Chúng ta

Sĩ tử FPT Trading nổi trội ở vòng phỏng vấn

Thứ sáu, 6/9/2013 | 17:20 GMT+7

Trong vòng phỏng vấn với lãnh đạo tập đoàn sáng ngày 4/9, hai trong số 3 sĩ tử lọt FPT Trading vào vòng 4 đã trở thành Trạng nguyên và Thám hoa của cuộc thi Trạng FPT năm nay.
> 'Thi trạng để phát huy sự sáng tạo và hợp lực' / 'Tôi luôn cố gắng vượt ra ngoài giới hạn của bản thân' / Sĩ tử tham gia phỏng vấn với lãnh đạo tập đoàn

Các sĩ tử tham gia vòng phỏng vấn với lãnh đạo có mặt từ rất sớm. Đặc biệt, thí sinh Phạm Lê Hào (FPT Trading) tạo sự thu hút khi diện bộ trang phục truyền thống của Myanmar. Đây cũng là sự lựa chọn thông minh của anh khi hướng tới chủ đề "toàn cầu hóa".

a

Các sĩ tử có mặt từ trước khi vòng phỏng vấn bắt đầu nửa giờ.

Ngoài sảnh tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, sĩ tử rộn rã tiếng hỏi han về công việc, gia đình và vòng thi quan trọng sắp tới. Không chỉ có sự hiện diện “nhân vật chính”, đại diện nhân sự của FPT Telecom, FPT Trading cũng có mặt để theo dõi, động viên các sĩ tử.

a

Top 6 bước vào vòng phỏng vấn với lãnh đạo tập đoàn.

Để đảm bảo sự công bằng, Ban tổ chức đã để sĩ tử bốc thăm thứ tự phỏng vấn. Thành viên Ban giám khảo cũng được bật mí vào phút chót. Người cầm cân nảy mực ở vòng 4 là anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT), anh Đỗ Cao Bảo (Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Quy hoạch cán bộ FPT, Chủ tịch FPT IS) và chị Chu Thanh Hà (Phó TGĐ FPT, Chủ tịch FPT Telecom).

a

Đặc biệt, thí sinh Phạm Lê Hào (FPT Trading) tạo sự thu hút khi diện bộ trang phục truyền thống của Myanmar.

Đề thi luận năm 2013 là tăng doanh thu 1 tỷ USD cho tập đoàn ở nước ngoài trong thời gian tới và nội dung này vẫn được bám sát trong vòng thi phỏng vấn. Sĩ tử Đỗ Văn Giang (FPT Trading) là người đầu tiên bước vào vòng phỏng vấn. Đây cũng là thí sinh có thời gian phỏng vấn lâu nhất, khoảng gần 45 phút. Trong phần thi của mình, anh Giang có tâm thế chủ động đề xuất các vấn đề vượt ra ngoài câu hỏi của Ban giám khảo.

Cuộc phỏng vấn của anh Giang xung quanh từ khóa về "toàn cầu hóa" và đóng góp của anh Giang cho 1 tỷ doanh thu USD ICT tập đoàn ở nước ngoài. Tuy nhiên, một sự kiện thời sự vừa diễn ra ngày 3/9 làm náo động cả ngành ICT của thế giới là Microsoft mua lại Nokia cũng được anh Bình đưa vào câu hỏi để thử thách sự nhạy bén của sĩ tử đến từ công ty Phân phối này. Chính sự tự tin, ham học hỏi của anh Giang đã được Ban giám khảo đánh giá cao.

Khi kết thúc phần phỏng vấn, gương mặt anh Giang khá rạng rỡ. Anh chia sẻ: “Mình rất hài lòng với phần thi này”. Theo Trạng nguyên, sở dĩ anh ghi điểm trong mắt Ban giám khảo là nắm chắc chiến lược và lĩnh vực hoạt động của tập đoàn và đã đưa ra được đóng góp của riêng mình ở góc nhìn hài hòa và sát thực tế cuộc sống.

Chị Chu Thanh Hà (Phó TGĐ FPT, Chủ tịch FPT Telecom) nhận xét: “Giang có thâm niên ở FPT, hiểu biết về FPT cũng như vấn đề kinh doanh trong nước và quốc tế khá đầy đủ, nổi bật hơn thí sinh khác. Đây là cán bộ nguồn tiềm năng, nếu được trau dồi thêm kinh nghiệm kinh doanh và quản trị thì có thể tiến xa trong thời gian tới”.

Từ vòng thi thứ 3, sĩ tử nữ duy nhất và cũng nhỏ tuổi nhất cuộc thi Nguyễn Thị Thắm (ĐH FPT) đã được mọi người chú ý vì cách thể hiện thông minh, tư duy nhạy bén và có kỹ năng mềm rất tốt. Khi bước vào vòng thi thứ 4, Thắm vẫn rất tự tin và luôn nỗ lực để vượt ra ngoài giới hạn của bản thân.

Hiện, Thắm tham gia dự án phát triển chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em Time to know trên nền tảng kỹ thuật số thuộc ĐH FPT. Phần phỏng vấn của cô cũng chủ yếu xoay quanh chủ đề giáo dục mà trọng tâm là dự án Thắm và đồng nghiệp đang xây dựng. Trúng vấn đề mà Thắm quan tâm nên cô chia sẻ nhiều quan điểm khiến giám khảo gật gù.

a

Sĩ tử nữ nhỏ tuổi nhất cuộc thi Trạng Nguyễn Thị Thắm (ĐH FPT).

Hướng vào chủ đề chính của vòng 4, Thắm cho rằng, chỉ riêng lĩnh vực ở FPT cũng hoàn toàn kiếm được doanh thu 1 tỷ USD ở nước ngoài. Theo Thắm, vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp muốn vươn ra toàn cầu hóa chính là nguồn nhân lực và ĐH FPT nắm giữ "chìa khóa" để mở "ổ khóa" đó. ĐH FPT có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tập đoàn khi ra "biển lớn" khi xây dựng mô hình chuẩn quốc tế ở Việt Nam tuyển sinh thu hút người nước ngoài đến du học, xuất khẩu gói giáo dục trên nền tảng công nghệ...

Điểm thú vị nhất là khi anh Bình yêu cầu Thắm vẽ ước mơ về sản phẩm "Time to know" thuộc dự án FPT English mà cô đang theo đuổi và 5 từ khóa để thành công trong học tập. 5 từ khóa cô đưa ra chưa đầy đủ cũng được anh Bình gợi ý thêm. Cách gợi ý của anh theo kiểu "Chiếc nón kỳ diệu", anh nêu ra chữ cái để đoán và Bảng nhãn rất xuất sắc trong trò chơi này. Theo đó, từ khóa để mở cánh của tri thức chính là thông minh (smart), cảm xúc (emotional), tương tác nhóm (task group), tự học (individual learning) và huấn luyện (coach).

Là người phỏng vấn cuối cùng nhưng anh Phạm Lê Hào (FPT Trading) đã gây ấn tượng ngay với Ban giám khảo khi xuất hiện trong trang phục của đất nước Myanmar. Vừa bước vào phòng, anh Bình đã thích thú thốt lên: “Hào ‘lobby’ giám khảo khéo quá”.

a

Là người phỏng vấn cuối cùng nhưng anh Phạm Lê Hào (FPT Trading) đã gây ấn tượng ngay với Ban giám khảo khi xuất hiện trong trang phục của đất nước Myanmar.

Với chiến lược hướng ra toàn cầu, FPT nhận định Myanmar là vùng đất hứa. Anh Hào đã xung phong sang Myanmar để cùng FPT Trading “mở cõi”. Ban giám khảo đánh giá cao sự tận tâm, nhiệt tình và tinh thần xung phong của anh Hào.
Và câu chuyện của buổi phỏng vấn với sĩ tử đến từ FPT Trading cũng mở màn từ Myanmar. Nằm lòng thị trường mà anh Hào gắn bó từ tháng 4 năm nay, anh đã vẽ ra bức tranh tổng thể về thị trường mới này với con số rõ ràng và hướng FPT có thể triển khai ngay trong thời gian tới như ngân hàng, phân phối di động.

Myanmar vẫn là “miếng bánh nhỏ” so với thị trường ICT toàn cầu. Vì vậy, Ban giám khảo đã yêu cầu Hào hiến kế để tìm doanh thu 1 tỷ USD ICT cho FPT ở nước ngoài. Thám hoa chia sẻ: "FPT vẫn nên tập trung vào thị trường truyền thống như Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, tập đoàn cần tăng sự hiện diện trên toàn cầu như Singapore và Myanmar".

Ba sĩ tử còn lại là anh Dương Thanh Sơn (FPT Telecom), Phạm Thăng Long (FPT HO) và Bùi Minh Quân (FPT Trading) chưa tạo được nhiều điểm nhấn về cá tính cũng như nội dung trình bày để ghi điểm với Ban giám khảo.

Cuộc phỏng vấn 6 sĩ tử diễn ra trong gần 3 giờ đồng hồ. Nói về chất lượng thí sinh năm nay, anh Đỗ Cao Bảo (Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Quy hoạch cán bộ FPT, Chủ tịch FPT IS) - vị giám khảo gắn bó nhiều năm với cuộc thi Trạng - nhìn nhận: "Mặt bằng chung của Trạng năm nay không bằng năm 2012. Sĩ tử nào hiểu được chiến lược, định hướng kinh doanh của tập đoàn và có chính kiến riêng khi triển khai thực tế sẽ được tôi đánh giá cao hơn".

Còn chị Hà lại mong muốn Trạng được vinh danh sẽ đóng góp và cống hiến nhiều hơn cho mảng kinh doanh của FPT. Bởi Trạng là đại diện cho tri thức của thế hệ trẻ FPT, không chỉ giỏi kiến thức sách vở mà còn cần sẵn sàng ra trận.

Theo chị Trịnh Thu Hồng (Trưởng Ban Nhân sự FPT), nhân dịp FPT 25 năm, Ban Nhân sự FPT sẽ tổ chức cuộc hội ngộ Trạng FPT qua các năm với mong muốn tạo cơ hội cho những người đứng đầu kỳ thi Trạng có dịp giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Đỗ Văn Giang giành danh hiệu Trạng nguyên FPT 2013. Danh hiệu Bảng nhãn thuộc về Nguyễn Thị Thắm (ĐH FPT) và Phạm Lê Hào là Thám hoa của cuộc thi Trạng năm nay.

Trước đó, từ hơn 1.000 sĩ tử đăng ký vòng 1, có 102 sĩ tử lọt vào vòng thi luận. Kết quả, chỉ có 56 sĩ tử gửi bài thi luận về cho BTC. Tại vòng 3, các sĩ tử thi tập trung từ 8h30 đến 16h ngày 30/8 tại FSoft House, D15 làng Quốc tế Thăng Long Hà Nội.

Từ ngày 1 đến 31/8, cuộc thi Trạng được tổ chức nhằm tìm ra những cá nhân xuất sắc, có năng lực, ham học hỏi và cầu tiến để vinh danh. CBNV FPT ký hợp đồng chính thức với công ty trước ngày 1/8/2013 sẽ được tham gia dự thi Trạng năm nay.

Cuộc thi được chia thành 4 vòng và sẽ loại dần sĩ tử qua các vòng: Làm bài test IQ bằng tiếng Anh trắc nghiệm online, làm đề thi luận, test năng lực theo hình thức thảo luận, phản biện trực tiếp và phỏng vấn do lãnh đạo cao nhất tập đoàn điều hành.

Tổng giải thưởng cuộc thi năm nay là 42 triệu đồng, tương tự năm 2012. Cuộc thi Trạng nằm trong kế hoạch thi định kỳ công ty 2013 nhằm tìm ra những cá nhân xuất sắc, có năng lực, ham học hỏi và cầu tiến để vinh danh. Đồng thời, qua cuộc thi, BTC mong muốn tìm kiếm cán bộ nguồn và cổ vũ phong trào học tập thi cử trong FPT.

Lưu Vân

Ý kiến

()