Chúng ta

TS. Đàm Quang Minh: 'Niềm tin là yếu tố tiên quyết để ĐH FPT phát triển'

Thứ tư, 1/10/2014 | 11:33 GMT+7

"Dịch vụ giáo dục là ngành dựa trên niềm tin. Muốn xây dựng niềm tin cần phải đi bằng hai chân: Chất lượng dịch vụ và truyền thông. Kế đến mới là việc xây dựng các vấn đề về đào tạo", tân Hiệu trưởng ĐH FPT đúc kết.
> Tân Hiệu trưởng ĐH FPT nói về khao khát đổi thay / FPT bổ nhiệm Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam

Tiến sĩ Đàm Quang Minh trao đổi với Chúng ta về định hướng phát triển của ĐH FPT trong thời gian tới.

- Lý do nào khiến anh nhận lời làm Hiệu trưởng ĐH FPT, thưa anh?

- Napoleon từng nói: “Trong bao đạn của mỗi người lính đều có cây gậy thống chế” hàm ý rằng mọi người cần có quyết tâm cao nhất trong sự nghiệp của mình. ĐH FPT là một tổ chức giáo dục lớn, là nơi có thể thực hiện ước mơ của mình một cách thuận lợi nhất. Do đó, vị trí Hiệu trưởng vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự lớn lao.

a

Tiến sĩ Đàm Quang Minh trở thành Hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất Việt Nam. Ảnh: FPT Polytechnic.

- Đảm nhận trọng trách lớn lao hơn khi chèo lái ĐH FPT và trước một người tiền nhiệm đầy kinh nghiệm như Tiến sĩ Lê Trường Tùng, anh có cảm giác thế nào?

- Thực tế, anh Lê Trường Tùng và tôi chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng về chiến lược, anh cũng là người ủng hộ khi tôi lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ vẫn tiếp tục nhưng ở tầm cao hơn khi anh Tùng chuyên trách vị trí Chủ tịch HĐQT ĐH FPT. Ở vị trí này, anh Tùng vạch ra chiến lược, còn tôi là người thực thi.

Cá nhân tôi học hỏi được nhiều từ anh Tùng, đặc biệt là tư duy sắc bén, lập luận vững vàng cùng khả năng làm việc phi thường. Tuy nhiên, nhận nhiệm vụ này tôi cũng nhận thức được các anh kỳ vọng ở những thế mạnh khác khi so sánh tương đối với những gì đã làm được. Đó là sức trẻ cùng mối quan hệ với đội ngũ tài năng để xây dựng một đội hình trẻ trung và giàu sức sáng tạo.

- Nhiều năm gắn bó với khối Giáo dục FPT giúp anh có những kinh nghiệm, thuận lợi gì khi ở vị trí Hiệu trưởng ĐH FPT?

- Trong 7 năm làm việc tại FPT, tôi có lợi thế là gần như đã tham gia tất cả các mảng của ĐH FPT, trong đó tự mình tham gia khởi dựng nhiều mảng như: FPT Greenwich, Viện Đào tạo Quốc tế FPT, FPT Polytechnic, GEM... Chỉ còn mảng đại học và Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) tôi chưa được tham gia một cách trực tiếp. Có thể nói đây là lợi thế rất lớn vì tôi không mất thời gian để tìm hiểu mà có thể bắt tay vào việc ngay lập tức.

a

Trong thời gian công tác tại Tập đoàn FPT, anh Đàm Quang Minh là người tham gia thành lập và xây dựng nhiều mảng giáo dục của ĐH FPT, như Cao đẳng Thực hành FPT (FPT Polytechnic) - một trong các cơ sở đào tạo cao đẳng nghề chất lượng cao thành công nhất Việt Nam. Ảnh: FPT Polytechnic.

- Theo anh, ĐH FPT có những thuận lợi và khó khăn gì trong thời gian tới?

- Khó khăn lớn nhất là sau một thời gian tăng trưởng thì tốc độ phát triển đã chững lại. Tuyển sinh giảm sút những năm qua sẽ còn ảnh hưởng đến hoạt động của trường trong 2-3 năm tới vì chu kỳ khép kín của sinh viên là 4 năm với đại học và 2,5 năm với hệ cao đẳng.

Ngày 26/9, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, 35 tuổi, đã được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội công nhận đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng ĐH FPT theo đề nghị của HĐQT FPT và ĐH FPT. Với quyết định bổ nhiệm này, anh Minh trở thành Hiệu trưởng ĐH trẻ tuổi nhất Việt Nam.

Sinh năm 1979, anh Minh có 13 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực về giáo dục cao đẳng, đại học và hợp tác quốc tế. Anh là người xây dựng FPT Polytechnic thành một trong các cơ sở đào tạo cao đẳng nghề chất lượng cao thành công nhất Việt Nam. Đồng thời góp phần quan trọng trong hành trình quốc tế hóa của ĐH FPT với việc tham gia thành lập các đơn vị liên kết quốc tế như FPT - Greenwich hay Viện Đào tạo quốc tế FPT với hàng nghìn sinh viên theo học, trong đó có hàng trăm sinh viên quốc tế sang Việt Nam du học.

Tôi đã bắt tay vào việc tuyển sinh ngay từ ngày bắt đầu nhậm chức bằng cách đẩy mạnh các hoạt động, đặc biệt qua những kênh online. Tuy nhiên, muốn phát triển mạnh cho những năm sau thì chúng ta phải làm rất nhiều việc trong thời gian ngắn tới. Các trường bên ngoài đã bắt đầu chiến dịch tuyển sinh mới trong khi chúng ta thì chưa.

- Trên cương vị Hiệu trưởng ĐH FPT, những công việc nào anh sẽ bắt tay vào thực hiện trước tiên?

- Nhìn chung, ĐH FPT là một trường tốt của Việt Nam nhưng vẫn chưa được nhiều người đồng cảm và biết đến như lựa chọn số một. Truyền thông là việc cần làm đầu tiên. Thời đại thay đổi nên phương thức truyền thông cũng thay đổi. Xưa nay vẫn vậy, muốn thực hiện việc gì thì cũng cần làm chủ các kênh truyền thông và công nghệ thay đổi thì kênh truyền thông cũng phải thay đổi.

Nếu như 5-7 năm trước, ai cũng vào diễn đàn và dùng Yahoo! Messenger thì ngày nay không ai còn dùng nữa. Hay từ trong nội bộ, nhiều ý kiến từ Hội nghị Nâng cao năng lực cạnh tranh FPT ( Vivek Paul) cho rằng truyền thông nội bộ và các hoạt động tinh thần của khối Giáo dục FPT đi xuống trong thời gian qua. Trách nhiệm của tôi là phải đưa nó đi lên.

Theo thống kê của Google Insight, thông tin về ĐH FPT đã giảm liên tục từ năm 2008-2009. Đến năm 2013, con số này chỉ bằng 24% so với năm 2007. Đó là điều đáng lo ngại và cần phải hành động ngay.

Mở rộng ra, ngành dịch vụ giáo dục là ngành dựa trên niềm tin. Muốn xây dựng niềm tin cần đi bằng "hai chân" là chất lượng dịch vụ và truyền thông. Chất lượng dịch vụ thể hiện ở việc đem lại những giá trị tốt nhất cho người học và truyền thông để thông điệp của mình được lan tỏa. Sau khi định hình xong truyền thông, việc tiếp theo của tôi sẽ là các vấn đề về đào tạo. Đó cũng chính là cốt lõi sống còn của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. 

a

Theo anh Đàm Quang Minh, ĐH FPT là một trường tốt của Việt Nam nhưng vẫn chưa được nhiều người đồng cảm và biết đến như lựa chọn số một. Vì vậy, truyền thông là việc cần làm đầu tiên.

- Về tổ chức của ĐH FPT, thông tin tất cả Hiệu phó đã làm đơn từ nhiệm trước khi anh nhậm chức khiến nhiều người băn khoăn. Anh lý giải việc này thế nào?

- Về căn bản, nhiệm kỳ Hiệu phó là theo nhiệm kỳ Hiệu trưởng nên việc làm đơn từ nhiệm là một thủ tục mang tính kỹ thuật để hiện thực việc đó. Cao hơn nữa, HĐQT ĐH FPT cũng mong muốn Hiệu trưởng mới tự đề xuất đội ngũ của mình. Vừa qua, sau thời gian dài làm việc với HĐQT, chúng tôi cũng đã thống nhất được phương thức quản trị mới. Ban giám hiệu trước đây sẽ được thay bằng Ban điều hành.

Trong Ban điều hành sẽ có Giám đốc các hệ đào tạo hay các business lines gồm: Đại học, cao đẳng, liên kết quốc tế, trường THPT, Viện Quản trị kinh doanh, Viện Đào tạo quốc tế, Viện Nghiên cứu… Các hiệu phó mới sẽ là những người quản lý ngành dọc. Tổ chức này cũng giống với FPT được điều hành bởi TGĐ và Phó TGĐ.

- Đào tạo luôn là vấn đề trọng tâm với các tổ chức giáo dục. Vậy ĐH FPT sẽ có kế hoạch cụ thể như thế nào?

- Một lần nữa tôi muốn khẳng định chất lượng đào tạo quyết định tương lai và sự sống còn của một tổ chức như ĐH FPT. Có ba thành tố chính gắn kết với nhau trong tổ chức đào tạo, gồm: Chương trình học, phương pháp đào tạo và giảng viên.

Cả ba yếu tố này đều cần được phát triển song song với nhau. Nội dung đào tạo tại ĐH FPT cơ bản là khá tiên tiến, đặc biệt khi so sánh với các trường tại Việt Nam và kể cả trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, phương pháp đào tạo chưa được như mong muốn. Đây là yếu điểm chung của nền giáo dục Việt Nam khi chỉ chú trọng kiến thức mà thiếu nghiên cứu về phương pháp. Phương pháp luận và phương pháp thực hiện sẽ là phần trọng yếu trong thời gian tới. Gần đây nhất là những hội thảo về Constructivism (Học thuyết kiến tạo) và phương pháp luận giáo dục đã được đề cập. Đó mới chỉ là bước đầu.

Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ giảng viên cũng là một trọng tâm với việc gắn giáo viên với nghiên cứu và khởi nghiệp. Giảng viên cũng cần có lộ trình phát triển cá nhân thì mới tồn tại được trong môi trường phát triển liên tục như hiện nay. Giảng viên có phát triển thì chất lượng đào tạo và nhà trường mới phát triển được.

- Những dự định khác của anh ở cương vị Hiệu trưởng ĐH FPT trong thời gian tới?

- Một vấn đề nữa có thể kể đến là CNTT bởi một tổ chức đào tạo CNTT không thể yếu kém trong việc quản trị hệ thống này. Hiện nay, CNTT tại ĐH FPT đang rất kém và thiếu đồng bộ trong toàn hệ thống. Vì vậy, trong vòng năm đầu tiên, tôi sẽ tập trung vào 3 mảng lớn là truyền thông, phát triển chương trình và giảng viên, ứng dụng CNTT.

Về quản trị, tôi sẽ tập trung để xây dựng hệ thống quản trị theo business lines, tạo môi trường thông suốt, phát triển cá nhân và gắn kết để phát triển. Cuối cùng là các chính sách mang tính động lực để thực hiện chiến tranh nhân dân.

Quá trình công tác của tân Hiệu trưởng ĐH FPT

- Tháng 9/2014: Hiệu trưởng ĐH FPT
- 3/2014 - 8/2014: Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE)
- 2010 - 2/2014: Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam thuộc ĐH FPT.
- 2013 - 2/2014: Viện phó Viện Đào tạo quốc tế FPT thuộc ĐH FPT.
- 2010 - 2012: Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, ĐH FPT.
- 2009 - 2012: Giám đốc Chương trình liên kết quốc tế FPT - Greenwich, ĐH FPT.
- 2007 - 2009: Trợ lý cao cấp cho Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.
- 2001 - 2007: Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội.

Hà Dương thực hiện

Ý kiến

()