Chúng ta

Viếng chùa cầu may đầu năm

Thứ tư, 27/2/2013 | 11:40 GMT+7

Ngày đầu xuân, nhiều người FPT giữ thói quen đi chùa cầu sức khỏe và bình an cho bản thân và gia đình.
> Món ăn chay cho ngày mùng 1 / Sống khỏe nhờ ăn chay

Anh Đinh Công Sáng, Ban Văn hóa - Đoàn Thể FPT, bắt đầu có thói quen đi chùa dịp Tết khi anh còn là sinh viên đại học, khoảng năm 1995.

a

Hằng năm, anh Sáng (thứ tư từ phải sang) đến thăm khoảng 3 đến 5 di tích. Ảnh: NVCC.

"Vì mình học ĐH Văn hóa (Hà Nội) chuyên ngành có liên quan đến văn hóa tín ngưỡng dân gian nên cũng thích đi và nghiên cứu", anh chia sẻ.

Vì vậy, từ đó đến nay, trước mỗi chuyến đi, anh thường lên mạng để tìm hiểu về hồ sơ di tích cũng như việc tín ngưỡng như thờ ai, lễ hội chính vào thời gian nào, quá trình khởi tạo cũng như tu bổ theo thời gian...

Mỗi năm, anh Sáng thường đến thăm từ 3 đến 5 di tích. Đến nay, anh đã có dịp đến gần 30 di tích, có thể điểm tên như Yên Tử, chùa Hương, đền ông Bảy, ông Mười, đền thờ Đức Thánh Tản, đền Phù Đổng...

Mỗi năm, anh lựa chọn địa điểm cũng khá ngẫu hứng theo sự thống nhất của số đông bạn bè. Mỗi địa điểm, anh thường ghé qua trong ít nhất là một ngày, còn lại thường đi trong hai ngày với những địa điểm ở xa hơn. Mỗi dịp như vậy, anh thường tự lái bằng xe riêng để có thể chủ động và thoải mái vừa viếng chùa vừa du xuân.

Trước chuyến đi, anh chuẩn bị khá đầy đủ, từ tờ sớ cầu nguyện ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của các thành viên trong gia đình cho tới đồ ăn. Nếu di tích ở xa, anh thường tìm cách liên lạc đến đó trước để nhờ họ chuẩn bị xôi, gà, hoa quả làm lễ.

Có lẽ đáng nhớ nhất là hồi đầu năm ngoái, anh cùng nhóm bạn đi lên đền thờ Ông Bảy tại Bảo Hà (Lào Cai), lúc về bị lạc đường đến hơn 100 km theo chiều ngược lại về Hà Nội vì đi đêm, sương mù.

Năm nay, anh Sáng đã lên kế hoạch đi chùa Cái Bầu và đền Cửa Ông (Vân Đồn, Quảng Ninh). Dù địa điểm khác nhau nhưng anh đều cầu chúc sức khỏe, an lành cho bản thân và gia đình.

Chị Bùi Thị Thanh Hải, cán bộ phòng Hành chính Tổng hợp FPT Trading, giữ thói quen đi chùa vào ngày mùng 1 Tết cùng gia đình từ những năm 2000. Chị thích viếng chùa trong tiết trời lất phất mưa xuân, khi cảnh vật và đất trời như thay áo mới, đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Chị cho biết: "Mình sống 13 năm ở Đức. Ở bên đó, thỉnh thoảng mình cũng đi chùa Hanover - ngôi chùa của người Việt Nam tại đó. Tuy nhiên, người Đức ăn Tết theo lịch dương cộng thêm nơi mình ở cách xa chùa 800 km nên chưa viếng chùa được vào dịp Tết cổ truyền của người Việt".

Trong ngày mùng 1 Tết vừa qua, chị và gia đình đi viếng chùa Cảm Ứng (đường Láng, Hà Nội). Khi đến chùa, chị đặt lễ, xin quẻ, mừng tuổi trụ trì và làm công đức tùy tâm.

"Đi chùa ngày đầu tiên của năm, mình cảm thấy lòng rất thanh thản. Người đến viếng chùa không quá đông, mọi người ai nấy đều vui vẻ thoải mái và không xô bồ như ngày thường", chị chia sẻ.

Ngoài ra, từ mùng 2 Tết, chị cùng bạn bè, đồng nghiệp đến viếng Bia Bà (Hà Đông), đền Mẫu Địa (phố Láng Hạ, Hà Nội). Mùng 3 Tết, chị còn đến Hưng Yên viếng đền Mẫu và chùa Chuông. Khi đến viếng chùa, chị thường cầu sự bình an, sức khỏe cho cả gia đình.

“Mình thích đi chùa lắm nhưng không có nhiều thời gian. Sắp tới, mình sẽ sắp xếp công việc để có thể thường xuyên đi chùa”, chị Đỗ Ngọc Bích Trâm, FPT Telecom Cà Mau, chia sẻ.

a

Chị Trâm cho biết, ngày Rằm hay mùng một hằng tháng cũng ít khi lên chùa, nhưng do nay “sắp có tin vui nên có động lực để đi chùa cầu an”. Ảnh: NVCC.

Chị Trâm cho biết, ngày Rằm hay mùng một hằng tháng chị ít khi đi chùa, nhưng gần đây, chị đi nhiều hơn. “Ngoài việc cầu bình an cho bản thân và gia đình, mình cũng mong sự nghiệp sắp tới sẽ có bước phát triển. Hơn thế, mình mong ước sẽ lập gia đình trong năm nay”, chị Trâm tiết lộ.

Là nam nhi nên việc lễ chùa của Tường Huy, phóng viên VnExpress, khác so với các đồng nghiệp nữ.

“Mình thường không chuẩn bị gì. Khi lên chùa, mình sẽ sử dụng nhang có sẵn của nhà chùa và số tiền dự định mua đồ cúng sẽ gửi tại hòm công đức sau khi làm lễ và cầu an ”, anh Huy chia sẻ.

Nam phóng viên của VnExpress cho biết, năm nào anh cũng đi cầu an cùng bạn bè và đồng nghiệp vào đầu năm nhưng rất hiếm khi đi chùa dịp Rằm và mùng một vì khi ấy khá đông người và dễ bị mất đồ.

Anh Huy thường chọn những ngôi chùa lớn và nổi tiếng, được nhiều người biết đến. “Lên chùa ngày Tết khá đông người, nhưng dù có đông đến mấy, là người thành tâm hay chỉ vãn cảnh, hầu như không ai thấy phiền lòng bởi khi tới cửa chùa, mọi người đều có tinh thần thanh tịnh, tâm thế thong dong với chữ thiện, chữ tâm được đặt lên hàng đầu”.

“Trong không gian thoảng mùi hương trầm phảng phất, ngoài sự thỏa nguyện tâm linh, nhiều người còn mong muốn tích phúc cho con cháu, cầu may mắn bình an cho cả nhà mỗi dịp xuân về. Ai đi lễ chùa cũng như thiện hơn, bớt bon chen, sân si hơn”, chị Nguyễn Hoàng Thanh Vân, FPT HO HCM, tâm sự.

a

Chị Vân kể, thời sinh viên, chị thường đến chùa vào ngày Rằm, mùng một để lễ Phật, thăm các cô sư cô và ăn chay nhưng nay chị đi chùa hằng ngày. Ảnh: NVCC.

Bén duyên với cửa Phật từ khi còn là sinh viên bởi trong những lúc rảnh rỗi, các sư cô của chùa Kim Liên (quận 4) thường đến nhà để hướng dẫn dùng Microsoft Word, Excel nên “hễ nhà chùa có giỗ hay đám là các sư cô thường gọi xách hộp qua lấy đồ chay về ăn. Cảnh đến chùa đem đồ về nhà ăn luôn là kỷ niệm vui với mình”, chị Vân nhớ lại.

“Mình thường lên chùa cùng ông xã bởi từ lúc quen nhau, hai đứa đã có thói quen đi chùa vào ngày Rằm và mùng một. Mỗi khi đi chùa, mình đều chuẩn bị tâm lý thật thoải mái và thành tâm. Riêng đầu năm, mình sẽ xin một quẻ về gia đình và công việc”, chị Vân tâm sự.

Với quan niệm “trong tâm mình có Phật thì nơi đâu cũng có Phật” nên chị Vân không chọn đi những nơi nổi tiếng hay chùa được nhiều người quan tâm mà đến những ngôi chùa gần nhà để tiện thăm hỏi, trò chuyện với các sư cô.

Chị Vân kể, thời sinh viên, chị thường đến chùa vào ngày Rằm, mùng một để lễ Phật, thăm các cô sư cô và ăn chay nhưng nay chị đi chùa hằng ngày. “Dì mình đi tu, giờ đã về gần nhà và cất tịnh thất nho nhỏ để cư ngụ nên mình hay chạy qua phụ sư thầy hoặc ăn chay”.

Lưu Vân - Văn Nghệ

Ý kiến

()