Chúng ta

Tân Hiệu trưởng ĐH FPT nói về khao khát đổi thay

Thứ bảy, 27/9/2014 | 09:01 GMT+7

"Cho dù đó vẫn đang là một giấc mơ, nhưng chúng ta đang trên chặng đường biến nó thành sự thật. Đó là một khát vọng to lớn: Khát vọng đổi thay - Dream of Innovation. Các anh chị, các bạn và tôi, chúng ta hãy cùng góp sức vào tương lai to lớn này", Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh viết.

Ngày 26/9, TS. Đàm Quang Minh, 35 tuổi, được UBND TP Hà Nội công nhận đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng ĐH FPT theo đề nghị của HĐQT FPT và ĐH FPT. Nguyên Hiệu trưởng ĐH FPT TS. Lê Trường Tùng vẫn tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ĐH FPT. Với quyết định bổ nhiệm này, anh Minh là Hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam.

Tân Hiệu trưởng ĐH FPT gửi thư cho CBNV, giảng viên của trường, chia sẻ cảm xúc của mình và mong mỏi mọi người tiếp tục Khát vọng đổi thay và Toàn cầu hóa giáo dục như người tiền nhiệm đã đặt ra.

Chúng ta trích đăng bức thư gửi CBNV của TS. Đàm Quang Minh:

Các anh chị, các bạn giảng viên, cán bộ trường ĐH FPT thân mến,

Tôi rất vui mừng vì được trở lại đây với một nhiệm vụ mới - Hiệu trưởng trường ĐH FPT. Tôi đã mất nhiều thời gian suốt từ tháng 5 tới tháng 8 để trao đổi với Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng về việc này. Tôi xin cám ơn các anh đã tin tưởng. Với tôi, nhiệm vụ này vô cùng thách thức và có khá nhiều băn khoăn. Băn khoăn vì trách nhiệm quá lớn lao như báo chí đưa tin mấy ngày nay.

Tân Hiệu trưởng ĐH FPT TS. Đàm Quang Minh. Ảnh: C.T.

Tân Hiệu trưởng ĐH FPT - TS. Đàm Quang Minh. Ảnh: C.T.

Tôi thường tự hỏi, giảng viên kinh doanh chúng ta có bao nhiêu bạn bè là chủ doanh nghiệp, là các nhà quản trị? Giảng viên IT chúng ta có bao nhiêu bạn bè đang là các trưởng dự án, đang nghiên cứu phát triển công nghệ, đang làm chủ các doanh nghiệp CNTT? Quan trọng hơn, chúng ta gặp họ được bao nhiêu lần một năm? Có quen thêm ai mới không hay vẫn là những người bạn cũ. Câu chuyện của họ có giúp ta học được điều gì mới không? Nếu không làm được những điều trên thì dường như chúng ta đều đang dựa dẫm vào quá khứ để sống.

Tự mình, tôi có mong muốn có thể dành tối thiểu 20-30% thời gian của mình để đọc sách, học hỏi như cách mà FPT đang mong muốn trở thành một tổ chức học tập (learning organisation). Tôi tin rằng chúng ta đều có thể thực hiện được. Học hỏi như một câu châm ngôn chỉ có hai cách: “Một là hãy đọc sách và hai là hãy tìm cách chơi với những người tài giỏi”. Chúng ta cần luôn luôn học hỏi bởi vì nếu chúng ta không học hỏi thì chúng ta sẽ không tồn tại được.

Những ngày vừa qua, anh Bình, anh Tùng và tôi có nhiều trao đổi với nhau về những định hướng mới của trường ĐH FPT. Chúng ta thực sự đã thực hiện được một chặng đường nhiều vinh quang nhưng cũng đã chững lại. Vậy chúng ta đang mong muốn điều gì trong tương lai? Anh Tùng có nói đến việc mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước. Thế còn các anh chị và các bạn, mỗi người cũng sẽ có những mong ước riêng. Chúng ta cần một bệ đỡ, một nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Trong cuộc họp, chúng tôi thống nhất được một từ “Smart Education” hay là một hệ thống giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ giáo dục, ứng dụng CNTT trong đào tạo sẽ là bệ đỡ cho tất cả mong ước đó.

Nhiều dự báo đều cho rằng: kiến thức, nội dung học tập ngày nay quá lớn và quá sẵn có. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển và thay đổi đang diễn ra với tốc độ quá nhanh. 5-10 năm trước, Nokia hay Kodak thể là doanh nghiệp to lớn chiếm tới 70% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực của họ thì hôm nay, các nhãn hiệu này đã biến mất. Sự phát triển nhanh chóng khiến cho kiến thức học ở trường có thể ngay lập tức trở nên lạc hậu khi mới ra trường. Do đó, cách tiếp cận việc giảng dạy và học tập cần được triển khai thực sự thông minh và hiện đại.

Với tôi, cốt lõi của một tổ chức giáo dục là việc đào tạo. Chúng ta cần phải đưa phương pháp đào tạo tiên tiến vào việc giảng dạy cho sinh viên của trường ĐH FPT. Chúng ta cần biến thực tiễn thành bài học, tăng cường tính cá nhân hóa cho mỗi người học để sinh viên được phát triển tối đa và tự tin trong cuộc sống sau này.

Chúng ta đã có các sinh viên thành công, đã có những sinh viên trở thành triệu phú đôla khi chưa tới tuổi 25. Các thầy giáo cũng cần phải làm được điều này. Giáo sư các trường danh tiếng trên thế giới và kể cả tại Việt Nam, nhiều người trở nên rất giàu có nhờ đưa kiến thức và sự uyên bác của mình áp dụng vào thực tiễn. Tại trường ĐH FPT, nghiên cứu phát triển trong công nghệ, tinh thần khởi nghiệp sẽ được phát huy để mỗi giảng viên trở thành người đỡ đầu cho các công ty khởi nghiệp từ chính sinh viên. Nếu các thầy giúp cho sinh viên khởi nghiệp thành công, thì các thầy giáo cũng sẽ có những phần thưởng xứng đáng trong đó. Tài nguyên lớn nhất của chúng ta là con người, những sinh viên, những sinh viên tài giỏi, không phải ít mà hằng năm đều đặn rất nhiều. Nếu chúng ta giúp các em thành công, thì chúng ta cũng sẽ thành công như là một hệ quả tất yếu.

a

Anh Minh tiếp tục thực hiện "Khát vọng đổi thay" và Toàn cầu hóa giáo dục. Ảnh: S.T.

Quay trở lại với cuộc trao đổi với anh Trương Gia Bình và anh Lê Trường Tùng. Anh Tùng đã nêu lại chiến lược về GSM (Global - Smart - Massive) của trường ĐH FPT. Những năm qua, chúng ta đã thấy bóng dáng của những sinh viên quốc tế đi lại trong khuôn viên trường - rất sinh động. Những sinh viên quốc tế sẵn sàng bỏ học phí cao gấp rưỡi sinh viên Việt Nam để sang ĐH FPT du học, đa phần là tự túc. Chúng ta đang trong lộ trình toàn cầu hóa. Theo một báo cáo không chính thức, hàng năm Việt Nam mất khoảng 1,7 tỷ USD dành cho việc các bạn trẻ ra nước ngoài du học. Nhưng con số Việt Nam thu được từ du học sinh nước ngoài là rất nhỏ bé. Tại trường ĐH FPT mới được khoảng 1 triệu USD/năm?

Liệu chúng ta có thể tự hào là nơi đi đầu trong sự nghiệp “xuất khẩu giáo dục” được không? Tại sao Việt Nam không thể là điểm du học trên thế giới trong khi xung quanh chúng ta Singapore, Malaysia, Đài Loan và kể cả Trung Quốc đang thu hút hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế du học? Tại sao chúng ta mãi tranh cãi chuyện giáo dục Việt Nam mà không nói về một câu chuyện giáo dục toàn cầu? Với chương trình đào tạo đại học của ĐH FPT và các chương trình quốc tế, mục tiêu trong 3-5 năm tới chúng ta phải có được 10% sinh viên và 15% giảng viên là người nước ngoài đến từ năm châu. Mục tiêu 5-7 năm là 20% số sinh viên và 25% số giảng viên.

Chúng ta liệu có thể “Go mass” và “Thực học - Thực nghiệp” được không? FPT Polytechnic và tương lai của một hệ đào tạo mới của FPT Cyber University dựa trên nền tảng CNTT có đưa ĐH FPT trở thành nơi đào tạo nghề nghiệp có chất lượng với số lượng lớn được không trong khi Việt Nam đang cần những người làm được việc?

Chúng ta liệu có thể tiếp tục việc “trồng người” với FPT School đi xuống cấp thấp hơn, vun trồng tương lai các thế hệ Việt Nam bằng những Triết lý giáo dục xây dựng sự “Tự tin - Tự lập"?

Liệu các hướng hoạt động của FSB, GEM có đặt nền tảng cho một hình ảnh mới, phương thức mới trong giáo dục, đào tạo?

Và nhiều hướng khác đang chờ đợi sự tham gia của FPT Education.

Trong khi các nhà giáo dục trong nước đang mải mê tranh cãi thì các học sinh, sinh viên Việt Nam đang lũ lượt kéo đi du học vì mất niềm tin. Nhưng tại đây, tại trường ĐH FPT, chúng ta cần chứng minh điều ngược lại. Việt Nam muốn phát triển được cần phải biến thành một trung tâm (hub) của trí tuệ, một cái chợ (market) về tri thức. Tại sao chúng ta phải kêu gọi những người giỏi Việt Nam về đóng góp cho đất nước mà không để những người giỏi của thế giới đóng góp cho Việt Nam?

Cho dù đó vẫn đang là một giấc mơ, nhưng chúng ta đang trên chặng đường biến nó thành sự thật. Đó là một khát vọng to lớn: Khát vọng đổi thay - Dream of Innovation. Các anh chị, các bạn và tôi, chúng ta hãy cùng góp sức vào tương lai to lớn này.

Trân trọng,

Đàm Quang Minh

Sinh năm 1979, anh Đàm Quang Minh là một tiến sĩ trẻ có uy tín và 13 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực về giáo dục cao đẳng, đại học và hợp tác quốc tế. Trong thời gian công tác tại Tập đoàn FPT, anh là người tham gia thành lập và xây dựng FPT Polytechnic thành một trong các cơ sở đào tạo cao đẳng nghề chất lượng cao thành công nhất Việt Nam. Đến nay, FPT Polytechnic có hơn 6.000 sinh viên với 6 cơ sở đào tạo trên toàn quốc và hệ thống văn phòng đại diện trải dài các tỉnh Bắc - Trung - Nam.

Anh cũng góp phần quan trọng trong hành trình quốc tế hóa của ĐH FPT với việc tham gia thành lập các đơn vị liên kết quốc tế như FPT - Greenwich hay Viện Đào tạo quốc tế FPT với hàng nghìn sinh viên theo học, trong đó có hàng trăm sinh viên quốc tế sang Việt Nam du học.

Trước khi nhận vị trí mới, anh từng là Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam, Viện phó Viện Đào tạo quốc tế FPT, Trợ lý cao cấp cho Chủ tịch FPT, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Moskito-GIS (CHLB Đức), giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tân Hiệu trưởng ĐH FPT nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Trái đất của ĐH Tổng hợp Greifswald (CHLB Đức) năm 2007. Trước đó, anh tốt nghiệp Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng K1, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2001.

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và hợp tác quốc tế, cùng tầm nhìn và tâm huyết của thế hệ trí thức trẻ mong muốn chung tay góp phần thay đổi diện mạo nền giáo dục quốc gia, TS. Đàm Quang Minh được trông đợi sẽ đưa ĐH FPT bước nhanh, mạnh và vững chãi hơn trên hành trình quốc tế hoá của mình

Chúng ta

Ý kiến

()