tái cơ cấu giao thông ở Tây Ban Nha, và cải thiện giao thông công cộng ở Serbia.

Tiết kiệm với cảm biến

Trong khi đó, tại Mỹ, một số thành phố đã được bổ sung thiết bị theo dõi mới cho hệ thống cấp - thoát nước nhằm cho phép họ tiết kiệm một số tiền lớn nhờ giám sát thông minh hơn. Lấy South Bend, Indiana, làm ví dụ. Thành phố này đã giảm tràn nước thải 23% và loại bỏ hoàn toàn sự cố hệ thống cống rãnh bị tắc bằng cách cài đặt công nghệ của IBM, cho phép tổng hợp dữ liệu nhận được từ tất cả cơ quan khác nhau và vận dụng chúng để biến thành thông tin hữu ích. Thành phố ước tính rằng sẽ thu hồi chi phí lắp đặt công nghệ mới này trong vòng chưa đầy 2 năm.

Về phía Nam, ở quận Miami-Dade (Florida), các quản trị viên thành phố ước tính họ sẽ tiết kiệm được 1 triệu USD mỗi năm và giảm tiêu thụ nước 20% thông qua việc sử dụng các cảm biến thông minh cho phép họ nhanh chóng sửa chữa nơi bị rò rỉ nước.

Giữ môi trường mát mẻ

Tại New York, Con Edison, một trong những công ty điện lực lớn nhất, đã khởi đầu chương trình CoolNYC với việc cung cấp miễn phí các thiết bị cho người dân thành phố để gắn vào máy điều hòa không khí nhằm giúp giảm tiêu hao khi sóng nhiệt xảy ra, theo dõi chi phí năng lượng của họ và thậm chí cả lịch trình bật/tắt máy lạnh thông qua các trang web hoặc một điện thoại thông minh.

Người tiêu dùng tham gia vào chương trình có thể tắt máy lạnh ngay tại sở làm và bật máy lạnh trước khi họ trở về nhà thông qua điện thoại di động.

d

Các thiết bị trong chương trình CoolNYC của New York. Ảnh: Con Edison.

Công ty này cũng theo dõi việc sử dụng và vô hiệu hóa các mối nguy hiểm có thể dẫn đến ngắt điện tạm thời trên hệ thống hay tắt máy lạnh từ xa nếu nhiệt độ tại khu vực đó thấp hơn so với nhiệt độ cài đặt của khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc Con Edison có thể chủ động quản lý một phần lưới điện thông qua việc tận dụng sự thông minh của dữ liệu, đảm bảo rằng tất cả khách hàng được phục vụ trong khi chất thải được giảm thiểu.

Với 6 triệu máy điều hòa không khí ở New York, một chương trình như vậy có thể có tác động lớn trong việc tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong những ngày hè.

Khi tất cả những điều trên ngày càng trở nên phổ biến hơn cũng như chi phí tiếp tục giảm, các thành phố sẽ có thể giảm lượng chất thải đáng kể và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân.

Lan Chi

Ý kiến

()