Chúng ta

Tòa nhà FPT sẽ tắt điện hưởng ứng Giờ Trái đất

Thứ sáu, 22/3/2013 | 18:01 GMT+7

Các tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội), 153 Nguyễn Đình Chiểu, FPT Tân Thuận (TP HCM)... sẽ tắt những thiết bị chiếu sáng không cần thiết trong thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất, từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3.
> FPT hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất / Phim ngắn của sinh viên FPT giành ưu thế tại Giờ Trái đất

Ngay sau khi nhận được thông báo từ Chánh Văn phòng FPT Đinh Vân Nam về việc tập đoàn sẽ hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất do Bộ Công Thương phát động, Ban Quản lý (BQL) tòa nhà FPT Cầu Giấy đã gửi e-mail tới các chánh văn phòng đơn vị thành viên tại Hà Nội về thông báo này.

Tòa nhà FPT sẽ tắt các thiết bị chiếu sáng không cần thiết trong khung giờ sự kiện Giờ Trái đất diễn ra. Ảnh: Internet.

Tòa nhà FPT sẽ tắt các thiết bị chiếu sáng không cần thiết trong khung giờ sự kiện Giờ Trái đất diễn ra. Ảnh: Internet.

Theo đó, toàn bộ thiết bị điện nếu không thực sự cần thiết tại nơi làm việc và tại nơi CBNV đang ở sẽ được tắt để hưởng ứng. Đồng thời, những thiết bị điện như các biển tên, biển quảng cáo của các đơn vị trong và ngoài tòa nhà cũng sẽ không hoạt động trong thời gian này.

Cụ thể, với tòa nhà FPT Cầu Giấy, BQL sẽ tắt hệ thống chiếu sáng tại các khu vực thuộc quyền quản lý gồm: Khu vực thang bộ, hành lang các tầng và đèn chiếu áp phích biển hiệu logo để hưởng ứng sự kiện này.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, đại diện BQL tòa nhà FPT Cầu Giấy, thực tế, không phải chỉ vào ngày sự kiện Giờ Trái đất diễn ra mà tòa nhà mới áp dụng tiết kiệm điện. Trước đó, BQL phối hợp với FAD cũng đã thực hiện tiết kiệm năng lượng tại tòa nhà như khuyến khích CBNV đi thang bộ với tầng gần, tắt thiết bị chiếu sáng không cần thiết sau giờ làm việc...

Tại tòa nhà Tân Thuận (TP HCM), Phó Chánh Văn phòng FPT Telecom Nguyễn Thị Hữu Quyên cũng cho biết, đơn vị sẽ thực hiện tắt hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh tòa nhà để hưởng ứng sự kiện này.

"Hiện tại, biển hiệu logo tại tòa nhà Tân Thuận đã có nhưng không thắp sáng vào buổi tối. Hơn nữa, do tòa nhà cũng mới đi vào hoạt động nên sắp tới, BQL tòa nhà dự kiến phối hợp với cán bộ văn phòng các đơn vị để lên phương án chi tiết và cụ thể nhằm tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng", chị nói.

Nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình, phòng Công tác sinh viên Đại học FPT cũng đã gửi thông báo tới sinh viên của trường tại các cơ sở trên cả nước. Theo Trưởng phòng Dịch vụ và Đời sống sinh viên Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc Trần Vũ Quang, vì Giờ Trái đất diễn ra vào ngày nghỉ nên tại khu vực văn phòng và giảng đường đều tắt điện.

Riêng với khu ký túc xá, các sinh viên đều đã nhận được thông báo khuyến khích tắt thiết bị điện không cần thiết vào khung giờ từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3. Đồng thời, trong thời gian này, sinh viên cũng sẽ hạn chế việc thắp nến để đề phòng và giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

Nhiều năm hưởng ứng Giờ Trái đất, chị Trần Thị Mai Thy, cán bộ FAD HCM, đánh giá cao sự kiện ở việc tiết kiệm nguồn điện đáng kể, giảm thiểu chi phí cho tòa nhà. Và quan trọng hơn là góp phần nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả như một thói quen có ích, không chỉ vào Giờ Trái đất mà là bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Thực tế, tòa nhà FPT 153 Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) đã triển khai rất nhiều chương trình tiết kiệm điện như C50/C30 của tập đoàn từ nhiều năm về trước.

"Văn phòng phối hợp với BQL tòa nhà luôn đẩy mạnh công tác thực hiện tiết kiệm điện bằng nhiều hình thức, như hạn chế tắt bớt một phần hệ thống chiếu sáng trước tiền sảnh, bên trong sảnh, đèn quảng cáo, đèn ở tầng hầm, cầu thang bộ, nhà vệ sinh, các khu vực chung khác không cần thiết tại tòa nhà, nhất là sau giờ tan tầm còn ít nhân viên. Thay thế các loại bóng đèn tiết kiệm điện năng ở các khu vực chung của tòa nhà. Đồng thời, đội bảo vệ và kỹ thuật của tòa nhà luôn tăng cường tuần tra các khu vực văn phòng khách thuê để kịp thời nhắc nhở hoặc cảnh báo nếu có phát hiện CBNV ra về sau cùng quên tắt điện chiếu sáng văn phòng làm việc", chị Thy cho hay.

Theo chị, để có một Giờ Trái đất thật sự ý nghĩa, bên cạnh việc tắt điện một giờ đồng hồ, mỗi người cùng nên có ý thức hưởng ứng bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp, thay vì đi xe máy, xe hơi trong khả năng có thể. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng kẹt xe, không phải hít khói bụi, không phải nghe tiếng còi xe ầm ĩ.

Chiến dịch Giờ Trái đất được Bộ Công Thương chính thức phát động từ ngày 25/2. Trong những năm qua, chương trình đã tạo ra tiếng vang lớn trong nhận thức của người dân Việt Nam về nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu, trong đó việc sử dụng năng lượng lãng phí, chưa hiệu quả là một trong những tác nhân chính.

Theo kế hoạch, nghi thức tắt đèn Giờ Trái đất sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3 tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội.

Là sáng kiến toàn cầu với sự hợp tác của Quỹ bảo vệ thiên nhiên môi trường (WWF), Giờ Trái đất được bắt đầu ở Sydney, Australia, năm 2007.

Năm 2010, chương trình đã làm nên lịch sử và trở thành một hành động tự nguyện lớn nhất mà nhân loại từng được chứng kiến với sự tham gia 128 quốc gia trên khắp các lục địa.

Từ năm 2013, sự kiện Giờ Trái đất trên toàn thế giới sẽ được tổ chức vào thứ Bảy trước thứ Bảy cuối cùng của tháng 3. Nguyên nhân của sự thay đổi này là thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 là thời điểm bắt đầu mùa hè tại châu Âu và trùng với một số ngày lễ tôn giáo ở địa phương.

Tô Ngà

Ý kiến

()