Chúng ta

Những câu chuyện nhỏ trong CD 'Bình yên đất trời'

Thứ ba, 17/6/2014 | 18:10 GMT+7

Đằng sau những giai điệu du dương, trầm bổng, mỗi nhạc phẩm trong CD đầu tay của nhạc sĩ Trương Quý Hải - "Bình yên đất trời" - là một câu chuyện về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, lứa đôi...
> Nhạc sĩ 'Khoảnh khắc' mong 'Bình yên đất trời'/ ‘Bình yên đất trời’ Nam tiến

a

Sau gần 30 năm sáng tác, lần đầu tiên nhạc sĩ Trương Quý Hải phát hành CD. Ảnh: C.T.

Nhận xét về CD đầu tay của nhạc sĩ Trương Quý Hải, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn, tác giả phần lời ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", cho rằng: "Những bài ca hùng tráng, bi tráng trong CD 'Bình yên đất trời' đã nói lên Trương Quý Hải là người theo tinh thần chủ nghĩa dân tộc".

Nhạc phẩm điển hình là Trường ca người Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác gần 30 năm của mình, đây là tác phẩm mà nhạc sĩ tâm huyết và bỏ nhiều công sức nhất. Thai nghén và ấp ủ suốt 12 năm, trường ca đã được vận dụng tối đa ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam như dân ca Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ; âm hưởng của rừng núi Tây Nguyên, với các làn điệu dân ca Ê-đê… Mỗi chương, từ Người Việt Nam, Hải đội Hoàng sa, Đoàn viên đến Cho con là người Việt Nam đều được phối khí với cách thể hiện khác nhau.

"Thông điệp của CD rất rõ ràng: Người Việt Nam trân trọng hòa bình, nhưng sẽ chiến đấu hết mình khi hòa bình bị xâm phạm. Trong bối cảnh xung đột biển Đông hiện nay, thông điệp đó càng nổi bật", TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc nhìn nhận.

Vẫn mang đến cho người nghe xúc cảm về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, song Guitar lính đảo mùa xuân, Đà Nẵng khúc ban chiều, Hành trình lời ru, Tình cao nguyên... giản dị hơn với những câu chuyện, kỷ niệm rất đời.

“Năm 1993, tôi có dịp ra Trường Sa. Đợt đó tôi được đi khá nhiều đảo và có một hình ảnh không thể nào quên, đó là khi đi qua đảo Gạc Ma. Có cái gì đó rất buốt và đau ập đến khi nhìn và nghe những câu chuyện ở đó. Guitar lính đảo mùa xuân được sáng tác sau chuyến đi với những cảm xúc tràn đầy”, nhạc sĩ chia sẻ.

Đà Nẵng khúc ban chiều lại ra đời để tác giả "trả nợ" người đồng nghiệp thân thiết sau những câu chuyện sống động về thành phố biển miền Trung. Vui vẻ nhắc lại kỷ niệm trong những lần lòng vòng quanh Đà Nẵng bằng xe máy với Trần Anh Quốc Cường (FPT City), anh Hải nói, chính nhờ câu nói vui: “Anh là nhạc sĩ mà không viết nổi bài hát về Đà Nẵng quê em ư?” đã khiến mình viết nên nhạc phẩm này.

Bài hát người Ê-đê khen là “rất Ê-đê” - Tình cao nguyên - được anh Trương Quý Hải viết cho bộ phim “Anh chỉ có mình em” với sự hỗ trợ nhiệt tình của nhạc sĩ Nguyễn Cường, người con của núi rừng Tây Nguyên. Bày tỏ tình cảm trước tấm chân tình này, anh khẳng định: "Chính anh Nguyễn Cường là người đã giúp tôi khái quát lên hình ảnh Tây Nguyên thông qua ngọn núi Chư-prông và dòng Sê-san”.

Với đầy đủ cung bậc nhớ thương của người con nơi viễn xứ, mỗi khi giai điệu và lời ca của Hành trình lời ru vang lên đều chạm đến tận cùng tâm khảm mỗi người Việt Nam những điều thiêng liêng về mái ấm gia đình và tổ quốc. Đó cũng chính là tâm niệm tác giả muốn gửi gắm, dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ thân phận nào, tình yêu tổ quốc và gia đình luôn hòa quyện cùng nhau.

Các sáng tác của Trương Quý Hải còn thấm đẫm tình yêu với gia đình, đôi lứa và cuộc sống đời thường với những nhạc phẩm bất hủ quen thuộc, gắn liền với tên tuổi của anh như: Khoảnh khắc, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa...

Hầu hết những người yêu nhạc và đặc biệt là người FPT đều biết "mối lương duyên" khá tình cờ của nhạc sĩ Trương Quý Hải với tác giả phần lời bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa. Trong buổi gặp mặt cán bộ Đoàn tập huấn tại TP HCM, những tứ thơ đặc sắc: “Cái rét đầu đông giật mình bật khóc”, “Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc”... của nhà thơ Bùi Thanh Tuấn đã làm rung động tâm hồn nhạc sĩ. Ngay lập tức, anh Hải tuyên bố “sẽ phổ nhạc bài thơ này” khiến nhiều người ngỡ ngàng, tưởng nhạc sĩ "nói khoác". Song, những giai điệu đã được nhạc sĩ cho ra đời với cảm xúc dâng tràn đã khiến "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" được công chúng yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt.

Thật khó so sánh giữa "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" và Khoảnh khắc, nhạc phẩm nào hay hơn bởi mỗi sáng tác đều là sự thăng hoa của những cung bậc cảm xúc. "Khoảnh khắc" là tâm trạng của mỗi người đàn ông, với mong muốn có một người con gái chờ đợi, yêu thương và dành trọn vẹn cho mình trong cuộc đời.

a

Nhạc sĩ (áo đỏ) và nhà thơ Bùi Thanh Tuấn trong một đêm nhạc được tổ chức tại FPT HCM. Ảnh: C.T.

Ca khúc anh viết tặng mẹ - Lời ru đêm hè - như một lời chuộc lỗi bởi cảm thấy áy náy vì mình mà gia đình đã để mất căn nhà trong ngôi biệt thự cổ, gắn liền những kỷ niệm đẹp ăn sâu vào ký ức với giàn hoa thiên lý nơi sân thượng... "Trước đây, gia đình tôi ở phố Cao Bá Quát (Hà Nội), đó là tầng hai của một biệt thự cổ. Khi đó, tôi còn quá nhỏ, bố mẹ phải đi làm nên ông nội trông cháu. Ông lúc ấy đã già rồi (khoảng gần 70 tuổi) và mắt thì rất kém, mà thằng cháu nhỏ là tôi thì đang tuổi tập đi, tập đứng nên di chuyển rất nhanh. Nhà ở tầng hai nên ông nội nhiều phen hết hồn khi cháu ngã. Ông khóc, than với bố mẹ tôi rằng nếu cứ thế này thì mình không trông nổi, không an toàn cho cháu. Sau đó, bố mẹ tôi bàn bạc và quyết định chuyển nhà xuống tầng một. Nhà tôi rời ngôi biệt thự cổ chuyển đến ở khu Đường Thành và dừng chân ở khu nhà tập thể Trung Tự", anh tâm sự.

Bài hát này cũng có cơ duyên đặc biệt. Trong lần nhạc sĩ Nguyễn Cường đến thăm trường ĐH Mỏ đã được nghe anh Hải hát bài này. Khi ấy, anh Cường động viên nhạc sĩ chép bài đó ra, ghi địa chỉ bên ngoài và gửi tác phẩm đó dự thi. "Lời ru đêm hè" đã giành giải Nhì (không có giải Nhất). Xúc động nhớ lại chuyện cũ, anh kể: "Cầm phần thưởng tương đối lớn trong tay tôi về đưa cho mẹ tôi và nói vui rằng: "Coi như con đền mẹ căn biệt thự" đã khiến bà rất xúc động".

Hoa may được vị nhạc sĩ nổi tiếng viết dành riêng tặng vợ. Với anh, hình ảnh bông hoa may luôn là điều gì đó giản dị, gần gũi mà quý vô cùng. Anh từng ví, những bông hoa may giống như bàn tay gầy guộc của người con gái miền quê, neo giữ vạt áo, bước chân và cả cuộc đời chàng trai trẻ. Bài hát này mới được "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng thể hiện. Dành lời khen tặng người em thân thiết, nhạc sĩ hóm hỉnh nói: "Khi nghe Dũng hát, vợ tôi nói rằng 'cậu ấy hát hay hơn anh nhiều'".

Dù viết theo đơn“đặt hàng” cho bộ phim “Tháng củ mật” (do FPT sản xuất) nhưng Tình xuân quê đã thổi vào trong đó chút tình quê ấm áp của những con người nghèo khó, ngày ngày phải mưu sinh nơi chốn thị thành trước khi Tết đến, xuân về. Nhạc sĩ chia sẻ, dù là người Hà Nội nhưng những ngày tháng sơ tán tại Hà Tây, Thái Nguyên… đã giúp anh có chất liệu để viết nên nhạc phẩm này.

a

Không chỉ là ca từ, giai điệu, mỗi bài hát khi ra đời đều được gắn với một câu chuyện thú vị. Ảnh: C.T.

Chiều thảo nguyên thì gắn với kỷ niệm thú vị của nhạc sĩ con gái. Anh kể: “Một lần, không nhớ rõ có việc gì mà tôi to tiếng với con gái. Sau đó, con nói lại với vợ tôi là "Ba không thương con gì cả". Khi nghe vợ nói lại điều đó, tôi cảm thấy rất ân hận bởi thực ra bản thân mình rất chiều và thương con nhưng lại không thể nói thành lời. Vậy là tôi viết "Chiều thảo nguyên” (con gái nhạc sĩ tên là Thảo Nguyên) để giảng hòa”.

Tình cờ đọc được những bài báo viết về việc lấy chồng nước ngoài của hàng loạt cô gái Việt Nam, nhạc sĩ Trương Quý Hải bỗng nhớ đến câu đồng dao “Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà/Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông/ Gạo tiền như nước/ Đổ mắm đổ muối/ Đổ chuối hạt tiêu/ Đổ niêu nước chè/ Đổ phải nhà nào/ Nhà nấy phải chịu” và từ đó, lời ca đến rất nhanh, cứ ngân nga, xuất hiện trong đầu thành nhạc phẩm Thả đỉa ba ba.

Người FPT còn biết đến nhạc sĩ với những ca khúc gắn liền trong các sự kiện lớn, nhỏ của tập đoàn: FPT - dòng sông lời thề, Đại đoàn FPT... Trong CD đầu tay của mình, anh đã đưa vào một nhạc phẩm dành tặng cho CBNV đang làm việc tại nước ngoài - Đêm onsite. Anh Hải vẫn nhớ: “Khoảng năm 2010-2011, khi mọi người đã được nghỉ Tết hết rồi thì tôi có việc gì đó ở công ty nên về khá muộn. Tự nhiên khi đi về, nhìn khung cảnh vắng vẻ, yên tĩnh ở văn phòng trong đầu bỗng vang lên câu hát "Về đi, về đi, chiều 30 rồi…". Ngay lúc đó, tôi chợt nghĩ tới những người FPT đang onsite ở nước ngoài và tự hỏi giờ phút này họ đang làm gì ở nơi đất khách quê người. Và lần đầu tiên, tôi cảm nhận họ thực sự là nhưng chiến sĩ đang chiến đấu trên mặt trận kinh tế. Sau khi viết xong ca khúc, tôi gọi điện cho hai đồng nghiệp là Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Văn Toản ngay hôm sau đến công ty thu âm để kịp gửi làm quà cho những CBNV đang onsite ở nhiều nơi trên thế giới”.

Lần đầu tiên, 4 đêm nhạc giới thiệu về CD "Bình yên đất trời" được tổ chức tại Hà Nội (ngày 17/6), Cần Thơ (18/6), TP HCM (19/6), Đà Nẵng (20/6).

"Bình yên đất trời" gồm 13 tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trương Quý Hải. CD được coi là mốc đánh dấu sự trở lại của nhạc sĩ Trương Quý Hải trên thị trường âm nhạc Việt Nam và đưa hình ảnh người FPT yêu âm nhạc, đam mê sáng tạo đến với khán giả.

Ban tổ chức cho biết, sẽ có khoảng 4.000 CD được phát hành với mức giá dự kiến 50.000 đồng/đĩa. Dự kiến, trong đêm nhạc sẽ có phần đóng góp, ủng hộ nhằm thể hiện tình cảm của người FPT với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo.

Đồng Bằng

Ý kiến

()