Chúng ta

Con hãy sống cho chính mình!

Thứ ba, 29/7/2014 | 11:18 GMT+7

Con sinh ra là để sống cho chính mình, chứ không vì ai cả. Khi con có trách nhiệm tích cực với chính bản thân thì sẽ không là gánh nặng của bố mẹ, hay của xã hội. Chỉ cần như vậy với mẹ đã là hạnh phúc.
> Hãy để trẻ thấy thực tế giống như những gì được dạy

Mẹ rất thích Chie. Nếu sau này con đọc truyện "Chie - cô bé hạt tiêu" thì sẽ thấy cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến mức nào so với bạn cùng trang lứa, Chie luôn tự nhủ: "Mình là đứa trẻ giỏi nhất Nhật Bản", chứ không bao giờ đổ tại số phận cả. 

Mẹ mong con sau này cũng như vậy, cho dù điều gì xảy ra, con luôn biết tự động viên rằng mình là đứa trẻ may mắn và hạnh phúc.

Thực ra bố mẹ chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ có một đứa con ra sao. Suy nghĩ về việc này chỉ dừng ở mức đặt tên và thống nhất cách giáo dục để sau hạn chế va chạm. Còn lại mọi thứ chạy trong đầu lúc này chỉ là ăn gì - chơi ở đâu, làm sao để vui vẻ hạnh phúc nhất. Nhưng mẹ tin rằng khi con có một gia đình luôn mong muốn tạo niềm vui, biết yêu thương nhau, thì đã rất may mắn và hạnh phúc rồi.

Bố con đã phân công cụ thể mọi việc. Bố sẽ dạy con học, vì học là sở trường của bố. Bên cạnh đó bố sẽ nấu cơm chăm sóc con, về khoản cơm nước thì mẹ tin tưởng bố 100%. Những kỹ năng mềm mẹ sẽ phụ trách, bố nhấn mạnh mẹ phải dạy con cách chào hỏi, nói lời cảm ơn, cư xử thật đúng mực... vì ngày xưa bố chỉ có học thôi, nên cách giao tiếp xung quanh rất tệ.

Mẹ nghĩ việc đầu tiên là phải dạy con có trách nhiệm với chính mình. Sẽ thật ích kỷ nếu mẹ mong muốn con sinh ra để báo hiếu bố mẹ, để bố mẹ dựa vào lúc tuổi già hay để giúp đỡ anh, chị em của con. Con sinh ra là để sống cho chính mình, chứ không phải vì ai cả. Khi con có trách nhiệm tích cực với chính bản thân thì sẽ không là gánh nặng của bố mẹ, hay của xã hội. Chỉ cần như vậy với mẹ là hạnh phúc.

Con sẽ phải tập cách tự chuẩn bị đồ trước một chuyến đi chơi xa, tự xúc cơm cho mình từ sớm, biết ngủ xa hơi ấm của bố mẹ...

Và mẹ cũng vậy, mẹ phải học cách làm "mẹ đoảng" hơn những người khác. Sẽ không đưa cho con chiếc bàn chải mới nếu như con quên mang trong chuyến đi vì chỗ trong túi balo chật kín đồ chơi. Sẽ không bế rong con chỉ để nhét một thìa cháo. Sẽ cố kiềm chế nỗi xót con khi tập cho con ngủ riêng...

Hôm qua mẹ có gặp một bạn, bạn ấy bị phổi từ bé. Mọi người ai cũng chiều chuộng và không muốn để bạn ấy phải làm gì cả. Thậm chí để muốn mọi người làm theo ý mình, bạn ấy chỉ cần cố nặn ra nước mắt để cho mình khó thở, tất cả sẽ xót xa và chiều theo. Bạn ấy đã quen mọi người phải có trách nhiệm với mình. Mẹ đã nghĩ đến con, nếu giả sử con không được ông trời an cho sức khỏe như vậy, mẹ sợ mẹ sẽ khó lòng làm "mẹ đoảng". Bố đã vỗ về mẹ và bảo: "Quan trọng là con chúng ta phải cảm nhận được rằng mình may mắn và hạnh phúc, chỉ là mọi thứ chậm hơn một chút thôi". Cuộc sống ai cũng phải gặp những lúc khó khăn nhưng khi con tin rằng mình là "siêu nhân" thì dù khó khăn nào xảy ra vẫn đi giải cứu được... Đừng bao giờ khiến mình là trách nhiệm của người khác.

Bố mẹ đang tập dần những thói quen tốt để chờ con ra đời. Bố mẹ học lại từ đầu những điều rất đơn giản như chào ông bà: "Con chào bố mẹ ạ!", học mời cơm nhau (mỗi bữa cơm ngoài mời mọi người xung quanh, bố sẽ nói: "Mời vợ xơi cơm ạ", sau sẽ là: "Bố mời bạn Măng ăn cơm"), học cách nói chuyện với nhau có từ "dạ, vâng, ạ". Mẹ cảm nhận rằng có con, bố mẹ cũng trở nên “ngoan” hơn và may mắn hơn thì phải.

Con cái sinh ra không phải để thực hiện ước mơ của cha mẹ. Vì vậy, con hãy tự vẽ ra ước mơ của mình và thực hiện nó. Hãy nhớ lời mẹ: “Con là một đứa trẻ may mắn và hạnh phúc!” trên mỗi chặng đường con đi.

Mai Anh

Ý kiến

()