Chúng ta

Ấn tượng về những điều giản dị

Thứ năm, 3/1/2013 | 10:29 GMT+7

Cái bình dị ở con người anh và những anh em đồng nghiệp đã thấm vào tôi lúc nào không hay.
> 'Thái hậu' Linh Giang

Lần đầu tiên ngồi nói chuyện với anh tại quán café Phố Nhỏ ở Cao Bá Quát. Tôi thực sự có ấn tượng tốt về con người anh. Lần gặp mặt hôm đó thực ra là buổi phỏng vấn xin việc nhưng anh đã biến không khí căng thẳng thành buổi nói chuyện rất thân mật.

Anh Mai Công Nguyên hiện là TGĐ FPT IS ERP. Ảnh: C.T.

Anh Mai Công Nguyên hiện là TGĐ FPT IS ERP. Ảnh: C.T.

Cách nói chuyện gọi chú, xưng anh rất gần gũi khiến tôi có cảm giác đã là anh em một nhà từ lâu rồi. Chúng tôi nói về cuộc sống, về quan điểm trong công việc. Quả thực, khi đó tôi mới về nước được hơn một tháng nên cách nhìn về công việc và cuộc sống cũng hơi khác.

Anh hỏi tôi mong muốn những gì ở công việc và chúng tôi bị cuốn vào chủ đề này. Nào là một môi trường làm việc tốt, tạo cơ hội phát triển, thăng tiến, nào là mức lương tương xứng, ít nhất cũng phải đủ để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, nào là hình ảnh của công ty đứng đằng sau để người lao động có thể giúp mình xây dựng thương hiệu (brand name) cho chính bản thân mình.

Thật thú vị khi nói về chuyện lương bổng. Anh bảo: “Chú đang tiêu tiền kiểu Việt Kiều yêu nước. Về đây dần dần chú sẽ thấy cơm bụi 7.000 đồng của anh cũng ngon như cơm nhà hàng vậy”. Tôi bật cười nhưng trong lòng cũng thấy lo lo. Lâu lắm rồi tôi không ăn cơm bụi và tôi cũng không thích. Người ta nói, khi đang khổ mà được sướng thì thích nghi nhanh lắm, nhưng đang sướng mà phải khổ thì quả là một vấn đề.

Nói vậy không phải vì tôi kiêu căng, đòi hỏi hay điều gì đó tương tự như vậy. Đơn giản là lâu nay, tôi đã quen với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ngoài, nay phải ăn vạ vật như vậy rất dễ bị đau bụng. Nhưng tôi cũng tự nhủ: “Chẳng sao, hồi trước sinh viên ăn uống còn tệ hơn nhiều mà có ai chết đâu".

Và trà đá Cây Bàng dường như đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” vậy. Sau mỗi bữa trưa, hay khi mệt mỏi, mấy anh em lại rủ nhau đi. Đây là cách thư giãn rất hiệu quả. Chén trà 500 đồng đã đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Những thông tin tôi góp nhặt quanh gốc bàng có khi còn nhiều hơn trong mỗi buổi họp giao ban cuối tuần.

Tôi phát hiện ra anh là người có tài hùng biện, diễn thuyết hàng đầu. Anh có thể nói hết chuyện này đến chuyện khác từ chuyện gia đình, vợ con, tình yêu đến những vấn đề về chiến lược quản trị công ty. Tư duy logic, ngắn gọn của một người làm kỹ thuật, công nghệ khiến cho mọi vấn đề dù cao xa cũng trở thành gần gũi.

Cứ như thế, cái bình dị ở con người anh và những anh em khác đã thấm vào tôi lúc nào không hay. Giờ đây, vẫn cơm bụi 7.000 đồng nhưng tôi có thể “chiến đấu” bốn bát như thường. Những chén trà Cây Bàng vẫn là sự lựa chọn cho quá trình thu thập thông tin của chúng tôi.

Anh vẫn nói: “Chúng ta là trung tâm công nghệ mới, chưa có dự án, nên phải tiết kiệm. Các chú cần có tư duy về con số, biết tiết kiệm thì mới có thể vững vàng đón nhận những dự án nhiều triệu đôla được”.

Nhớ hồi trước, khi học môn Văn hóa Công ty, ông giáo sư già kể một câu chuyện vui. Bà vợ già của ông nuôi một đàn mèo, nhưng rồi dường như để cho cuộc sống sinh động hơn, bà quyết định mua một chú chó con nữa. Sống giữa bầy mèo, ban đầu chú cún con vẫn cất tiếng sủa “gâu gâu”, nhưng tiếng sủa ấy ngày một thưa dần và một ngày kia ông giật mình khi nghe chú cún kêu “meo...” một tiếng rõ dài. Ấy là văn hoá. Khi ta sống trong một môi trường mới, ta sẽ dần bị ảnh hưởng bởi văn hoá nơi đó. Văn hoá đó ngấm vào ta lúc nào không biết. Dường như tôi cũng vậy, cách gọi chú xưng anh của người FPT đã ngấm vào tôi từ lúc nào không hay. Tôi cũng gọi mấy chú ít tuổi hơn như vậy gần như vô thức. Quả thực, cách gọi đó đã đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Cái bình dị, giản đơn của anh đã thấm vào trong con người chúng tôi. Đó chính là hạnh phúc, niềm hạnh phúc từ những điều bình dị nhất.

Anh là Mai Công Nguyên. Hiện là TGĐ FPT IS ERP.

Lê Quốc Vinh

(Theo "Sử ký FPT IS 10 năm")

 

 

Ý kiến

()