Chúng ta

Liên quân FH2O 'ẵm' giải Nhất Hội diễn

Thứ ba, 13/9/2016 | 20:11 GMT+7

Tiết mục Tuồng xuất sắc "Lữ Bố hí Điêu Thuyền" của Liên quân FH2O đã giúp họ giành giải Nhất trong đêm diễn kéo dài chưa từng có trong kỳ Hội diễn FPT.

  • 20h00

    Khán phòng gần 4.000 người của Trung tâm Hội nghị Quốc gia gần kín chỗ với những gương mặt háo hức của người FPT tham dự chương trình văn nghệ đặc sắc của nhà F.

    HD1-JPG-4545-1473774455.jpg

    Tiết mục chào mừng của đoàn văn công khiến cả khán phòng mãn nhãn.

  • 20h10

    Lần đầu tiên trên sân khấu Hội diễn 13/9 có phần vinh danh 13 gương mặt nổi bật FPT dưới 35 tuổi - FPT Under 35. Từ năm 2016, FPT Under 35 là giải thưởng thường niên, nhằm vinh danh những gương mặt trẻ có nhiều đóng góp cho tập đoàn. Đồng thời trong buổi tối nay, tại Hà Nội và TP HCM cùng tôn vinh 13 FPT Under 35. Đặc biệt, anh Mosqueda Jay Ralf từ Philippines đã bay sang Việt Nam để tham dự lễ tôn vinh.

    HD3-JPG-2666-1473774379.jpg

    Chủ tịch Trương Gia Bình hân hoan chúc mừng sinh nhật tập đoàn lần thứ 28. Anh nói, anh sẽ không bàn về IoT hay thay đổi thế giới, mà lần này, anh chia sẻ về ba điều đặc biệt. 

  • 20h20

    Nhân kỷ niệm 20 năm sân khấu STCo, kỳ Hội diễn lần này FPT vinh danh 20 gương mặt đã đóng góp cho sân khấu truyền thống của tập đoàn. Họ - bằng những góp của mình đã mang những lại những sắc màu khác nhau cho STCo của tập đoàn. 

    Viện sĩ Lê Đình Lộc đã dành thời gian để nói về sáng tác mới của FUN, nhằm kỷ niệm tuổi 60 của Chủ tịch Trương Gia Bình và TGĐ Bùi Quang Ngọc. Tên tiếng Anh của ca khúc là "Time to say goodbye", được dịch với nghĩa nho nhã là "Đã đến lúc". Trong đó có những câu đại ý: "60 rồi, 60 rồi, về thôi". 

    Đinh Công Sáng thủ vai anh Ba Bùi Quang Ngọc còn Nguyễn Đức Long, FPT Trading, đảm nhiệm vị trí Trương Gia Bình. Phần hóa trang khá giống hai anh khiến khán giả vỗ tay không dứt.

  • 20h30

    FPT Software là đơn vị mở màn. Những chàng trai, cô gái Phần mềm  đã mang tới tiết mục Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn phiên bản cải lương. Câu chuyện được viết lại theo hướng hiện đại, đề cập tới những vấn đề nóng bỏng của đơn vị trong 2016 là tái cấu trúc và áp dụng “chấm công” bằng tiền ảo FScoin.

    Phù thủy vì doanh số giảm sút đã  “tham vấn” gương thần, mụ lên kế hoạch cướp sạch của cải của Bảy chú lùn trước sự ngây thơ của Bạch Tuyết, “đầu độc” nàng bằng FScoin. Các tuyến nhân vật được ẩn dụ, Bảy chú lùn là các chàng coder, phù thủy là tập đoàn. Một số tình tiết đã được đưa vào theo đúng nội dung của câu chuyện nhưng qua lời thoại pha chút hài hước hóm hỉnh.

    Theo Tổng thư ký tổng hội FPTSoftware, thông điệp của vở cải lương hướng tới mục tiêu của tái cấu trúc khi đơn vị đưa ra kế hoạch 1B2020 (1 tỷ USD vào năm 2020): dù hoang mang trước việc thay đổi của đơn vị, nhưng FPT Software sẽ đi tới cùng.

    Sáng tạo của người Phần mềm là chuyển thể câu chuyện cổ tích sang cải lương, một số lời thoại nhắc tới những trào lưu của giới trẻ, song nội dung vấn đề được đề cập khá “khu biệt” nên có thể gây khó hiểu với người bên ngoài.

    Về diễn xuất, dù đa số các nhân vật lần đầu tham gia Hội diễn song phần đối đáp khá ăn ý. Một số nhân vật của đơn vị còn bị chấn thương ở chân phải nghỉ và có người bị ốm ngay sát giờ lên sân khấu.

    Tiết mục của FPT Software cũng cập nhật những từ khóa "hot" hiện nay của giới trẻ như: Tha-thu, ahihi... Từ truyện cổ châu Âu, FPT Software lại quay về châu Á với phần nhạc dạo của "Bến Thượng Hải.

    Dù là dân không chuyên nhưng nhân vật Hoàng tử của nhà Phần mềm ca vọng cổ cũng khá ngọt. Tương tự, Bạch Tuyết dù giọng thoại không hay nhưng phần ca của cô lại đi vào lòng người.

    Sáng tạo của FPT Software ở chỗ họ đã đưa cả lời tiếng Anh vào vọng cổ. Cố gắng của họ đã được đền đáp khi khán giả vỗ tay hưởng ứng.

    Vở diễn của FPT Software khá sạch sẽ nhưng lại không để lại nhiều ấn tượng với khán giả, vì nó là vấn đề nội bộ.

  • 21h00

    Bốc thăm được thể loại Tuồng, liên quân huy động 15 diễn viên lên sân khấu. Theo Vũ Ngọc Nam, phụ trách đội kịch của liên quân FH20, năm nay, nhiều diễn viên mới được phát hiện tài năng và lần đầu lên sân khấu STCo với tích “Lã Bố hí Điêu Thuyền”. Kịch bản của liên quân được hoàn thành khá sớm do anh Lê Đình Lộc, Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, viết. Do đó, các diễn viên liên quân đã có hai tuần tập luyện ròng rã thông trưa để phối hợp ăn ý khi lên sân khấu, mang đến cho người FPT tác phẩm chất lượng.

    Có 4 diễn viên chính gồm Phạm Ngọc Anh, thư ký TGĐ Bùi Quang Ngọc, vào vai Điêu Thuyền. Đinh Văn Long, Ban Truyền thông, thủ vai Đổng Trác. Trần Thái Sơn, Ban Văn hoá - Đoàn thể, đóng vai Lữ Bố. Đinh Công Sáng, vai Thái Sư.

    Mượn tích cổ, FH20 thể hiện nội dung việc cắt giảm kinh phí tổ chức phong trào qua góc nhìn hài hước. Thông qua vở diễn, nhà hát liên quân muốn gửi gắm thông điệp, trong suốt 28 năm hình thành và phát triển, văn hóa STCo chính là bản sắc, tạo nên sự khác biệt khó lẫn của họ nhà F. Vì vậy, họ mong muốn các sếp quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của những người chuyên “mua vui” tiếng cười cho mọi người.

    Vẫn đặc sản sếp, lần này FH2O mang chuyện lãnh đạo mua xe sang để "chọc ngoáy", tiện thể lại nói về việc Facebook at Work. Hầu hết ai cũng hiểu nên bật cười sảng khoái.

    Diễn viên thể hiện khá duyên, thoại dí dỏm nên phần thi của FH2O liên tiếp nhận được những tràng vỗ tay của khán giả.

    Mượn lời thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ để nói về tâm sự của Thái sư Đổng Trác. Nhân vật này chưa cần nhắc nhưng ai cũng hiểu ai-cũng-hiểu-là ai. 

    Điêu Thuyền của FH2O của là một điểm nhấn của vở diễn. Điêu Thuyền được miêu tả "điêu hơn Anh hùng xạ điêu và cả Thần điêu đại hiệp". Những điệu nhún nhảy, đánh hông của Điêu Thuyền cũng lấy được nhiều tiếng cười của khán giả.

    Lữ Bố Trần Thái Sơn bước ra sân khấu với dáng đi đặc Tuồng, lẩm bẩm vài câu hài hước làm cả khán phòng cười nghiêng ngả.

    Vở diễn của FH2O đã khiến khán giả cười từ đầu đến cuối và nhận được tràng vỗ tay vang dội, tiếng huýt sáo khen ngợi. FH2O được nhiều người dự đoán sẽ là ứng viên nặng ký cho giải Nhất của mùa Hội diễn năm nay.

  • 21h30

    "Tiết giao đoạt ngọc" tiếp tục là một vở diễn Tuồng do nhà hát FPT IS biểu diễn.

    Chị Phùng Thanh Trang, phụ trách đội kịch của Hệ thống thông tin, cho biết, với thể loại Tuồng, FPT IS đã huy động 50 diễn viên trên sân khấu. 

    Kịch bản của FPT IS do chị Phùng Thanh Trang và anh Nguyễn Anh Quân (Quân “Nhớt”) chắp bút. Năm nay, diễn viên Đỗ Thị Thanh Nga, Trưởng Ban QA FPT IS, giải Nhì hội diễn FPT IS năm 2011, thủ vai Hồ Nguyệt Cô. Chị là một nghệ sĩ dân gian của FPT IS. Tiết Giao do Phạm Ngọc Quân thủ vai - đây là gương mặt mới phát hiện của FPT IS. Các diễn viên đã có một tuần tập luyện liên tục trước đêm 13/9.

    Nội dung của vở chính kịch “Tiết Giao đoạt ngọc” nói về nhân vật chính là Hồ Nguyệt Cô là hình ảnh của FPT IS con cái thành tinh tu luyện 20 năm thành cao thủ trong ngành CNTT. Tiết Giao là hãnh tướng thâu tóm quyền lực độc tài, đoạt viên ngọc Nguyệt Cô. Giao tranh Nguyệt Cô thắng vì có ngọc bảo, nhưng sau đó dùng vẻ ngoài hào nhoáng che lấp bên trong. Nguyệt Cô đau đớn tuyệt vọng tưởng hóa cáo nhưng chính Tiết Giao mới hóa cáo vì không tương thích.

    Thông điệp là sự mạnh mẽ, khát khao về điều những điều tốt đẹp bằng chính sức lực của mình, nội lực của mình sẽ chiến thắng hết mọi thế lực đối lập khác. 

    “FPT IS mất ngọc bảo nhưng sẽ sống một hình hài mạnh mẽ khác .Với sự khao khát khẳng định bản thân, một trang khác sẽ mở ra với người FPT IS” - đại diện FPT IS chia sẻ thông điệp của vở kịch. 

    FPT IS ngay từ đầu đã mang không khí Tuồng đến với Hội diễn qua trang phục, giọng hát của nhân vật Nguyệt Cô. Nếu không nói, chắc nhiều người lầm tưởng đây là nghệ sĩ Tuồng chuyên nghiệp, bởi từng động tác, từng điệu bộ “hứ” đều không khác diễn viên chuyên nghiệp. 

    Vở diễn của FPT IS dù gửi gắm vấn đề nội bộ nhưng hơi hàn lâm, khiến người xem khó hiểu.

  • 21h55

    Vở chèo “Thầy xã thi Trạng ngoại truyện” của FPT Retail đề cập tới nhiều sự kiện và chương trình trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2015 -2016. Lần đầu tiên, FPT Retail có Trạng nguyên trẻ nhất, do đó, tích chèo “xã trưởng, mẹ đốp” trong vở chèo “Quan âm thị kính” đã được đơn vị “cải biên” cho phù hợp với tình hình.

    Câu chuyện diễn ra xoay quanh việc thầy xã muốn đi thi Trạng nhưng máy tính trong làng bị hỏng. Các nhân vật bị lôi ra đổ trách nhiệm, ùn đẩy cho nhau thành một mớ bòng bong. Chìa khóa giải quyết cho vấn đề này chính là khi mẹ Đốp giới thiệu về chương trình F.Friends, một chương trình quan trọng do FPT Retail triển khai cho người FPT.

    Thông điệp khá đơn giản, chủ yếu giới thiệu và quảng bá sản phẩm của đơn vị. Tiết mục này có nội dung dễ hiểu, xong chưa thực sự đem lại tiếng cười thâm thúy, hoặc giúp người xem được thỏa sức liên tưởng.

    Kết thúc phần biểu diễn của FPT Retail khán phòng đã vơi đi phân nửa, do khán giả không đủ kiên nhẫn để theo dõi hết các tiết mục.

  • 22h10

    Vở cải lương "Chuyện tình toàn cầu hóa" của Khối Giáo dục FPT (FE) kể về một chuyện tình toàn cầu hóa giữa Nguyễn Thành Điệp và Lan - con gái sếp của Điệp. Bố Lan mong muốn người yêu của con gái tiên phong trong mọi lĩnh vực để công ty thay thế vị trí của ông. Nhưng Điệp bản tính nhút nhát nên cứ chần chừ mãi. Đến khi bố Điệp kiên quyết không gả con gái, Điệp mới kiên quyết “một lần ra đi”. Khi bị ép, Điệp đã thất bại trong lần toàn cầu hóa đầu tiên vào năm 1998. Cảm thấy mình không xứng đáng với Lan, Điệp chủ động chia tay cô vì chiến dịch không biết bao giờ mới thành công. Lan quyết định đi tu. Sau đó, anh tiếp tục toàn cầu hóa 2006 và gặt hái thành công rực rỡ, cắm cờ 19 quốc gia. Công cuộc toàn cầu hóa còn trường kỳ, chờ Điệp khai phá các miền đất mới. Cái kết mở khi Lan vẫn thui thủi chờ…

    Chị Nguyễn Phương Thúy, phụ trách đội kịch Khối Giáo dục FPT, với thể loại cải lương, FE xây dựng một vở kịch tương đối đơn giản về nội dung. Tuy nhiên, khi khơi lại các câu chuyện kinh điển của FPT với tiết tấu và chi tiết rất STCo là điểm nhấn của tiết mục này.

    Thông điệp của vở kịch thể hiện câu chuyện toàn cầu hóa của FPT qua câu chuyện tình hư cấu. Người xem sẽ hình dung con đường toàn cầu hóa diễn ra như thế nào, khó khăn gì, vì sao FPT lại có thành công đầu tiên.

    Vở kịch của FE do các CBNV tự biên tự diễn với 20 diễn viên FE lên sân khấu trong vở kịch này và người phụ trách đội kịch cũng kiêm vai trò viết kịch bản. Các diễn viên có 7 ngày tập luyện đều đặn. Trong ba ngày gần Hội diễn, các diễn viên đã tập trung ở một điểm bí mật, không có điện thoại, Internet, chỉ có ăn ngủ và tập luyện.

    Do các đơn không kiểm soát thời gian nên tiết mục của các đội kéo dài. Khán giả khá mệt mỏi. Khối Giáo dục là đơn vị đầu tiên buộc phải ngừng diễn. 

  • 22h50

    “Ai đã làm Mầu có thai?” - tiết mục của FPT Telecom lấy cảm hứng từ tích “việc làng” trong vở chèo nổi tiếng Quan âm Thị Kính. Hầu hết các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm đều được giữ nguyên vai, chỉ khác ở tên gọi và lời thoại sáng tạo, hóm hỉnh, được viết bởi gã tài tử Đinh Tiến Dũng, giám đốc sáng tạo FPT Telecom.

    Nội dung của vở chèo đề cập tới các hoạt động đời sống, kinh doanh của FPT như cổ tức, sản phẩm mới, Facebook at work… Tuy nhiên, khác với “oan thị Kính” trong tích cổ, vở chèo mới đã minh oan cho nỗi khổ của cô Mầu: Thị liên tục bị ép chửa đẻ bởi các ông thầy mỗi năm lại thêm chiến lược.

    Về cơ bản, chèo vốn là thể loại văn nghệ dân gian không cầu kỳ, đề cao sự tải ý. Các diễn viên FPT Telecom đã cố gắng thực hiện điều này trong vai diễn của mình một cách tốt nhất. Tuy nhiên, thị Mầu có phần “ngoan ngoãn”, trái với tích cách lả lơi, đong đưa của thị trong phiên bản gốc. Vì vậy, người xem chưa cảm nhận được hết “nỗi khổ” của thị mỗi mùa chiến lược, thông điệp mà tác phẩm hướng tới.

    FPT Telecom tranh thủ quảng cáo dịch vụ của mình. Tiết mục của nhà "Cáo" dí dóm với phần phần tung hứng của Dũng Đê Tiện và các bạn diễn. Thiệt thòi cho họ, diễn vào khung giờ cuối khi khán giả đã mất dần sự kiên nhẫn.

  • 23h00

    Vốn là nhà hát nổi tiếng bởi sự thâm thúy, sâu cay, Thương mại FPT tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều bất ngờ trong mùa Hội diễn năm nay, sau nhiều lần nằm trong Top dẫn đầu. “Thạch Sanh tân truyện”, vở chèo đươc kịch bản gia Nguyễn Thanh Bình lên ý tưởng đã đem lại cái nhìn thẳng thắn về tình hình của đơn vị: 2016 được xem là một năm khó khăn với thương mại khi thị trường chung đã đạt điểm bão hoà. FPT Trading đang đứng trước thách thức lớn khi buộc phải thay đổi cũng như tái cấu trúc.

    Vẫn là câu chuyện Lý Thông lừa Thạch Sanh giải cứu công chúa để cướp công, song ý tứ của câu chuyện được lồng ghép bằng nhiều tình tiết hài hước, thú vị: game pokemon go, điện thoại Lumia… Hình ảnh Thạch Sanh giải cứu công chúa bị nhốt trong hang, nhưng chàng vẫn cố đi về phía ánh sáng nơi cuối con đường để tự cứu mình thể hiện tinh thần của CBNV trong công ty: Gặp khó khăn không chùn bước, dù loay hoay cứ đi là đến. Đây cũng chính là thông điệp mà FPT Trading truyền tải một cách minh bạch ngay khi vở diễn chưa đi đến hồi kết.

    Đúng theo cách nói “tân truyện”, Thạch Sanh giải cứu công chúa thì bị đuổi đi, còn Lý Thông bị “tái cấu trúc” nên biến đổi giới tính. Đây chính là ẩn dụ về việc cắt giảm nhân sự và tái cấu trúc sẽ diễn ra tại FPT Trading thời gian tới.

    Tới sân khấu lần này, FPT Trading vẫn mang tới "đặc sản" là truyện thơ, phần dẫn chuyện bằng chữ, những nhân vật phụ hài hước. 

  • 23h40

    Sau gần 4 giờ lên sóng, gần 24h, Hội diễn mừng sinh nhật tập đoàn đã khép lại với chiến thắng thuộc về Liên quân FH2O. Năm nay, phần bốc thăm trúng thưởng không được thực hiện vì thời lượng chương trình diễn ra quá dài.

    nhangiai-JPG-1127-1473789395.jpg

    Kết quả Hội diễn:

    Giải Khuyến khích (3 triệu đồng): Khối Giáo dục FPT, FPT Retail, FPT Trading và FPT Software

    Giải Ba (5 triệu đồng): FPT Telecom

    Giải Nhì (7 triệu đồng): FPT IS

    Giải Nhất (10 triệu đồng): Liên quân FH2O

    Diễn viên xuất sắc (500.000 đồng): Đỗ Thị Thanh Nga, FPT IS

    Kịch bản xuất sắc (1 triệu đồng): FPT Telecom


Ý kiến

()