Chúng ta

Hãy để trẻ thấy thực tế giống như những gì được dạy

Thứ bảy, 26/7/2014 | 08:00 GMT+7

Trẻ con đôi khi không đơn giản, chúng có suy nghĩ sâu xa hơn ta tưởng về những điều được nghe, được dạy và những gì thấy trên thực tế.
> Cách dạy con của người giàu

Trẻ con đôi khi không đơn giản, chúng có suy nghĩ sâu xa hơn ta tưởng về những điều được nghe, được dạy và những gì thấy trên thực tế.
> Cách dạy con của người giàu

Chuyện xảy ra khi em trai tôi là cậu nhóc bé xíu còn đi nhà trẻ. Có một lần, bố tôi cho cu cậu hai nghìn đồng. Ngày ấy với số tiền đó, chúng tôi tha hồ mua những thứ kẹo bánh xanh, đỏ hấp dẫn. Em trai tôi háo hức lắm.
Muốn đến "thiên đường" bánh kẹo của bà cụ, phải đi ngang qua cái chợ cóc nhỏ nhưng cũng nhộn nhịp cả buổi sáng. Cu cậu đi mua đồ chưa đầy chớp mắt đã quay về nhà, trên tay chẳng có gì, mà khuôn mặt bầu bĩnh lại buồn thiu. Hỏi ra mới biết, cu cậu tới cửa hàng thì phát hiện ra rơi mất tiền, nên đành lủi thủi quay về. Bố mẹ tôi chỉ nhẹ nhàng an ủi, rằng nên tự đi mua cho biết, mất rồi thì lần sau phải cẩn thận hơn, cố gắng ngoan ngoãn, lần sau bố mẹ sẽ lại cho nữa. Nhưng em trai tôi vẫn không hết buồn, cả nhà nghĩ chắc cu cậu tiếc số bánh kẹo ngoài hàng vì rơi tiền mà chưa có được.

Trước cái vẻ buồn rầu đáng yêu ấy, bố mẹ tôi lại ra sức an ủi. Cu cậu cuối cùng cũng chịu thổn thức nói: “Con cũng tiếc vì làm rơi tiền lắm, con quay lại tìm, vì chỉ rơi ở chợ thôi. Nhưng tất cả mọi người đều cười ồ với con, nói rằng 'ngốc nghếch', 'tồ quá', 'rơi tiền ở đây thì làm gì có ai trả cho', 'rơi tiền lại còn mong tìm thấy'...". Tới đoạn này cu cậu càng khóc to “Sao mọi người lại cười con? Tại sao làm rơi thì sẽ không có ai trả?”. Bố mẹ tôi nhìn nhau, mẹ tôi đỡ lời an ủi “Chắc họ nhặt được muốn trả mà không biết của ai”. Em trai tôi vẫn nước mắt ngắn dài: “Không, tất cả mọi người đều cười con, nói rằng làm gì có chuyện nhặt được tiền rồi trả lại chứ, chỉ có người ngốc nghếch thôi”…

Bẵng đi vài hôm, một buổi chiều như thường lệ, em tôi được đón từ trường mẫu giáo về. Từ cổng, cu cậu nhảy phắt xuống xe chạy vào nhà, tay cầm tờ hai ngàn đồng, miệng cười toe toét, hớn hở khoe liên hồi với mẹ và tôi: “Mẹ với chị nhìn này, bố đưa con xuống đồn công an, chú công an nói rằng có bác nhặt được tiền của con ngoài chợ mang tới trả này. Mọi người ở chợ đều nói sai hết rồi. Nhặt được đồ rơi thì phải mang tới công an trả cho người mất chứ”. Bố mẹ tôi chỉ nháy mắt với nhau rồi cười.

Trẻ con đôi khi không đơn giản, chúng có suy nghĩ sâu xa hơn ta tưởng về những điều chúng được nghe, được dạy và những gì thấy trên thực tế. Em tôi không đơn giản chỉ buồn khi mất đi món quà bánh, mà buồn trước bài học “tôm tép trả tiền bà còng mua rau”. Thực tế không giống như những gì cu cậu đã được dạy. Trẻ nhỏ vốn như tờ giấy trắng, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ viết lên những bài học, trải nghiệm mà đôi lúc không tránh khỏi một số nét nguệch ngoạc. Người lớn không thể xóa hết được những thứ chưa hoàn hảo đó, mà chỉ cần chỉ cho trẻ thấy những việc làm tốt đẹp hơn ở bên cạnh, thế là đủ.

Tố Linh

Ý kiến

()