Chúng ta

Sống khỏe nhờ ăn chay

Thứ tư, 29/2/2012 | 16:54 GMT+7

"Nếu ăn chay đều đặn và lâu dài sẽ hạn chế được nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt làn da sẽ sáng đẹp, mịn màng", anh Nguyễn Thanh Kinh (FPT Software Đà Nẵng) chia sẻ về tác dụng của việc ăn chay mà anh đã áp dụng suốt từ bé đến giờ.

Vốn là tín đồ Cao Đài Giáo, nên ngay từ khi còn nhỏ, anh Kinh đã ăn chay theo mẹ. “Mình không có quyền thích hay không thích việc này bởi đối với những người theo đạo, ăn chay là một việc bắt buộc”, anh tâm sự.

a

Vốn theo đạo nên anh Kinh ăn chay từ khi mới lọt lòng. Ảnh: NVCC.

Lúc còn nhỏ, cảm giác của anh khi đó là mau đói, nhạt và “không đã” miệng. Phải đến tận những năm học cấp 2, anh mới quen được với cảm giác này.

Đều đặn hằng tháng, vào các ngày mùng 1, 8, 14, 15, 23 và 30, anh và các thành viên trong gia đình đều thực hiện việc ăn chay với các món chế biến từ thực vật như đậu hũ, tàu hũ ki, nấm rơm, rau lang, rau cải, đậu tây, xà lách, tương, xì dầu…

Thông thường, nếu lịch ăn chay rơi đúng vào ngày làm việc thì anh sẽ đến ăn ở các hàng ăn chay bên ngoài, còn nếu vào ngày nghỉ sẽ tự chế biến các món ăn tại nhà.

Ăn chay (ăn lạt) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả…), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.

Có rất nhiều hình thức ăn chay. Ví dụ ăn chay theo Phật giáo là không ăn tất cả sản phẩm từ động vật cũng như một số loại rau trong chi hành (có mùi thơm đặc trưng của hành và tỏi), có thể tương ứng với các loại cây hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu gọi chung là ngũ tân.

Ăn chay sống: Chỉ ăn các loại trái cây tươi và chưa nấu chín, các loại hạt và rau củ. Rau củ có thể được nấu chín lên đến một nhiệt độ nhất định.

Ăn chay theo chế độ thực dưỡng: Chủ yếu ăn các loại ngũ cốc nguyên cám và đậu hoặc theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa (chế độ ăn gạo lức muối mè)… 

Sau nhiều năm ăn chay, anh thấy có tác dụng rất tốt, nó hạn chế được một số bệnh: Mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường… Với kinh nghiệm của mình, anh cho rằng những người ăn chay cần hạn chế dầu mỡ, ăn món ăn nhiều nước và nên tự chế biến nếu muốn ăn lâu dài. “Nếu ai ăn chay lâu dài thì sẽ có được làn da sáng, mịn màng”, anh Kinh nói.

Anh cũng có không ít kỷ niệm trong quá trình ăn chay. Còn nhớ hồi học lớp 5, trong một lần cả nhóm đón xe buýt đến chúc Tết thầy chủ nhiệm được mời ở lại ăn cơm. Thấy có mình anh ngồi chống cằm không động đũa, thầy hỏi sao không ăn cơm cùng các bạn cho vui, hay chê cơm nhà thầy, nghe vậy, anh vội thanh minh: “Dạ, xin lỗi thầy, vì hôm nay là ngày mùng 1 nên con ăn chay”. Thầy nghe vậy rất ngạc nhiên rồi cười bảo: “Vậy à, hôm nay thầy cũng ăn chay”. Rồi thầy dọn ra bát canh và đĩa đậu hũ cho cả hai thầy trò cùng ăn. Đó là kỷ niệm tuy nhỏ nhưng việc làm của thầy khiến anh vô cùng cảm kích.

Không ăn chay từ bé như anh Kinh nhưng Đinh Vũ Hải Ninh (Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT) cũng có kha khá kinh nghiệm trong chuyện này.

Ninh cho biết, cậu ăn chay vì nhiều lý do, một trong số đó là liên quan đến tâm linh. Ninh tin rằng việc ăn chay sẽ khiến cho cậu có thêm động lực để hoàn thành công việc và sống tốt hơn. Thêm nữa, ăn chay cũng giúp cho Ninh thêm thanh thản, minh mẫn và ổn định sức khỏe, không bị tăng hoặc giảm cân một cách bất thường.

“Ăn chay còn giúp mình chủ động, tháo vát hơn trong cuộc sống do phải tự chuẩn bị đồ ăn. Đặc biệt nó cũng giúp mình trong việc tập luyện võ thuật, nhất là khi cần giảm cân hay ép cân”, Ninh nói thêm.

a

Hiện, Ninh đang ăn chay theo phương pháp thập trai, tức ăn chay 10 ngày trong 1 tháng. Ảnh: NVCC.

Cậu cho biết, hồi năm học lớp 10, cậu đã ăn chay trong vòng 8 tháng, sau đó vì một số lý do cá nhân nên dừng lại. Đến khi đi làm cậu mới bắt đầu ăn chay trở lại theo chế độ “thập trai”, một tháng ăn 10 ngày vào mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (nếu tháng thiếu thì vào 27, 28, 29).

Đang ở độ tuổi thanh niên sung sức nên ngay từ khi mới áp dụng phương pháp này, cậu không cảm thấy khó khăn lắm, chỉ thấy cơ thể khỏe dần lên. Đến giờ, sau một thời gian dài thực hiện việc ăn chay đều đặn, cậu cảm thấy rất sảng khoái, ngủ ngon, người nhẹ nhàng, không uể oải. Hơn nữa, khi kết thúc ngày ăn chay, đến hôm sau cảm giác ăn ngon miệng, vị giác được kích thích tốt hơn và điều quan trọng là chế độ ăn của cậu bắt đầu giảm dần theo chiều hướng tích cực.

Tuân thủ cách ăn chay của Phật giáo nên vào đúng những ngày này, nguyên tắc của cậu là không dùng chất kích thích như rượu bia, không dùng 5 loại gia vị cay nóng có thể dẫn đến làm mê muội tâm trí.

Ninh chỉ ăn các món có nguồn gốc thực vật như: rau, củ, đậu phụ, vừng, lạc... Thêm vào đó là không dùng nước mắm làm từ cá mà dùng xì dầu làm từ đậu tương. “Tôi cũng tuyệt đối không để tâm đến các kiểu “chay giả mặn” vì nó đi ngược lại tiêu chí thanh thản tâm hồn”, Ninh chia sẻ.

Vì cẩn thận và quyết tâm như vậy nên mỗi khi đến ngày ăn chay, cậu thường tự tay chế biến đồ ăn, bất đắc dĩ hôm nào điều kiện không cho phép thì mới đi ăn ngoài. Tuy nhiên, trước khi ăn, bao giờ cậu cũng vào tận bếp kiểm tra nhà hàng xem cách chế biến có phù hợp hay không.

Đối với Ninh, ăn chay có tác dụng cả về tinh thần và thể chất nên cậu dự định sẽ thực hiện lâu dài chứ không chỉ ham vui ngày một ngày hai.

Ninh cũng khuyến cáo những người có ý định ăn chay là trước khi áp dụng cần phải tìm hiểu kỹ các chế độ ăn chay phù hợp với mục đích của mình. Vì nếu ăn chay không đúng cách thì lợi bất cập hại, thanh thản chẳng thấy đâu mà ngày càng u sầu vì bệnh tật.

a

Chị Tú đã lôi kéo thêm được chồng mình gia nhập hội ăn chay cùng chị. Ảnh: NVCC.

Đã duy trì được chế độ ăn chay 3 năm liên tục nên đối với chị Hoàng Châu Mẫn Tú (FPT IS HCM) đây là chuyện thường ngày.

Ban đầu chị ăn chay chỉ vì theo thói quen của gia đình. Sau khi lập gia đình, vì nhà chồng theo đạo Phật, mẹ chồng thường xuyên ăn chay nên chị “có đất dụng võ”.

Những ngày ăn chay, chị thấy cơ thể nhẹ nhàng, thức ăn dễ tiêu hóa và trí óc cũng thêm phần minh mẫn. Thông thường, gia đình chị có thói quen ăn chay ngày mùng 1 của tháng. Còn riêng chị ăn chay vào các ngày mùng 1 và rằm.

Chị thích được tự tay chế biến các món ăn chay ở nhà. Các món chay ưa thích của chị là đậu hũ muối sả chiên, mì căn kho sả, đậu hũ kho nấm rơm, đậu hũ kho thơm, canh nấm, rau luộc chấm chao…

“Khi ăn chay, tôi luôn có cảm giác lòng thật nhẹ nhàng, có muốn nóng giận cũng không nóng được”, chị Tú chia sẻ.

Ông xã chị thấy vợ ăn chay nên cũng học theo. Thời gian đầu anh nhanh chóng chán nản bởi các món ăn chay khiến anh có cảm giác mau đói và không hợp khẩu vị. Tuy nhiên, sau khi được vợ động viên thì bây giờ anh lại thích ăn chay. Lúc nào thấy vợ ăn là anh cũng áp dụng theo, thậm chí chưa đến ngày anh đã nhắc vợ lịch ăn chay. Điều đó khiến chị Tú cảm thấy rất vui và có thêm động lực để thực hiện lâu dài bởi đã có người bạn đồng hành đắc lực là ông xã.

Đồng Bằng

Ý kiến

()