Chúng ta

Cần ‘hoang tưởng’ khi bước vào sân chơi toàn cầu

Thứ bảy, 14/12/2013 | 22:58 GMT+7

“Bước ra sân chơi quốc tế, với những khó khăn, thách thức mà các dự án đem đến, quản trị dự án gần như xác định có thể ‘chết’ bất cứ lúc nào”, Phó TGĐ FPT IS Phùng Việt Thắng chia sẻ trong phần tọa đàm của Hội nghị PM 2013.
> Kinh nghiệm thực tế là bài học quý giá nhất / Tinh thần toàn cầu là điểm nhấn của hội nghị PM / Quản trị dự án không biên giới

Chương trình được tổ chức vào sáng 14/12, tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội với sự tham gia của TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc cùng gần 130 thành viên CLB Kinh doanh dự án (PBC).

Theo anh Thắng, toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu trên thế giới chứ không phải do Việt Nam, hay FPT nghĩ ra. Tuy nhiên, vì xuất phát điểm không cao nên câu chuyện toàn cầu hóa tại Việt Nam không giống với các nước khác.

Giám đốc R&D của Tập đoàn IRESS Vincent Galeron nhận định, toàn cầu hóa không có cơ hội mà chỉ có thách thức. Ảnh:

Giám đốc R&D của Tập đoàn IRESS Vincent Galeron nhận định, toàn cầu hóa không có cơ hội mà chỉ có thách thức. Ảnh: FLI

Bằng chứng là “chúng ta không nhìn dự án ở mặt có lợi, mà thường xem xét nó ở mặt đối lập, chẳng hạn như, để đạt được mục đích ta phải trả giá những gì?”, anh nói.

Xác định con đường vươn ra biển lớn gần như chỉ toàn đối mặt với thách thức, cơ hội không có nhiều, Phó TGĐ FPT IS cho rằng, quản trị dự án (PM) nên xác định "dự án chết" gần như chắc chắn. Do đó, các PM cần phải biết “hoang tưởng” rằng mình làm được.

“Hoang tưởng ở đây không phải là tin vào những điều viển vông mà là niềm tin dựa trên sự chuẩn bị kỹ càng, xác định rõ những mục tiêu cụ thể, để từ đó giúp ta vượt qua khó khăn và gia tăng khả năng thành công của dự án”, anh Thắng lý giải.

Thực tế, giữa việc triển khai công việc trong một dự án với mức độ hài lòng của khách hàng luôn có khoảng cách xa do đôi bên không có sự nhất trí. Vì thế, mỗi PM cần có sự thay đổi tư duy phù hợp.

Với sân chơi quốc tế, Việt Nam hay FPT đều chưa có vị trí cao, câu chuyện lựa chọn khách hàng hay khách hàng lựa chọn lệch hẳn về vế thứ hai.

“Để được khách hàng lựa chọn, điều quan trọng là chúng ta phải biết nâng giá trị của mình lên bằng những thứ mà đối thủ khác không có, nhất là khi toàn cầu hóa tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người”, anh nhấn mạnh.

Nhiều năm kinh nghiệm làm dự án quốc tế, Giám đốc Công ty Sáng tạo công nghệ FPT toàn cầu (FTICO) Lê Hà Đức đồng tình với quan điểm này. Anh Đức cho rằng, PM cần phải tìm được đích đến để đạt được mục tiêu. Việc nâng cao vị thế của tập đoàn gần như chỉ còn cách cố gắng làm hết sức mình, kể cả việc chấp nhận “vừa học, vừa làm”.

Phần tọa đàm được nhiều thành viên quan tâm với những bài học kinh nghiệm thực tế của diễn giả.

Phần tọa đàm được nhiều thành viên quan tâm với những bài học kinh nghiệm thực tế của diễn giả. Ảnh: Vân Bích

Phân biệt dự án trong nước và dự án toàn cầu, cả hai diễn giả đều cho rằng, ngoài sự tương đồng về thước đo giá trị, các học thuật, thì khác nhau lớn nhất chính là ở việc triển khai dự án. Trong đó, giữa các dự án toàn cầu cũng tồn tại nhiều điểm không tương đồng.

Cụ thể, theo anh Thắng, ở các nước phát triển, khách hàng đặt ra bài toán rất rõ ràng và chia việc khá cụ thể. Trong khi ở các nước chưa hay đang phát triển, bài toán đưa ra lại khá mù mờ, gần như đội dự án phải tư vấn cho khách và tự chia việc.

“Đây cũng là thách thức khi chúng ta phải có sự hiểu biết rộng hơn khách hàng để hướng dẫn họ, không phải chạy theo những yêu cầu của họ”, anh nói.

Nhìn nhận đội ngũ quản trị dự án của FPT, Giám đốc FTICO khẳng định, lực lượng PM ngày càng gia tăng, số lượng PM được cấp chứng chỉ PMP cho thấy tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư. Song, quản trị dự án không chỉ dừng lại ở vấn đề học thuật, mà còn là những kinh nghiệm thực tế. Do đó, đội ngũ PM cần được “đẩy” ra chiến trường để giúp tập đoàn đạt được mục tiêu lớn.

Phần tọa đàm với chủ đề thay đổi tư duy dành được sự quan tâm của người tham dự với nhiều câu hỏi thú vị đặt ra. Những bài học kinh nghiệm và kỷ niệm của các diễn giả khi tham gia một số dự án toàn cầu đã đem lại bầu không khí nhiều sắc thái, nghiêm túc nhưng vẫn vui vẻ, thoải mái.

Trước đó, hội trường cũng đã lắng nghe những chia sẻ của ông Vincent Galeron, Giám đốc R&D, Tập đoàn IRESS về chủ đề "Thách thức nghề quản trị dự án trong bối cảnh toàn cầu".

Qua việc phân tích và xác định vị thế Việt Nam dưới góc nhìn của người nước ngoài, ông Vincent cho rằng, sân chơi toàn cầu hóa thực sự ẩn chứa nhiều thách thức hơn cơ hội.

Khép lại chương trình, các thành viên PBC đã tham gia thảo luận tại ba tiểu ban với 6 chủ đề khác nhau. Mỗi tiểu ban gồm hai diễn giả là những cán bộ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị dự án của FPT, trình bày kỹ năng chuyên sâu khi tham gia dự án toàn cầu.

Từng thực hiện nhiều dự án trong nước, sắp tới sẽ tham gia dự án toàn cầu nên anh Nguyễn Thế Cường, FPT IS cảm thấy chủ đề của chương trình rất phù hợp. "Những nội dung được chia sẻ trong chương trình rất hữu ích. Ngoài những tư duy, kiến thức cần có với PM thì thay đổi tư duy là điều quan trọng nhất khi ra sân chơi quốc tế", anh nhận định.

 Lần thứ ba tham gia Hội nghị PM của tập đoàn, chị Phùng Thanh Xuân, FPT Software, đặc biệt quan tâm đến những kinh nghiệm sau mỗi câu chuyện được chia sẻ trong chương trình bởi những lý thuyết học thuật có khá nhiều tài liệu để tham khảo.

Về công tác tổ chức, chị Xuân nhận xét chương trình hơi ngắn với tham vọng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. “BTC có thể lựa chọn một số chủ đề lớn nhất chứ không nhất thiết phải chia thành các tiểu ban”, chị góp ý.

Đây cũng là ý kiến của anh Lê Ngọc Minh, FPT Telecom. Anh Minh cho rằng, phần nào cũng đều có ý hay, nhưng phần tọa đàm có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ hơn cả. Do đó, thời lượng chương trình cho phần này nên dài hơn.

Chia sẻ trước chương trình, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc vui mừng khi đây là chương trình thứ 4 được CLB Kinh doanh dự án (PBC, thuộc Học viện Lãnh đạo FPT) được triển khai thành công. Ngoài việc khẳng định đây là sân chơi dành cho các PM học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra giải pháp cho công việc, “sư tổ” của ngành cũng hy vọng nghề Quản trị dự án sẽ tiếp tục phát triển tại FPT.

"Tập đoàn nên có nhiều chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như thế này để đội ngũ PM của FPT được học hỏi và trưởng thành", Phó TGĐ FPT IS Phùng Việt Thắng đề xuất. 

Thanh Nga

Ý kiến

()