Chúng ta

‘Hội diễn STCo không bao giờ mất đi sự hấp dẫn’

Thứ năm, 20/9/2012 | 15:46 GMT+7

Những lời khen, chê sau mỗi mùa Hội diễn là tất yếu, song nhiều người tâm huyết với văn hóa STCo của FPT lại lo ngại bởi cảm nhận chất STCo đang mất dần. Các Viện sĩ FPT đã chia sẻ những trăn trở trong việc giữ gìn và phát triển nét văn hóa độc đáo này.
> 'Phiêu' với đồng ca 'Lên giời' / 'Đặc sản' của các nhà hát tại Hội diễn

Anh Lê Đình Lộc - Văn phòng HĐQT: ‘Hội diễn STCo không bao giờ mất đi sự hấp dẫn thiêng liêng’

Tôi đã chứng kiến 17 mùa Hội diễn 13/9, tham gia dàn dựng 8 tiết mục, trực tiếp lên sân khấu ba lần. Và năm nào cũng được báo Chúng ta hỏi về cảm xúc Hội diễn.

Nhiều người cho rằng, Hội diễn 13/9 năm nay của FPT đã mất đi chất STCo độc đáo vốn có.

Sáng tạo là nét đặc trưng nhất của STCo. Các tiết mục Hội diễn vừa qua đã thiếu đi nhiều tính sáng tạo cần thiết để lại ấn tượng cho người xem. Phần lớn các tiết mục đã sa vào hình thức kịch thoại, nói nhiều. Đây hoàn toàn không phải là sở trường của hoạt động văn nghệ nghiệp dư tự sướng như FPT. Một Thọ “Vẩu” (Phạm Quang Thọ) không thể gánh nổi cả dàn diễn viên giỏi… học thuộc lòng của FPT Trading. Thiếu Đinh Tiến Dũng tung hứng, một mình Sáng “Lòa” (Đinh Công Sáng) độc thoại, cố vẫy vùng để khỏa lấp những màn đớp lời vô thức của các “nghệ sĩ ô hợp” mới được ghép vở trước đó một ngày.

a

Anh Lê Đình Lộc cho rằng, các tiết mục trong Hội diễn vừa qua đã thiếu đi nhiều tính sáng tạo. Ảnh: C.T.

Thảm họa thay cho FPT IS, lèo tèo dăm ba diễn viên dúm dó “họp chợ chiều” một góc sân khấu, không có sự di chuyển nào quá hai bước chân, khiến 5 vị giám khảo bị dàn loa sân khấu che lấp đành bất lực nhắm mắt nghe… đọc truyện đêm khuya. Có ai ngờ rằng chỉ vài năm trước thôi, nhà hát này vẫn còn nổi tiếng với dàn diễn viên cực kỳ chuyên nghiệp. FPT Software vẫn rất đông diễn viên ào ào lên, ào ào xuống sân khấu, nhưng năm nay lại đơn giản một cách lạ kỳ. Như chưa hề có Phan Phương Đạt, nhạc không còn hay, ánh sáng không còn đẹp cũng như không còn sự tạo hình quyến rũ đầy sáng tạo như mọi năm. Tiến bộ nhất là vở kịch của FPT Telecom với phần kết hay, đọng lại ấn tượng bất ngờ đối với khán giả, đủ để xóa nhòa đi nhiều đoạn lê thê của vở diễn. ĐH FPT mang đến Hội diễn một tiết mục nhân văn, trong sáng. Tuy không được dàn dựng kỹ bằng các năm trước nhưng đây là điểm sáng duy nhất về nghệ thuật sân khấu của Hội diễn.

Các vấn đề hằng ngày của FPT được đưa vào nội dung những vở kịch với hàm lượng quá đậm đặc. Vẫn lại thang máy tòa nhà Cầu Giấy, châm chọc các sếp, TGĐ nghỉ phép, bán hàng, kéo cáp lúc tục lúc thanh… Các vở diễn để lại nhiều ấn tượng như Hồ Thiên Nga, Trương Chi, Kiều đơ, Múa thổ dân… đều là những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, trong đó câu chuyện về FPT chỉ như chút gia vị cho vở diễn thêm đậm đà.

STCo là sự tự sung sướng. Để có 10 phút trên sân khấu, bạn được lo lắng, hồi hộp, căng thẳng và sau đó là vỡ òa sung sướng khi màn hạ. Giải Nhất, Nhì, Ba có lẽ không sướng bằng đi nhậu đêm sau buổi diễn.

Tôi đang nghĩ đến 12 tháng sau. Ngày 13/9/2013, FPT tròn ¼ thế kỷ. Người FPT háo hức chờ Hội diễn, xin xỏ, tranh giành nhau từng tấm vé. Diễn viên các đội vẫn miệt mài tập luyện, quên cả ăn. Họ không tạt qua nhà tắm rửa mà sẽ lên thẳng sân khấu vào đêm diễn. Các gia đình sẽ phải ăn cơm sớm để đến đêm hội. Hàng nghìn người xếp hàng dài tiến vào nhà hát. Vẫn còn nhiều người không có vé đứng ngoài cổng hy vọng. Vẫn như 17 năm về trước…

Anh Hưng ‘Đỉnh’ (Nguyễn Duy Hưng) - Phó TGĐ F9 (thuộc FPT Trading): ‘Gạn lọc những gì thông minh, hài hước, phù hợp thì sẽ có tác phẩm STCo hay’  

Đánh giá về Hội diễn năm nay có thể chia làm hai phần. BTC đã làm tốt phần dàn dựng, trang trí sân khấu, thiết bị hỗ trợ… Các tiết mục mở đầu và chào mừng hoành tráng và tạo ấn tượng tốt với người xem, đặc biệt là hợp xướng “Lên giời” do nhạc sĩ Trương Quý Hải chế tác trên nền nhạc “O Sole Mio” (dân ca Italy).

a

Là giám khảo trong Hội diễn năm nay, Viện sĩ FPT Hưng "Đỉnh" đánh giá kịch bản của các đội năm nay có vẻ lặp lại chính mình. Ảnh: Tuấn "Mark".

Phần thi của các đội năm nay khá nhạt nhòa khi không có “ cái đinh”. Kịch bản các đội có vẻ lặp lại chính mình mà ở FPT, cái gì lặp lại thường khó được đánh giá cao. Trừ ĐH FPT và FPT Telecom có khác biệt về hình thức thể hiện, các đội còn lại vẫn nặng về thoại. Theo đánh giá của nghệ sĩ Chí Trung và đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì kịch nói đơn thuần không phải điểm mạnh của người FPT. Tôi cho rằng, chủ đề không tác động nhiều đến chất lượng Hội diễn. Không phải cái gì ta cũng nghĩ ra được hết. STCo có rất nhiều sáng tác, bài hát, trò chơi là do du nhập từ bên ngoài, chỉ có điều chúng ta thể hiện theo cách riêng, phù hợp với năng lực của mình.

Việc sa đà vào khích bác, đả kích ai đó (kể cả lãnh đạo) một cách xỉa xói hoặc nói tục hay những hành vi quá lố trên sân khấu không phải là STCo. Và như thế cũng không lấy được cảm tình của người xem. Gạn lọc những gì thông minh hài hước, đẹp, phù hợp với mình thì chúng ta sẽ có tác phẩm STCo hay. Cũng phải nói thêm, sự tham gia trực tiếp, nhiệt tình và sát sao của lãnh đạo đóng góp rất lớn cho thành công trong hoạt động văn hóa tinh thần.

Năm nay, chúng ta quay trở lại với việc 13/9 được tổ chức trong một ngày, mọi người có vẻ phấn khởi hơn. Truyền thống tốt đẹp thì nên giữ. Năm 2013, kỷ niệm sinh nhật 25 năm sẽ là sự kiện rất lớn của FPT. Vì vậy, ngoài việc tổ chức tốt lễ hội, chúng ta cũng cần có những hoạt động khác kéo dài cả năm cho tới dịp 13/9 như các chương trình thi đua kinh doanh, bảo tàng, hoặc triển lãm công nghệ (FPT đã làm dịp kỷ niệm 10 năm), tri ân khách hàng, tôn vinh cá nhân hay vận động sự công nhận của Nhà nước về các đóng góp và thành tựu của FPT cho đất nước. Làm sao phải hùng tráng, thiết thực và xúc động.

Anh Nguyễn Khắc Thành - Hiệu phó ĐH FPT: ‘Nên tổ chức theo hình thức ‘Got Talent’’

a

Theo anh Khắc Thành, nên đổi mới hình thức tổ chức Hội diễn. Ảnh: Hoàng Hà. 

Vì đã đoán trước là Hội diễn năm nay không hay, cho nên khi thấy đúng là không hay thật thì cũng không thấy buồn.

Hội diễn nên thay đổi hình thức tổ chức để hấp dẫn khán giả hơn. Không nên chỉ có một loại hình kịch như mọi năm, sẽ rất chán. Có thể tổ chức theo hình thức "Got Talent", nghĩa là chấp nhận nhiều loại hình thức khác nhau từ hát, múa, kịch, nhảy hip-hop đến opera, xiếc…

Trước đó sẽ tổ chức vòng loại, mỗi đơn vị có thể có vài đội. Đêm 13/9 sẽ là chung kết (hoặc coi là gala cho hoành tráng), đảm bảo sẽ không có tiết mục nào làm cho khán giả phải "chịu đựng" nữa. 

Trí Thành (thực hiện)

Ý kiến

()