Chúng ta

Sinh viên FPT dự Olympic Tin học sinh viên 2011

Thứ sáu, 7/10/2011 | 14:30 GMT+7

Sáng 8/10 tại Cần Thơ, 6 đội tuyển sinh viên FPT sẽ chính thức bước vào Kỳ thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc 2011 và Chung kết Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC lần thứ 36 khu vực châu Á.

Cùng thời điểm, một đội tuyển của ĐH FPT cũng lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng “Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm mã nguồn mở”.

Đội tuyển của ĐH FPT gồm ba thành viên Tạ Đức Tùng, Nguyễn Hải Hà và Hà Thị Thắm sẽ phải đối mặt với 4 đội còn lại đến từ bốn trường đại học lớn. Tuy nhiên, với “hành trang” là dự án mang tên "Phát triển mở rộng các chức năng của LibreOffice", các thành viên đều tỏ ra khá thoải mái và lạc quan.

Hiệu trưởng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng (hàng thứ hai, thứ tư từ trái sang) cũng có mặt để động viên các sinh viên trước mùa giải. Ảnh: Hải Đăng.

Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng (hàng thứ hai, thứ tư từ trái sang) động viên các sinh viên trước mùa giải. Ảnh: Hải Đăng.

Trong chuyến ra quân lần này, 6 đội tuyển của ĐH FPT tham dự ACM/ICPC 2011 gồm: Adhoc, Don't Worry, DMT, Gee, IM3, PAL. Đây là các đội tuyển được lựa chọn từ cuộc thi Olympic Tin học FU 2011.

Có mặt tại Cần Thơ ngày 3/10, trong tâm trạng vui vẻ, Trần Hải Đăng, sinh viên ngành Kỹ nghệ phần mềm ĐH FPT phấn khởi chia sẻ thêm về đội mình: “Chúng em thuộc đội Don't Worry, tên gọi này nghĩa là: đừng lo lắng gì hết, yên tâm và chiến đấu hết sức”.

Là chủ nhân chiếc Cup Vàng Siêu Cup OLP’10, đến với cuộc thi năm nay, Hải Đăng thể hiện quyết tâm cao: “Đây là lần cuối cùng có cơ hội tham dự ACM, thực sự em muốn làm được cái gì đó khác năm trước. Một ‘tấm vé’ vào vòng quốc tế ở thể thức thi đồng đội ACM là điều em hướng đến”.

Trong màu áo đồng phục, các sinh viên FPT rất thoải mái và tự tin tại Lễ khai mạc OLP’11 và ACM/ICPC năm 2011. Ảnh: Hải Đăng.

Trong màu áo đồng phục, các sinh viên FPT rất thoải mái và tự tin tại Lễ khai mạc OLP’11 và ACM/ICPC năm 2011. Ảnh: Hải Đăng.

“Đội ĐH FPT năm nay hứa hẹn thu được kết quả ấn tượng, em tin vào điều đó, và em hy vọng sau ngày thứ 7 thi xong em có thể gọi điện và "khoe" ngay về kết quả đội em”, một sinh viên khác trong đoàn chia sẻ.

Đây là lần thứ tư ĐH FPT có đại diện tham dự sân chơi lớn nhất dành cho sinh viên khối ngành CNTT. ACM/ICPC là kỳ thi khá mới với các sinh viên năm thứ nhất và thứ hai của ĐH FPT, yêu cầu nhiều kỹ năng làm việc nhóm dưới áp lực thời gian rất cao. Mặc dù vậy, ở mỗi lần dự giải, sinh viên FPT đều để lại dấu ấn riêng và mạnh mẽ.

Cách đây 3 mùa thi, năm 2008, trong lần đầu tiên tham dự, sinh viên FPT đã ghi tên mình vào Top 12 đội mạnh nhất khu vực châu Á.

Lần thứ hai bước vào mùa giải, năm 2009, sinh viên FPT lại tiếp tục gây bất ngờ khi có đến 3 đội lọt vào danh sách 10 đội tuyển xuất sắc nhất có mặt thi đấu tại các điểm vòng loại khu vực châu Á tại Thái Lan.

Đến với ACM/ICPC lần thứ ba năm 2010, sinh viên FPT đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trên sân khấu trao giải ngày 26/11 với hình ảnh của Trần Hải Đăng hạnh phúc cùng chiếc Cup Vàng Siêu Cup OLP’10 trên tay – giải thưởng cao quý nhất của kỳ thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc, cùng Hồ Vĩnh Thịnh vinh dự giành giải thưởng đồng hạng ba.

Không dừng lại ở đó, tại khối cá nhân chuyên tin, sinh viên Nguyễn Anh Quân cũng đã xuất sắc giành giải Nhì. Tại kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2010 năm đó, ĐH FPT cũng tạo ấn tượng mạnh khi có tới 3 đội tuyển lọt vào Top 7 đội mạnh nhất Việt Nam.

Với hành trang chuẩn bị cùng sự quyết tâm chiến thắng, hi vọng 21 sinh viên FPT sẽ tiếp tục trở thành một điểm sáng trong cuộc thi và vượt qua được những “kỷ lục” do chính các em đã khắc dấu trong các mùa giải trước.

Kỳ thi Lập trình sinh viên Quốc tế ACM/ICPC được tổ chức lần đầu tiên năm 1970. Cuộc thi này nhằm mục đích phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và sự đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm mới, cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện của họ dưới 1 áp lực thời gian rất cao. Đây là kỳ thi lập trình lâu đời nhất, uy tín nhất trên toàn thế giới.

Olympic Tin học sinh viên Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 1992. Cuộc thi đã thực sự trở thành phong trào thi đua học tập và lôi cuốn sinh viên tự học, tự nghiên cứu của các sinh viên CNTT trong cả nước. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ và tập thể lớn nhất cho sinh viên trong xu thế hội nhập Quốc tế.

Tại Việt Nam, hai cuộc thi trên bắt đầu được tổ chức chung từ năm 2007.

Giải thưởng “Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở” (MHST-FOSS) được Hội Tin học Việt Nam, Văn phòng Công nghệ thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Vòng Chung khảo và Lễ trao giải cuộc thi được tổ chức chung với kỳ thi Lập trình sinh viên Quốc tế ACM/ICPC.

Vân Anh

Ý kiến

()