Chúng ta

Nhân lực là vấn đề mấu chốt để FPT phát triển

Thứ năm, 3/4/2014 | 16:58 GMT+7

Với chiến lược Toàn cầu hóa, FPT sẽ phải nỗ lực trong việc đào tạo và tuyển chọn nhân lực cấp cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2014-2016.
> Cổ đông khen ĐHĐCĐ FPT 'chuyên nghiệp và hoành tráng' / Không khí toàn cầu hóa lan tỏa trong ĐHĐCĐ FPT 2014 / Cổ đông 'đặt cược' vào chiến lược phát triển của FPT

ĐHĐCĐ thường niên FPT 2014 đã diễn ra vào sáng ngày 29/3 tại Khách sạn Daewoo Hà Nội với sự tham gia của hơn 165 cổ đông. Bên cạnh tình hình kinh doanh, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là việc xây dựng đội ngũ nhân sự triển khai chiến lược của tập đoàn.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định, với đà phát triển như hiện nay, vấn đề mấu chốt của FPT chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ban lãnh đạo tập đoàn đã ngồi họp bàn và lên phương án chuẩn bị đầy đủ cho vấn đề này. Cụ thể, đối với thị trường Nhật, ĐH FPT đã giúp FPT Software đào tạo khoảng 800 kỹ sư cầu nối (BrSE) với trình độ tiếng Nhật tối thiểu đạt bậc 2. Để đáp ứng nhu cầu lớn về nhân lực cho các dự án từ xứ sở Phù Tang, FPT Software cũng đã hoạch định mở cơ sở đào tạo 1.000 kỹ sư cầu nối tại Đà Nẵng.

Ban lãnh đạo FPT hạ quyết tâm tăng trưởng để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Ảnh: Nguyên Anh.

Ban lãnh đạo FPT hạ quyết tâm tăng trưởng để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Ảnh: Nguyên Anh.

“Đây là sáng tạo mới của Tập đoàn FPT để một người không biết tiếng Nhật, sau 9 tháng có thể tốt nghiệp chương trình, đạt được trình độ tiếng Nhật bậc 2. Như thế chưa đủ, FPT cũng đang nghĩ tới việc đào tạo kỹ sư cầu nối ngay tại Nhật Bản, sau đó sẽ trở về làm việc cho công ty”, anh nói.

Ở các thị trường khác, FPT tiến hành “chuẩn” hóa nhân lực bằng việc yêu cầu nhân viên tham gia toàn cầu hóa phải nâng cao trình độ ngoại ngữ. Sau thời gian nhất định, một số nhân viên sẽ được đào tạo để trở thành “chuyên gia trong lĩnh vực” của mình. Cùng với đó, FPT cũng nghĩ tới việc chiêu mộ nhân sự quốc tế từ các nước như Ấn Độ, Malaysia....

Bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo tham gia chiến lược toàn cầu hóa, người đứng đầu FPT chia sẻ, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục tuyển dụng nhân sự cao cấp. Theo đó, công ty đang tìm kiếm nhân lực mới, những người có kỹ năng triển khai trong công ty toàn cầu, kiến thức rộng rãi về toàn cầu.

Để có thể tập trung đẩy mạnh toàn cầu hóa cũng như củng cố vị thế trong các lĩnh vực truyền thống tại thị trường trong nước, FPT sẽ tăng cường đầu tư cho công nghệ mới và các hoạt động nghiên cứu phát triển; đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Do vậy, tập đoàn cũng tích cực “cầu hiền” các nhân vật quốc tế có thành tích M&A trên thế giới để triển khai hoạt động này nhằm bổ sung những năng lực cần thiết, rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường và nhanh chóng mở rộng danh sách khách hàng.

“Trước kia, FPT có thể mua công ty nước ngoài thì ngày nay, FPT phải mua công ty nước ngoài. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty trong lĩnh vực dịch vụ CNTT tại một số thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật, châu Âu và sẽ ưu tiên M&A theo từng khu vực và theo các nước khác nhau”, anh Bình cho hay.

Trong lộ trình trở thành một tập đoàn toàn cầu, FPT đã đưa ra chính sách đãi ngộ nhân tài với việc phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP). Tuy nhiên, theo đánh giá của cổ đông, cơ chế này “chưa đủ sức hấp dẫn”. “Công ty có thể nâng tỷ lệ phát hành cổ phiếu ưu đãi lên 2-2,55 thay vì 0,5%. Thời gian chuyển nhượng nên dần dần từ 1-2-3 năm thay vì sau 3 năm”, đại diện quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital đề xuất.

Để cân bằng được hai mục tiêu giữ người tài và đảm bảo lợi ích của cổ đông lâu năm, anh Bình cho biết, FPT ghi nhận đề xuất này và sẽ tiếp tục xin ý kiến cổ đông để cải thiện trong tương lai.

Cùng với vấn đề nhân lực, cổ đông cũng dành sự quan tâm tới tình hình đầu tư và phần lợi nhuận trong mảng viễn thông, nội dung số.

Theo Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà, công ty hiện tiếp tục đầu tư và nâng cấp hạ tầng viễn thông tại các thành phố lớn để chuẩn bị cho các đường trục mới. Số tiền đầu tư tăng dần qua các năm nhằm đảm bảo chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài, đồng thời, công ty vẫn duy trì mức lợi nhuận và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2012, FPT Telecom đã kéo đường trục Bắc - Nam và hai mạch A-B. Đơn vị cũng xin được giấy phép kinh doanh truyền hình cáp vào tháng 8/2013. “Chúng tôi đang gấp rút đẩy mạnh triển khai công tác hạ tầng và kỹ thuật để đưa dịch vụ truyền hình trả tiền vào cung cấp đại trà. Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1/7, chúng tôi sẽ triển khai tại Hà Nội và TP HCM. Hy vọng đây sẽ là hướng kinh doanh đem lại doanh thu lớn cho công ty”, chị nói.

Ở mảng giáo dục, giải đáp thắc mắc của cổ đông về doanh thu và chất lượng đào tạo, anh Bình chia sẻ, năm 2013, doanh thu từ mảng giáo dục đạt 500 tỷ đồng. Con số sinh viên đã vượt ngưỡng 16.000 người, nhà trường cũng mở nhiều khóa đào tạo cho sinh viên nước ngoài về CNTT, thực hiện xuất khẩu giáo dục và liên kết đào tạo tại một số quốc gia đang phát triển như Myanmar, Lào…

Với tỷ lệ hơn 90% sinh viên tốt nghiệp Đại học FPT có việc làm sau 6 tháng ra trường, anh Bình nhận định: “FPT là một trong những trường đại học đào tạo Công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và là niềm tự hào của tập đoàn”.

Ở mảng tích hợp hệ thống, Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo lý giải việc doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm bằng những khó khăn từ phía ngân hàng, đối tác chiến lược của đơn vị. Anh cũng dự báo, khi ngân hàng hồi phục, FPT IS sẽ thoát khỏi tình trạng này.

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch FPT nhìn nhận một cách tích cực: “FPT đang trên con đường toàn cầu hóa nên sự hiện diện của yếu tố toàn cầu trong đội ngũ cổ đông, HĐQT hay Ban đều hành thì đều tốt cho hoạt động của công ty”.

Thanh Nga

Ý kiến

()