Chúng ta

'QA là chất xúc tác để hệ thống vận hành trơn tru'

Thứ tư, 11/12/2013 | 15:57 GMT+7

"Nếu công ty là một cỗ máy, mỗi bộ phận là một bánh răng thì QA giống như 'Castrol', giúp cỗ máy vận hành trơn tru, phối hợp nhịp nhàng, mang lại sự bền vững, hiệu quả, tránh những sai hỏng thường gặp", Bảng nhãn Lê Trung Hiếu, FPT Telecom, chia sẻ.
> 'Cuộc thi là trải nghiệm đáng nhớ với cán bộ QA'

Sáng nay (ngày 11/12), Trạng nguyên QA FPT 2013 Nguyễn Thị Phương Thảo (FPT Trading), Bảng nhãn Lê Trung Hiếu (FPT Telecom) và Thám hoa Phạm Thị Hồng Trâm (FPT Online) đã giao lưu và trả lời hơn 50 câu hỏi của độc giả Chúng ta tại tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội) và tòa nhà FPT Tân Thuận (TP HCM).

a

Trạng nguyên Phương Thảo (phải) và Bảng nhãn Trung Hiếu có mặt tại tòa soạn ở tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội).

- Xin chào Tam khôi Trạng nghề QA, chúc mừng các bạn đã đạt được những giải thưởng cao nhất của cuộc thi về chất lượng ở FPT. Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi đến tòa soạn giao lưu với độc giả - những đồng nghiệp trong tập đoàn?

- Phương Thảo: Xin chào các độc giả của Chúng ta. Ở phần thi hùng biện tại vòng chung kết, mình là người dự thi cuối cùng nên không được theo dõi các sĩ tử khác thể hiện. Vì vậy, khi được xướng tên đoạt danh hiệu Trạng nguyên Trạng nghề QA 2013, mình có nhiều cảm xúc lẫn lộn - vui mừng, hãnh diện.

Lần đầu tiên được đến tòa soạn, giao lưu cùng độc giả, mình rất vui và mong có thể chia sẻ nhiều câu chuyện, kỷ niệm xung quanh cuộc thi cũng như nghề QA với mọi người.

- Trung Hiếu: Tôi rất vui và hạnh phúc khi được giao lưu với độc giả Chúng ta - những đồng nghiệp trong tập đoàn. Tôi cũng rất bất ngờ khi giành được giải thưởng cao trong cuộc thi Trạng nghề QA. Đây là động lực để tôi cố gắng học hỏi và tiếp tục phát huy điểm mạnh của mình, đóng góp cho sự phát triển của công ty. Qua buổi giao lưu này, tôi mong muốn nhận những góp ý, chia sẻ chân thành từ các đồng nghiệp để chúng ta có một buổi giao lưu thú vị và thiết thực.

Hồng Trâm: Mình cảm thấy vui và hồi hộp vì lần đầu tiên được tham gia phỏng vấn trực tuyến với độc giả. Dù chưa biết những câu hỏi khó đến mức nào nhưng mình sẽ cố gắng giải đáp thỏa đáng những thắc mắc để bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân cũng như nghề QA.

a

Thám hoa Hồng Trâm (phải) tại trụ sở tòa soạn ở tòa nhà FPT Tân Thuận (TP HCM).

- Bí quyết của chị để chinh phục Ban giám khảo trong cuộc thi Trạng nghề QA là gì? (Mai Lan, 31 tuổi, FPT Telecom)

- Phương Thảo: Mình cũng không có bí quyết gì đặc biệt mà chỉ thể hiện đúng với con người mình. Có lẽ, mình có lợi thế hơn vì công việc liên quan nhiều đến đào tạo nên đứng trước nhiều người vẫn cảm thấy có sự tự tin nhất định.

- Sau khi giành được danh hiệu Trạng nguyên QA, công việc và cuộc sống của chị thay đổi như thế nào? (Hoài An, 30 tuổi, ĐH FPT)

- Phương Thảo: Sau khi nhận được danh hiệu này, khi lên công ty, đồng nghiệp đều chúc mừng. Việc trở thành Trạng nguyên Trạng nghề QA có ảnh hưởng tích cực đến công việc và cuộc sống của mình. Mình cảm nhận được tình cảm yêu mến của đồng nghiệp, sự quan tâm của bạn bè và gia đình. Còn về công việc, đây là động lực lớn giúp mình làm tốt hơn công việc hiện tại.

a

"Trở thành Trạng nguyên Trạng nghề QA có ảnh hưởng tích cực đến công việc và cuộc sống của mình", chị Thảo nói.

- FPT Telecom là đơn vị có nhiều chi nhánh tỉnh, điều đó có những khó khăn và thuận lợi gì cho công việc của cán bộ QA? (Thanh Hà, 28 tuổi, Hòa Lạc, Hà Nội)

- Trung Hiếu: FPT Telecom có ít nhân sự QA so với độ phủ của dịch vụ nên mọi người phải xử lý khối lượng công việc khá lớn. Tại miền Bắc, công ty có 22 chi nhánh tỉnh, mỗi chi nhánh chỉ có một cán bộ QA phụ trách. Do vậy, việc cán bộ QA HO phải di chuyển để kiểm soát định kỳ khá nhiều. Mỗi chi nhánh thường mất hai ngày kiểm tra và hỗ trợ.

Bên cạnh đó, khi di chuyển qua nhiều chi nhánh, cán bộ QA sẽ học hỏi được nhiều điều từ văn hóa, phương pháp làm việc để có thể thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau. Qua đó, QA sẽ chọn lọc được những điểm mạnh, những phương pháp hay ở mỗi chi nhánh để áp dụng rộng rãi cho các đơn vị khác.

- Là thí sinh nam duy nhất trong vòng chung kết, chắc hẳn anh sẽ cảm thấy "cô đơn"? (Võ Minh Tuân, 38 tuổi, Tp HCM)

- Trung Hiếu: Tôi rất vui và cũng bất ngờ khi là thí sinh nam duy nhất có mặt tại vòng chung kết. Điều này cũng không hẳn là sự "cô đơn" mà là sự hồi hộp khi được tranh tài với 5 người đẹp đến từ các công ty thành viên khác. Hy vọng các cuộc thi sau, sẽ có nhiều nam cán bộ QA tham gia tích cực hơn.

a

Anh Hiếu vui và cũng bất ngờ khi là thí sinh nam duy nhất có mặt tại vòng chung kết.

- Là một thành viên rất trẻ mới gia nhập tập đoàn, Trâm cho biết cảm nhận về môi trường làm việc và văn hóa FPT? (Văn Toàn, 21 tuổi, Quận 3, TP HCM)

- Hồng Trâm: Mình cảm nhận môi trường của FPT rất năng động, nhiều thử thách. Cấp quản lý đòi hỏi nhân viên phải luôn thay đổi để ngày càng tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, văn hóa là yếu tố đặc sắc của FPT mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Các cuộc thi hay hoạt động phong trào, đoàn thể thực sự sôi nổi và mang nhiều ý nghĩa.

Bản thân mình là người luôn thích có sự thay đổi, có thử thách để phấn đấu nhiều hơn. Qua các hoạt động của tập đoàn và đơn vị, mình sẽ có nhiều cơ hội để trau dồi kỹ năng trong công việc cũng như các kỹ năng mềm.

- Khó khăn thường gặp của cán bộ QA là gì và bạn thường xử lý như thế nào? (Vân, 25 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Cán bộ QA gặp nhiều khó khăn trong công việc. Tuy nhiên, tùy vào từng công ty thành viên mà độ khó khác nhau. Với FPT Trading - chuyên về phân phối - việc đảm bảo cho nhân viên làm đúng quy trình, quy định của công ty cũng là một khó khăn. Bởi vì, nếu quy trình không được tuân thủ chặt chẽ và đầy đủ thì dễ xảy ra xung đột pháp lý với khách hàng, đối tác.

Để giải quyết khó khăn này, cán bộ QA của FPT Trading phải tăng cường kiểm soát, thường xuyên đào tạo về tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng quy trình cho CBNV. Rất may, Ban lãnh đạo FPT Trading rất quan tâm đến hoạt động chất lượng.

- Anh ấn tượng nhất với vòng thi nào tại cuộc thi Trạng nghề QA năm nay, tại sao? (Hà Đức, 22 tuổi, Thanh Hóa)

- Trung Hiếu: Tôi ấn tượng nhất với vòng chung kết vì có nhiều phần thi hấp dẫn, gay cấn và bất ngờ. Đặc biệt, vòng thi kết hợp nhiều gameshow thú vị như Khởi động theo format của "Đường lên đỉnh Olympia" và phần Tăng tốc giống trò chơi "Đuổi hình bắt chữ". Tuy nhiên, phần thi đầu tiên có nhiều câu hỏi dài và thời gian ngắn khiến thí sinh không theo kịp. Đặc biệt, có nhiều câu hỏi đơn giản nhưng chúng ta lại suy nghĩ quá phức tạp nên khi Ban tổ chức đưa ra đáp án, nhiều người thấy bất ngờ và ngỡ ngàng. Tôi nghĩ thí sinh cần bình tĩnh, thoải mái và tập trung vào trọng tâm câu hỏi thì cơ hội ghi điểm sẽ cao hơn.

Mới gia nhập FPT một thời gian ngắn, chưa có nhiều kinh nghiệm về nghề QA tại FPT, tại sao bạn quyết định tham gia cuộc thi? (Tuấn Hải, 24 tuổi, Tân Thuận, TP HCM)

- Hồng Trâm: Mình tham gia cuộc thi trên tinh thần học hỏi và đây là cơ hội tốt để mình học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích từ nghề QA cũng như từ các thí sinh khác. Thêm nữa là bản thân ham vui nên đã quyết định tham gia cuộc thi này. Ngoài ra, mình có thể vận dụng kiến thức QA ở công ty cũ vào cuộc thi nên tự tin hơn.

a

Tham gia cuộc thi giúp Trâm trưởng thành và tự tin hơn.

- Tại sao chị quyết định dự thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, ngôi trường mà nam giới chiếm ưu thế? (Đan Anh, 32 tuổi, FPT IS)

- Phương Thảo: Từ nhỏ, mỗi lần đi qua trường ĐH Bách khoa, nhìn thấy không gian ở đó, mình rất thích và mong muốn trở thành sinh viên của trường. Đến khi thi đại học, mình mới suy nghĩ để chọn trường phù hợp khả năng nhưng vẫn liên quan đến mảng kỹ thuật. Sau đó, mình đã quyết định đăng ký vào chuyên ngành Tự động hóa của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Khi còn là sinh viên, thầy cô, bạn bè đã thấy khả năng về chuyên ngành tự động hóa của mình. Sau khi ra trường, mình làm cán bộ QA chuyên ngành về tự động hóa. Được công việc đúng chuyên ngành nên kỹ thuật viên ở mảng sản xuất không thể "qua mặt" được vì mình có kiến thức sâu về mảng này.

- Mọi người thường bảo phụ nữ hợp với nghề QA hơn vì tính cách tỉ mỉ. Anh có suy nghĩ gì về việc này? (Nguyễn Phương, 30 tuổi, Quảng Bình)

- Trung Hiếu: Thực ra, không chỉ QA mà nghề nào cũng yêu cầu tính cẩn thận chứ không hẳn là tỉ mỉ. Nghề QA giúp chúng ta điềm tĩnh khi xử lý các tính huống phát sinh trong công việc cũng như trong cuộc sống. Ai cũng có thể theo đuổi công việc này, không phân biệt nam hay nữ, chỉ cần cẩn thận, ham học hỏi và đam mê với nghề mình đã chọn, .

- Môi trường quân sự, nơi chị từng học, đã giúp ích gì trong công việc QA? (Nam Anh, 33 tuổi, Cần Thơ)

- Phương Thảo: Môi trường mình học chủ yếu là các bạn nam. Tính cách của mình cũng bị ảnh hưởng một chút. Mình học được tính quyết đoán, giải quyết vấn đề bằng lý trí, không để tình cảm xen vào công việc. Chính những điều này giúp ích cho mình rất nhiều khi làm công việc QA.

a

Môi trường quân sự giúp chị Thảo nhiều trong công việc QA.

- Bạn đến với nghề chất lượng xuất phát từ đam mê, sở thích hay là sự ngẫu nhiên? Công việc mang đến cho bạn những trải nghiệm gì thú vị? (Hoàng Hải, 32 tuổi, Tân Thuận, TP HCM)

- Hồng Trâm: Mình đến với nghề QA từ sự ngẫu nhiên và chính từ sự ngẫu nhiên đó đã trở thành đam mê cho tới bây giờ.

Công việc của nghề chất lượng thực sự không dễ làm. Mặc dù là nữ giới nhưng ở công ty cũ, mình vẫn phải thường xuyên xuống cơ sở sản xuất để gặp gỡ trực tiếp với anh chị em công nhân, lăn xả cùng mọi người. Có những hôm phải làm tăng ca đến 22h. Tuy mệt mỏi nhưng mình cảm thấy rất vui khi được cùng làm việc với các đồng nghiệp và mang lại hiệu quả cho tập thể.

- Mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của anh là gì? Kế hoạch thực hiện mục tiêu đó như thế nào? (Thành Nhân, 27 tuổi, Hà Nội)

- Trung Hiếu: Tôi mong muốn trở thành một chuyên gia về tiêu chuẩn, hệ thống để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động kinh doanh khác của công ty. Để làm được điều đó, tôi sẽ phải học hỏi các tiêu chuẩn chất lượng khác, tìm hiểu chuyên môn nghiệp vụ của các bộ phận trong công ty. Bên cạnh đó, tôi sẽ tích cực trau dồi các kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp và các kỹ năng quản lý.

- Từ TP HCM ra Hà Nội dự thi, bạn cảm nhận như thế nào về thủ đô cũng như các đồng nghiệp ở Hà Nội? (Nguyễn Mai Anh, 28 tuổi, TP HCM)

- Hồng Trâm: Các đồng nghiệp ở Hà Nội rất gần gũi và thân thiện dù mới lần đầu gặp nhau. Mọi người chào đón mình rất chu đáo, dẫn đi ăn nhiều đặc sản của thủ đô như: Bún chả Hàng Mành, phở chiên, phở cuốn, bánh đa cua... Đây là những món lần đầu tiên mình được thưởng thức.

Khí hậu những ngày mình ở Hà Nội cũng khá lạnh, nhưng mình cũng có dịp được tham quan và chụp hình lưu niệm ở Hồ Gươm, Hồ Tây, khu phố cổ, phố Đồng Xuân... Mình cảm nhận được cuộc sống thanh bình, rất khác so với cuộc sống náo nhiệt ở TP HCM.

- Chị có thể chia sẻ đôi điều về bản thân để các đồng nghiệp FPT có thể làm quen? (Minh Anh, 28 tuổi, Đà Nẵng)

- Phương Thảo: Hiện, mình có một gia đình nhỏ với hai con gái. Vì con mình khá nhỏ nên các sở thích, thú vui hiện tại của mình cũng chỉ xoay quanh hai con. Cuối tuần, mình hay đưa các con đi chơi công viên, sở thú hay những nơi vui chơi giải trí để con giao tiếp với bên ngoài và tiếp thu kiến thức thực tế. Mình thường tranh thủ dạy các con trong quá trình đi chơi.

Với mình, làm ra làm và chơi ra chơi. Trong công việc, có thể mọi người thấy mình hơi khó tính nhưng ngoài đời, mình rất hòa đồng, thoải mái.

Mình đang làm cán bộ QA hỗ trợ đảm bảo chất lượng của FPT Trading HO và một công ty thành viên là F9 (Công ty Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT).

- Thời gian rảnh, anh thường làm gì? (Phạm Hoàng Thanh, 23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Trung Hiếu: Thời gian rảnh tôi thường dành cho con và thực hiện một số sở thích cá nhân. Hiện tại, tôi đang nuôi một số loại chim cảnh. Đây là niềm đam mê và cũng là cách rèn luyện tâm, trí để có sự kiên nhẫn và thư thái hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, lúc rảnh rỗi, tôi cũng có sở thích sáng tác một số bài nhạc chế liên quan đến FPT. Trong vòng thi số hai "Thử thách sáng tạo", tôi đã đưa một bài tự sáng tác làm nhạc nền cho clip. Có thể chính nét văn hóa STCo trong nội dung thi đã giúp tôi được "ưu tiên" hơn.

a

Thời gian rảnh, anh Hiếu thường dành cho con và thực hiện một số sở thích cá nhân.

- Trong vòng chung kết, chị có đề xuất 3 dự án cần thực hiện để đảm bảo chiến lược của FPT Trading thành công. Chị có dự định gì để "biến" các dự án đó đi vào thực tế? (Phạm Thăng Long, 33 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Trong phần thi hùng biện ở vòng chung kết, tôi "vào vai" là người dẫn dắt hoạt động QA. Các dự án cũng là ý tưởng mà tôi nghĩ ra trong thời gian chuẩn bị trước khi hùng biện. Việc nghĩ ra dự án này theo tinh thần chung của chiến lược FPT là toàn cầu hóa, tối ưu hóa chi phí. Từ đó, đưa ra nhiệm vụ mà QA cần làm và có thể làm để thực hiện chiến lược của tập đoàn. Có thể, tôi sẽ đề xuất dự án này lên cấp trên trước.

- Trong cuộc thi, Trâm ấn tượng nhất với ai? Em nghĩ gì về câu hỏi ở vòng hùng biện? (Bùi Hoàng Lan Mai, 35 tuổi, Hà Nội)

- Hồng Trâm: Trong vòng một, mình ấn tượng nhất với chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (FPT IS), là thí sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối 30/30. Vòng 2, mình ấn tượng với chị Hoài Thương với màn đọc Rap rất hay, dàn diễn viên phụ cũng rất hoành tráng. Vòng 3, mình ấn tượng với chị Phương Thảo, chị ấy rất tự tin để bấm chuông giành quyền trả lời bức hình lớn nhất. Bản thân mình cũng đoán ra nhưng lại không dám trả lời vì sợ bị trừ điểm nếu trả lời sai.

Câu hỏi ở vòng hùng biện rất hay và thực tế, đòi hỏi thí sinh phải vừa có kiến thức và hiểu biết về FPT mới có thể hoàn thành tốt. Bản thân mới về "đầu quân" cho FPT, chưa có nhiều trải nghiệm nên mình đã khá run ở vòng thi này.

- Gia đình đã hỗ trợ và giúp đỡ chị như thế nào trong thời gian thi Trạng nghề QA? (Mai Đức Nam, 30 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Chồng hỗ trợ công việc nhà để mình có thời gian tập trung ôn thi. Đặc biệt, trong vòng 2, phải làm clip, mình hơi bí ý tưởng và chồng mình cũng đã động viên, làm công tác tư tưởng giúp mình không bị áp lực thi cử.

- Trước khi tham dự cuộc thi anh có nghĩ mình sẽ được giải cao như vậy không? Động lực của anh khi tham dự thi là gì? (Nguyễn Thị Quỳnh Mai, 24 tuổi, Đà Nẵng)

- Trung Hiếu: Mục đích tham dự cuộc thi là để thử sức và giao lưu học hỏi nên tôi rất bất ngờ khi lần lượt vượt qua các vòng thi và được giải cao. Đặc biệt, qua vòng 2 "Thử thách sáng tạo", tôi đã được trải nghiệm nhiều việc từ lên kịch bản, học phần mềm dựng clip, biên tập nhạc, quay phim, đạo diễn... để có một sản phẩm hoàn chỉnh. Thời hạn nộp bài đúng dịp đi công tác Nghệ An nên tôi cùng một đồng nghiệp phải thức đến 3h sáng để dựng xong clip. Nhiều lần clip bị lỗi nên phải làm lại khá nhiều lần mới hoàn thiện. Đó là những trải nghiệm khó quên trong cuộc thi.

Qua việc nộp bài vòng 2, tôi thấy được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp trong Ban Chất lượng. Đó là động lực giúp tôi cố gắng và quyết tâm hơn trong vòng thi cuối.

- Sau khi đăng quang, chị dự định thực hiện những kế hoạch gì để nâng cao hoạt động chất lượng ở công ty? (Trần Anh, 32 tuổi, TP HCM)

- Phương Thảo: Đối với mình, đây là một cuộc thi, một sự trải nghiệm thú vị mới mẻ chứ không đặt áp lực vào việc phải giành giải. Mình cố gắng làm tốt những công việc hiện tại và sẽ suy nghĩ đưa ra kế hoạch giúp hoạt động chất lượng ở công ty ngày càng tốt hơn.

a

Theo Trâm, "nói điều tốt" là khó thực hiện nhất. Trong nghề QA mình nên nói thật sẽ tốt hơn.

- "Nói điều tốt, làm việc tốt, có lòng tốt", trong các phương châm sống của bạn, điều nào khó thực hiện nhất? (Quang Vinh, 29 tuổi, Tân Thuận, TP HCM)

- Hồng Trâm: Theo mình, "nói điều tốt" là khó thực hiện nhất. Trong nghề QA mình nên nói thật sẽ tốt hơn. Bộ phận QA thường phát hiện ra lỗi và phải trao đổi với các bộ phận khác để khắc phục lỗi này nên nhiều khi những lời cán bộ QA nói sẽ dễ làm mất lòng các đồng nghiệp.

Bản thân mình sẽ trao dồi hơn về kỹ năng giao tiếp và thuyết phục để có thể giải quyết các vấn đề một cách hài hòa hơn.

- Anh yêu thích và ngưỡng mộ lãnh đạo nào nhất ở FPT? (Nguyễn Sơn, 36 tuổi, Bắc Ninh)

- Trung Hiếu: Ở FPT có rất nhiều lãnh đạo giỏi, là tấm gương cho tôi và các nhân viên trong tập đoàn học tập. Riêng trong lĩnh vực QA, tuy những lần làm việc trực tiếp không nhiều nhưng tôi rất ấn tượng với anh Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng ban Đảm bảo Chất lượng FPT. Mặc dù anh còn trẻ tuổi nhưng có kiến thức chuyên môn sâu, khả năng lãnh đạo tốt. Đặc biệt tôi ấn tượng với những đóng góp lớn của anh trong việc xây dựng Bản đồ Chiến lược của tập đoàn.

- Nhiều người FPT coi cán bộ QA là “cảnh sát” nên sợ và “xa lánh”. Bạn cảm thấy như thế nào? (Thạch Anh, 37 tuổi, FPT Online)

- Phương Thảo: Đây là suy nghĩ chung của nhiều người nhưng ở FPT Trading, công tác QA làm khá tốt. QA đứng trên cương vị tư vấn, hỗ trợ cho các mảng hoạt động của bộ phận, do đó, mọi người không còn cảm thấy "sợ" và "xa lánh" công việc của cán bộ QA nữa.

- Công việc của chị có chiếm quá nhiều thời gian dành cho gia đình? Trạng nguyên sắp xếp quỹ thời gian một ngày ra sao? (Thảo An, 28 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Tiêu chí đầu tiên của mình là làm ra làm, chơi ra chơi. Vì vậy, khi làm việc, mình tập trung cao độ. Khi về nhà, mình cố gắng không để công việc xen vào cuộc sống riêng. Một ngày của mình cũng bình thường như mọi người, sáng cho con ăn sáng và đưa con đi học và sau đó đi làm. Đi làm về, mình nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và dành thời gian chơi với con.

- Làm nghề QA giúp chị điều gì trong quản trị công việc cá nhân và cuộc sống gia đình? (Tuấn Việt, 30 tuổi, FPT Retail, Hà Nội)

- Phương Thảo: Trong cuộc sống, mình cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, sắp xếp công việc một cách hợp lý để giảm thiểu tối đa thời gian cũng như chi phí cho từng kế hoạch.

- Nhiều người trong công ty không thực sự hình dung công việc của QA có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của công ty. Các bạn có thể giải thích ngắn gọn để các đồng nghiệp FPT hiểu hơn? Xin cảm ơn! (Quang, 34 tuổi, FPT Online Hà Nội)

- Phương Thảo: Nếu nói để mọi người dễ hiểu nhất thì công việc QA là đảm bảo việc CBNV phải làm đúng quy trình, quy định đã được Ban lãnh đạo thông qua. Quy trình này phải thường xuyên được cập nhật cho phù hợp với tình hình kinh doanh hiện tại của công ty. Nếu một công ty không có bộ phận QA thì mỗi CBNV sẽ làm theo một cách khác nhau, không theo một quy định nào sẽ dẫn đến nhiều sai sót, mọi thứ rối loạn, từ đó sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty (ví dụ như tài chính, thương hiệu...).

- Trung Hiếu: Nếu công ty là một cỗ máy, mỗi bộ phận (kinh doanh, kế toán, kỹ thuật…) là một bánh răng thì QA giống như “Castrol” giúp cỗ máy vận hành trơn tru, phối hợp nhịp nhàng, mang lại sự bền vững, hiệu quả, tránh những sai hỏng thường gặp.

Cụ thể, với FPT Telecom trong thời gian phát triển “nóng”, có nhiều vấn đề xảy ra và đã được QA xử lý, đưa ra những biện pháp phòng ngừa để tránh tái diễn. Đến giai đoạn hiện tại, vai trò của QA trong việc hỗ trợ, kiểm soát các bộ phận tốt hơn nên FPT Telecom có sự phát triển tương đối bền vững. Ngoài ra, QA giúp cho CBNV các bộ phận nhận thức được rủi ro, thực hiện tốt quy trình khi thực hiện công việc để đảm bảo hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của công ty.

- Hồng Trâm: Một công ty muốn hoạt động tốt cần phải tuân theo một hệ thống quy trình cụ thể. Nhiệm vụ của QA là xây dựng, duy trì và cải tiến hệ thống này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công việc, hiệu quả kinh doanh để mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho công ty. Nói như trong đời thường, QA giống như một người cảnh sát có nhiệm vụ đảm bảo mọi người tuân thủ theo pháp luật để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

Ví dụ, khi công ty triển khai một dự án, QA sẽ tham gia với vai trò đảm bảo dự án đó diễn ra đúng tiến độ, kế hoạch, đo lường hiệu quả dự án để có những hành động can thiệp kịp thời, từ đó giúp ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, QA cũng đề xuất các biện pháp cải tiến để dự án mang lại hiệu quả cao nhất.

- Clip tham gia vòng thi luận của chị gây ấn tượng sâu đậm với âm thanh và hình ảnh cực mạnh. Vì đâu chị lại có ý tưởng làm clip như vậy? (Ngô Hoàng Lan, 28 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Khi đề bài vòng 2 đưa là làm clip, mình đã nghĩ ngay đến việc sẽ làm theo kiểu trailer. Muốn trailer tốt, hình ảnh và âm thanh đóng vai trò rất quan trọng nên mình đầu tư nhiều vào phần này. Quan trọng nhất ý tưởng sau đó là việc mình chọn hình ảnh nào và âm thanh ra sao cho tương xứng.

a

"Quan trọng nhất ý tưởng sau đó là việc mình chọn hình ảnh nào và âm thanh ra sao cho tương xứng", chị Thảo chia sẻ.

- Được biết anh thích nuôi chim cảnh. "Bộ sưu tập" các loại chim và số lượng anh đang sở hữu như thế nào? (Thu Bình, 26 tuổi, Đà Nẵng)

- Trung Hiếu: Đây không chỉ sở thích mà còn là niềm đam mê của tôi. Hiện tại, tôi đang nuôi Họa mi, Chích chòe lửa, Chích chòe than và Vành khuyên. Do thời gian hạn chế nên tôi cũng chưa nuôi được nhiều.

Tôi thường tranh thủ dậy sớm chuẩn bị thức ăn, nước uống cho chim để không ảnh hưởng đến công việc và gia đình.

- Theo bạn, điều gì khó khăn nhất trong nghề QA? (Ngân Thương, 32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Hồng Trâm: Trong lĩnh vực kinh doanh của FPT đòi hỏi mỗi cán bộ QA cần phải có kiến thức chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm. Bản thân mình không có kiến thức chuyên ngành CNTT nên cũng gặp một số khó khăn trong công việc. Hy vọng trong thời gian tới mình sẽ có nhiều cơ hội tham gia những dự án để nâng cao kiến thức chuyên ngành. Từ đó mình có thể hỗ trợ và tư vấn cho các bộ phận những biện pháp hiệu quả hơn.

- Nghe nói chị chưa có người yêu, chị có thể tiết lộ mẫu người trong mộng lý tưởng của mình? (Khánh Linh, 22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Hồng Trâm: Phải đính chính lại rằng mình còn độc thân chứ không phải là chưa có người yêu (cười). Mẫu người đàn ông mong muốn của mình cũng khá đơn giản, chỉ cần đảm bảo hai chữ "đàng hoàng" như vậy là đủ rồi.

- Chị dự định sẽ làm gì với số tiền thưởng từ cuộc thi? (Bùi Thị Thanh, 28 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Phần lớn mình sẽ dành để khao đồng nghiệp, người thân. Mình cũng trích một phần tặng quà cho hai con.

- Nếu có một điều muốn làm lại trong cuộc thi này, anh Hiếu sẽ thực hiện điều gì? (Võ Mỹ Lan, 25 tuổi, Hà Nội)

- Trung Hiếu: Nếu thời gian quay trở lại, tôi tin rằng không chỉ tôi mà các bạn khác cũng sẽ có rất nhiều điều muốn làm để có kết quả tốt hơn trong cuộc thi. Tuy nhiên, tôi quan niệm mọi việc đã qua, chỉ nên coi đó là một kinh nghiệm để tiếp tục phấn đấu, học hỏi và hoàn thành tốt các công việc trong hiện tại và tương lai.

- Phương châm của bạn là không có việc gì khó. Vậy đối với bạn, cuộc thi Trạng QA có phải việc khó? (Lê Phương Hiếu, 38 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Tất nhiên là khó rồi. Ngay từ vòng đầu, việc test IQ mình cũng phải rèn luyện trước khi thi vì dù sao cũng lâu mình không tham gia vào cuộc thi. Đến vòng thứ 2 thì đúng là thử thách với mình vì việc nghĩ ra ý tưởng và chuyển thể từ ý tưởng thành clip khó hơn nhiều so với viết luận.

Ở vòng chung kết, mình phải tranh tài với các sĩ tử rất tài năng đến từ các công ty thành viên. Trong một buổi trưa giao lưu với sĩ tử khác mình cảm nhận được đây là những "đối thủ" đáng gờm.

- Cuộc thi đã mang lại cho chị những gì? (Trần Văn Phúc, 28 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Đó là mình cảm thấy tự tin hơn và có động lực hơn khi thực hiện các kế hoạch trong công việc. Đặc biệt, mình cảm nhận sự gắn kết, yêu thương của đồng nghiệp dành cho mình. Có đồng nghiệp nữ đang mang bầu, nhà cách công ty gầm 20 km mà vẫn nhiệt tình cổ vũ mình đến phút cuối cùng. Hay có anh đồng nghiệp mặc dù bận việc báo trước nhưng vẫn đến cổ vũ cho mình trong vòng chung kết.

- Trong các vòng thi (kể cả vòng loại) của QA Challenge, Trâm thích nhất vòng thi nào? (Đỗ Công Tá, 33 tuổi, TP HCM)

- Hồng Trâm: Mình thích nhất vòng 2 bởi vòng thi này buộc phải làm những việc bản thân chưa bao giờ làm: Lên kịch bản, đạo diễn, diễn viên quần chúng, quay clip, lồng tiếng, xử lý hậu kỳ... Công việc này mang đến cho mình nhiều trải nghiệm rất thú vị.

- Tốt nghiệp ngành hoàn xa lạ với QA, anh nghĩ như thế nào về việc nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành? (Thanh Hà, 31 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội)

- Trung Hiếu: Tôi tốt nghiệp ngành Môi trường, Đại học Bách khoa, một ngành học về cơ bản vẫn có những ứng dụng cho công việc hiện tại. Khi học đại học, chúng ta sẽ được rèn luyện các kỹ năng, kiến thức cơ bản. Nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành có thể do thiếu thông tin để lựa chọn, môi trường xã hội thay đổi liên tục, nhiều việc mới sinh ra và nhiều việc cũ đã biến mất, chúng ta không dự đoán được tương lai nên việc trái ngành là khó tránh khỏi.

Khi ra trường và tiếp xúc thực tế, mỗi người sẽ tìm thấy một công việc phù hợp nhất. Vấn đề trái ngành hay không là do quan niệm của mỗi người. Tôi nghĩ chỉ cần bạn đam mê, yêu thích và có năng lực trong công việc hiện tại thì đó chính là nghề phù hợp với bạn.

a

Anh Hiếu cho rằng vấn đề trái ngành hay không là do quan niệm của mỗi người.

- Kỷ niệm đáng nhớ gắn bó với nghề QA của chị là gì? (Nam Trần, 38 tuổi, FPT Software)

- Phương Thảo: Trước đây, khi là cán bộ QA ở công ty sản xuất, nửa đêm mình vẫn phải đến công ty giải quyết nếu có sự cố. Mình đến để xem vấn đề và quyết định việc có tiếp tục cho sản xuất hay không. Lúc đó, mình là QA chuyên ngành nên tiếng nói mình cũng có giá trị nhất định.

Còn ở FPT, kỷ niệm nhớ nhất là năm 2012, mình được giải Cá nhân tiêu biểu 6 tháng và cả năm của FPT Trading. Mình rất vui khi những đóng góp của mình cho hoạt động QA của công ty đã được ghi nhận.

- Mới vào FPT thời gian ngắn nhưng chị có thể trả lời "chuẩn" được nhiều câu hỏi chuyên môn. Chị có thể đưa ra lời khuyên cho đồng nghiệp để có thể làm tốt như vậy trong các cuộc thi tương tự? (Đỗ Quang Dũng, 24 tuổi, Hà Nội)

- Hồng Trâm: Đứng trước một cuộc thi mình luôn chuẩn bị tâm lý thoải mái, không đặt nặng vấn đề thắng thua nên mình cảm thấy bình tĩnh suy nghĩ để trả lời câu hỏi được tốt nhất. Mặt khác, mình cũng đầu tư thời gian ôn luyện kiến thức để bản thân tự tin hơn.

- Anh có thể chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn gặp phải trong nghề QA? (Minh Đức, 28 tuổi, Bắc Giang)

- Trung Hiếu: Khó khăn lớn nhất là nhiều CBNV trong công ty chưa hiểu được vai trò và trách nhiệm của QA nên thường cho rằng QA là "cảnh sát" chuyên "soi mói và bắt lỗi". Tuy nhiên, tôi tin rằng khi công việc hiệu quả hơn, nhân viên sẽ hiểu hơn về trách nhiệm của QA.

Chúng tôi cũng vui hơn khi nhìn thấy sự phát triển bền vững của công ty, thấy CBNV làm việc say mê, hiệu quả hơn và tìm đến QA khi có việc cần trao đổi, hỗ trợ.

- Bạn có dự định cụ thể nào cho công việc QA ở FPT Online trong thời gian tới? (Nguyễn Cẩm Phương, 26 tuổi, Tân Thuận, TP HCM)

- Hồng Trâm: Trong thời gian tới, FPT Online vẫn sẽ tập trung vào mảng quảng cáo trực tuyến, game online và báo điện tử. Mình sẽ nâng cao kiến thức về 3 lĩnh vực này, phân tích tình hình hiện tại, tìm ra những điểm khó khăn... Từ đó đưa ra những cải tiến thích hợp để giải quyết những khó khăn trên, đạt được mục tiêu Ban lãnh đạo công ty đề ra.

- Gần đây, các bộ phận trong FPT làm chiến lược và lập kế hoạch theo phương pháp BSC. Vậy, bộ phận bạn đang làm đã thực hiện việc này như thế nào? (Tuấn Đạt, 29 tuổi, TP HCM)

- Phương Thảo: Phòng QA của FPT Trading cũng may mắn được học về phương pháp BSC. Phương pháp này đòi hỏi sự thống nhất từ các cấp lãnh đạo đến từng phòng ban. Còn tại phòng QA, quan trọng là từng nhân viên trong phòng phải hiểu được về BSC, từ đó lập được kế hoạch công việc theo phương pháp này.

a

Trâm sẽ nâng cao kiến thức về 3 lĩnh vực của FPT Online, phân tích tình hình hiện tại, tìm ra những điểm khó khăn.

- Anh áp dụng được quy trình nào của QA vào việc “quản trị” gia đình? (Thanh Lan, 31 tuổi, FPT Telecom Hải Phòng)

- Trung Hiếu: Do tính chất công việc QA đã ăn sâu vào tiềm thức nên tôi cũng áp dụng một cách "tự nhiên" trong gia đình. Tôi thường quan tâm đến việc sắp xếp đồ đạc, vật dụng khoa học để dễ tìm kiếm khi cần thiết. Ngoài ra, tôi cũng chú ý đến việc phòng ngừa rủi ro khi nuôi con nhỏ như đồ nóng, các vật sắc nhọn, hóa chất phải để xa tầm với... Khi gia đình có việc lớn sẽ có kế hoạch và phân công công việc hợp lý để mọi việc được thuận lợi, trôi chảy hơn.

- Nếu có trường hợp bạn đi kiểm soát và ghi nhận NC (lỗi) nhưng bị phản ứng. Bạn sẽ xử lý như thế nào? (Thùy Chi, 33 tuổi, Ninh Bình)

- Phương Thảo: Với mỗi lần đi kiểm soát đều có phần họp kết thúc, khi nêu ra vấn đề của đơn vị được kiểm soát hai bên phải thống nhất mọi thông tin liên quan. Bộ phận QA ghi nhận NC theo quy trình quy định, có dẫn chứng cụ thể nên nếu thực sự bộ phận đó có NC thì mình phải giải thích cho họ hiểu và làm sáng tỏ vấn đề trước khi đưa vào báo cáo.

- Anh rút ra được kinh nghiệm gì sau các vòng thi Trạng nghề QA, đặc biệt là ở vòng Chung kết? (Hoàng Mai, 26 tuổi, Bắc Ninh)

- Trung Hiếu: Mỗi vòng thi là những trải nghiệm, thử thách mới cho chúng ta những kinh nghiệm khác nhau. Ở vòng trắc nghiệm, bạn cần "nhanh tay nhanh mắt", nhạy bén, suy luận tốt. Với phần làm clip, ngoài việc có ý tưởng tốt, phát huy khả năng sáng tạo, còn cần có sự hỗ trợ của tập thể. Với vòng cuối, các thí sinh cần phải bình tĩnh, tự tin và đôi khi phải quyết đoán.

- Theo chị, hiện nay FPT Trading có những vấn đề gì tồn đọng trong công tác chất lượng? (Hoài Nam, 23 tuổi, FPT Trading, Hà Nội)

- Phương Thảo: FPT Trading là một công ty phân phối nên có nhiều đặc thù riêng. Ví dụ, việc đảm bảo đúng quy trình, quy định của công ty đối với bộ phận luôn biến chuyển như sales (kinh doanh) cũng là một thách thức. Làm sao tài liệu phải tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hồ sơ pháp lý theo đúng pháp luật.

- Trong khi các thí sinh khác có vẻ khá hồi hộp thì anh lại rất điềm tĩnh. Vì sao anh lại có sự bình tĩnh trong một cuộc thi đầy căng thẳng như vậy? (Bùi Đức Sơn, 21 tuổi, Hà Nội)

- Trung Hiếu: Thực ra điềm tĩnh chỉ là "vẻ bề ngoài" vì thật ra tôi cũng khá run và hồi hộp khi lần đầu tiên tham gia một cuộc thi như thế. Có lẽ do "bệnh nghề nghiệp" và tính chất công việc của QA đã giúp tôi luôn thể hiện được sự điềm tĩnh trong mọi tình huống.

a

"Mình hy vọng các độc giả sẽ ngày càng gắn bó hơn với báo Chúng ta cũng như đóng góp những ý kiến thiết thực để báo ngày hoàn thiện hơn nữa", Trâm nhắn nhủ.

- Kế hoạch công việc của Tam khôi trong năm 2014? Các bạn muốn nhắn nhủ với các đồng nghiệp và chia sẻ điều gì với độc giả của chungta.vn?(Phạm Thu Hằng, 28 tuổi, Hà Nội)

- Phương Thảo: Trong năm tới, mình dự định trau dồi kiến thức chuyên ngành QA, học thêm về ngoại ngữ, nâng cao năng lực kiểm soát, đào tạo, tinh gọn hệ thống tài liệu của công ty. Rất mong các đồng nghiệp sẽ cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa cho FPT trong hoạt động chất lượng, giúp FPT ngày càng phát triển hơn nữa.
Mình cảm ơn các độc giả đã gửi câu hỏi, theo dõi cuộc trò chuyện và dành tình cảm cho mình. Chúc các bạn luôn làm việc tốt, vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống.

- Trung Hiếu: Năm 2014 sẽ có khá nhiều công việc cho QA. Chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp kiểm soát, đào tạo và hỗ trợ tốt cho CBNV các chi nhánh để đạt hiệu quả cao trong công việc. Tôi cũng sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch cá nhân để trở thành một chuyên gia về tiêu chuẩn, hệ thống.

Tôi rất cảm ơn các đồng nghiệp đã có những câu hỏi, chia sẻ chân thành để mọi người cùng hiểu hơn về công việc và vai trò của QA. Chúc các độc giả chungta.vn luôn làm việc hiệu quả và theo đuổi thành công niềm đam mê của riêng mình.

- Hồng Trâm: Sắp kết thúc một năm, mình chúc các đồng nghiệp sẽ hoàn thành tốt nhất công việc trong năm và tràn đầy năng lượng để chào đón năm mới.

Mình hy vọng các độc giả sẽ ngày càng gắn bó hơn với báo Chúng ta cũng như đóng góp những ý kiến thiết thực để báo ngày hoàn thiện hơn nữa.

Chúng ta

Ảnh: Nguyên Anh - Viết Thông

Ý kiến

()